Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

THÔNG BÁO

Các bạn thân mến!
Sau hơn hai năm "ghi chép", cuốn sổ KT26 đã đầy.
Mời các bạn ghé blog mới tại địa chỉ: www.ktb26.blogspot.com
Hoặc đơn giản là click vào biểu tượng của Blog ktb26 ở phía trên.
BBT

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

......Cô yêu cầu anh tưởng tượng rằng anh vừa thắng một cuộc thi mà giải thưởng là như sau: mỗi buổi sáng, một ngân hàng sẽ mở cho anh một tài khoản và chuyển vào đó 86400 đô la. Nhưng tất cả các trò chơi đều có luật của nó, trò chơi này có hai luật như sau:
- Luật thứ nhất là tất cả số tiền mà anh không chi tiêu trong ngày thì đến tối sẽ bị lấy đi, anh không thể gian lận, không thể chuyển tiền sang một tài khoản khác, anh chỉ có cách là chi tiêu thôi, nhưng sáng hôm sau khi thức dậy thì ngân hàng lại mở cho anh một tài khoản mới, với 86400 đô la mới, để dùng trong ngày.
- Luật thứ hai, ngân hàng có thể chấm dứt trò chơi này mà không cần báo trước, vào bất cứ lúc nào họ cũng có thể nói với anh rằng thế là chấm dứt, rằng họ đóng tài khoản lại và sẽ không có tài khoản khác nữa đâu....
"Vậy thì anh phải làm gì? Anh không hiểu rõ lắm"
"Đơn giản đấy chứ, đó là một trò chơi, mỗi sáng khi thức dậy người ta cho anh 86400 đô la, với điều bắt buộc duy nhất là phải chi tiêu trong ngày, số tiền không dùng đến sẽ bị lấy đi khi anh đi ngủ, nhưng món quà trời cho hay là trò chơi này có thể ngừng lại bất cứ lúc nào, anh hiểu chứ? Vậy thì câu hỏi là: anh sẽ làm gì nếu một món quà như vậy đến với anh?"
Anh trả lời một cách tự nhiên rằng anh sẽ tiêu từng đô la một để làm những gì mà mình thích, và sẽ tặng nhiều quà cho những người mình yêu mến. Anh sẽ tìm cách sử dụng từng đồng xu một mà cái "nhà băng kỳ diệu" này tặng để đem lại hạnh phúc cho đời anh và những người xung quanh anh, ngay cả những người anh không quen biết nữa, vì anh không tin rằng anh có thể chi tiêu cho mình và những người thân của mình hết được 86400 đô la một ngày.
"Nhưng em muốn dẫn đến cái gì thế?"
Cô trả lời: "ngân hàng kỳ diệu này tất cả chúng ta đều có, đó là thời gian! Chiếc sừng màu nhiệm chứa đầy những giây đồng hồ điểm từng tiếng một"
"Mỗi sáng khi tỉnh dậy, chúng ta được cho 86400 giây để sống trong ngày, và tối đến khi ta đi ngủ không được chuyển gì cho ngày hôm khác, tất cả những gì không được sống đã mất, ngày hôm qua vừa mới trôi đi. Mỗi buổi sáng phép màu này lại bắt đầu, chúng ta lại được 86400 giây để sống, và chúng ta chơi với cái luật không thể tránh được: "ngân hàng có thể đóng tài khoản của chúng ta bất cứ lúc nào, và không thể báo trước: vào tất cả mọi lúc, cuộc sống đều có thế dừng lại.
Vậy thì ta có thể làm gì với 86400 giây mà ta có hằng ngày?
Điều đó chẳng phải quan trọng hơn những đồng đô la hay sao, những giây được sống?"
Từ khi cô bị tai nạn, mỗi ngày cô mới hiểu rằng thật ít người hiểu được thời gian đáng được coi trọng và quý giá biết bao. Cô giải thích cho anh những kết luận từ câu chuyện của cô.
" Anh muốn hiểu một năm sống là gì? Hãy đặt câu hỏi cho một sinh viên vừa thi trượt kì thi cuối năm.
Một tháng sống: hãy hỏi người mẹ vừa cho ra đời một đứa con đẻ non và đang đợi nó được ra khỏi lồng kính để bà được ôm con trong vòng tay mình, bình yên vô sự.
Một tuần: hỏi người làm việc ở nhà máy hay dưới hầm mỏ để nuôi gia đình mình.
Một ngày: hỏi hai người đang yêu mê mệt và đang đợi để gặp lại nhau.
Một giờ: hỏi người mắc chứng sợ bóng tối, đang bị kẹt trong thang máy hỏng.
Một giây: nhìn vẻ mặt người vừa thoát khỏi tai nạn ô tô.
Và một phần nghìn giây: hỏi một vận động viên vừa được huy chương bạc ở thế vận hội, chứ không đoạt huy chương vàng-cái huy chương mà vì nó anh ta đã luyện tập suốt đời mình...."


