Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

TẢN MẠN VỀ TRUNG THU ( T/g: Xuân Phú)

Trung thu chi dạ
Tử kim chi điện
Nhất kiếm tây lai
Thiên ngọai phi thiên

Một cuộc hẹn quyết đấu của hai đại kiếm khách lừng danh , Tây môn Xuy Tuyết và Bạch vân thành chủ Diệp Cô Thành là sự kiện đỉnh nhất trong vòng năm trăm năm  trong chốn giang hồ gió tanh mưa máu.Nó thu hút tất cả các Anh hùng võ lâm , cuốn theo những âm mưu kinh động thiên địa.
Địa điểm quyết đấu : trên nóc Tử kim điện ( Thái hòa điện ). Thời gian : Đêm trung thu.

Đọan văn trên có vẻ như quảng cáo cho một tác phẩm võ hiệp nào đó trong thời phim HK , TQ tràn ngập các kênh truyền hình thời mở cửa .Thật ra nó như vậy, Cổ long tiên sinh khi viết tập tiền chiến hậu chiến trong bộ Lục Tiểu Phụng truyền kỳ đã mô tả cuộc chiến bi tráng hào hùng làm xao lòng bao kẻ mê Kiếm hiệp khắp năm châu.Mượn ý này dùng để mở đầu bài viết về trung thu do Ông TBT KT26 yêu cầu .

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của viện khoa học Carnegie công bố trên tạp chí thiên nhiên của Mỹ thì Mặt trăng được hình thành cách đây 4,36 tỷ năm do sự va chạm mạnh giữa một vật thể lớn và trái đất nguyên thủy. Như vậy "Ông trăng rất già !!! "    và loài người chỉ biết đến hành tinh này khỏang 30 ngàn năm thôi. Từ thủa xa xưa , mông muội tổ tiên chúng ta đã xem xét, nghiên cứu, sợ hãi và sùng bái MT. Nhiều tài liệu cổ như các hình vẽ hang động tại Châu Âu, Ai cập. các biểu tượng thần bí ghi lại trong các đền thờ của người Maya cũng như văn bản trong kinh VeDa đều có cùng ý nghĩa tôn thờ thần MT . Tại vùng Vân nam , Tứ Xuyên TQ trong bộ tộc Bài Di Tôn giáo Bái nguyệt là tuyệt đối. Các Đại tế ty, Thánh nữ  được coi như những Á thần chỉ vì họ có tố chất phù hợp để thông qua họ , các cầu mong của lòai người thông tới Nguyệt thần.

Trăng Thu
Thời tiến bộ hơn  các nhà tiên tri, học giả cổ xưa đã quan sát , theo quy luật vận hành của MT xây dựng nông lịch,giúp ngành trồng trọt phát triển , làm lòai người dần tiến ra khỏi thời man dã .Hơn năm ngàn năm trước , Đài thiên văn tại vùng luỡng hà đã được xây dựng. Các bản đồ bầu trời vẽ trên da dê cònđược tìm thấy tại các hang đá Đôn Hòang /Cam túc . Điều này chứng tỏ MT có vị trí quan trọng như thế nào trong sự phát triển nhân lọai.

Không chỉ nông dân, nhà khoa học quan tâm tới MT mà hơn thế nữa , từ cổ chí kim, từ Tây sang đông chủ đề MT đã đi vào thơ ca , nhạc họa của văn nhân tài tử , giang hồ hiệp khách. Cử đầu vọng Minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương ( ngẩng đầu nhìn trăng sáng , cúi đầu nhớ cố hương) của Lý trích tiên còn làm chạnh lòng bao kẽ lữ thứ xa quê  mỗi khi mất ngủ.Không phải ngẫu nhiên các đạo sỹ tu tiên đều lên núi , một phần vì tìm nới yên tĩnh, phần khác khung cảnh thanh phong, minh nguyệt ( Gió mát, Trăng sáng ) làm khả năng định tâm đắc đạo đạt tới cảnh giới Bạch nhật Phi thăng hơn.

