Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Vì sao vũ trụ tồn tại bền vững? (Phần 3)

Hà Yên   



Nguyên lý bất định Heisenberg
Giáo sư David Lindley – nhà Vật lý lý thuyết, giảng dạy tại Đại hoc Cambridge (Anh) – trong một bài thuyết trình, ông nói : “Trong Cơ học lượng tử, một vấn đề mới và khá rắc rối là việc biết một sự thật về Thế giới, lại rất hay cản trở vĩnh viễn sự hiểu biết của chúng ta về một loại sự thật khác
Đúng hơn, đó là phát biểu về hệ quả Triết học của một Nguyên lý nổi tiếng của Vật lý học hiện đại : Nguyên lý bất định. Nguyên lý do W. Heisenberg khám phá và công bố năm 1927.
Đối với Vật lý học, phát biểu dễ hiểu nhất của nguyên lý này là : Nếu xác định vị trí của một hạt càng chính xác bao nhiêu, thì xác định vận tốc của nó càng thiếu chính xác bấy nhiêu. Dưới dạng toán học, nguyên lý bất định phát biểu rằng : Tích của độ bất định tọa độ (∆x) với độ bất định vận tốc (∆v), không bao giờ nhỏ hơn hằng số Plank chia cho 2π. Nếu giả sử, tích này bằng zéro, thì vị trí và vận tốc của hạt được xác định đồng thời với độ chính xác tùy ý. Nhưng Tự nhiên có sự lựa chọn khác : Hằng số Plank cho dù là cực kỳ nhỏ (h = 6,626.10-34 j.s) nhưng vẫn không phải là zéro. Vì vậy, nó tạo nên một giới hạn tuyệt đối của sự hiểu biết, Như Giáo sư D. Lindley đã nhận xét.
Khoa học lưu ý rằng đây là bản chất của Tự nhiên chứ không phải là do phương pháp hay phương tiện khảo sát của Nhà vật lý gây ra.
Tình hình bất định cũng tương tự như vậy đối với hai đại lượng liên hợp : Năng lượng và thời gian.
Trong cơ học cổ điển, như đã biết, tích của năng lượng và thời gian là một đại lượng có tên là tác dụng. Và vì tác dụng không phải là đại lượng nhận giá trị bất kỳ, mà chỉ nhận một giá trị nhỏ nhất khả dĩ. Vì giá trị đó là một hằng lượng, cho nên có thể coi tác dụng là một đại lượng vừa bất định (ở tầm vi mô), vừa là bảo toàn có điều kiện (ở tầm vĩ mô).
Cơ học lượng tử là thành tựu rực rỡ nhất của Vật lý học trong hành trình khám phá Thế giới vi mô. Một Thế giới bất định. Trong đó, vận động Vật chất chỉ có thể mô tả bằng những xác suất. Sự kỳ lạ lượng tử đó biểu hiện ở các định luật của Tự nhiên trong Thế giới lượng tử. Dường như có một yếu tố ngẫu nhiên cơ bản ngầm ẩn trong các định luật ấy, khiến cho các nguyên lý của Cơ học cổ điển không còn đúng nữa khi áp dụng cho Thế giới lượng tử. Nhưng yếu tố ngẫu nhiên nào tạo ra cái “ không còn đúng nữa “ đó ? Hay nói cách khác, cái gì đã hạn chế sự mô tả Tự nhiên theo các khái niệm và định luật của Vật lý học cổ điển ? Chính câu hỏi có bản chất cốt lõi đó, của Cơ học lượng tử, đã làm nổi bật giá trị to lớn của Nguyên lý bất định Heisenberg. Vì nó đã chỉ ra được sự “kỳ lạ lượng tử”nằm trong chính bản chất của các hạt vi mô.
Vì Nguyên lý bất định là một thuộc tính của Tự nhiên, cho nên những đại lượng có các đặc trưng liên hợp, các cặp phạm trù đối lập nhau nhưng chuyển hóa trong mối liên kết thống nhất, thì đều là hệ quả ứng nghiệm của nguyên lý bất định này. Đây là quá trình trừu tượng hóa hợp lôgic mà Giáo sư David Lindley đi từ cặp Chính xác –Thiếu chính xác của vị trí và vận tốc hạt, trong hệ Vật lý, đến cặp Nhận biết – Không thể nhận biết của đối tượng bất kỳ. Suy rộng hơn, như luật phủ định và phủ định của phủ định, cũng sẽ được hiểu như hai biến “Đúng” và “Sai” trong một mệnh đề lôgic, áp dụng cho các cặp phạm trù, đối lập mà không mâu thuẫn. Mặt khác, chúng tương đương như khái niệm Tác dụng và bảo toàn. Chẳng hạn như cặp phạm trù : Vật chất – Tinh thần ; Lượng – Chất ; Năng lực – Thời gian v.v..
Hệ quả Triết học từ các định luật, định lý của Khoa học tự nhiên là một sự thật, có ý nghĩa và vai trò hết sức to lớn trong quá trình phát triển Tư duy của nhân loại. Bỡi vì suy cho cùng, Khoa học cũng là sản phẩm có tính văn hóa, xã hội và lịch sử. Đòi hỏi Khoa học cơ bản đóng góp nhiều hơn nữa đối với yêu cầu nhận thức thực tiễn. Khoa học phải trở nên thân thiết và quen thuộc với mỗi con người. Phải trang bị cho con người niềm tin ở chính mình trong mối quan hệ gắn kết với Tự nhiên.
Ngay một ngành khoa học trừu tượng, có uy tín nhất về sự nghiêm ngặt, chỉ tuân theo những qui luật lôgic chặt chẽ như Toán học, thế mà sự soi sáng của định lý “Bất toàn”, do Nhà toán học Kurt Gödel (người Áo) khám phá, cũng đã cho thấy những khiếm khuyết hạn chế của mình từ những hệ quả Triết học được rút ra từ định lý đó. Thậm chí một Nhà khoa học tên tuổi như Giáo sư John Barrow (Đại học Sussex, London) đã lấy cảm hứng từ định lý Gödel để viết cả một cuốn sach nhằm chứng minh những hệ quả Triết học phong phú mà định lý “Bất toàn” mang lại. Chính ý nghĩa Triết học của định lý này cung cấp những giá trị nhận thức mới, giúp Khoa học trở về với thực tiễn, hướng tới những giá trị của cuộc sống hơn. Cuốn sách với tựa đề “Bất khả” của Barrow được đón nhận nhiệt liệt, chứ không có sự nghi ngờ nào về cái gọi là “suy diễn một cách vô nguyên tắc” cả.
Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với Nguyên lý bất địnhNguyên lý bảo toàn. Những hệ quả Triết học của các Nguyên lý này như một hiệu ứng, ứng nghiệm vào cả các lĩnh vực Khoa học khác : Nhiệt động lực học, Khoa học kỷ thuật và cả Khoa học xã hội.
Có thể nêu ra một bằng chứng về hiệu ứng lão hóa dân số mà ngày nay đã trở thành nỗi lo toàn cầu. Khi niềm vui do y học tiên tiến mang lại, làm tăng tuổi thọ con người ngày càng cao, thì lập tức những tín hiệu báo động về nguồn nhân lực của nhân loại đứng trước nguy cơ già cỗi cũng nóng dần lên. Đó là do tỷ lệ dân số già, hết tuổi lao động, tăng một cách nhanh chóng. Sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội toàn cầu sẽ bị thử thách nghiêm trọng. Đặc biệt nó đã trở thành vấn đề thời sự của xã hội Nhật bản khi bước vào thế kỷ 21.
Hiện tượng ứng nghiệm về tính bất định ở đây, là sự mở rộng trừu tượng từ cặp Năng lượng – Thời gian thành cặp phạm trù Năng lực – Tuổi tác Và do đó, nó phải đi đến một diễn tiến tất yếu là : Làm tăng tuổi thọ trung bình (Thời gian), sẽ kéo theo sự giảm sút năng lực lao động (Năng lượng). Hiệu ứng này hoàn toàn không phải là ứng nghiệm ngẫu nhiện, bỡi vì Già ắt phải Yếu là điều hiển nhiên.
Đầu năm 2010, Ủy ban chuyên trách bệnh Elzheimer (thoái hóa trí nhớ) của Tổ chức y tế Thế giới công bố một thông tin điều tra, cho biết : hàng năm căn bệnh Elzheimer này tiêu tốn một phần tư GDP toàn cầu, nghĩa là lớn hơn nhiều so với căn bệnh thế kỷ AISD ! Đặc biệt đáng lưu ý là, lần đầu tiên Tổ chức quốc tê này khẳng định nguyên nhân tăng cao căn bệnh Elzheimer, trong thập niên đầu của thế kỷ 21, là do tiến bộ Y học đã cho phép kéo dài tuổi thọ trung bình con người lên cao hơn so với những năm trước đó.
Sự ứng nghiệm của tính bất định cũng hiện diện trong công tác dự báo Bão. Ngày nay, với trình độ công nghệ tiên tiến, việc xác định tọa độ tâm bão, được hiển thị trực tiếp bằng ảnh vệ tinh, với độ chính xác ngày càng cao, nhưng cũng chính vì thế mà - theo hệ quả của Nguyên lý bất định – vectơ vận tốc tâm của nó càng không thể xác định chính xác.
Thực tiễn đã cho thấy rằng, phần lớn các cơn bão diễn biến theo
những lộ trình không thể dự báo trước một cách chính xác được. Bão đi rất nhanh trên Biển đông, nhưng khi tiến vào vùng biển chủ quyền thì chần chừ chùn bước, có thể bất ngờ đổi hướng, như thể thách thức tất cả các bản tin dự báo trên Thế giới. Dường như nó ưa thích hướng tới một sự tập kích bất ngờ hơn là phô diễn sức mạnh trước con người.

Mùa mưa bão năm 2008, trong một bản tin dự báo của Trung tâm Khí tượng Quốc gia, cảnh báo rằng, Bão có thể đổ bộ vào Đà nẵng khoảng 17 giờ cùng ngày, nhưng thực tế Bão đã ập vào từ 8 giờ sáng. Đó là bằng chứng bất định khá điển hình.
Cuối cùng, nếu Tự nhiên sáng tạo ra Nguyên lý tương ứng là để hạn chế số lượng các Định luật độc lập ở mức tối thiểu trong Tự nhiên, thì thiết chế Vũ trụ, Nguyên lý Bất định có thể là “công cụ” để chống lại những thăng giăng cực đoan vượt ngoài tầm kiểm soát của Tự nhiên, của Tạo hóa vậy.
(Còn nữa)

Vì sao vũ trụ tồn tại bền vững? (Phần 2)

Hà Yên   



Nguyên lý tương ứng Bohr
1.Về Nguyên lý tương ứng – Nhà vật lý lừng danh người Áo Niels Bohr đã khám phá ra Nguyên lý này. Với Vật lý hiện đại, nguyên lý chỉ ra rằng: Các kết quả thu được từ lý thuyết lượng tử phải hội tụ về các kết quả thu được từ lý thuyết cổ điển.
Những con đường khám phá đi đến Cơ học lượng tử đã xác nhận một sự thật là Thế giới vi mô và Thế giới vĩ mô luôn có những hiện tượng, những sự thể, tương ứng và tương đương. Ví dụ : Các biến động lực như tọa độ x và vận tốc v là những đại lượng liên hợp, đặc trưng đầy đủ để mô tả trạng thái của một hệ cơ học thông qua phương trình chuyển động. Chúng là những đại lượng đo lường được, có ý nghĩa xác định khi nhận các giá trị đo. Thế nhưng, khi khám phá ra Cơ học ma trận (tiền thân của Cơ học lượng tử), người ta phải viết phương trình chuyển động của hệ cơ học này, không phải bằng các biến động lực thông thường : tọa độ x và vận tốc v, mà tương ứng với chúng, lại là những dạng thức đã được trừu tượng hóa. Đó là những ma trận, những cái bảng vuông, trên đường chéo là các con sô 1 những chỗ còn lại là các con số 0. Chúng không phải là những đại lượng đo được, những đại lượng có thể được gán những giá trị số.
Để khẳng định sự tồn tại của Nguyên lý tương ứng, một nguyên lý nêu lên khả năng nhất thể hóa các yếu tố không hoàn toàn tương thích của thế giới Tự nhiên, Heisenberg – Nhà vật lý đã dựa theo sự dẫn dắt của Nuyên lý tương ứng này mở toang cánh cữa bước vào Thế giới vi mô, đã tuyên bố: “Cơ học lượng tử xuất hiện từ những nổ lực mở rộng Nguyên lý tương ứng cua Bohr thành một sơ đồ Toán học hoàn chỉnh bằng cách chính xác hóa những khẳng định của ông
Về sau, chính các nhà vật lý lý thuyết lừng danh như Paul Dirac, Pascual Jordan đã xác lập một cách có hệ thống các định luật của Cơ học cổ điển đã được chuyển sang hệ thống mới của Cơ học lượng tử mà hoàn toàn không cần thay đổi. Cái cần sửa đổi là các đại lượng, những yếu tố là các biến động lực, được coi là cơ sở của Cơ học (như vị trí và vận tốc chẳng hạn), bị những định luật này chi phối.
Tóm lại, nhờ dựa trên Nguyên lý tương ứng mà các Nhà vật lý lý thuyết đã vượt được một quãng đường dài, đầy chông gai, trong thời kỳ chuyển tiếp từ Vật lý cổ điển xâm nhập vào Vật lý lương tử, bằng cách đoán chừng, trong đó, coi mỗi công thức, mỗi phương trình của Cơ học lượng tử đều được gợi ra từ một công thức, một phương trình tương ứng của Cơ học cổ điển.
2. Về ý nghĩa Triết học: Tương ứng – Chiếc cầu nối Tự nhiên – Xã hội
Có hai nội dung mang ý nghĩa sâu sắc của Nguyên lý tương ứng: Thứ nhất, phát hiện sự tương ứng của các công thức và phương trình Vật lý mô tả vận động Vật chất của hai Thế giới vĩ mô và vi mô (chỉ có các biến động lực là thay đổi), là một minh chứng hùng hôn về sự tương đương, với mức độ khác nhau, của các qui luật Tự nhiên của hai Thế giới ấy: Hai Thế giới mà người ta quá nhấn mạnh về mặt không tương thích của chúng.
Sự thật là, cho đến đầu thế kỷ 21, mặc dù với một nỗ lực to lớn, các Nhà vật lý lý thuyết trên thế giới vẫn chưa xây dựng được mô hình Toán học cho một lý thuyết hợp nhất Hấp dẫn lượng tử - tức là một lý thuyết hợp nhất Thế giới vĩ mô với Thế giới vi mô, được hoàn toàn công nhận. Nhưng đó là thực tại Vật lý chứ không phải thực tại Vũ trụ. Vũ trụ vẫn thế từ lúc hình thành cho đến 15 tỷ năm sau. Nó vận hành vô cùng chính xác trong một thể thống nhất hài hòa. “Vũ trụ thống nhất ở tính Vật chất của nó” Mác và Lênin – những Nhà biện chứng vĩ đại nhất – đã viết như vậy khi hai ông chưa biết đến “Lý thuyết siêu dây” trong không gian trừu tượng 11 chiều, mà ngày nay được bàn luận náo nhiệt.
Thứ hai, Thế giới Tự nhiên và Thế giới nhân sinh có những yếu tố hình thái không tương thích, nhưng đều là bộ phận của một cơ thể thống nhất : Vũ trụ. Sự không tương thích cơ bản nhất, là Thế giới nhân sinh không thuần túy chỉ là vận động Vật chất như trong Thế giới Tự nhiên, mà còn là một Thế giới ngự trị bởi Ý thức và Tinh thần.

