Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Tay nghề yếu và trái tim lạnh (Theo Tuổi trẻ online)


TT - Trò chuyện trên mạng với người bạn đang làm nghiên cứu sinh y khoa tại Nhật, tôi chia sẻ với tâm trạng xúc động của anh về cái chết của một bệnh nhi, đúng hơn là cách tiễn đưa của êkip trực với bệnh nhi xấu số đó.
Họ đang giao ban. Một điều dưỡng vào báo một em bé chừng 1 tuổi đang chờ được đưa về vì đã tử vong. Tất cả bác sĩ từ trưởng khoa đến những thực tập viên đều đến và đứng xung quanh giường bệnh. Gia đình bệnh nhân cũng ở đấy và đang khóc nức nở. Các bác sĩ cùng cúi đầu chào cha mẹ bệnh nhi.
Sau đó, từng bác sĩ trẻ bước lên xoa đầu thi thể em bé và cúi đầu chào em bé cùng gia đình thêm một lần nữa. Đến khi ra về, ông trưởng khoa và nhiều bác sĩ tiễn xuống tận xe. Nghe trong tiếng nghẹn ngào của người nhà có lời cảm ơn.
Anh bảo lúc ấy mắt anh ngân ngấn nước còn một nghiên cứu sinh người Việt Nam khác thì khóc nức nở. Anh và người bạn này đã là bác sĩ ở một bệnh viện lớn tại TP.HCM, từng chứng kiến sự ra đi của nhiều bệnh nhân nhưng chưa bao giờ xúc động như thế. Anh bảo cảnh tiễn đưa bệnh nhân như thế trước đây chỉ thấy trong mơ.
Nghe anh kể chuyện trong mơ về trách nhiệm của bác sĩ với một phận người không may mắn chợt chạnh lòng khi gần đây các trang báo có khá nhiều tin tức về sự tắc trách gây ra cái chết của bệnh nhân. Những cái chết có thể do tay nghề bác sĩ yếu, cũng có thể do trái tim bác sĩ lạnh. Anh kể trong những năm làm việc trước khi du học, ít khi nào anh thấy bác sĩ trằn trọc vì một bệnh nhân ra đi.
Câu chuyện cảm động trên được anh chia sẻ trên trang mạng và nhận được nhiều phản hồi của bạn bè, đa số là bác sĩ và sinh viên y khoa. Có ý kiến bảo rằng bệnh viện quá tải, một ngày quá nhiều trường hợp tử vong thì thời gian đâu để mủi lòng hoặc tiễn đưa bệnh nhân theo cách trân trọng ấy. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không thể đổ cho hoàn cảnh vì môi trường nghề y là môi trường nhân bản, phận người nằm trên mọi hoàn cảnh. Bác sĩ không dành thời gian quan tâm người bệnh là thất bại của nghề. Cũng có bác sĩ chua chát rằng sự lạnh lùng có xu hướng trở nên bình thường, nếu có bác sĩ nào làm khác đi, tình cảm hơn, có người sẽ đặt câu hỏi: “Hay là đã làm gì sai cho người nhà mình rồi”.
Một sinh viên Đại học Y dược TP.HCM cho rằng y đức trong nhà trường là những bài học sách vở, đi tìm những khoảnh khắc gợi nhịp rung cảm trong con tim khó hơn “đãi cát tìm vàng” để rồi khi tốt nghiệp ra trường, nhiều sinh viên đã đọc lời thề Hippocrates chỉ bằng miệng. Ai sẽ là người mang lại cho sinh viên những bài học đượm tình người không phải trên giảng đường mà ngay bên giường bệnh? Trách nhiệm này trước hết thuộc về những người thầy ở các trường y. Họ không chỉ truyền nghề mà phải truyền đạo cứu người như mục tiêu cao quý của nghề này đã xác lập từ xa xưa.
 MAI VINH

5 nhận xét:

  1. Thanks KT.
    Theo ngu ý của tôi, tất cả các lý do đưa ra, đều ngụy biện. Cái cốt lõi của vấn đề là tính nhân văn.
    Bài viết cũng đưa ra trách nhiệm trước hết thuộc về các người thầy ở trường y. Cũng chỉ là một phẩn, cái phần ngọn ấy cũng không đi đến đâu. Nó cũng chẳng khác nào các HLV bóng đá nước ngoài đều nói bóng đá việt nam xây nhà tự nóc...
    Nhân văn phải được truyền đời, nó chỉ được nuôi dưỡng và mang tính kế thừa và phát triển trong một môi trường tốt, mội trường nhân văn nhất. Môi trường đó là gia đình, xã hội, nhà trường... Nó phải như một cái cây từ khi lên mầm, sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường tốt TỪ BÉ, chứ không đợi đến lúc vào trường Y. Cái này lại là một đề tài xưa như trái đất " giáo dục" mà có lần diễn đàn Blog của chúng ta đã nổ súng rồi đó...
    Tôi làm 20 năm với người Nhật, một cái điểm nổi bật của họ là sẻ chia.
    - Với khách hàng, họ luôn trăn trở để satisfy khách hàng tốt nhất. Khi sự cố xảy ra, họ luôn là người tiên phong đưa ra các phương án xử lý giảm thiểu rủi ro nhất. sau đó là "Fact finding" - rồi "counter measure"...
    - Với Cty và đồng nghiệp họ luôn gắn trách nhiệm của mình như thể đó là gia đình và cuộc sống của mình. Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện rất đơn giản nhưng gây cho tôi một cảm xúc trân trọng và sau này tôi hay nói lại với staff của tôi về tính chia sẻ của người Nhật (cái này sau vụ động đất , cậu bé nhật đã lay động thê giới..)
    Chuyện là Cty tôi ở VN hoạt động rất tốt. Tuy nhiên nếu trong shipping, một số ACE biết đây là thời điểm rất khò khăn. Có nhiều hãng cứ 01 ngày lỗ 01 triệu đô la. Cty tôi toàn cầu là vậy. Tuy nhiên cách đây vài tháng người đồng nghiệp Nhật nói hỏi tôi, chính sách Cty mình ở VN, tôi và ông ta được tiêu chuẩn đi vé máy bay hạng C... Ông ta bảo tiêu chuẩn toàn cầu là như vậy. Tuy nhiên nhiều khi đi nhiều nên chúng tôi cứ mua vé hạng E. Người mình không sao, tuy nhiên đó cũng là bộ mặt Cty, khi đi với các hảng khác họ đi hạng C mà ông ta đi hạng E thì mất mặt. Thấy vậy tôi y/c thư ký mua vé cho ông ta hạng C. Được vài chuyến chúng tôi sử dụng hạng C, cũng thấy xướng. Tuy nhiên sau đó có một công văn từ HO gửi toàn cầu về việc cắt giảm chi phí khai thác tàu, nh/v của chúng tôi là phải y/c các cảng, nhà thầu giảm to961i thiểu 10% cost. Chỉ là chi phí khai thác chứ không phải chi phí travelling, nhất là Cty tôi ở VN còn lãi tốt. Tuy nhiên ông ta sau đó có nói chuyện lại với tôi: Tình hình Cty toàn cầu gặp khó khăn như vậy, tao không thể đi vé hạng C nữa....
    Một chuyện nhỏ , nhưng có lẽ là một nhấn cách không nhỏ !

    Trả lờiXóa
  2. Tks chuti chia sẻ.
    Đúng vậy. Phẩm chất của một Bác sỹ thì suy cho cùng cũng là phẩm chất của một người làm nghề như bao nghề khác: giáo viên, luật sư, công chức...
    Nó không chỉ hình thành ở cái nơi đào tạo mà còn ở gia đình, xã hội, môi trường sống ...

    Trả lờiXóa
  3. Các bạn đã nói về chính cái gọi là đạolý làm người. Trong nghề y, đạo lý này còn cần nâng lên một bước là "Lương y như từ mẫu"
    Sự trân trọng con người như câu chuyện ở nước Nhật xa xôi mà gần gũi kia, có lẽ phải còn lâu lâu lắm mới có ở nước ta.
    Không biết D có bi quan không, khi nghĩ, đạo đức XH Việt Nam đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, chưa nhìn thấy tương lai...

    Trả lờiXóa
  4. Thấy người thì ngẫm đến ta!
    Đúng như Chuti nói, vấn đề là ở tính nhân văn trong mỗi con người nói riêng và mỗi dân tộc nói chung. Mình cũng đồng ý với Dương là đạo đức xã hội mình đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Cảm giác như phần "con" đang dần lớn lên lấn bớt sang phần "người" theo đà phát triển của xã hội nước ta. Không biết ở các nước văn minh thì thế nào nhỉ? Hàng ngày đầy rẫy các tin đăng đầy trên báo : con giết cha, vợ giết chồng... Giết người nhiều khi vì một lý do lãng nhách! Cứ cho đấy là những chuyện số ít mà do thời đại thông tin nên mọi người đều được nghe thấy, thì xung quanh ta hàng ngày vẫn xảy ra những chuyện đáng buồn về nhân cách, lòng tự trọng của con người. Người ta sẵn sàng hại nhau bằng những hành vi, thủ đoạn thấp hèn vì tính đố kỵ, vì ham danh, ham tiền...
    Nghe có vẻ chán nhỉ? Tuy nhiên mình nghĩ người tốt vẫn nhiều hơn người xấu. Xung quanh ta còn rất nhiều người như các bạn! Tự mình sống đúng với lương tâm, cố dạy con cái mình làm được như vậy, xã hội rồi sẽ dần tốt hơn lên.

    Trả lờiXóa
  5. Chắc chắn là cái tốt nhiều hơn cái xấu, người tốt nhiều hơn người xấu. Tuy nhiên ở ta bây giờ mọi thứ đang lẫn lộn. Hy vọng là mọi thứ sẽ trở về trật tự của nó.

    Trả lờiXóa