Vì là một hành tinh quay quanh TĐ , lực hấp dẫn của Mt gây ra  thủy triều  trên  các đại dương .Nhưng quan trọng không kém nó ảnh hưởng rõ rệt tới tâm sinh lý con người, động vật ( đặc biệt là phụ nữ  HiHi ! ) . Những đêm trăng tròn tiếng sói tru trong hoang lạnh tạo cảm giác thê lương ghê gớm. Trăng trung thu tròn nhất, to nhất trong các tháng , phụ nữ vào thời điểm này  gợi cảm nhất , hoang dã nhất và có xu hướng nổi lọan . (thông tin này khó kiểm chứng nhưng AE  thử quan sát xem . HEHE ).  

Tiết trung thu hàng năm tại Vn thực ra chúng ta ăn theo TQ. Ý nghĩa tích cực nhất của thời gian này là mùa màng rảnh rỗi, sum họp gia đình, làng xóm , bánh đòan viên, hoa quả , đèn Ông sao, dây đuốc hạt bưởi.., phá cỗ trông trăng của trẻ em và múa Lân. Tôi đã có dịp xem sản xuất đầu Lân tại nhiều nơi nhưng nhìn chung là giống nhau, không dọa được con nít.  Thời hiện đại việc tổ chức trung thu càng đơn giản và hình thức. Còn nhớ thời bao cấp , phải tự làm lấy đồ chơi, đêm trung thu không có điện nhưng vẫn háo hức chờ mong. Trung thu năm ngóai ngồi uống rượu tại bờ biển Chu lai với Tiến , cũng trăng thanh gió mát, sóng vỗ rì rào mà sao thấy lòng không đậu . Phải chăng nỗi lo " cơm áo"  lại chà đạp cảm xúc  thế sao!!?

Tác giả trong một lần "chém gió " cùng với BBT
Thực tế tiết khí theo lịch TQ không phù hợp với VN.  Trung thu VN thường có mưa , ( mùa bão ) rất ít năm trời đẹp Do ảnh hưởng ngàn năm bắc thuộc , Các " Sỹ phu " của VN thường bắt trước tàu khựa một cách thái quá . Học trò ngày xưa dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Vạn người thi chỉ 10 người đỗ . Cũng thập niên đăng hỏa như ai  nhưng phần lớn là "vô tích sự". Ăn bám vợ mà coi người khác như cỏ rác . Vạn ban giai hạ phẩm , duy hữu độc thư cao . Những thành phần này ngâm thơ vọng nguyệt, xem kỹ thì tòan thứ trời ơi. Mắt chưa từng thấy tuyết rơi, phong lá đỏ, ngỗng nước tàu mà vào thi ca cứ như đúng rồi . Xem ra con người về bản chất luôn hướng tới trạng thái chân không chạm đất.

Vài dòng "phê phán "Tiền bối như trên thực ra không có ý gì .  Đều là cha ông mình cả thôi , Vui là chính. thi thỏang chém gió cũng tạo hứng hơn. Mua thu đẹp  nhất trong năm, gió thu man mác . Đêm trung thu một bình hòang hoa tửu ( rượu cúc ) , một đĩa thịt chó , vài  ông bạn hiền gạt hết ưu phiền, ngắm trăng, bàn luận thế sự cũng là mơ ước của một kiếp người  .

Trung thu Vui Vẻ.

NXP

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011


Giờ cao điểm

07h30 sáng, vội vàng quăng mình ra đường cho một ngày làm việc mới. Trời, mới bảnh mắt mà người đâu ra lắm vậy! Xe cộ ngược xuôi không có hàng lối thứ tự nào cả, mạnh ai người nấy đi. Kinh khiếp nhất là các ngã tư, mặc dù vẫn có đèn xanh đèn đỏ nhưng chiều này đi chưa hết, chiều kia chỉ chờ đèn xanh là nhao lên, ùn vào các khe hở, tiến tới trước bằng mọi giá. Vậy là dòng xe ô tô và xe máy vón cục ở giữa, đưa nhau vào thế đan cài như đan rổ. Mày không đi được hả? Mặc kệ mày! Trong khi phần còn lại của ngã tư lại trống vắng do xe không lách ra được. Cứ thế dòng xe này chưa qua dòng xe sau đã tới, làm cho cái ngã tư rộng thênh ngày thường trở nên vô cùng bát nháo. 