Dù có thuộc tính khác biệt như vậy, Thế giới nhân sinh vẫn phải vận hành trong giới hạn qui luật vận động chung, đảm bảo tính thống nhất của toàn Vũ trụ. Nguyên lý tiết kiệm sử dụng phương án dùng chung bằng cái được gọi là Nguyên lý tương ứng như chúng ta đã biết.

Không thể tồn tại một Vũ trụ, mà trong đó, mỗi hình thái, mỗi hiện tượng, tự xác lập cho mình một hệ thống các nguyên lý, các định luật riêng. Điều này tương đương với sự tan rã tất yếu của một Quốc gia, nếu cho phép các địa phương, các miền, tự ban hành hệ thống pháp luật riêng theo “ý chí tự do” của mình vậy.
Với thuộc tính khác biệt đó, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội không thể cứng nhắc tuân theo tương ứng một – một, mà tuân theo hệ quả tương đương, được chỉ ra bởi Triết học.
Chính vì thế mà Triết học hiện đại không thể phát triển mà không dựa vào những thành tựu mới nhất của Khoa học, đặc biệt là Vật lý học. Vì vậy, mối quan hệ giữa Vật lý và Triết học là mối liên hệ khăng khít hình với bóng. Một mệnh đề đúng của Triết học phải là hệ quả tương ứng của một qui luật Tự nhiên hay một định luật Vật lý nào đó.
Trong tác phẩm Triết học nổi tiếng :”Chủ nghĩa Duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”của mình, V.I.Lênin đã dẫn những lời của L. Boltzmann khi nói đến tính tương đương lạ lùng của các phương trình vi phân mô tả các hiện tượng khác nhau theo bản chất vật lý của chúng. Tính tương đương này phản ảnh sự đồng dạng của các khách thể có bản chất khác nhau. Sự đồng dạng ấy tạo ra khả năng mô hình hóa. Tính tương đương, theo Lênin, là một trong những biểu hiện sự thống nhất của giới Tự nhiên, của Vũ trụ.
Trước Lênin, C.Mac và Ph. Ănghen đã rất chú ý đến mối quan hệ và sự tác động lẫn nhau giữa các Khoa học. Trong bản thảo “Kinh tế - Triết học” năm 1844, C.Mác đã cho rằng : Tình trạng tách rời giữa các Khoa học, sự phân biệt một cách quá cứng nhắc giữa Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội là có nguyên nhân lịch sử và nguyên nhân nhận thức của nó. Nhưng đó không phải là vĩnh viễn. Với sự phát triển lịch sử và văn hóa của nhân loại, tình trạng đó sẽ được khắc phục” C.Mac còn nhấn mạnh : “Về sau, Khoa học Tự nhiên bao hàm trong nó Khoa học về con người, cũng như Khoa học về con người bao hàm trong nó Khoa học Tự nhiên: Đó sẽ là một Khoa học đích thực”.
Vũ trụ thống nhất ở tính Vật chất của nó, cho nên các Khoa học phải phản ảnh được tính thống nhất đó, và vì thế sự tác động và sự thống nhất của tri thức khoa học là điều tất yếu.
3. Về vai trò dẫn dắt của Nguyên lý tương ứng trong phát minh Vật lý
Vào những năm đầu của Thế kỷ XX, mô hình nguyên tử được hình dung như hệ Mặt trời thu nhỏ/ Trong đó các electron chuyển động trên những quĩ đạo quanh hạt nhân theo đúng các định luật cơ học Newton. Cho đến năm 1913, Niels Bohr đưa vào mô hình này một nguyên lý Lượng tử, đòi hỏi rằng, chỉ có một số quĩ đạo trong vô vàn những quĩ đạo khả dĩ là thực sự được phép. Khi các electron nhảy giữa các quĩ đạo này thì nguyên tử hoặc nhận vào, hoặc phát ra một lượng tử năng lượng điện từ - gọi là một photon – phù hợp với hiệu năng lượng gữa hai quĩ đạo đó. Cơ chế này đã giải thích được, tại sao các nguyên tử lại có những dấu hiệu phổ đặc trưng, khi phát hay hấp thụ ánh sáng chỉ ở một số những tần số xác định.
Như vậy, mô hình hành tinh của nguyên tử, tuân theo Vật lý cổ điển, lần đầu tiên được khoác chiếc áo lượng tử, mà ngày này người ta hay gọi là lý thuyết lượng tử cũ.
Lý thuyết lượng tử cũ không giải thích được rất nhiều những nét tinh tế trong phổ nguyên tử. Người ta nghi ngờ các electron trong nguyên tử chuyển động theo nguyên tắc khác một cách căn bản so với cơ học cổ điển. Điều này đã làm bối rối các Nhà vật lý tài năng nhất lúc bấy giờ, trong số đó có Werner Heisenberg. Ông cho rằng, chắc chắn phải tồn tại một định luật mà phương trình viết cho nó không phải liên kết các biến vị trí và vận tốc của electron như trong cơ học cổ điển, điều mà người ta xem là quá hiển nhiên. Chẳng hạn, nếu Einstein không phá bỏ cái khuôn mẫu hiển nhiên tuyệt đối của khái niệm không gian và thời gian để định nghĩa lại nó một cách cơ bản và rộng lớn hơn, thì làm sao có được Thuyết tương đối vĩ đại ra đời? Với tư duy ấy, Heisenberg đưa ra ý kiến xét lại khái niệm cứng nhắc về vị trí và vận tóc, từ cơ học cổ điển, áp dụng cho electron trong Thế giới lượng tử. Nghĩa là phải tìm những đại lượng tương ứng có thể liên kết một cách chặt chẽ trong phương trình chuyển động viết cho electron trong nguyên tử. Vây, những đại lượng tương ứng, giữ vai trò là những biến chính tắc ấy, là những đại lượng gì?
Một lóe sáng bất chợt, Heisenberg nghĩ đến hình ảnh hình học của một dao động tuần hoàn : Một điểm bất kỳ chuyển động trên đường tròn, có thể triển khai, theo thời gian, thành một sóng sin có biên độ và chu kỳ, đúng bằng chu kỳ vá bán kính đường tròn mà trên đó điểm chuyển động. Lập tức, ông nhận ra các biến chính tắc để viết nên phương trình dao động ở đây phải là biên độ và tần số. Nhưng với dao động bất kỳ thì thế nào, Chẳng hạn dao động của dây đàn violon phát ra âm thanh réo rắc đầy quyến rũ?
Đó là tổ hợp hài hòa các âm sơ cấp của dây đàn. Một diễn đạt như thế, thì vị trí và vận tốc tức thời của một điểm bất kỳ dọc theo dây đàn, đều được biểu diễn bằng một tổng, có trọng số, của âm cơ bản và các họa âm của dây đó. Về hình thức luận Toán học, thì một dao động bất kỳ có thể khai triển thành chuỗi Fourier, mà các số hạn của chuỗi chính là những tần số sơ cấp, cũng là những âm sơ cấp của dây đàn vậy.
Sự chói sáng thiên tài của Heisenberg là ở chỗ, ông nhận ra sự Tương ứng, hoàn toàn lôgic, giữa Thế giới vĩ mô và Thế giới vi mô, áp dụng cho chuyển động của electron trong nguyên tử.
Ví dụ được viện dẫn trên đây, một lần nữa, cho thấy, tính phổ quát của Nguyên lý tương ứng, trong Tự nhiên, được biểu hiện dưới nhiều hình thức phong phú. Sự tương đương giữa các đối ứng tồn tại trong Thế giới vĩ mô và Thế giới vi mô, như các biến động lực, các phương trình chuyển động, các đại lượng tác dụng tối thiểu, v.v.. Tuy chúng hiện hữu với “độ nhòe”khác nhau, nhưng có cùng ý nghĩa Vật lý, và thống nhất trong một hệ hình thức hết sức chặt chẽ, thậm chí, có thể chuyển đổi cho nhau, từ Vật lý lượng tử sang Vật lý cổ điển. Chẳng hạn, trường hợp phương trình Schcrödinger mô tả chuyển động của electron trong nguyên tử, như một sóng dừng trải rộng. Nhà vật lý Mỹ David Bohm đã sử dụng cách phát biểu thủy động lực học do E. Madelung đề xuất năm 1926, để chuyển phương trình này thành phương trình chuyển động có dạng như trong Vật lý cổ điển (nhưng thêm vào đó một số hạng gọi là thế lượng tử).
Cũng cần lưu ý đến những bài viết gần đây, trong đó nêu lên những lập luận không tán thành mở rộng các khái niệm, các sự kiện lượng tử liên hệ với Thế giới vĩ mô với bất kỳ mức độ nào. Đặc biệt trong bài viết “Lời giới thiệu của Paul Davies” trong cuốn VẬT LÝ & TRIẾT HỌC của W.Heisenberg. (Paul Davies là Nhà vật lý, Nhà văn. Giáo sư Triết học Tự nhiên Đại học Macquarie – Sydney). Khi nói về Nguyên lý bất định, P. Davies thừa nhận đó là nguyên lý mấu chốt của cuộc cách mạng lượng tử, và ông cũng viết rằng :”Người ta quá quen thuộc với tính bất định trong nhiều quá trình Vật lý – thí dụ, trong thị trường chứng khoán, hoặc trong Nhiệt động lực học – nhưng trong trương hợp này, tính bất định là do sự thiếu thông tin chứ không phải là do bất kỳ hạn chế cơ bản nào trong những thứ có thể biết được về các hệ này”.
Có thể P. Davies đã quá bó hẹp khái niệm Thông tin chăng ? Ở đây ông coi “Thông tin”chỉ là lượng tin trong một thông báo. Ngày nay, khái niệm Thông tin có nội hàm sâu rộng hơn rất nhiều: Các quá trình hóa học, sinh học, vật lý, điều khiển học v.v.., thậm chí là các quá trình lôgic đều là những quá trình vận động Thông tin. Với ý nghĩa đó, thì độ bất định của quĩ đạo của electron trong nguyên tử chẳng hạn, cũng phải là do thiếu Thông tin, chứ không riêng gì tính bất định – nói là do thiếu thông tin - của Thị trường chứng khoán. Hơn thế nữa, gọi là một “Nguyên lý” thì nó phải có tính khái quát cao. Chẳng hạn, nguyên lý bất định nếu chỉ là quan hệ của sai số đo thì nó đâu được coi là trung tâm của Cơ học lượng tử, thậm chí là Vũ trụ học lượng tử. Như Nhà Vật lý vũ trụ - Giáo sư Stephen Hawking – tuyên bố : “Một lý thuyết thống nhất (toàn thể Vũ trụ) thành công phải chứa Nguyên lý bất định
Mặt khác, sự thiếu Thông tin là thuộc tính của Tự nhiên. Bởi vì, hệ quả Triết học của định lý Bất toàn Kurt Göden chỉ ra rằng, một hệ thống, nếu nhất quán thì nó không đầy đủ. Đó chính là hạn chế cơ bản của Tự nhiên, mà Nguyên lý bất định là biểu hiện trực tiếp.
Và, khi nói về Nguyên lý chồng chập, với những nghịch lý gây tranh cãi nhiều nhất trong cách giải thích Cơ học lượng tử ở thế kỷ XX, trong đó, nghịch lý “con mèo Shcrödinger” tồn tại trong một trạng thái lơ lửng : Mèo vừa sống, lại vừa chết, trong một thí nghiệm (giả định) : Con mèo bị nhốt trong một cabin, trong đó có đặt một lọ cyanua. Phía trên lọ có treo một chiếc búa mà sự rơi xuống của nó được kiểm soát bằng sự phân rã của một chất đồng vị. Ngay khi nguyên tử đầu tiên bị phân rã, chiếc búa rơi xuống làm vỡ lọ và chất độc cyanua thoát ra : con mèo kia chết.
Theo những qui luật của Vật lý lượng tử, ta không thể biết lức nào xảy ra phân rã phóng xạ, mà chỉ có thể nói theo xác suất, chẳng hạn, có 50% khả năng xảy ra một phân rã trong vòng một giờ. Nếu không mở cabin để quan sát, thì sự tiên đoán con mèo còn sống hay đã chết là rất mong manh. Như vây, rõ ràng bên trong cabin là một sự trộn lẫn kỳ lạ những hiện thực lượng tử gồm 50% con mèo còn sống và 50% con mèo đã chết. Một tình huống mà Schrödinger cho là không thể chấp nhận được. Nhưng theo nguyên lý chồng chập, một hệ có thể tồn tại bỡi các trạng thái riêng, và vì vậy, theo một cách nào đó, nó lơ lửng giữa các thực tại cổ điển khác nhau.
Ở khía cạnh mà chúng ta đang theo đuổi, thí nghiệm giả định về nghịch lý “Con mèo”, nói lên rằng, các quá trình trong Thế giới vi mô (phân rã phóng xạ) có thể được liên kết với vật thể vĩ mô (con mèo), và như vậy Nguyên lý chồng chập cũng phải được áp dụng cho Thế giới vĩ mô, cho dù nó có dẫn đến nghịch lý.
Đây là một ý tưởng mới của nhiều Nhà vật lý, hướng sự khám phá hiện thực vào quá trình chuyển tiếp giữa Thế giới vi mô và Thế giới vĩ mô, mà trước đây người ta cho rằng hai Thế giới ấy là cách biệt vì chúng không tương thích. Chẳng hạn, vào năm 1986, một số Nhà vật lý phát triển “Cách tiếp cận cục bộ tự phát” do P. Pierle đề xuất, trong đó, bổ sung thêm vào phương trình Schrödinger một số hạng phi tuyến đủ nhỏ, gọi là số hạng hiệu chỉnh, có tác dụng làm cho sự chồng chập lượng tử chuyển về một trang thái riêng xác định khi kích thước của hệ trở thành vĩ mô. Số hiệu chỉnh này đủ nhỏ để không làm nhiễu các định luật lương tử đã biết trong Thế giới vi mô.
Một hướng nghiên cứu khác được gọi là Lý thuyết mất kết hợp, do Nhà vật lý W. Zurek vào những năm 1981 – 1982 xây dựng nhằm xóa bỏ sư ngăn cách giữa những chồng chập các trạng thái vi mô (được mô tả bỡi phương trình Schrödinger) và trạng thái vĩ mô quan sát được do suy biến Hàm sóng.
Cho đến năm 1996, người ta tiến hành những thí nghiệm nhằm kiểm tra lý thuyết “Mất kết hợp”, để xem con mèo vừa sống, vừa chết của Schrödinger có thể chuyển sang Thế giới vĩ mô trở thành hoặc là sống, hoặc là chết như thé nào .
Để tiến hành thí nghiệm,các nhóm nghiên cứu phải chế tạo cho được những hệ vừa là vĩ mô vừa là vi mô – có thể gọi là những hệTrung mô – nhằm làm cho quá trình diễn ra trong đó đủ chậm để có thể quan sát được. Nhóm thứ nhất tiến hành tại Viện tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST). Nhóm thí nghiệm thứ hai được tiến hành tại Trường Cao đẳng Sư phạm Paris.
Những thí nghiệm trên đây, mặc dù theo nhận xét của một số Nhà vật lý cho rằng, những vật thể được chọn thí nghiệm chưa hoàn toàn là những vật thể vĩ mô, tuy nhiên chúng đã chứng tỏ một triển vọng lớn khả năng thăm dò bằng thực nghiệm, tìm con đường chuyển tiếp từ Thế giới lượng tử (vi mô), sang Thế giới cổ điển (vĩ mô) theo lý thuyết mất kết hợp.
Đặc biệt là sự kiện thực nghiệm thành công, được coi là một trong 10 thành tựu Vật lý của năm 2010, mà Tạp chí PhysicsWorld bình chọn, do nhóm Andrew Cleland thực hiện : làm cho các hiệu ứng lượng tử có thể thấy được bằng mắt thường trong điều kiện Thế giới vĩ mô. Bằng cách giảm biên độ dao động trong một hộp cộng hưởng ở nhiệt độ rất lạnh (0,1độ K). Và nhờ đó tạo nên hiện tượng chồng chất (superposition) đồng thời của trạng thái kích thích và không kích thích trong hộp công hưởng. Điều này tương đương với tình huống con mèo nổi tiếng của Schrödinger – đồng thời vừa chết vừa sống. Có thể nói đây là lần đầu tiên, chúng ta thực sự có một tia sáng rọi vào ranh giới bí ẩn giữa Thế giới lượng tử và Thế giới cổ điển.
Tóm lại, những yếu tố Tương ứng giữa Vật lý cổ điển và Vật lý lượng tử là bằng chứng nói rằng Thế giới vĩ mô và Thế giới vi mô chỉ là hai cực của một thực tại Vũ trụ duy nhất, như hai cực của một giải phổ trải dài: ở cực này là “xứ sở” của cái vô cùng bé, cái phi kích thước, cái tiềm năng, còn ở cực kia là “xứ sở” của cái vô cùng lớn, cái có kích thước, cái cụ thể. Dọc theo giải của “phổ” là trật tự hài hòa của những nấc thang hình thái và trạng thái vật chất, phản ảnh sự thống nhất trong một tổng thể Vũ trụ.