Trích tiểu thuyết :" Nếu em không phải giấc mơ" - tác giả Mark Levi.
-----------------------------------
Sáng nay đưa cháu lớn nhà tôi đi học. Cu cậu nói: Ba ơi một năm trôi qua nhanh quá nhỉ!
Sau khi đưa cháu vào trường quay ra thì thấy một vụ tai nạn, cô gái bị đụng xe sau một hồi choáng váng hỏi mọi người xung quanh: mấy giờ rồi?
...
Đó là lý do tôi sưu tầm bài viết nói trên.
Chúc cả nhà một Weekend vui vẻ!!
KT
  


MỪNG SINH NHẬT XUÂN THÀNH 23/11


Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

THẦY KHOA NĂNG CHÍNH ( Theo blog : http://guihuongchogio.vnweblogs.com/post/4523/389131)

BBT: Đây là bài viết của một đồng nghiệp về anh Khoa Năng Chính, tác giả giờ hiện đang định cư tại Mỹ và làm việc cho UNICEF.
Xin cảm ơn tác giả: Chị Chung NY và tặng những ai từng biết, từng là học trò, đồng nghiệp của anh Chính.
--------------------------------

Năm tám ba, mình về nhận công tác thì anh Chính đã là Phó Giám đốc Trung tâm. Trong mắt anh, mấy đứa mới ra trường như tụi mình chẳng khác gì đám trẻ trâu cần được dạy bảo. Quát, mắng, đe nẹt chẳng thiếu điều gì.
Nhà anh ở ngay trong khu tập thể của trường. Chị Hằng vợ anh cao ráo, xinh xắn. Chỉ mấy bố con anh là “ngăn ngắn”, giống nhau. Thỉnh thoảng ngồi họp hội đồng, tụi mình lại tán: “nhà anh Chính chỉ cần một giường. Chị Hằng nằm dọc, bốn bố con nằm ngang là vừa”. Anh Chính nghe được không cáu, cũng chẳng thèm chấp.
Mình nghe kể, hồi đang yêu, mỗi lần đi đón chị Hằng tan ca, anh Chính ngồi trên yên chiếc xe đạp Phượng Hoàng dựng sát lề đường, chân kiễng hết cỡ mới chạm vỉa hè. Đám thanh niên trong làng “dạt” hết vì lúc ấy anh vừa từ “Phái đoàn bốn bên” trở về. Đầu đội mũ kê-pi, quân phục pho tá, quân hàm cầu vai đỏ choét. Oách xà lách. Chị Hằng hồi ấy nghe bạn bè đi xem bói. Thầy phán, có một anh đậm đậm, thấp thấp sẽ đến tìm hiểu. Phải lấy người ấy mới đúng số. Sau này về ở với nhau mới biết ông thầy đã được “gà bài”. Mà cũng có thể ông thầy “vô tư”. Từ thuở hàn vi tới lúc anh chị có nhà tầng, sân vườn, con cái phương trưởng, mình thấy họ luôn có nhau.