Kẹt xe - nỗi ám ảnh
Thoát ra được ngã tư, ai nấy vội vàng phóng xe để mong bù lại thời gian kẹt. Chẳng thanh thản được bao lâu! Đến đoạn phố có trường đại học, đã thấy người và xe dồn đống. Lùi cũng không lùi được nữa rồi. Thôi đành buông mình theo tốc độ rùa bò của dòng người. Những con người đóng khung trong chiếc mũ bảo hiểm, vẻ mặt vô cảm và nhẫn nại, dấn từng bước chầm chậm. Sau vẻ dửng dưng, mỗi con người ấy đang nghĩ gì trong đầu cho một  buổi sáng như mọi buổi sáng vào giờ cao điểm?
Mùi xăng xe, mùi chì xộc vào mũi cùng với đám bụi nhờ nhờ bủa vây. Mặt trời đã chói chang chiếu xiên ngang vào mặt người. Tiếng còi xe inh ỏi, tiếng động cơ xe nổ ầm ầm, nhưng những âm thanh hỗn tạp đó không làm người đi đường bận tâm vì nó đã quá quen thuộc. Sao hôm nay lại tắc ghê thế nhỉ? Ngược chiều, một chiếc xe ô tô đi lừ đừ. Tay này làm sao thế? Mới học lái chắc! Đến gần té ra “nó” đang mải buôn điện thoại! Chúng mày vội, ông không vội! Ôi tổ cha nó, bao nhiêu người rì rì đi đằng sau mà nó vô cảm thế đấy.
Bỗng, một đôi chim bồ câu từ đâu bay tới, cùng đậu song song trên đám dây điện chăng ngang đường. Ô kìa, chúng đang bình thản rỉa lông và cọ mỏ cho nhau, mặc cho những âm thanh ồn ã và lũ người khốn khổ vật lộn bên dưới. Tự nhiên thoáng ước mình thành con chim cái kia! Và chợt thấy bầu trời xanh thật xanh trên đầu. Kìa mình đang bay…

Hà Nội một ngày cuối thu 2011

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

GẶP GỠ THÁNG 8 (T/g: Chuti)



Theo kế hoạch hành động hàng năm của BLL Việt Nam+Châu Phi, ngày 23/8 tôi có chuyến thăm và làm việc với BLL Hà Nội. Rất vui được tiếp đón và chuẩn bị rất tốt của BLL. Tất cả các thành viên KT-26 tại đây đều có mặt và thể hiện một tinh thần làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp. Đặc biệt, có sự hiện diện của Thắng hợi, đại diện thường trú tại Châu Phi.
Sau khi nghe báo cáo tổng kết và chương trình hành động của BLL HN. Thay mặt cho tổng hội BLL KT-26 tôi có một số đánh giá và khen ngợi tinh thần đoàn kết, kết nối KT-26 ở đây, có ý kiến chỉ đạo cũng như thông báo chương trình KT-26 trong thời gian tới…
Như thường lệ, chuyến làm việc được kết thúc bằng một bữa tiệc cởi mở và thân tình tại nhà hàng sang trọng ở số 61 Trần Hưng Đạo. Xin trân trọng cám ơn ACE Hà nội!