Vì sao vũ trụ tồn tại bền vững? (Phần 1)

Hà Yên   

Các Định luật bảo toàn
Trong Tự nhiên tồn tại một số hiện tượng mang tính yếu tố, mà định lượng của nó không đổi, không phụ thuộc thời gian, và có mặt trong mọi lĩnh vực của Thế giới vật lý. Vật lý học gọi chúng là các đại lượng bảo toàn. Đó là những nền móng và tuyệt đối của Tự nhiên. Chúng có ý nghĩa hết sức to lớn trong vai trò kiểm soát và dẫn dắt diễn biến của mọi quá trình vật lý diễn ra trong Tự nhiên. Vì vậy, chúng có thể cho phép tiên đoán diễn biến của các quá trình Vật lý, nghĩa là các quá trình này phải diễn ra, sao cho không làm thay đổi giá trị của các đại lượng bảo toàn đó.
Mặc dù một số, trong hệ thống các định luật bảo toàn, thuộc về những định luật có điều kiện, nghĩa là chúng chỉ bảo toàn ở mức độ gần đúng, hoặc chỉ trong một số quá trình nhất định. Một số định luật bảo toàn khác là vô điều kiện, nghĩa là chúng luôn luôn thỏa mãn trong mọi quá trình với mọi độ chính xác mà dụng cụ đo cho phép. Đó là tính tuyệt đối , có liên quan chặt chẽ với tính chất đối xứng của các hệ Vật lý tồn tại trong Không – thời gian. Và, cũng chính vì vậy, các định luật bảo toàn có một ý nghĩa rất sâu xa về mặt nhận thức Tự nhiên -Vũ trụ.
Mặt khác,có một số đại lượng bảo toàn chỉ bộc lộ dưới dạng tích hay tỷ số của các đại lượng khác, như động lượng (tích của khối lượng và vận tốc), mô-men động lượng đối với một điểm đã cho (tích của vectơ động lượng với khoảng cách của vật đến điểm đó), v.v..
Không một hiện tượng Tự nhiên nào mâu thuẫn với định luật bảo toàn bất kỳ. Nếu xuất hiện mâu thuẫn, mà việc giải thích hiện tượng Tự nhiên đó là đúng, thì người ta bắt buộc phải xét lại cơ sở của Vật lý học. Nhiều khi, vì sự xét lại đó, lại dẫn đến một khám phá mới : đó là trường hợp phát hiện ra hạt nơtrino.
Tập hợp các đại lượng bảo toàn và các Hằng số Vũ trụ lập thành “đội ngũ” những Trật tự viên” kiểm soát và điều chỉnh, hết sức chính xác, mọi diễn biến trong quá trình tiến hóa của Vũ trụ và Tự nhiên, theo những ‘cột mốc”, những ranh giới mà tại đó Vũ trụ mãi mãi ổn định trong trạng thái cân bằng động lực.
Bài toán chỉ có “Trời” mới giải được
Thử tưởng tượng ra một tình huống như sau : Một Xí nghiệp sản xuất theo kế hoạch được giao, Với mỗi lô sản phẩm nào đó được cấp cho số vốn ban đầu, chẳng hạn là một tỷ đồng. Xí nghiệp phải cân đôi, sao cho, giứa sức sản xuất và lực lượng sản xuất, phải được giữ hài hòa, để guồng máy Xí nghiệp hoạt động không ngừng. Giá trị mỗi lô sản phẩm đưa ra, xí nghiệp luôn được hoàn trả đủ. Giá trị gia tăng, vừa đủ làm nghĩa vụ và tái sản xuất loạt sản phẩm tiếp theo.