Anh Chính chưa từng bao giờ mặc cảm về ngoại hình của mình. Thời bao cấp, mỗi người được 5 mét vải. “Ba yêu củi đuốc đầy sân – Bốn yêu anh có đôi quần đùi hoa”. Gặp ngày nóng nực, anh Chính mặc chiếc quần đùi không rõ gam màu, chiếc cạp chơi vơi dưới cả rổ bụng thỗn thệ, đi lại vô tư trong sân. May ô là thứ hàng xa xỉ. Có lần cả mấy đứa tụi mình loay hoay mãi không nhấc nổi chiếc tủ sách ra khỏi cái ngách cơi nơi được gọi là thư viện. Anh Chính vê vê hai ống quần đùi lại cho gọn gàng rồi nhấc bổng chiếc tủ đưa ra ngoài. Chẳng khác gì phim Kingkong trong các video tape ngoài luồng thời đó. “Chúng mày chỉ lười chứ có khó khăn gì đâu”. Mặc dù bị anh quát, nhưng mấy đứa tụi mình vẫn cười nhe nhở. “Em lo nhất là nhỡ cái quần đùi của anh tự nhiên đứt chun”. Có dạo mình có lớp ở bệnh viện Nhi Đức. Anh Chính cho mình đi nhờ xe máy. Mình bảo, để em đi kiếm thêm đoạn dây, nối vào hai tay để “ôm” anh cho chặt. Anh Chính chả buồn nói lại. Mỗi tuần chở mình đi hai lần
Anh Chính dạy sáng, trưa, chiều, tối – Teaching machine. Các bệnh viện, công ty, xí nghiệp, Sở, Ban, ngành của Thành phố đến Trung tâm mở lớp đều yêu cầu đích danh thầy Chính. Mùa hè, phòng học mái tôn do UNICEF tài trợ từ thập kỷ bảy mươi, hơi nóng theo quạt trần phả xuống hầm hập mà lớp anh vẫn có tới sáu, bảy chục học viên ngồi chen chúc nhau. Nửa thành phố là học sinh thầy Chính.
Uy tín lớn. Anh Chính đến đâu cũng như chỗ không người. Khi cần bốc điện thoại lên có thể mắng đầu dây bên kia xối xả. Lúc có dịch tả, anh Chính vào bệnh viện Việt Tiệp xin cho giáo viên trong trường cả ngàn viên Tetracyclin. Dịp tết anh xuống Nông trường Thành Tô mua vài chục con gà tây hay nửa con lợn hơi rồi các công đoàn viên ngồi dạng chân dạng tay chia chia, chặt chặt. Mình cũng nhiều phen đi mua cá đông lạnh hoặc nước mắm cho Trung tâm chỉ với lời giới thiệu “ở trường thầy Chính”. Nhiều lúc anh quát tụi mình “ỉa không ra cũng anh Chính” (he he). Tuy vậy, anh bị nhờ vả cũng ghê. Mấy ông thầy dạy Triết học và Mác-Lê ở trường Hàng Hải, chỉ lõm bõm mấy câu “Ỉm sozy, Ỉm buzy”, muốn xuống tàu làm “Chief Toilet” tìm đường cứu nhà, cần bằng A cũng tìm đến nhờ thầy Chính dạy kèm.
Mình dạy làng nhàng, vâng lời làng nhàng nên không bị ghét, cũng chẳng được yêu. Tết lễ cũng không có thói quen mang quà đến nhà các sếp. Bạn bè có người nhắc nhở, mình cười phớ lớ: “Tớ cố gắng giữ cho thủ trưởng trong sạch”.
Năm chín mốt, mình rời Trung tâm. Năm chín tám mình chuyển lên Hà Nội. Không nhớ rõ năm nào anh được lên làm Giám đốc, mình có về chúc mừng. Lần đầu tiên anh bắt tay, mời mình uống trà và bảo: “Anh vẫn nghĩ cô giỏi” (ke ke).
***
- Khoa Pháp dạy tiếng Pháp; Khoa Nga dạy tiếng Nga; Thế Khoa Năng Chính dạy gì?
- Khoa Năng Chính dạy Trung tâm Ngoại ngữ (he he)