Lúc này cũng là thời gian để các thành viên cởi mở tâm tư, nguyện vọng của mình. Sau đây là một số tóm tắt các thông tin và ý kiến của các ACE:
1.    Tất cả các ACE Hà nội đều vui vẻ, khỏe mạnh và ngày càng phong độ: Nữ xinh ra, Nam thêm ga lăng (xem ảnh).
2.    Thật vui và chúc mừng Thắng thỏ & gia đình, sau chục năm luyện công, hàng ngày cho vợ uống rượu vang đỏ…đã sinh hạ một cháu trai kháu khỉnh nay đã 7 tháng, nặng trên 8Kg, giống bố như tạc. Hậu duệ Kt-26 đã có một Thỏ con!
3.    Thông tin bên lề (nghe lỏm TD & KA thầm thì), tiếp nối thành công của Thắng thỏ, KA hiện đang ốm nghén….!? Thật hay không, nhưng chúng ta cứ chúc mừng, mong KA hết nghén và sớm có baby!
4.    Các anh chị em Hà nội có ý kiến:

-       Hoạt động tập thể, diễn đàn Blog của HN tốt, tỷ lệ tham gia cao và tinh nhuệ, nhất là Nữ thể hiện ở các bài viết, comment chất lượng của hai blogger: TD & KA.
-       Các Nam HN kém Nữ: Thằng thỏ vào Blog thường xuyên nhưng bận con trai mới ra đời nên chưa tham gia. Thắng thỏ xác nhận sẽ có bài trong thời gian ngắn nhất. Đặc biệt chia sẻ về Thỏ con. Thắng hợi thường trú tại vùng “đen đen bển”, chưa có internet. Tuy nhiên sẽ khắc phục sớm.
-       Yêu cầu BLL VN+Châu Phi có kế hoạch làm việc và động viên ACE HPG tham gia tích cực hơn. Tôi tiếp thu ý kiến và hứa sẽ có chuyến làm việc với BLL HPG trong thời gian sớm nhất nhằm thúc đẩy phong trào kết nối KT-26 tại HPG ngoài những người tiên phong như Lộc, Nhung, Hải Thanh, Tuyết Lan,Thanh rô, Hằng (Vicente)….
-       Đánh giá cao kết nối tại HCM, tuy nhiên còn nhiều người chưa tham gia Blog. BLL HCM ghi nhận sự góp ý thẳng thắn ấy. Chúng tôi đã tự kiểm điểm cũng như góp ý phê bình căng thẳng tới một số thành viên trước tập thể như Nam đao, Đại béo, T Dũng, Tuấn cụt, Thành cơm,... trong việc thờ ơ với diễn đàn kết nối…

5.    BBT Blog KT-26 hết sức cảm động về sự tham gia và chia sẻ của ACE khắp các vùng miền. Rất tự hào khi Blog đã trở thành món ăn tinh thần hàng ngày của ACE KT-26, được các độc giả ngoài KT-26 ghé thăm và cảm phục.
Xin trân trọng thông báo và mong anh chị em chúng ta tiếp tục chia sẻ.
Ngày 29/8/2011
Trưởng BLL Toàn quốc & Châu Phi.

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

BÚN MẮNG, CHÁO CHỬI ( Sưu tầm)

Bún 'mắng', cháo 'chửi', phở xếp hàng, bia hơi tem phiếu có vẻ không lạ lẫm với nhiều người sống ở Hà Nội. Khách hàng vẫn đến ăn nườm nượp, còn chủ nhân của nó vẫn làm ăn phát đạt...
Miếng ăn, miếng chửi

Ngồi quán bún ở 57 ngõ Ngô Sỹ Liên, nghe chủ quán mắng khách té tát vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi bỗng co rúm người lại, chỉnh đốn mọi hành vi, lời ăn tiếng nói để… không bị chửi mắng. Trưa nắng như thiêu đốt vậy mà quán vẫn chật cứng người. Bát bún ba chục nghìn mà có tới gần chục miếng thịt chân giò to tướng, rất đầy đặn.
“Cháu đã bảo đừng chan nước béo rồi mà!”- Cô bé ngồi cách tôi một bàn kêu lên như than phiền. “Nước dùng béo hay gầy về nhà mà ăn, đây chỉ có thế thôi. Không ăn thì biến cho rộng chỗ!”. Bà chủ quán vừa xóc bún vừa liếc xéo ra mắng khách. Ánh mắt và lời nói như những mũi tên bay phần phật về phía cô gái, làm tôi cũng rát mặt như bị ném cát. Cô bé ngồi cạnh tôi bị mắng nhưng không dám cãi, chỉ lẩm bẩm: “Ăn uống mất tiền mà cứ như đi ăn xin”.