Tóm lại, xí nghiệp phải được quản trị ổn định với một độ chinh xác định lượng như một cỗ máy. Vấn đề là tổng quyết toán bất kỳ thời điểm nào, sau mỗi lô sản phẩm, số vốn một tỷ đồng kia vẫn được Bảo toàn.
Rõ ràng vận hành Xí nghiệp trong mối tương hỗ vật tư – máy móc – nhân công – tiêu hao…phải được tính toán điều tiết hết sức chính xác trong mọi biến động, để nó luôn khớp được với hạn mức đã cho trước tại bất kỳ thời điểm nào. Cái hạn mức ấy, trong Tự nhiên, được gọi là Đại lượng bảo toàn.
So với sơ đồ tổ chức và quản trị Xí nghiệp, Bộ máy tổ chức khổng lồ của Tự nhiên còn phức tạp hơn cả tỷ tỷ lần. Chính vì thế, Tự nhiên cần một hệ thống các Đại lượng bảo toàn. Hệ thống đó có tên gọi chung là Định luật bảo toàn và biến đổi năng lượng.
Ngoài một số ít ỏi các Đại lượng bảo toàn và các hằng số Vũ trụ học đóng vai trò duy trì “cấu hình” và vận động của một hệ tối ưu, Tự nhiên còn có một số công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong “quản trị” vận hành, đó là một số Nguyên lý cơ bản như :
Nguyên lý Tác dụng tối thiểu : Một Hệ vật lý chuyển động với một năng lượng nào đó, từ vị trí này đến vị trí khác, thì trong số các lộ trình khả dĩ, hệ sẽ luôn luôn chọn một lộ trình nhanh nhất (không nhất thiết là ngắn nhất) , nghĩa là hệ chọn phương án tối ưu nhất để tiết kiệm thời gian, và do đó, năng lượng mà hệ sử dụng cũng đạt tối ưu. Vì vậy, Vật lý học xem tích của năng lượng và thời gian là một đại lượng vật lý được gọi là Tác dụng. Theo đó, quĩ đạo chuyển động của hệ là lộ trình ứng với tác dụng tối thiểu . Đây là định luật, được gọi là Nguyên lý tác dụng tối thiểu (hay còn gọi là nguyên lý Hamilton), nó diễn đạt một cách tổng quát định luật chuyển động của các hệ cơ học. Nguyên lý tổng quát này cho phép rút ra phương trình chuyển động của hệ và một loạt các định nghĩa, và các khái niệm đặc trưng khác.
Trong các lĩnh vực khoa học khác, ngoài cơ học, người ta cũng khám phá thấy các thuộc tính tương tự :Từ đầu thế kỷ 17, Pièrre de Fermat (một nhà toán học Pháp) đã nhận thấy thuộc tính tiết kiệm do sự chọn lựa tối ưu của Tự nhiên, đã khám phá một nguyên lý, gọi là nguyên lý Fermat, phát biểu như sau : Chuyển động của ánh sáng luôn luôn diễn ra dọc theo quang lộ, sao cho thời gian chuyển động là ngắn nhất. Nhờ nguyên lý Fermat, ta có thể giải thích được tất cả các định luật của quang hình. Đặc biệt là định luật khúc xạ ánh sáng.
Đối với vật lý hiện đại, từ cuối năm 1900, M. Planck đã tìm ra một trong những đại lượng cơ bản nhất, mà lúc đó bản thân ông cũng không hiểu được ý nghĩa của nó : Đó là sự tồn tại một lượng tử tác dụng cơ bản h .
Thực tế chỉ ra rằng, Tác dụng không phải là một đại lượng có thể có giá trị nhỏ tùy ý , trái lại nó luôn luôn có một giá trị nhỏ nhất bằng h, và được gọi là hằng số Planck, có giá trị rất nhỏ : h = 6,626. 10-34 js. Đó là lượng tử tác dung tối thiểu tồn tại trong Thế giới lượng tử, và chỉ có Cơ học lượng tử, một lý thuyết ra đời sau đó hơn hai chục năm , mới giải thích được ý nghĩa và bản chất của lượng tử tác dụng h này.
Trong đời sống vĩnh hằng của mình, Tự nhiên sử dụng một cách phổ biến chiến lược tiết kiệm.Thuộc tính ấy được con người nhận biết từ rất lâu : Từ cuối thế kỷ thứ XIII , nhà Thần học và triết học Guillaume d’Occam đã tìm ra Nguyên lý tiết kiệm này và thường được gọi là “Lưỡi dao cạo Occam”.
Với lưỡi dao sắc ngọt Occam, Tự nhiên sẽ gọt bỏ những gì rườm rà phung phí năng lượng một cách vô ích. Sự lãng phi nào cũng đều là nguyên nhân của sự bất ổn định dẫn đến sụp đổ.
Các nguyên lý tác dụng tối thiểu, kiểm soát năng lượng chuyển động của các hệ Cơ học, là biểu hiện trực tiếp của Nguyên lý tiết kiệm. Cái nguyên lý có thể là một gợi mở cho cơ hội trả lời một câu hỏi lớn : “Vì sao Vũ trụ tồn tại một cách bền vững”, mà không ít các nhà Vật lý và Triết học vẫn luôn trăn trở. Bởi vì một hệ tồn tại bền vững, thì nó phải ở trạng thái cân bằng bền với thế năng cực tiểu.
Mặt khác, bằng kinh nghiệm quan sát những hiện tượng diễn ra trong Tự nhiên, cũng chứng tỏ rằng, Tự nhiên luôn luôn sử dụng cái lượng tối thiểu để làm nên cái chất tối đa. Chẳng hạn, khi đi sâu vào nghiên cứu cấu trúc của Vật chất, Các Nhà Vật lý nhận ra rằng, với số họ hàng đông đúc trong Thế giới các hạt cơ bản, Tạo hóa chỉ cần 3 hạt để tạo ra toàn bộ Vật chất trong Vũ trụ với tất cả sự phức tạp và đa dạng của Tự nhiên. Đó là electron và hai hạt kia là proton và nơtron. Tổ hợp hai hạt cơ bản này tạo thành Hạt nhân. Và nhờ tương tác điện trường mà electron “vồ” lấy hạt nhân và “quấn quít” quay quanh nó: Thế là nguyên tử ra đời. Số Proton trong hạt nhân nguyên tử tăng (kéo theo sự tăng tương ứng của nơtron), làm cho khối lương của nguyên tử tăng ( gọi là Nguyên tử số Z), số electron quay quanh hạt nhân cũng tăng theo để nguyên tử trung hòa về điên. Toàn bộ quá trình thay đổi về lượng đó, dẫn đến sự thay đổi về chất. Nghĩa là từ một hình thái cấu trúc nguyên tử chuyển thành các hình thái cấu trúc các nguyên tố hóa học khác nhau : Tiền đề của cấu tạo hình thái vạn vật trong Tự nhiên. Và cũng chỉ có 92 nguyên tố hóa học mà thôi, để bắt đầu bước lên nấc thang thứ nhất của con đường tiến hóa. mà khởi đầu là 3 hạt cơ bản. Thật là một con số quá ít ỏi so với muôn hình muôn vẻ giống loài Trong Tự nhiên.
Hóa ra, bí mật chính là ở cách kết nối của các nguyên tố hóa học. Lấy một ví dụ nhỏ : Một người tò mò quan sát và đếm số “cái bắt tay” của 10 người bạn lâu ngày gặp lại, anh ta ngạc nhiên với con số 45 cái bắt tay đã đếm được ! Nghĩa là 10 người đã tạo ra 45 sắc thái tình cảm khác nhau trong cuộc tái ngộ.
Trong Tự nhiên còn tiếp tục diễn ra chuỗi kết nối “thứ cấp” , chắp nối theo nhóm, ngày càng rộng và càng phức tạp, kéo theo sự hình thành chất vô cùng đa dạng : từ khoáng chất cho đến sinh chất, cao nhất là các hình thái sống…
Vì mỗi kết nối được thực hiện, là một sản phẩm mới ra đời, với bản chất hoàn toàn khác nhau, cho nên sự đa dạng của muôn loài mà Tạo hóa đã ra tay xếp đặt, chỉ chiêm ngưỡng thôi cũng không xuể, chứ nói gì đến đo đếm.
Như vậy, với số lượng “vật liệu” ít ỏi ban đầu, bằng nghệ thuật kết nối,Tạo hóa đã giải quyết hết sức thông minh bài toán Tối ưu, chẳng những trong tiến trình phát sinh hinh thái, mà còn tối ưu cả trong tầm kiểm soát tính ổn định của chúng trong mọi nấc thang tiến hóa. chỉ bằng cách nắm giữ 92 “hồ sơ gốc” cùng với sơ đồ kết nôi chúng mà thôi.
Khám phá ra chân lý này, con người như nhận được sự gợi ý từ Thiên nhiên, tạo ra vô số những phương tiện, tiện nghi theo ý muốn : Ngày nay, chúng ta biết rằng mọi tiện nghi vật chất tân tiến nhất, do kỷ thuật điện tử số cung cấp, từ chiếc Điện thoại di động đa dụng (vừa là công cụ thông tin liên lạc toàn cầu, vừa là máy chụp ảnh, quay video, xem truyền hình, giải trí GO…,), cho đến các thiết bị Y tế, như máy chụp công hưởng từ (MRI), các thiết bị laser, máy tính, họ hàng Robot v.v.. đều là sản phẩm của “công nghệ kết nối” theo các sơ đồ lôgic cơ bản. Toàn bộ những thành quả đó được tạo ra chỉ từ một số rất ít ỏi linh kiện cơ bản có thể đếm được trên đầu ngón tay! Đó là : Transistor, Diot, Thyristor, Triac, Diac, Tụ điện, Điện trở, Cuộn cảm, cùng một vài đèn chân không phát xạ đặc biệt.
Và cũng nhờ “Nguyên lý tối ưu” đó mà nhà chuyên môn có thể kiểm soát hiệu quả toàn bộ thành quả kỷ thuật của mình vận hành chính xác, bền vững trong mọi điều kiện.


Triết lý nhân sinh Phương đông có nêu lên bốn cột mốc đời người : Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Trong đó, Lão và Tử là quá trình tất yếu của chu trình sống. Sinh và Bệnh là quá trình đấu tranh giữa sinh tồn và đào thải đầy thử thách.
Bao đời nay, trong dân gian lưu truyền câu thành ngữ : Trời sinh voi ắt Trời sinh cỏ. Câu này đã bị hiểu sai lệch sang nghĩa thực dụng hơi nhiều, thực ra ý nghĩa Triết học của nó sâu sắc hơn thế : Tạo hóa đã làm ra sự sống thì Tạo hóa cũng phải tạo ra nguồn nuôi để duy trì sự sống đó. Nó tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau, để con người và muôn thú khai thác tự nuôi mình. Nhưng các Triết gia còn quên đúc kết một triết lý tương tự khác : Trời cho sinh ắt Trời cho thọ. Nhưng, lộ trình của chữ thọ thì gập ghềnh với quá nhiều ngẫu nhiên, do chữ Bệnh mà ra, có lẽ vì vậy mà Tạo hóa cũng phải tạo ra nguồn dược liệu, tiềm ẩn trong tự nhiên, để bù lại những rủi ro tính mạng mà tự thân con người không kiểm soát được.
Có lẽ vì thế mà “thảo dược học” ứng dụng đã nảy sinh rất sớm, từ buổi con người còn sống nguyên sơ, và được phát triển ngày càng hoàn thiện. Đến nay, con người đã làm chủ công nghệ chiết xuất, chế biến từ côn trùng, thảo mộc, thành những đon vị dược liệu cơ bản, mà số lượng cững chỉ đếm được trên đầu ngón tay : Thục địa, Trần bì, Đương qui, cam thảo, Nhân sâm, đại táo, Bạch truật, quế chi v.v..
Và, cũng lại bằng cách kết nối (phối hợp) công năng từ các đơn vị dược liệu cơ bản đó, lúc ít lúc nhiều, đã tạo ra vô số những toa thuốc chữa trị rất nhiều bệnh tật khác nhau. Thật là tài tình vậy ! Và cũng từ thực tiễn này của cuộc sống, một lần nữa, ta thấy một cơ chế Tối ưu mà Tạo hóa sử dụng, để làm ra toàn bộ hiện thực Tự nhiên, giống như đã dùng chỉ 92 nguyên tố hóa học vậy.


Nếu sơ đồ giản lược nhất của Ý thức là một chuỗi những so sánh lôgic “đúng” – “sai” giữa thông tin về ý tưởng của mục đích hành động và thông tin từ kho trải nghiệm sống, thì có lẽ ta cũng phải thừa nhận Vũ trụ (Tự nhiên) cũng có một “Ý thức” ở một mức độ nào đấy, biểu hiện trong hành vi chọn lựa những điều kiện tối ưu để tồn tại. Có vẻ sự khác nhau duy nhất giữa Ý thức người và Ý thức của Tự nhiên là : Trong khi Con người lấy kinh nghiệm sống, tích lũy được của riêng mình, làm tham chiếu so sánh giữa đúng và sai để dẫn dắt hành động, thì Vũ trụ không có cái gọi là kinh nghiệm tích lũy đó, mà dường như, hành động theo sự dẫn dắt của một loại “Mã” nào đó tồn tại ngay trong lòng nó.
Phát thảo tuy còn sơ lược trên đây, cho thấy một sự thật, rằng tiết kiệm không đồng nghĩa với khắc khổ mà là một vẻ đẹp. Vẻ đẹp rực rỡ của Thiên nhiên, sự uy nghi hùng vĩ của Tạo hóa làm say đắm lòng người, lay động trái tim biết bao thế hệ nghệ sĩ. Nó vẫn mãi mãi còn đó, vẫn tiếp tục những nấc thang tiến hóa của mình, không bao giờ tàn lụi. Phải chăng, đó là bằng chứng làm cơ sở cho niềm tin để nhận thức một chân lý, giúp định hương cho tư duy và hành động suốt cuộc đời.
(Còn nữa)

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Vì sao không nên ăn thịt chó? (Thùy Dương sưu tầm)



Ngày đẹp trời
      


Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Mặt trời đầu xuân ấm áp vừa nhô lên khỏi hàng cây trước nhà. Ông lão mù và con chó ngồi sưởi nắng ngoài sân.


Ông lão đã gần tám mươi. Con chó nằm cạnh sắp bước sang tuổi mười lăm. Nghĩa là qui ra tuổi người, nó cũng già như chủ, đến mức đi đứng không vững, nhìn không rõ, có thể nói gần như mù. Nó là con chó ta lai bẹc-giê, to cao, màu vàng nhạt, ở cái tuổi đáng kính ấy vẫn giữ được dáng vẻ của thời hoàng kim cách đây cả chục năm. Chỉ gầy đi đôi chút. Tất nhiên chậm chạp hơn và hiền chứ không hung dữ như xưa. Suốt ngày nó ở ngoài sân, thích thú tận hưởng cái ấm của mặt trời, lười biếng nằm bẹp xuống nền xi măng, có khi duỗi cả tứ chi ở cái thế chẳng lấy gì làm đẹp mắt. Từ lâu nó đã thôi không thèm sủa. Họa hoằn lắm, có kẻ gian, nếu đôi mắt mờ nhìn thấy, nó chỉ  gầm gừ hăm dọa. Hăm dọa thôi chứ chẳng gì hơn. Qua rồi cái thời nó phải làm cái công việc trông coi nhà cửa như lũ con cháu. Con cháu nó chắc cũng nhiều, dù bây giờ không biết ở đâu. Như ông chủ, nó xứng đáng được hưởng những ngày còn lại của cuộc đời trong thanh thản và hạnh phúc. Dường như nó đang hạnh phúc, cái hạnh phúc đơn sơ theo kiểu chó...


Còn ông lão? Thì ông cũng hạnh phúc. Cũng theo cách của riêng ông, tất nhiên. Ông vốn nông dân, suốt đời chân lấm tay bùn, đến năm bảy mươi tuổi bị mù vì bệnh thiên đầu thống, được con trai đưa ra thành phố, cơm bê nước rót, đi đâu có con chó này dắt, bây giờ nó mù thì nhu cầu đi lại của ông cũng chẳng còn. Cách đây mấy năm, do vợ khó dễ, anh con mua cho ông ngôi nhà nhỏ này ở ngoại thành, thuê bà hàng xóm lo cơm nước, giặt dũ, còn mình thì mỗi tháng một lần đến thăm, trừ những tháng quên. Thế thì hỏi ông còn cần gì thêm? Đúng là chẳng cần gì. Ông vốn dễ tính. Tuy nhiên, nếu có được sự ấm áp gia đình thay cho ánh nắng vốn không phải ngày nào cũng có, và tiếng líu lo của những đứa cháu bụ bẫm chứ không phải tiếng gầm gừ của con chó, thì vẫn hơn.


Vậy là cả hai, con người và con chó, đang hài lòng và cùng sưởi nắng bên nhau, không bị ai quấy rầy. Lại vào một ngày nắng đẹp. Nhà bên, cách mảnh vườn nhỏ trồng mấy cây khế còn thấp nhưng um tùm lá, là ông hàng xóm đang lúi húi chữa xe máy. Ông ta, một người tóc húi cua, da đen, thấp mập, khoảng năm mươi, nghe nói về hưu non, không hiểu do giảm biên chế hay bị kỷ luật, hình như cũng vui vì luôn miệng huýt sáo, cả những lúc bất ngờ dấn ga rồ máy nghe đến sợ.