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

CON CHÓ ĐÁ (Tg: Chuti)



(Ngày nhà giáo VN 20/11 – Món quà không gửi)

“ Con đi vào hẻm nhà thờ Nam Phát, rẽ trái đi thẳng thấy cái cổng có con chó đá…”

Mỗi lần đứng trước cái cổng sắt ấy, Nó nhớ lại lời chỉ đường lần đầu của Bà giáo, chăm chú nhìn vào hình vẽ cái đầu một chú chó nghộ nghĩnh. Nó mỉm cười về cái mâu thuẫn bên trong của người chủ nhà đặc biệt này. Có ai đời lại thông báo cho kẻ trộm: “ Nhà tôi nuôi chó đấy, cẩn thân!”. Có lẽ, trộm cũng chẳng đặng viếng thăm Bà giáo già đơn chiếc chính trong căn nhà rộng của minh ấy. Dặt khách viếng thăm là lũ học trò nghịch ngợm qua các thời kỳ. Mỗi lần vậy, nhất là dịp 20-11, đàn chó lồng lộn sủa vang giữa đông người, chả hiểu chúng vui mừng hay tức giận nữa mà nói.
Nó quan sát, hình như đàn chó giữ nhà Bà giáo giảm đi theo những lần Nó lặng mỉm cười trước cánh cổng sắt ấy. Gần đây, chỉ còn tiếng sủa lẻ loi yếu đuối của một chú chó già, lông trắng đá điểm vào sợi đen bạc. Có lẽ Bà giáo cưng nó nhất, một chú chó đá….

Mùa tri ân các nhà giáo năm nay, Nó cũng về thăm Bà giáo. Cùng với lũ bạn phổ thông ngày nào, ngót 30 năm vẫn nhí nhố xếp hàng trước cánh cổng có hình vẽ đầu con chó đá ấy. Chú chó đá ủng ẳng vẫy đuôi theo chân Bà giáo già ra mở cổng, lũ học trò đầu điểm hoa sương tíu tít ùa vào căn phòng khách, Bà vẫn sử dụng để đón các học trò nhiều thế hệ hàng năm về thăm ở đây. Nụ cười lành lạnh và ánh mắt sâu lặng nghiêm nghị qua bao năm vẫn làm cho lũ học trò tuổi gần 50 của Bà rón rén, chen chúc như trong các tiết học ngày nào. Những dịp này Bà giáo vui lắm, nhưng cuộc đời và tuổi tác đã làm cho bước chân chậm chạp kéo tấm lưng hơi còng của Bà giáo nhấp nhổm giữa lũ học trò muốn vượt qua chính mình làm ấm dịu ánh mắt sâu lặng nghiêm khắc của cô giáo họ. Bà giáo bước ra với cái Ipad trên tay, Nó lung túng ghi lại những hình ảnh cô trò xum họp, Bà giáo tay run run kiểm tra từng bức hình. Bằng công nghệ mới, với cái Album số này, Bà giáo sẽ cảm thấy gần học trò mình hơn. Những tiết học ngày nào chắc sẽ lại thường xuyên hiện lại trong ngôi nhà đơn chiếc bóng Bà giáo già với nụ cười và ánh mắt nghiêm khắc của Nó.
Tốp học sinh khác tới, lũ chúng nó nháy nhó nhau tạm biệt Bà giáo ra về, con chó đá nãy giờ ngồi yên ngoài sân quan sát, lúc này quấn quít vẫy đuôi theo bước chân chậm chạp của Bà giáo già tiễn lũ chúng nó ra cổng. Cánh cổng sắt ngập ngừng khép lại theo tiếng bước chân chúng dần xa con hẻm nhỏ. Ngoái đầu nhìn lại, bức chân dung con chó đá ngộ nghĩnh như lặng lẽ nhìn theo bước chân Nó.