Xếp hàng chờ đến lượt mua phở ở Bát Đàn. Ảnh: TP
Ngày hôm sau, lựa lúc vắng khách nhất, khoảng 17h, tôi lại mò đến quán bún mắng để hỏi chuyện bà chủ quán tên Thảo.
“Cô ơi, người ta bảo quán của cô là quán bún chửi, nhưng cháu đã ăn ở đây mấy lần mà chẳng được chửi lần nào”. Được lời như cởi tấm lòng, bà Thảo trút bầu tâm sự: “Đấy, đấy…có phải ai tôi cũng mắng chửi đâu. Mình làm dâu trăm họ, muốn chiều khách lắm chứ. Như cậu đây thì tôi chửi thế nào được. Cậu gọi một bát móng giò, một chai bia, tôi chửi vào chỗ nào.
Tôi chửi vô lý, khách hàng nghiêm chỉnh người ta không đấm cho ấy à. Nhưng mà, có những người õng ẹo, hoạnh hoẹ đủ thứ cơ. Lúc đang đông khách mà cứ đòi hỏi cái này cái nọ, vào sau lại đòi ăn trước, bố đứa nào chịu được. Thế tôi chẳng chửi cho à.
Hôm nọ có hai con õng ẹo vào ăn, bảo vào trong nhà ngồi nhưng cứ đòi ngồi ra đường… Chắc là sợ mất xe! Tôi đuổi thẳng cổ: Không vào trong thì biến ngay! Hôm qua, cũng có hai đứa con gái, vào ăn bún lại đòi cho cháu hai cốc trà đá trước. Khách thì đông, chưa ăn đã đòi uống, tôi bảo: Thôi khỏi uống, khỏi ăn gì, mời hai cô ra cho tôi bán hàng!”.
Bà Thảo cho biết, bà đã bán bún ở chợ Ngô Sỹ Liên hơn ba chục năm nay, không biển hiệu. Ngày nào cũng mở cửa từ lúc 11h30 và đóng cửa lúc 19h30. Về chuyện thương hiệu “bún mắng”, bà Thảo bảo chẳng biết ai đặt cho nhưng bà không muốn cái tiếng ấy.
“Chửi mắng nó già người đi chứ. Nhưng mình làm thật ăn thật, bỏ sức lao động ra để kiếm chút lời, mình không luỵ ai cả. Mọi người vẫn bảo khách hàng là thượng đế, họ bỏ tiền ra thì phải được phục vụ đến tận răng, nhưng tôi thì khác, không bán cũng được, chứ không thể đáp ứng những yêu cầu quá đáng hoặc hoạnh họe ra vẻ ta đây… Cứ vớ vẩn đòi hỏi là tôi đuổi” - bà Thảo nói.
Ở quán phở phố Bát Đàn, cũng giống như bia “bao cấp” ở số 115 Quán Thánh, đều phải xếp hàng theo thứ tự và tự tìm chỗ ngồi, có điểm khác là bia bao cấp còn phải mua “phiếu dịch vụ” sau đó mới ra xếp hàng chờ lấy bia. Sáng đó, có vị khách lạ không biết lệ, cứ vắt chân chữ ngũ gọi lớn: “Cho 1 bát phở”. Sau cả chục phút chờ, không ai nói gì, ông khách bực mình gọi lại, liền bị quát ầm ĩ: “Ăn thì ra xếp hàng, tự bưng chứ ai hầu đến tận mồm!”.
Ông khách choáng quá, cứ ngồi thừ ra, chẳng nói được câu nào, mãi sau mới bẽn lẽn ra xếp hàng. Ăn xong, dù thừa nhận phở có ngon thật nhưng cũng đành thốt lên: “Từ nay tôi cạch đến già/Tôi chẳng dám đến hàng bà nữa đâu!”. Thế nhưng nhiều người vẫn nhẫn nại, thản nhiên cười hề hề khi xếp hàng, trả tiền trước để được nhận tô phở rồi tự tìm chỗ ngồi ăn ???