- Cái giống chó nhà mày ấy mà, Vện ạ, đúng là chẳng có chút tình nghĩa nào. - Ông lão lên tiếng, đập đập tay lên đầu con chó, sợ nó ngủ quên không nghe. Ông luôn gọi nó là Vện mặc dù hồi còn ở chung, vợ chồng con  ông đặt cho cái tên tây là Micky. - Nghĩ mà xem, mày con đàn cháu đống như thế mà đến lúc già lại chẳng có đứa nào bên cạnh. May còn được tao thương cho ăn, không thì chết, chết đói thật đấy.


Con Vện khẽ gừ một tiếng rồi đưa chiếc lưỡi màu đỏ nhạt liếm tay chủ.


- Còn tao thì mày biết, tao đã kể bao nhiêu lần rồi. Tao chỉ có hai đứa con trai. Một nuôi mẹ, một nuôi bố. Mày không thấy thằng Khánh ăn ở với tao có hiếu à? Mấy năm trước, khi còn ở chung, tao được nó cho ở riêng một mình một tầng nhé. Tầng bốn, tầng cao nhất, mày hiểu chưa? Nó chẳng bắt làm gì, chẳng bao giờ quấy rầy. Chỉ đến giờ ăn thì gọi xuống. Hôm nào có khách còn bê lên cho ăn một mình. Nó dặn mấy đứa con gặp ông phải chào. Chỉ tội chúng hay quên. Con nít mà. Lại còn nhắc vợ phải ăn nói nhẹ nhàng với tao nữa. Mày thấy tao sướng chưa? Ở quê ấy mà, khối người về già bị con bỏ rơi đấy. Tao thì không. Tiếc là hai thằng con không thỏa thuận được với nhau để tao và bà lão nhà tao sống chung một thời gian. Mấy ngày thôi cũng được. Bà lão nhà tao ấy mà, ngu thì ngu thật, nhưng hiền lành và biết điều. Chỉ tội mau nước mắt. Nói mày đừng cười, bà ấy bảo nhớ tao đấy. Cứ như còn trẻ. Cứ như người thành phố không bằng. Tao thì tao chẳng nhớ, nhưng thương. Tội nghiệp bà ấy, chừng ấy tuổi mà còn phải thui thủi một mình. Chả là thằng kia không chịu cho lên thành phố vì chê hay nhổ nước trầu bậy bạ. Mụ nhà quê nào chả mắc cái thói xấu ấy. Nó chỉ gửi tiền về. Nghe nói cũng khá. Nhưng bà ấy ngu lắm cơ, ăn uống chẳng dám, được đồng nào cứ tích góp cho vào cạp quần, khi thành món kha khá thì vợ chồng nó về hỏi vay. Tức là lại cho chúng. Thế mà đã năm năm nay vợ chồng tao chưa gặp nhau đấy. Chả đứa nào chịu đưa đi. Chúng bận làm ăn. Đúng thôi. Già chết đến nơi rồi còn gặp gỡ làm gì. Nhưng kể thỉnh thoảng được thấy nhau, nói với nhau đôi lời cũng hay. Mày nghĩ sao, Vện? Giống người khác giống chó ở chỗ sống có đôi. Chứ như chúng mày thì chỉ bầy đàn, để đến lúc già trơ khấc một mình. Khổ chưa? May mà mày còn có tao. Rồi chết chắc chỉ mình tao đi chôn mày. Ấy là nói nếu mày chết trước. Còn nếu tao chết trước, mày có theo người ta ra mộ tao không? Công bằng mà nói, mày là con chó tốt, và có mày tao cũng đỡ buồn hơn nhiều... Ờ mà sao mày chẳng nói gì cả? Vện, Vện, mày đâu rồi?


Con chó già không đáp vì nó đang bận. Ông lão đưa tay quờ quạng tìm  nó.


- Đi ị hả? Nhớ ra tận góc vườn đấy nhá!


Không, lúc ấy con Vện đứng cạnh chủ, chỉ ngoài tầm với một tí. Nó đang chăm chú nhìn miếng mồi trước mặt. Đó là một miếng thịt khá to, nướng sém, dù đã nguội nhưng cái mũi thính của nó vẫn ngửi thấy mùi thơm. Vốn khôn ngoan, lại dày dạn kinh nghiệm của một con chó già, nó cảm thấy có gì đấy bất thường trong miếng mồi này. Nó đang lưỡng lự. Tuy nhiên sự hấp dẫn của miếng thịt, lại khi đang đói, cuối cùng đã thắng. Nó cúi xuống, thè lưỡi liếm liếm, dè dặt liếc nhìn ông lão rồi ngoạm vào miệng, nuốt chửng. Giống chó có thói xấu là ăn không nhai, chỉ nuốt.


Bỗng con Vện khựng lại. Có cái gì đấy vương vướng trong miệng. Một sợi dây. Sợi dây cước màu trắng mãi đến lúc này nó mới thấy. Không phải một đoạn mà cả sợi dài. Đúng lúc nó định tìm cách nhả ra thì sợi dây bị kéo căng, và nó thấy đau buốt trong cuống họng. Đau lắm. Như có cái gì sắc nhọn móc bên trong. Nó há to mồm, cố khạc ra. Không được. Sợi dây bị kéo căng, làm nó càng đau hơn. Vì đau, vì miếng thịt mắc ngay ở cuống họng, nó không sủa được, chỉ rên ư ử và đi theo hướng sợi dây đang kéo, không hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Tiếng ư ử của chó, cho dù vì vui hay buồn, đều giống nhau.


- Mày làm sao thế, Vện? - ông lão mù hỏi. - Sướng quá hóa rồ lại hát à? Nhưng mày hát gì mà nghe như khóc ấy. Không sao, thích thì cứ hát. Đời đẹp mà. Hôm nay ngày cũng đẹp. Gớm, tháng trước rét thế. May đêm ngủ  có mày, chứ không tao cũng chết rét... Mà thôi, đừng rên thế nữa. Lại đây, lại đây ngồi với tao nào. Vện! Vện!.. Mày đâu rồi?


Lúc này con chó già đã bị kéo ra tới đường làng. Ở đó, khuất sau bụi dâm bụt là một thằng đàn ông còn trẻ đội mũ cối, mặc quần áo màu rêu bộ đội, chân đi dép nhựa, mặt quắt và đầy trứng cá. Hắn nhanh nhẹn túm lấy cổ con Vện, úp vào mõm nó chiếc rọ đã chuẩn bị sẵn, trói cả bốn chân lại rồi vứt vào chiếc giỏ sắt lớn sau yên chiếc xe đạp dựng cạnh.
Bình thường, dẫu già con Vện vẫn có thể quật ngã hai tên như hắn, nhưng lúc này nó đang đau, không sủa, không cắn được, dẫy đạp mạnh cũng không. Thằng kia biết nên hắn mới có thể làm mọi việc bình tĩnh và trót lọt như vậy. Chưa nói đến kinh nghiệm, mà kinh nghiêm trong việc này thì hắn có thừa, vì hắn là một thằng câu chó chuyên nghiệp. Vâng, câu chứ không phải bắt trộm. Như người ta câu cá. Nhử cho chó ăn mồi, chờ chiếc lưỡi câu lớn ba cạnh móc vào họng rồi kéo dây. Sợi dây cũng bằng cước, mảnh thôi, chỉ nhỉnh hơn dây câu cá một chút, nhưng thử hỏi khi đã mắc mồi thì có con chó nào, dù to khỏe đến đâu, còn dám chống cự mà sợ đứt?


- Vện ơi, Vện! Mày đâu rồi? Có chuyện gì xẩy ra thế? - Ông lão lại gọi, lần này to hơn và đầy lo lắng. - Vện! Vện! Mày đi đâu đấy?


- Đi Nhật Tân rồi. - ông hàng xóm ngừng sửa xe, nói vọng sang.


- Nhật Tân là gì? Đi Nhật Tân là đi đâu?


- Là tới các quán thịt chó ở trên ấy chứ đi đâu nữa. Cụ lạc hậu quá.


- Nhưng sao con Vện lại đến đấy và đến thế nào được? - ông lão vẫn chưa hiểu.


- Không phải nó tự đến, mà bị bọn trộm bắt...


- Bắt trộm? Con Vện này mà chịu để người khác bắt trộm?


Ông hàng xóm kể rõ thủ đoạn của bọn câu chó. Ông lão nghe xong chỉ khẽ kêu một tiếng “trời” rồi ngồi im. Mãi lúc sau ông mới lên tiếng, giọng run run;


- Sao bác biết, không ra giữ nó lại?


Ông kia suy nghĩ một chốc, đáp:


- Tôi bận chữa xe.


Rồi vô cớ, cho rú máy inh ỏi.
                * 
Trên đời có những người làm điều ác, những điều ác kinh khủng mà chính họ nhận thức rất lờ mờ, thậm chí không coi là điều ác. Do vậy sự khinh khủng càng tăng thêm gấp bội. Thằng câu chó này là một thí dụ. Hắn vốn xuất thân từ một gia đình nông dân bình thường. Nhà nghèo, chỉ học hết lớp ba. Hắn chẳng có thói xấu nào. Không rượu chè, cờ bạc. Gây gỗ cũng không, và chưa từng một lần có vấn đề với pháp luật. Hắn chăm chỉ làm ruộng nuôi vợ con, không mẫu mực nhưng cũng chẳng đáng trách. Quan hệ với bố mẹ, xóm giềng cũng bình thường. Tóm lại, hắn là người không đến nỗi nào, trừ việc lúc rỗi đạp xe đi khắp vùng ăn trộm chó để bán cho các cửa hàng ở Nhật Tân.


Hắn có biết việc này là xấu không? Có lẽ có. Đã ăn trộm là xấu rồi. Nhưng hắn không nghĩ đó là tội ác. Trộm vặt thôi mà. Nhất là trộm chó, cái giống gây bệnh dại mà cách đây không lâu ở quê hắn còn bị cấm nuôi, dân quân thi nhau đi từng nhà đánh chết bằng hết. Hắn chỉ có thể nghĩ đến thế, nên cứ tiếp tục “hành nghề”, hết con này đến con khác, hết năm này đến năm khác. Còn về sự man rợ của việc hắn ăn trộm chó bằng cách móc lưỡi câu ba mũi vào họng chúng mà kéo thì quả chưa một lần hắn nghĩ tới. Đầu óc ngu dốt, tăm tối và thơ ngây một cách đáng sợ của hắn đơn giản không cho rằng đó là điều man rợ. Hệt những kẻ ăn thịt người ở các bộ tộc mông muội ngày xưa không chút lương tâm cắn rứt khi xơi thịt đồng loại.


Câu chó và câu cá thì có khác gì nhau? - Có thể hắn nghĩ vậy. Nhưng con cá bị câu, thả xuống nước có thể sống. Còn con chó thì không thể gỡ lưỡi câu ra được, trừ phi sau khi thui bị mố họng. Đấy là chưa nói tới việc không thể ví chó với cá. Gần đây báo đưa tin ở Thụy Điển có anh hàng cá bị phạt tiền vì tội bán cá còn sống, tức là tội hành hạ loài vật. Ở các nước phương tây ăn thịt chó là vi phạm luật bảo vệ động vật. Còn đây, hắn thản nhiên hàng ngày móc lưỡi câu vào họng những con chó tội nghiệp rồi kéo đi. Chưa có luật nào trừng trị hắn tội ấy. Mọi người xung quanh dường như cũng không lên án hắn. Vợ con hắn thản nhiên sống bằng đồng tiền moi họng chó ấy. Dân làng thản nhiên nhìn hắn “đi làm”. Các chủ quán Nhật Tân thản nhiên mặc cả giá những con chó với lưỡi câu ba ngạnh trong họng như mọi món hàng bình thường. Thực khách thản nhiên ăn chúng một cách ngon lành. Ông hàng xóm thản nhiên nhìn hắn bắt con Vện với lý do “bận chữa xe máy”. Anh con trai ông lão mù thản nhiên nói: “Mất con này thì mua con khác, thiếu gì mà bố phải khổ sở đến thế.” Còn chú công an khu vực trẻ măng khi được thông báo vụ việc còn có ý ngạc nhiên sao người ta có thể làm phiền nhà chức trách bằng những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Chuyện một con chó bị câu trộm.
   
*
Bạn đọc thân mến, nhưng tôi thì không sao thản nhiên nổi khi viết câu chuyện này. Hy vọng các bạn cũng không thản nhiên đọc nó. Một câu chuyện có thật, vừa xẩy ra ở cái huyện ngoại thành, là nơi, theo cách riêng của mình, vợ chồng tôi đang sống thanh thản và hạnh phúc như ông lão mù cùng con chó gần mù của ông. Hôm ấy đúng là ngày đẹp trời, nhưng với tôi lại là một trong những ngày u ám nhất.


Cho đến tận lúc này tôi vẫn có cảm giác như cổ họng mình đang vướng lưỡi câu ba ngạnh kia. Một sự công phẫn thôi thúc muốn thét to mà không biết thét vào ai, thét rằng trên đời vẫn tồn tại một sự dã man đến thế và người ta vẫn có thể thản nhiên với nó đến thế. Cái ác đang tồn tại khắp nơi dưới nhiều dạng, cả những dạng nhỏ nhặt và “hồn nhiên” nhất.


Chúng ta, kể cả tôi, chúng ta vin đủ cớ để không nhìn thẳng vào chúng, và quan trọng hơn cả là không làm gì để chống lại chúng. Bản thân thái độ thụ động này cũng là một cái ác. Sự ngu dốt không nhận ra cái ác cũng là cái ác. Tôi không bao giờ trộm chó, cả ăn thịt chúng cũng không, vì hàng ngày tôi vuốt ve chúng, mỗi lần đi làm về chúng vẫy đuôi mừng tôi. Nhưng không vì thế mà tôi thấy mình không phần nào có lỗi trong việc con Vện bị giết một cách dã man và ông lão mù bị tước đi người bạn thân thiết duy nhất...