Bước ra khỏi con hẻm nhà thờ Nam Phát ấy, con Oanh “giai” tếu táo: “Cứ chung một nhà thì tiện cho chúng mình, chỉ một lẵng hoa cùng chia sẻ một nụ cười”. Nó tủm tỉm gật gù, nghĩ cũng đúng thật, nhưng cuộc sống đâu có chiều theo ý thích của chúng nó!
Chúng nó lại dừng chân ở cổng nhà thầy. Mùi tiệc tùng trong nhà phát tán ra tận cổng làm Nó ngây ngây. Cầm lẵng hoa trên tay mà Nó lú lẫn đến lộng ngôn: “Hôm nay các bạn bảo em đẹp trai gần bằng thầy đại diện tặng lẵng hoa này cho thầy…” Cũng may không khí liên hoan hồ hởi trong nhà làm giảm sóc cảm xúc của thầy, của bạn bè Nó lúc ấy. Bọn bạn Nó thoải mái mà cười mà nói, chúng chẳng rụt rè, chen chúc mà cứ tung ra những lời đùa cợt thoải mái với thầy. Chúng nó mang cả những bức hình thầy cởi trần, cơ bắp kiểu thể hình bầy la liệt ở phòng, dí vào mặt nhau mà hôn, mà hít. Thầy thấy vậy, chỉ cười cho qua. Nó thấy thầy vui lắm, tuổi suýt 70 mà các học trò vẫn suýt xoa với thân hình cơ bắp của mình, tiện thể thầy lấy remote điều khiển cái màn hình thật to để trong phòng khách giới thiệu những tấm hình cơ bắp “núi đôi” của mình một cách say xưa bên cạnh những hình ảnh thầy biểu diễn đàn, sáo, ngâm thơ hay những buổi thầy phụ đạo thêm học trò về âm nhạc ngoài những giờ toán chính giảng của mình. Thầy rất tự tin với sức khỏe và vóc dáng thể hình của mình, những tiếng cười đùa, cỗ vũ vang nhà khi thầy gợi ý và vật tay với thằng Hải Chéc vừa từ cộng Hòa Czech đợt này cũng về thăm.
Không khí cười vui tới tận trưa, mùi thịt chó mắm tôm từ bàn tiệc của những nhà văn, nghệ sỹ bạn thầy làm cho những cái bụng lũ học trò càng quặn lại, mấy cái kẹo sữa vợ mới của thầy mang ra cũng không làm chậm lại cái bụng đói lúc canh trưa. Chúng nó lại phải cắt mạch cảm xúc rất nghệ sỹ của thầy. Trước khi chia tay, thầy còn thông báo sẽ truyền lại cho lũ chúng nó một phương thuốc thầy tự tìm ra chữa bệnh Gút, căn bệnh thầy đang mang, ấy vậy mà sau một thời gian thử điều trị cho chính mình, giờ đây thầy có thể vài ly rượu lai rai tung hứng thơ ca với thịt chó cùng những người bạn nghệ sỹ của mình. Lũ học trò mắt tròn, mắt dẹt chia tay thầy và gia đình.