Mắng chửi làm… thương hiệu
Bạn tôi tên N., một người rất tỉ mỉ trong ăn uống, tuần nào cũng mò lên quán phở Bát Đàn. Thường thì vào thứ bảy, nhưng cũng có tuần nổi cơn thèm N. phóng xe từ nhà ở phố Chùa Bộc lên Bát Đàn mất cả nửa tiếng đồng hồ, sẵn sàng chờ đợi vài chục phút nữa để hưởng cái hương vị của phở. N. bảo, xếp hàng thì có làm sao, tự bưng bê thì cũng có làm sao đâu? Mấu chốt là đồ ăn có ngon hay không! “Tớ sợ nhất là phục vụ chu đáo nhưng đồ ăn lại dở ẹc, tính tiền thì cắt cổ”.
Trên phố Nhà Thờ, quán cháo gà của bà M., cũng nổi tiếng với thương hiệu cháo “chửi”. Bà chủ này có thể chửi khách, chửi nhân viên từ sáng tới khuya. Chuyện kể rằng, có lần gặp vị khách Sài Gòn, vừa chê cháo nhạt, anh xin thêm chút muối, liền bị bà M. chửi cho te tua: “Mặn nhạt cái gì, cả trăm người có ai chê đâu. Không ăn thì biến”. Quá sốc, vị khách cầm cả tô cháo đổ xuống rãnh vỉa hẻ, rồi anh vứt trả cả tờ 50 ngàn đồng.
"Với một quán ăn, khách chính là ân nhân, đem lợi nhuận cho chủ quán. Chủ hàng họ không tri ân khách thì thôi, lại còn chửi, thật vô văn hoá hết chỗ nói. Chúng ta nên tẩy chay họ, lần sau không đến nữa và rủ nhiều người cùng tẩy chay, không đến nữa. Chỉ có như vậy, họ mới hành xử có văn hóa hơn” - Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
Quá bất ngờ, bà M. không nói thêm được lời nào. Nhưng sau lần ấy, bà M. vẫn không bỏ được tật chửi khách. Cho đến một lần bán đêm, gặp đúng nhóm thanh niên đi bụi, khách vừa xin thêm mấy cọng hành, liền bị bà M. chửi, cả nhóm thanh niên bỏ cháo, phá cả cửa hàng. Từ đó, người ta thấy bà M. ít chửi khách hơn. Bà chuyển sang chửi nhân viên ra rả cả ngày. Nhưng lạ, khách vẫn đến đông.
Người Việt mình luôn thích chen nhau chỗ chật thì phải. Một thói quen xếp hàng thời bao cấp còn lưu luyến chăng? Quán nào càng đông đúc người ta càng lao đến, càng chào mời thì lại… chạy xa. ??? Nơi chủ quán vừa mắng chửi vừa bán hàng mà vẫn đông khách chứng tỏ đồ ăn thức uống phải ngon thì chủ quán mới dám cất lời mắng nhiếc thượng đế  ???  Dường như, càng quát mắng, càng quen mồm quen miệng bỗng thành… tiếng lành đồn xa, khách ngày càng đến đông hơn  ???
"Với một quán ăn, khách chính là ân nhân, đem lợi nhuận cho chủ quán. Chủ hàng họ không tri ân khách thì thôi, lại còn chửi, thật vô văn hoá hết chỗ nói. Chúng ta nên tẩy chay họ, lần sau không đến nữa và rủ nhiều người cùng tẩy chay, không đến nữa. Chỉ có như vậy, họ mới hành xử có văn hóa hơn” - Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

(Theo Tiền phong)

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

CON TRAI NHỎ CỦA MẸ (T/g: Chuti)