Vậy là tôi đã làm hỏng truyện ngắn này của tôi, bằng cách vô tình biến nó thành một bài tùy bút với những lời ủy mị không hợp mốt. Là nhà văn, lại đang trong cơn hứng “truyện ma”, tôi có thể hư cấu những chi tiết ly kỳ làm phần kết cho nó. Nhưng đây là chuyện có thật về một vấn đề nghiêm túc và khẩn thiết, tôi không thể cho phép mình được viết gì khác ngoài sự thật trần trụi và những ý nghĩ thật trong đầu tôi. Khi đọc truyện này, mong các bạn hiểu theo hướng đó.


PS.
Ông lão mù mới chết tuần trước. Tôi hỏi ông con thì được báo là cụ bỗng nhiên cảm thấy khó thở, không nói, không ăn mấy ngày rồi chết. Cũng đúng vào hôm đẹp trời. Vợ chồng tôi và cả ông hàng xóm “bận chữa xe” tiễn cụ tới tận nghĩa trang.


Chỉ tiếc không có con Vện.
Truyện ngắn. Thái Bá Tân         

Một câu chuyện về lòng kiên trì


Tôi là cựu giáo viên dạy nhạc tại một trường tiểu học ở DeMoines. Tôi luôn kiếm được lợi tức từ công việc dạy đàn dương cầm _ đó là một công việc mà tôi đã làm suốt 30 năm qua. Trong thời gian đó, tôi đã gặp nhiều trẻ em có những khả năng về âm nhạc ở nhiều cấp độ khác nhau. Tôi chưa bao giờ có hứng thú trong việc có học sinh thuộc dạng "cần nâng đỡ" mặc dù tôi đã từng dạy một vài học sinh tài năng. Tuy nhiên tôi cũng dành thì giờ vào những học sinh mà tôi gọi là "trơ nhạc". Một trong những học sinh đó là Robby.

Robby đã 11 tuổi khi mẹ cậu thả vào lớp trong bài học dương cầm đầu tiên. Tôi thích những học sinh (đặc biệt là những cậu bé) bắt đầu ở lứa tuổi nhỏ hơn, và nói điều đó với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ cậu luôn luôn mơ ước được nghe cậu chơi dương cầm. Vì vậy tôi đã nhận cậu vào học. Thế là Robby bắt đầu những bài học dương cầm đầu tiên và tôi nghĩ rằng đó là sự cố gắng vô vọng. Robby càng cố gắng, cậu càng thiếu khả năng cảm thụ âm nhạc cần thiết để tiến bộ. Nhưng cậu rất nghiêm túc trong việc ôn lại những bài học và những bản nhạc sơ đẳng mà tôi yêu cầu cất cả các học sinh của mình đều phải học. Sau nhiều tháng ròng rã, cậu miệt mài cố gắng và tôi vẫn cứ lắng nghe và cố động viên cậu. Cứ hết mỗi bài học hàng tuần, cậu luôn nói: "Một ngày nào đó mẹ em sẽ đến đây để nghe em chơi đàn". Nhưng điều đó dường như vô vọng. Cậu không hề có một năng khiếu bẩm sinh nào. Tôi chỉ thấy mẹ cậu (một phụ nữ không chồng) ở một khoảng cách khá xa khi thả cậu xuống xe và chờ cậu trong một chiếc xe hơi cũ mèm khi đến đón cậu. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ ở lại lâu.

Thế rồi một ngày nọ Robby không đến học nữa, tôi định gọi điện cho cậu nhưng thôi, bởi vì cậu không hề có chút năng khiếu nào, có lẽ cậu đã quyết định theo đuổi một con đường khác. Tôi cũng vui khi cậu không đến nữa. Cậu làm cho sự quảng bá trong việc dạy dỗ của tôi mất ưu thế! Vài tuần sau đó, tôi gởi đến nhà những học sinh của mình các tờ bướm thông báo cho buổi diễn tấu sắp tới. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Robby (cũng đã nhận một tờ bướm) hỏi xem cậu có được tham dự biểu diễn hay không. Tôi bảo với cậu, buổi diễn chỉ dành cho học sinh đang học, vì cậu đã thôi học nên cậu sẽ không đủ khả năng thực hiện. Cậu nói rằng mẹ cậu đang ốm và không thể chở cậu đi học nữa, nhưng cậu vẫn luôn luyện tập. "Cô Hondorf… cô cho em diễn một lần thôi…", cậu nài nỉ. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi cho phép cậu chơi trong buổi trình tấu đó. Có thể là cậu đã tha thiết quá, hoặc là một điều gì đó trong tôi đã bảo mách tôi rằng điều đó là đúng.

Đêm biểu diễn đã đến. Trong hội trường đông nghịt những phụ huynh, bạn bè và họ hàng. Tôi bố trí cho Robby ở cuối chương trình trước khi tôi xuất hiện để kết thúc và cảm ơn những học sinh đã trình diễn. Tôi nghĩ rằng tất cả những rủi ro mà cậu có thể gây ra cũng là lúc kết thúc và nếu có bề gì thì tôi cũng có thể "chữa cháy" cho sự biểu diễn yếu kém của cậu bằng tiết mục "hạ màn" của tôi. Và buổi biểu diễn trôi qua không một trở ngại nào. Những học sinh đã luyện tập nhuần nhuyễn và trình bày rất tốt. Thế rồi Robby bước ra sân khấu. A? quần cậu nhàu nát và mái tóc như tổ quạ.

"Tại sao cậu lại không ăn vận như những học sinh khác nhỉ? Tôi nghĩ "Tại sao ít ra mẹ cậu lại không chải tóc cho cậu vào cái đêm đặc biệt như thế này chứ? "

Robby mở nắp đàn lên và bắt đầu. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu tuyên bố rằng cậu chọn bản Concerto số 21 cung Đô trưởng của Mozart. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe những gì tiếp theo đó. Những ngón tay của cậu lấp lánh, nhảy múa trên những phím ngà. Cậu đã chơi những giai điệu từ nhẹ nhàng êm dịu đến hùng tráng… thật có hồn và đầy điêu luyện trong sự phối âm tuyệt diệu của nhạc Mozart. Chưa bao giờ tôi nghe một đứa trẻ ở tuổi ấy trình bày nhạc Mozart hay đến thế. Sau 6 phút rưỡi cậu đã kết thúc trong một âm thanh huy hoàng mạnh mẽ và mọi người đều đứng lên vỗ tay. Không nén được lệ tràn trong mắt, tôi chạy lên sân khấu và vòng tay ôm lấy Robby trong hạnh phúc: "Cô chưa bao giờ nghe em chơi hay như thế Robby ạ. Làm sao em có thể làm được điều đó? ". Robby giải thích qua chiếc micro "Thưa cô Hondorf… cô có nhớ là em đã kể rằng mẹ em đang ốm? Thực ra, mẹ em đã bị ung thư và qua đời sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh vì vậy đêm nay là đêm đầu tiên mẹ em nghe thấy em đàn. Em muốn làm điều gì đó thật là đặc biệt".

Tối hôm ấy, trong hội trường không đôi mắt nào không nhỏ lệ. Khi những người ở Trại Xã Hội đưa cậu từ sân khấu trở về trại mồ côi tôi nhận thấy mắt họ đỏ và sưng mọng. Tôi chợt nghĩ, đời tôi nhiều ý nghĩa biết bao khi đã từng nhận một học sinh như Robby. Không, tôi chưa bao giờ nhận một học sinh nào "cần nâng đỡ", nhưng đêm đó tôi trở thành người được nâng đỡ bởi Robby. Cậu là thầy của tôi và tôi chỉ là một học trò. Bởi vì cậu đã dạy cho tôi ý nghĩa của sự kiên trì, của tình yêu và niềm tin trong chính con người của chúng ta và điều đó có thể tạo ra cho người khác một cơ hội mà chúng ta không biết vì sao. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa hơn khi sau này tôi biết Robby bị chết trong vụ nổ bom điên rồ tại tòa nhà Alfred P. Murrah Federal ở thành phố Oklahoma vào tháng 4 năm 1995 nơi cậu đang biểu diễn.

Nhị Tường dịch
Nguồn Reader’s Digest

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Cô gái nhảy và người ăn xin

Vương Tú Phong, Truyện ngắn Trung Quốc   

Trong căn phòng nhỏ đẹp đẽ ở ngoại ô có một cô gái xinh đẹp.
Một hôm, có một người ăn xin đi qua. Ông ta ăn mặc rách rưới cùng mái tóc bạc trắng, trông rất đáng thương.
Cô gái động lòng trắc ẩn, cho ông 10 đồng. Cô hỏi người ăn xin :" Mỗi ngày trừ lúc đi ăn xin thì ông làm gì?"
Người ăn xin nói: "Trang điểm".
"Trang điểm?" Cô gái kinh ngạc :"Đi ăn xin mà cũng cần trang điểm sao?".
"Đúng vậy, tôi trang điểm, đánh phấn để già yếu hơn một chút, cùng khổ hơn một chút, như thế khiến người khác càng động lòng, thì tôi càng có thể xin được nhiều tiền hơn. Còn cô, ngoài lúc đi làm thì cô làm gì?"
Cô gái nói: "Trang điểm".
Người ăn xin cũng gật đầu, nhưng không tỏ ra lạ lắm, vì ông hiểu, rất nhiều các công ty hiện nay đều bắt nhân viên của mình phải trang điểm, ông hỏi :"Cô làm ở đâu?".
"Làm ở sàn nhảy. Tôi trang điểm để trẻ hơn một chút, cao sang hơn một chút, các khách sang trọng mới thích tôi, mới thưởng cho tôi nhiều tiền".
Nghe cô gái nói vậy, người ăn xin lập tức móc 10 đồng ra trả lại.
Cô gái kinh ngạc hỏi :"Sao thế, ông không cần sao?".
Người ăn xin nói :"Đúng vậy, không cần, vì đội ngũ của chúng tôi có nguyên tắc : Không được xin tiền của người cùng nghề".