Thằng Hải Chéc chết tiệt, mấy chục năm bơ sữa trời Tây, thế mà vật tay với thầy để thua làm mất mặt lũ con trai chúng nó. Đã thế, ngửi mùi mắm tôm nhà Thầy, cơn thèm thịt chó bốc lên, ngay nhà hàng hải sản, nhờ thằng Bằng Chăn mua đĩa thịt chó, nó nói, ở bên có thằng bán thịt chó chịu gì đó mà phải ngồi tù, về đây sướng thật, đâu cũng thịt chó, nhà thầy thì thơm phức, quán hải sản vẫn có thị chó để ăn. Nó không thích thịt chó, chắc phải trên 20 năm có dư Nó xa món thịt cày bổ dưỡng này rồi. Hôm nay, nhìn thằng Hải Chéc ăn ngon lành, Nó thò đũa thử xem thứ đặc sản này có gì mà nhiều người khoái khẩu vậy. Bỗng Nó giật bằn người, dường như có tiếng chó kêu ủng ẳng đâu đó, hình ảnh con chó đá ngồi ngoài sân lặng lẽ nhìn cô trò chúng nó cùng với bức chân dung chó ngộ nghĩnh vẽ trên cánh cổng sắt nhà Bà giáo hiện ra, Nó trùng đũa, miếng thịt chó rơi lại xuống đĩa…

HCMC – 19 NOV 2012 (CHUTI)

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

DANH KỸ (Tg: Khongthoike)



Khiển hòai

Lạc phách giang hồ tái tửu hành
Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh
Thập niên nhất giác Dương châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.

Giải nổi nhớ
Chếnh chóang sông hồ chén rượu ngon
Trong tay múa nhẹ gái lưng thon
Dương châu chợt tỉnh mười năm mộng
Phụ bạc lầu xanh dậy tiếng đồn

Trên đâylà bài Khiển hòai nổi tiếng của Đỗ Mục thi nhân đời vãn Đường ( Người dịch : Lê Nguyễn Lưu ) hòai niệm một thời trai trẻ , ăn chơi của tác giả . Xin nói thểm Đỗ Mục là công tử con quan , tài hoa nức tiếng  Hiệu xưng tiểu Đỗ.

Nhiều ngàn năm nay , các bậc văn nhân tài tử , thiếu gia , công tử ăn chơi có một khỏan không thể thiếu là vào lầu xanh ( lầu hồng ??) tầm hoan tác lạc. Đối tượng chính trong các cuộc vui này là Kỹ nữ - Danh kỹ . Bài viết  chỉ chia sẻ một phần thông tin về lọai người đặc biệt này trong xã hội cũ.

Một trong những nghề cổ xưa nhất của nhân lọai bao gồm cờ bạc , sát nhân và cả mại dâm . Thời Xuân thu ,Quản Trọng làm tể tướng nước Tề đã tổ chức họat động mại dâm lên tầm chuyên nghiệp và bài bản . Ông cho xây dựng hàng lọat tụ điểm ăn chơi hòanh tráng cho sứ giả, thương nhân nước ngòai khi đến tề quốc giao dịch, làm ăn . Vì vậy trong nghề này Quản Trọng được coi là sư tổ , là thần hộ mệnh cho "chị em " làm ăn phát đạt . với nhã hiệu là thần Bạch my. 

Tương truyền những kỹ năng cơ bản nhất cho việc hành nghề như " vành ngòai bảy chữ , vành trong tám nghề ", các kỹ thuật dẫn dụ làm vừa lòng khách làng chơi đã được giáo dục huấn luyện rất công phu và khoa học . Chả thế mà ứớc vọng lớn của nam nhân khi xưa  lưng dắt mười vạn quan tiền cưỡi hạc tới Dương châu .

Dương Châu là một đô thị cổ vùng hạ du Trường giang, là một trung tâm thương mại lớn bậc nhất của hai vùng Nam Bắc Trung hoa , kèm theo đó là các trung tâm ăn chơi , lầu viện san sát , thời cực thịnh kéo dài mươi dặm. Khách phần lớn là các thương nhân giàu có , vương tôn công tử tiêu tiền như rác, nhất tiếu thiên kim - Ngàn vàng đổ một trận cười như không .