Vai trò của tri thức - Quan điểm từ Châu Âu




VanVn.Net - Lịch sử văn hóa văn minh châu Âu là lịch sử của những dòng chảy tư tưởng mà các chủ thể đã tạo ra các dòng chảy đó chính là những người có thể được gọi theo nhiều cách theo nghề nghiệp của họ- nhà khoa học, triết gia, nghệ sĩ, giáo viên, nhà báo v.v...và chung nhất với tên gọi còn nhiều tranh cãi „trí thức” (intellectual). Một vài nét sơ lược về những đóng góp, vai trò và sứ mệnh của họ đối với xã hội châu Âu nói chung và văn hóa tư tưởng châu Âu nói riêng sẽ được thảo luận dưới đây...
Ngày nay Corpecnic được tôn sùng như một trong những nhà khoa học tiên phong, người đặt mốc khởi đầu cho thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu, chấm dứt sự áp đặt của nhà thờ làm xơ cứng khoa học và văn hoá suốt bao thế kỷ, làm tiền đề cho cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất ở châu Âu vào thế kỷ 16. Thuyết Nhật tâm (mặt trời làm trung tâm) của ông giờ đây là kiến thức sơ đẳng trong nhà trường nhưng vào cuối thời Trung Cổ lại là một phát kiến mang tính cách mạng, lật đổ những giáo điều Nhà thờ Thiên Chúa giáo tồn tại hơn 10 thế kỷ. Bất chấp sự đe doạ, thậm chí án tử hình từ phía Nhà thờ, Corpecnic đã dũng cảm bảo vệ quan điểm của mình, bảo vệ chân lý khoa học.
Cuộc cách mạng khoa học với những phát kiến của Galileo về vũ trụ, của Newton về quy luật của tự nhiên, khiến con người khao khát chế ngự được thiên nhiên vốn đầy bí ẩn trước đó. Đồng thời, các nhà khoa học đòi hỏi khoa học phải phục vụ đời sống, phục vụ xã hội và coi con người là động lực để phát triển khoa học. Ba nhà khoa học nổi bật cuối thời Phục Hưng, đồng thời là những nhà cải cách đã tìm kiếm con đường đưa khoa học phục vụ các chương trình xã hội. Họ chính là những người đặt nền móng tư tưởng cho phong trào Khai sáng sau đó. Đó là Giordano Bruno (1548-1600), Francis Bacon (1561-1626) và Rene Descartes (1596-1650). Những nhà khoa học này đặt khởi đầu cho một xã hội châu Âu thế tục, thu hẹp ảnh hưởng của nhà thờ, hướng tới những giá trị nhân văn đích thực. Bacon cho rằng khoa học phải mang tính mở, tự do, mọi ý tưởng phải đến được với công chúng. Khoa học phải phục vụ những mục tiêu vì con người: cải thiện điều kiện vật chất, cải thiện thương mại và công nghiệp, đề ra những phương pháp tiên tiến cho sản xuất của cải vật chất phục vụ xã hội. Ngoài ra, con người có thể dùng khoa học để chế ngự thiên nhiên.
Đến thời Khai sáng, các nhà khoa học, tư tưởng đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng nên một xã hội văn minh, đồng thời là một xã hội vì con người. Chính họ là những người xây dựng hình mẫu cho xã hội công dân thay thế cho xã hội phong kiến quân chủ trước đó. Locke, Montesquieu, Russeau đã xây dựng học thuyết về chính trị và quản lý nhà nước, chủ trương mô hình nhà nước dân chủ với sự tham gia tối đa của công dân vào các quyết định chung. Khẳng định tự do của cá nhân, các nhà Khai sáng hiểu rằng không dễ dàng giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân tự do và xã hội kỷ cương có trật tự. Trong vấn đề này, Kant đã đề xuất một cách tiếp cận mang tính tiên nghiệm cho rằng có một xã hội với sự hài hoà tuyệt đối giữa con người tự do và nhà nước pháp luật, tuy nhiên không ai biết được khi nào sự hoàn hảo đó sẽ đến. Do đó, tất cả mọi người đều phải nỗ lực không mệt mỏi để đạt đựơc điều đó và yếu tố để có thể đạt được chính là Thiện chí, là khát vọng hoàn thiện của con người. Như vậy, cá nhân được trao toàn quyền trong việc lựa chọn cách thức và con đường để vươn lên. Một trong những đóng góp quan trọng của Phong trào Khai sáng là tư tưởng Khoan dung (chủ yếu xuất phát từ Khai sáng Pháp), hình thành quan điểm chấp nhận và không can thiệp sự khác biệt trong lối sống, phong tục tập quán, tư tưởng, một yếu tố văn hoá ngày càng được khẳng định ở châu Âu.
Phong trào Khai sáng đã tạo ra một châu Âu trưởng thành và phát triển trong thế kỷ 19. Tuy nhiên, cũng chính trong sự phồn thịnh của chủ nghĩa Tư bản, các nhà tư tưởng, văn hoá đã cảm nhận thấy những mầm mống nguy hiểm và sự đe doạ của nó đối với xã hội. Các Mác, xuất phát từ chủ nghĩa lãng mạn Đức đã nghiên cứu để nhận thấy sự thối nát của xã hội Tư bản, đồng thời phát hiện ra nguyên nhân thịnh vượng của chủ nghĩa Tư bản là dựa trên bóc lột sức lao động công nhân, từ đó đề ra cuộc cách mạng bảo vệ cho giai cấp lao động. Những nghiên cứu và công bố của Mac đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội châu Âu, nâng cao vai trò và bảo vệ quyền lợi của giai cấp lao động, đồng thời buộc giới chủ tư bản phải thay đổi thái độ và chính sách đối với người lao động. Đây cũng chính là tiền đề cho những thay đổi chính sách xã hội tầm vĩ mô của các quốc gia châu Âu.
Cuối thế kỷ 19, khi chủ nghĩa Tư bản biến thái thành chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến, châu Âu bành trướng thế lực ra khắp thế giới, cũng là lúc các nhà tư tưởng châu Âu cảm nhận được nguy cơ suy thoái của văn hoá châu Âu, khi mà những giá trị truyền thống về đề cao giá trị con người bị xâm phạm nghiêm trọng. Đồng thời họ là những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo cho xã hội châu Âu về những nguy cơ ấy. Durkheim đã phát hiện ra sự mâu thuẫn của một xã hội hiện đại khi vật chất dồi dào, đời sống được cải thiện thì các mối liên kết xã hội lại trở nên lỏng lẻo, thậm chí bị triệt tiêu, đẩy con người vào trạng thái cô đơn, lạc lõng, thất vọng và chán nản.
Xã hội càng phát triển, những biểu hiện của nó càng trở nên phức tạp. Để có thể hiểu được bản chất của xã hội cũng như của con người là những cá thể tạo nên xã hội đó, các nhà tư tưởng, các nhà văn, các nhà khoa học và xã hội học đã tiếp cận, nghiên cứu, phân tích dựa trên nhiều phương pháp. Chủ nghĩa duy lý của thời Khai sáng không làm thoả mãn những người theo chủ nghĩa lãng mạn đầu thế kỷ 19. Không theo kịp với đà phát triển của xã hội, chủ nghĩa lãng mạn đề cao trực giác và cảm giác lại nhường chỗ cho chủ nghĩa hiện thực giữa thế kỷ 19. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa phi lý với Nietzsche, Dostoevsky, Freud đã đi đến những kết luận thú vị về bản chất con người, từ đó đưa ra những giải thích về hành vi và những xung đột giữa con người với xã hội văn minh.
Khủng hoảng của văn minh châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20 dường như đã được dự báo trước bởi các nhà văn hoá. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Tây Âu đã liên kết lại trong Liên minh châu Âu và mơ đến một ‘ngôi nhà chung châu Âu’, trong đó các nhà tư tưởng của châu Âu đã sớm nhận thấy văn hoá ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một diện mạo riêng cho ngôi nhà đó, gắn kết các thành viên chung sống dưới một mái nhà. Một trong những gương mặt tiêu biểu của trí thức châu Âu thời kỳ này là Pierre Bourdieu, người kế tục truyền thống của các thế hệ trí thức Pháp từ Voltaire tới Foucault. Vào khoảng giữa những năm 1990, Bourdieu đã xuống đường biểu tình bảo vệ quyền lợi cho  công nhân thất nghiệp và lên án học thuyết kinh tế tự do mới ngày càng đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa quốc gia phát triển và quốc gia chậm phát triển. Bourdieu đã rời bỏ các thư viện, giảng đường, viện nghiên cứu để xuống đường, từ một nhà nghiên cứu xã hội học (được đánh giá là nhà xã hội học hàng đầu tại Pháp) thành một nhà hoạt động xã hội tích cực. Niilo Kauppi viết ‘Lý thuyết cần có nền tảng luân lý để biến thành thực tiễn, khoa học cần cơ sở đạo đức để nắm quyền lực’[1], khi đánh giá cao giá trị con người Đạo đức, bên cạnh con người Khoa học của Bourdieu, người luôn đứng về phía quần chúng để bảo vệ cho lợi ích của họ. Ở Pháp và châu Âu, hình ảnh của ông được ví với ‘người trí thức anh hùng của nước Pháp, một điển hình của trường phái Lãng mạn một mình chống lại những thiên kiến tập thể, người dũng cảm nói lên sự việc như nó đang xảy ra trên thực tế’[2].

2. Trí thức Anh, Pháp- sự khác biệt
Nếu trí thức Nga, Đức, Pháp luôn tự nhận về mình những trách nhiệm cao cả đối với xã hội, quyền lực của họ được đánh giá tương ứng, trong nhiều trường hợp, ngang với quyền lực chính trị, thì ở Anh, „trí thức không mấy được để ý đến”[3], bất chấp những tên tuổi như Isaac Newton, John Locke, Adam Smith, Jeremy Bentham, William Wordsworth, Charles Dickens, Charles Darwin... Thậm chí ở Anh „không ai muốn được gọi là trí thức, vì họ hoàn toàn không có chút quyền lực và ảnh hưởng nào”[4]. Thái độ của người Anh đối với khái niệm „trí thức” không hề giống với những gì mà ngừơi Pháp tôn trọng „ ở hầu hết các nước nói tiếng Anh, tên gọi ‘trí thức’ không hàm ý khen ngợi, ngược lại nó có nghĩa dè bỉu hoặc bị lạm dụng”[5], bởi vì, người Anh được giáo dục rằng „tính cách quan trọng hơn trí tuệ”. Trên thực tế, trong khi trí thức Pháp và Nga luôn cảm thấy trách nhiệm xã hội nặng nề của mình thì trí thức Anh, với bản tính „phớt Ang-lê”, „không bao giờ thích được ưu tiên và trao quyền lực”. Đối với người Anh, nước Pháp tiêu biểu cho „chủ nghĩa thế giới, nhân tạo, lệ thuộc vào mốt, khôn khéo và láu cá”[6]. Trong khi người Anh tự cho mình là thẳng thắn, tự nhiên, „mang chất đàn ông”, chất phác, nghiêm túc. Trí thức Anh tìm cách lánh xa các hiện tượng bề nổi, các danh hiệu, tước phong và định hướng tới „thực tại, kinh nghiệm”. Cũng chính vì thế mà trí thức Anh bị chỉ trích là „đại diện cho tầng lớp trung lưu „Philistanh”- những người ham làm hơn là ham nghĩ ngợi, những nhà đạo đức mà thiếu „sự ngọt ngào và ánh sáng tư tưởng”, đặc điểm khiến cho trí thức Anh khác với trí thức Pháp và Đức vốn là những người khởi xướng ra chủ nghĩa lãng mạn.
Tuy nhiên, nếu như trí thức Anh không hướng tới quyền lực thì giới quyền lực và tinh hoa của Anh lại có xuất thân từ các gia đình có truyền thống học thức lâu đời, nhiều trong số họ là các nhà chuyên môn, các chuyên gia đỉnh cao. Họ tạo nên một giới „quý tộc có học thức”, liên kết với nhau bởi các mối quan hệ gia tộc và hôn nhân như Macaulays, Trevelyans, Wedgwoods, Darwins, Stephens, Stracheys..Vào thế kỷ 18, 19, và những thập kỷ đầu thế kỷ 20, tầng lớp quý tộc này được đào tạo ở những trường học nổi tiếng, có bề dày thành tích hàn lâm. Họ đổ nhiều tiền của đầu tư cho nhà trường, phát triển các kho sách, thư viện, và tới lượt con cái họ được thừa hưởng những di sản học thức được vun đắp qua nhiều thế hệ.
Vậy thì ở nước Anh, khái niệm „trí thức” (intellectual trong tiếng Anh,  intellectuele trong tiếng Pháp) mang hàm ý gì? Trước hết, người Anh dùng khái niệm „intellectual” để nói về văn hóa của họ, một nền văn hóa được đúc kết từ trí tuệ của con người. Sau sự kiện Dreyfus ở Pháp[7], nước Anh mới tập trung vào „intellectual” như là một giai tầng đặc biệt và vấn đề trách nhiệm của họ đối với xã hội. Trước thế kỷ 19, khái niệm „intellectual” hoặc „intelligentsia” không được sử dụng để chỉ một „giai tầng”. Những người làm việc trí óc được mô tả qua các từ „clerisy” (trí thức), „man of letter”, „literary men” (kẻ sĩ), hoặc „cultivators of science” (người vun trồng khoa học). Sau những năm 1870, 1880 mới dùng các từ „intellectual”, „intellectual life” (trí thức, đời sống trí thức)[8], trong đó „đời sống trí thức” bao gồm thơ ca, nghệ thuật, triết học, và tôn giáo. Đến cuối thời Vitoria (cuối thế kỷ 19), „đời sống tri thức” bao hàm hoạt động trong các trường đại học. „Trường đại học là một tổ chức của đời sống trí thức của đất nước; đó là nơi học tập, nơi nuôi dưỡng khát vọng khoa học, là viện hàn lâm, là tổ ấm của học thức, là nơi trú ẩn của kẻ sĩ và những kẻ thích trầm tư”[9]. Năm 1910, Từ điển bách khoa Encyclopaedia Britannica định nghĩa „trí thức” là „người làm việc với lý thuyết và nguyên tắc hơn là với thực hành, lý thuyết của họ thường liên quan đến những vấn đề trừu tượng: họ xa rời thế giới, và họ chủ yếu thuộc giới dạy học và văn hóa, những người ít chú ý đến những thú vui tầm thường”[10]. Hayek phân biệt năm ý nghĩa khác nhau của khái niệm „trí thức”. Ý nghĩa thứ nhất như đã nói đến ở trên, trí thức là „học giả”. Ý nghĩa thứ hai, „trí thức” được dùng như tính từ có nghĩa là „trí tuệ”: trí thức là người có trí tuệ, thường có nghĩa bổ sung là người có học thức cao, phân biệt với những ngừơi làm việc tay chân. Ý nghĩa thứ ba, trí thức là người có tư duy độc lập và có đầu óc phê phán. Họ phải luôn nuôi dưỡng trong mình thái độ khách quan, đứng ngòai chính trị. Ý nghĩa này được khởi xướng bởi triết gia và nhà văn Pháp Julien Benda, người chống lại những thiên kiến chính trị, chủng tộc và dân tộc của các trí thức cánh tả. Ý nghĩa thứ tư: trí thức là người thực hiện các chức năng xã hội hoặc vì xã hội. Xung quanh vấn đề này có nhiều bàn cãi, chẳng hạn chức năng này bao gồm những nhiệm vụ cụ thể nào hoặc cần phải thực hiện ở mức độ nào. Nhìn chung, đối với trí thức Anh thì chức năng này được hiểu là những định hướng văn hóa cho xã hội, trong khi đối với trí thức Pháp và Nga thì trí thức phải tiên phong trong các phong trào cách mạng và xả thân cùng những biến động xã hội. Ý nghĩa thứ năm, người trí thức, ngòai chức năng định hướng văn hóa còn có vai trò định hướng chính trị và xã hội- điều mà các trí thức Nga và Pháp coi là trách nhiệm hàng đầu. Họ phải có vai trò can thiệp vào đời sống chính trị và có tiếng nói đối với nhà cầm quyền dựa trên quan điểm khoa học.