Do nhu cầu khách càng cao , nên đối tượng phải là hàng tuyển và một tầng lớp đặc biệt ra đời phục vụ tốt cho nhu cầu này_.Danh kỹ  

Xuất phát của Danh kỹ cũng là kỹ nữ nhưng nấp dưới chiêu bài bán nghệ không bán thân , Mỗi lần đăng ký , xếp hàng hẹn gặp , khách nhân phải trả giá khủng mới có thể một lần. Nhiều người bán cả gia sản tổ tiên  chỉ mua được một lần xem danh kỹ biểu diễn sau đó sống nốt quãng đời còn lại trong nghèo khó . Trung hoa bách Đại danh kỹ có những cái tên như Điêu thuyền, Tô Tuyết, Lý Sư sư ,Trần Viên Viên , Vương Thúy Kiều đi vào văn học như những biểu tượng một thời . 

Mỗi một lầu xanh , tùy từng giai đọan đều phải cố gắng tuyển lựa "cây tiền " , Danh kỹ  . Phổ biến nhất là Má Mỳ tìm mua các bé gái khỏang 4- 8 tuổi . Do lọan lạc, chiến tranh, thiên tai, địch họa , nhiều gia đình bán con mà thực tế bé gái bán được giá hơn cả .  Khi về kỹ viện , các bé này được chăm sóc, dạy ca hát, vũ đạo, chơi đàn, học cầm kỳ thi họa do các "giáo sư" tài năng huấn luyện . Sau khỏang chục năm những ứng viên xuất sắc nhất gia nhập cuộc chơi dưới màn  siêu PR của má mỳ bắt đầu khai thác. Các Kỹ viện thường xuyên kết hợp tổ chức sự kiện vào các dịp nguyên tiêu, Trung thu, trùng cửu ../ kết hợp với chính quyền sở tại , các thân hào địa phương tổ chức thi chọn hoa khôi, hành thủ gây náo nhiệt  khắp vùng.

Các Danh kỹ thi nhau múa, hát , đọc thơ, chơi đàn  nhằm mục đích chiếm giải cao để tăng giá trị bản thân khi hành nghề. Danh kỹ được ở biệt thự riêng, nha hòan, hoa nô đầy đủ, muốn gì được nấy, thậm chí có quyền từ chối khách nếu không thích. Lễ ra mắt danh kỹ này tòan đồ quý giá như vòng vàng , trâm ngọc , sách cổ, thư họa ... và tất nhiên không thể thiếu ngân lượng . Tỷ lệ ăn chia với kỹ viện thông thường là tứ/lục . Do chi phí lớn để đào tạo một danh kỹ nên giá chuộc thân của họ rất cao. Bản thân danh kỹ cũng đủ tiền tự chuộc thân nhưng phần lớn họ quen nghề này nên không muốn từ bỏ.

Xã hội phong kiến coi nghề này là tiện dân nên lối thóat của kỹ nữ phần lớn là chuyển vùng họặc làm lẽ cho thổ quan, thương nhân khi xế chiều . Gia đình, giòng họ nào  có con gái làm kỹ nữ là hạ tiện , không cho phép thi cử , làm quan , cúng bái lễ lạt . Lý lịch ngày xưa rất nặng nề , chỉ tới thời Ung Chính mới thay đổi về tiện tịch hỗ trợ kỹ nữ hòan lương .

Một nguồn cung cấp danh kỹ lớn khác cho kỹ viện là từ chính quyền. Thời phong kiến , các cuộc tranh chấp chính trị thường xuyên xảy ra . Kẻ thua nặng thì bị diệt tộc, nhẹ thì phá nhà . Một quyết định của chính quyển bao gồm , tịch thu gia sản, bắt giết  đàn ông  và đàn bà làm nô tỳ hay vào giáo phường ( kỹ viện ) . Hôm trước còn là hòang hoa khuê nữ, thiên kim tiểu thư, phu nhân cao quý. hôm sau đã thành kỹ nữ tiện dân.đọa lạc hồng trần. Những kỹ nữ xuất thân như thế đều có sự hẫp dẫn mãnh liệt với đàn ông , đặc biệt là giai cấp thấp hơn quý tộc âu cũng là tâm lý chiếm hữu/ trả thù  của con người .

Một thành phần luôn đi song song và không thể thiếu trong cuộc đời danh kỹ là Tài tử . Những vị này xuất thân khác nhau những có một điểm chung là tài hoa hơn người, xuất khẩu thành thơ, cầm kỳ thi họa , và phần lớn là công danh sự nghiệp chẳng ra gì . Đi thi thì trượt , vô tích sự trong mắt gia đình , trong lòng ôm mối bất đắc chi, tâm cao khí ngạo, mục hạ vô nhân ..Các vị này thường vào lầu xanh , ăn chơi tìm hồng nhan tri kỉ. làm thơ , vẽ tranh, sáng tác từ khúc cho danh kỹ biểu diển, dựa vào tiếng tăm của hai bên mà sống . Nếu lọt vào mắt xanh của danh kỹ thì không những được ăn chơi miễn phí mà có thể lầy tiền của hồng nhan mà chu cấp cho vợ con . Thật đúng là lầy miền xuôi mà nuôi miền ngược.  Lọai người kiểu này giang hồ tặng cho hỗn danh là tiểu bạch kiểm ( thằng mặt trắng ).

Do có mối tương quan của chế độ phụ quyền , rất nhiều Danh kỹ được mời vào phủ quý tộc làm thêm - Trớ trêu thay lại do các Quý bà trả tiền . Mục đích truyền dạy các kỹ năng thu hút đàn ông để phục vụ cho việc hạn chế quý Ông  sa đà vào thanh lâu , tửu quán.   Nhiều vị còn bỏ tiền mua danh kỹ họặc (bắt cóc ...như Họan thư ) nhằm kiểm sóat tình hình . Thấy thương cho kiếp người luẩn quẩn !!

Thời hiện đại không còn danh kỹ , hay nói đúng hơn là trong giới Showbiz cũng có một vài người . Ghesha tại Nhật lụi tàn , Show biz Trung hoa , HK,TW  đi theo lối khác. Phong trào Nam phong ( Đồng tính ) phát triển làm mờ nhạt vai trò của Danh kỹ . Nhưng thực ra trong sâu thăm tinh thần con người vẫn co ý lân tài và mơ ước về thời xưa cũ khi cái đẹp và nhục dục đan xen hòa quyện thỏa mãn cá nhân mức cao nhất . Tỉnh Chưởng Thiên hạ quyền, Túy ngọa mỹ nhân tất - Tỉnh nắm quyền thiên hạ , say tựa gối mỹ nhân vẫn là mơ ước muôn đời của giới đàn ông "yếu đuối"  tòan cầu.

Bài này đến đây thôi

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

HỘI KHOA KINH TẾ VẬN TẢI






 Thay mặt cho 2 miền Nam - Bắc, Anh chị Em khu vực HP đã đến chúc mừng khoa KTVT nhân dịp 50 năm thành lập khoa. Buổi lễ rất trang trọng với nhiều nhân vật cựu sinh viên thành đạt chỉ tiếc là thiếu mất rất nhiều nhân vật thành đạt của KT 26 khu vực Hà Nội, Quảng Ninh và phía Nam. Sau đó chúng tôi có tiệc liên hoan của KT26 và thông qua nghị quyết như sau: Ngày hội gia đình phía Bắc năm sau sẽ tổ chức với thành phần đăng ký tham gia bao gồm các thành viên chính chủ KT26 và các hậu duệ.
Rất cảm ơn Anh chị em phía Nam đã động viên, đi đầu tổ chức và cho Anh Chị Em phía Bắc rút ra bài học kinh nghiệm để ra được nghị quyết.
BLL phía Bắc