3. Trí thức Đông Âu
Năm 1986, khi bức tường Berlin còn chưa sụp đổ, sau khi Đại hội 27 ĐCS Liên Xô tuyên bố về Perestroika và Glasnost, Vaclav Havel viết ‘Người trí thức phải thường xuyên can thiệp, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của nhân dân, đồng cảm với nỗi khổ ấy và nổi dậy chống lại những áp bức vô hình hay hữu hình, là những người luôn đặt mối nghi ngờ đối với hệ thống, với quyền lực và những bùa chú, xuyên tạc mà những quyền lực đó đặt ra’[11]. Có thể thấy,  trách nhiệm ‘dám nói lên sự thật’, tự nhận là ‘người nô bộc khiêm tốn và dũng cảm của sự thật’[12] đã được nhiều trí thức Đông Âu đảm nhiệm. Đông Âu, cũng như Nga, có một đội ngũ trí thức được hình thành như một giai tầng trong xã hội -„inteligentsia”, đội ngũ được xây dựng sau chiến tranh Thế giới thứ hai, gồm nhiều trí thức tiến bộ tập hợp như một lực lượng chống Phát xít.
Giới trí thức đóng một vai trò quan trọng trong các quốc gia XHCN, như hai trí thức mac xit người Hungary, George Konrad và Ivan Szelenyi nhận định[13]. Theo hai học giả này, quyền phân phối thặng dư trong xã hội tư bản thuộc về chủ tư bản, còn trong xã hội XHCN, do không có tư bản, quyền này thuộc về giới cầm quyền- trí thức. „ Ngay khi thị trường được thay thế bằng kế hoạch hóa, những người nắm tri thức sẽ lên nắm quyền, thay cho những người sở hữu tư bản”. Quá trình phân phối sản phẩm „duy ý chí” được hình thành, thay cho việc phân phối sản phẩm dựa vào thị trường. Ngòai ra Konrad và Szelenyi còn nhận định rằng trong xã hội XHCN vai trò của giới trí thức sẽ được coi trọng hơn trong xã hội TBCN, bởi vì giới trí thức ở các nước XHCN, khi bị đẩy ra ngòai rìa, sẽ có xu hướng cầm đầu phong trào „nổi loạn” chống lại quyền lực chính trị. Do đó,  bộ máy cần o bế họ để phục vụ các mục tiêu chính trị, cũng như dùng họ để nuôi dưỡng lý luận và tuyên truyền. So với giai cấp công nhân thì trí thức có vẻ được ưu đãi hơn rất nhiều. Họ kiếm được „căn hộ” dễ dàng hơn, có nhiều thời giờ rảnh rỗi, nhiều cơ hội giải trí hơn, tạo nhiều mối quan hệ và gây được nhiều ảnh hưởng hơn, cũng như được giới lãnh đạo „dè chừng”, „vị nể” hơn[14]. Tuy nhiên nếu đi chệch hướng thì họ có thể phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc.
Một trong những đóng góp quan trọng của trí thức Đông Âu là nỗ lực hình thành nên „xã hội dân sự” ở những nước này. Ngay trong thời kỳ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Liên Xô, ở các nước Đông Âu Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungary, dưới lớp vỏ ngoài của xã hội tập trung bao cấp đã có những mầm mống của xã hội dân sự với “những giai tầng đa dạng, những nền văn hóa, truyền thống lịch sử, các thiết chế chính trị-kinh tế khác biệt”[15]. Cho đến thập niên đầu của thế kỷ XX khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng của các đế chế xung quanh: Nga ở phía Đông, Thổ ở phía Tây và Áo ở phía Nam. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary và Nam Tư mới giành lại độc lập. Như một phản xạ nhằm đối phó lại với phạm vi ảnh hưởng của những đế chế nói trên, những quốc gia-dân tộc này tìm mọi cách để duy trì và lưu giữ những nét đặc sắc văn hóa xã hội riêng của mình, trong đó các trí thức đóng một vai trò to lớn.
Một trong những phong trào nổi bật trong sự hình thành các nhóm, các tổ chức mang tính quần chúng, góp phần xây dựng xã hội dân sự ở Đông Âu là các hoạt động bảo vệ môi trường. Quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước Đông Âu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, trong khi chính quyền đã không đưa ra những giải pháp kịp thời cho vấn đề ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm, các nhóm trí thức đã sớm nhận thức được hiểm họa tàn phá môi trường và tác động tiêu cực của nó tới dân sinh. Tuyên ngôn đầu tiên của hội những người bảo vệ môi trường được đưa ra ở Ba Lan, khi Câu lạc bộ sinh thái Ba Lan được thành lập ở Cracow vào tháng 9 năm 1980. Nhiều nhà khoa học môi trường đã tập trung ở đây để khai mạc cho Câu lạc bộ này bằng một bức thu ngỏ gửi lên chính phủ yêu cầu có những điều luật nghiêm khắc hơn nữa nhằm bảo vệ môi trường sống. Nhiều hội thảo đã được tổ chức, nhiều kết luận về tình trạng ô nhiễm cũng như tác hại đối với sức khỏe người lao động, các khuyến nghị tới chính phủ đã được đệ trình. Sau sự kiện Chernobyl ở Ukraina, nhóm vì Hòa bình và Tự do đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc bưng bít thông tin về vụ nổ, khoảng 2000 người đã tham gia tuần hành ở Cracow. Tại Bialystok, khu vực gần Chernobyl, khoảng 3000 người đã ký lời kêu gọi ngừng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan có tên là Zarnowiec. Phối hợp với các nhà khoa học và nhà báo, tổ chức này đã gây sức ép buộc chính quyền đóng cửa nhà máy thép Siechnice gần Wroslaw do làm ô nhiễm nguồn nước trong khu vực. Chính quyền khu vực này cam kết sẽ chấm dứt hoạt động của nhà máy trước năm 1992. Ngoài ra, danh sách 500 nhà máy cũng được liệt kê vì đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Kể từ năm 1978, phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc đã coi môi trường là một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình hành động. Tháng 7 năm 1983 nhóm giám sát nhân quyền đã soạn thảo một văn bản chi tiết cảnh báo chính quyền về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở miền bắc Bohemia. Tháng 2 năm 1984, Hiến chương 77 đã phát hiện và in lại một báo cáo mật của chính phủ do Viện Hàn lâm Tiệp Khắc soạn thảo năm 1983 về vấn đề môi trường, trong đó thông báo tình trạng môi trường đang bên bờ thảm họa và những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng đối với dân chúng. Báo cáo nêu rõ, kể từ năm 1960, số người bị mất khả năng lao động tăng 50% do các lý do về sức khỏe. Ở các khu công nghiệp, tỉ lệ người người mắc bệnh phổi, tử vongở trẻ em tăng mạnh. Tương tự, cây cối và động vật cũng bị ảnh hưởng do mưa axit, ô nhiễm nguồn nước và không khí cũng như sử dụng hóa chất tràn lan trong nông nghiệp. Năm 1986, Hiến chương 77 đã ra văn bản trình lên Quốc hội phàn nàn việc chính phủ Tiệp Khắc chậm trễ phản ứng với khủng hoảng Chernobyl, trong đó đề nghị phải ngay lập tức đưa đầy đủ thông tin về mức tăng phóng xạ ở Tiệp Khắc và ý kiến của chuyên gia về các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe con người. Năm 1987, tổ chức này ra hai văn bản về tình trạng môi trường ở Tiệp Khắc, trong đó đề nghị vấn đề môi trường phải được đưa ra bàn luận rộng rãi trong công chúng. Các văn bản này được gửi tới nhiều cơ quan của chính phủ, đòi hỏi các nhà máy xí nghiệp dùng than có hàm lượng thấp phải lắp đặt các máy lọc không khí, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và cảnh báo nguy cơ cao đối với các nhà máy hạt nhân.. Tuy nhiên những yêu cầu này đều không được giải đáp.
Ở Hungary, phong trào bảo vệ môi trường cũng được dấy lên bởi các tổ chức phi chính phủ. Nhóm Danube Circle (do nhà báo và nhà sinh vật học Janos Vargha thành lập năm 1984) kết hợp với Hiến chương 77 thành lập ra một Dự án liên kết Tiệp-Hung về những nguy hiểm đối với môi trường do đập thủy điện Gabciko-Nagymaros đang xây dựng có thể gây ra. Dự án này tiến hành nghiên cứu và soạn thảo các văn bản đệ trình lên chính phủ hai nước về những nguy cơ hủy diệt môi trường của khu vực sông Đa nuyp. Cũng chính nhóm Danube Circle đã gửi một bức thư lên Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng Hungary về những tác hại của ô nhiễm môi trường và kêu gọi nhận thức đúng đắn về vấn đề này với chữ ký của khoảng 5000 người trong đó có 50 đại diện hoạt động trong lĩnh vực khoa học và văn hóa. Nhóm Danube Circle tuyên bố không liên quan đến các phong trào chống đối hay vì các mục tiêu chính trị mà chỉ là một tổ chức quan tâm đến các vấn đề sinh thái môi trường. Tuy nhiên chính quyền không công nhận nhóm này là một tổ chức chính thức và đã bác bỏ đề nghị của họ. Vào năm 1985, nhóm này mới được phục hồi trở lại sau khi họ được nhận giải thưởng “Sinh kế đúng đắn” với số tiền 95.000 đola, và được nêu tên tại lễ trao giải tại Nghị viện Thụy Điển. Hai năm sau họ mới được chính phủ Hungary đồng ý cho nhận giải bằng tiền Hungary với lý do không được nhận giải bằng ngoại tệ. Nhóm này đã dùng số tiền thành lập ra Quỹ Danube với cam kết “hỗ trợ cho các cá nhân và phong trào tư nhân có các hoạt động gìn giữ môi trường và thiên nhiên có liên quan đến vùng sông Đanuyp”. Nhiều dự án đã được đệ trình để xin Quỹ hỗ trợ. Nhóm Danube Circle còn huy động nhân dân yêu cầu chính phủ thay đổi chính sách. Cuộc trưng cầu ý kiến về đập thủy lợi đã thu được 2655 chữ ký nhưng không thu được đánh giá tích cực từ phía chính quyền (dẫn theo Janusz Bugajski và Maxine Pollack, 1989:214)[16]. Tháng 4 năm 1986, 30 trí thức Hungary đã gửi in một quảng cáo trên một trang của tờ báo ở Viên, thủ đô nước Áo, có tên là Die Presse, với ý định kích động dân chúng Áo phản đối việc xây đập trên dòng Đanuyp trên đất Hung, do phần lớn tín dụng để xây đập là từ Viên và 70% gói thầu xây dựng đập sẽ trao cho các hãng của Áo. Quảng cáo tuyên bố “Một xã hội dân chủ- và chúng tôi tin xã hội Áo là như vậy- không cho phép nó khai thác sự thiếu dân chủ ở một nước khác vì những lợi ích vật chất của nó”. Một số các nhà môi trường và chính trị gia của Áo đã tỏ thái độ thông cảm . Tháng 7 năm 1986 19 thành viên của Danube Circle đã gửi đơn thỉnh cầu lên Nghị viện Viên, thúc dục họ xem xét lại lần cuối hiệp định Áo-Hung về việc xây đập. Ngoài Danube Circle ở Hungary còn một số nhóm các nhà môi trường khác, trong đó thành công hơn cả phải kể đến nhóm “Blues” (Nhóm Xanh, chỉ màu xanh của nước biển và làm nhắc lại các nhóm Xanh vì môi trường của Tây Âu). Thành lập năm 1985, nhóm Xanh trẻ hơn và hăng hái hơn nhóm Danube Circle. Họ tham gia vào các phong trào giáo dục công cộng, chủ yếu với các tuyên truyền bảo vệ sông Đa nuyp. Mặc dù họ không ra ấn phẩm thường kỳ nhưng lại sử dụng các tờ rơi để đến với dân chúng. Tháng 9 anưm 1985, họ lần đầu tiên phân phát 10 ngàn tờ rơi trên khắp Hungary để phản đối việc xây đập thủy điện Gabciko-Nagymaros. Ngoài ra nhóm này cũng gửi thư lên Quốc hội và các nhà trí thức trong khu vực sông Đa nuyp, trong đó trình bày những nguy hại của đập đối với môi trường. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí samizdat, các thành viên của nhóm Xanh đã tuyên bố các mục tiêu của mình “trên thực tế là vượt quá định hướng bảo vệ môi trường, và mong muốn khuyến khích tư duy độc lập trong mọi lĩnh vực đời sống và chủ trương tự quản hơn nữa trong cách mọi người sống và làm việc. Chúng tôi muốn mọi người kết hợp lại và chấm dứt sự phân chia trong xã hội” (dẫn theo Janusz Bugajski và Maxine Pollack, 1989:215)[17]. Tháng 3 năm 1988 đại diện của 13 nhóm môi trường độc lập đã nhóm họp ở Budapest, thành lập ra một ủy ban phối hợp chung gọi là Mạng lưới thông in của các nhóm bảo vệ môi trường và có một tờ tạp chí riêng là Tuleles (Sống sót) ra hai tháng một số. Trong số các đại diện của Mạng lưới này có nhóm Danube Circle, nhóm Quỹ Danube, nhóm Câu lạc bộ sinh thái của trường Đại học Eotvos Lorand nhóm Kal Basin Friendsship Circle, nhóm liên minh Petofi và nhóm hòa bình 4-6-0 . Những nhóm này có quan hệ với một số tổ chức chính thức như KISZ (Đoàn Thanh niên) và Bộ Môi trường.
Nhìn lại lịch sử tư tưởng châu Âu, chúng ta thấy thái độ và quan điểm đối với trí thức khác nhau ở từng khu vực và từng giai đoạn phát triển. Dù cho thuật ngữ “intellectual” mới được sử dụng rộng rãi vào cuối thế kỷ 19, chúng ta hiểu rằng, trí thức, dưới những hình ảnh khác nhau của các triết gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ…đã xây dựng nên một châu Âu vô cùng đa dạng và giàu bản sắc, họ là những thành tố quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận, diện mạo văn hóa của xã hội châu Âu.