Những ngày Vu lan tháng 7. Con trai Mẹ cứ loay hoay mãi. Chẳng biết lưu bút gì tặng Mẹ. Bạn bè con viết và sưu tầm rất nhiều bài hay. Họ làm con cảm động…
Con lớn lên như củ khoai củ ráy giữa thời chiến tranh, sơ tán khó khăn. Ba Mẹ bận bịu tối ngày lo miếng ăn cho cả gia đình, chẳng thể hàng ngày theo dõi bước chân thằng con trai nhỏ ham quậy phá là con…
 Con trốn cả kỳ II năm vỡ lòng, bị đuổi học. Mẹ động viên Ba đến xin cho con thi vào lớp một. Con đường học của con lại được kết nối. Mẹ biết, con trai Mẹ còn muốn được đến trường...
Những ngày Vu lan, đọc các bài viết yêu thương về mẹ. Con nặng cả lòng... Trong con hiện lên toàn nước mắt Mẹ… Mẹ thoảng thốt mỗi khi máu me con phủ mặt sau những cuộc đánh lộn học trò. Mẹ quặn lòng,  xuống roi mỗi khi bị hàng xóm mắng vốn vì những trò gây lộn quậy phá của con…
Những ngày Vu lan, con cũng chẳng nghĩ được những lời yêu thương mà cứ thơ thẩn nhớ lại những lần…cãi Mẹ. Đến tận bây giờ, mái đầu đã bạc, con vẫn cãi Mẹ…
Con cứ tự vấn mình, sao con hay cãi Mẹ!? 
Mọi người bảo, con giống tính Mẹ, hay lam hay làm… Đến khi nào Mẹ mới hết phải lo cho những đứa con đầu bạc như Mẹ!?…Giống Mẹ, con cũng hay suy, hay ngẫm như thế.
Vóc dáng con cũng vậy, con trai ẩn tướng Mẹ, nhỏ thó và lầm lũi. Những năm con học cấp II. Anh con lớn rồi, chị và em gái cũng không được ưu tiên cái quần bảo hộ lao động tiêu chuẩn của Mẹ ... Me yêu con trai nhỏ nhất! Mẹ cùng con sẻ chia. Con diện đi học, đi chơi. Mẹ mặc đi làm ở nhà. Cái Tết năm nào, cái quần lụa của mẹ cũ rách, Mẹ và con trai lại cùng xúng xính hai cái quần thơm mùi thuốc nhộm mới...
Con đã yêu cái quần bảo hộ ấy, và con cũng từng ghét nó. Nó không bảo vệ được Mẹ…Hôm anh bạn của chị con tới chơi ngày ấy. Trong lúc đang ngồi nhặt rau dưới sàn nhà. Vội vàng dọn dẹp đứng dậy đón khách, Mẹ bước đi…một miếng vải màn rơi xuống đất. Mẹ và chị đỏ bừng mặt, cúi xuống  lung túng va vào nhau…. Con trai Mẹ đứng lặng chẳng biết làm gì, cứ tự trách mình vô dụng, nếu là con gái hay hơn...

Những ngày Vu lan tháng 7, con thơ thẩn cùng dáng Mẹ ngày nào, lam lũ và chịu đựng… Những câu văn và lời ca thiết tha dâng tặng những bà mẹ, con được nghe và sung sướng. Nhưng sao con cứ nghĩ về những nỗi buồn của Mẹ. Có cả giọt nước mắt vì con. Con nghĩ về những lần con cãi Mẹ mà tự trách sao mình còn dại thế!?
… Vì con là con trai nhỏ của Mẹ !
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?"
-Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?"

HCMC 23/8/2011 - CHUTI

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

CON TÔI HỌC BƠI ( T/g: Thùy Dương)

    Hè này mẹ quyết tâm cho con đi học bơi. Sở dĩ bao nhiêu mùa hè trôi qua mẹ chưa dám cho con đi bơi vì sợ cho cái mũi nhạy cảm của con. Sáng nào bảnh mắt ra, con và anh con cũng làm thành dàn đồng ca “ách xì”. Mẹ cứ nghĩ mãi không biết lúc mang thai hai anh em, mình ăn gì uống gì mà con mình đều có cái mũi “mất trật tự” như vậy?
Tuy nhiên lần này mẹ hô quyết tâm vì nghĩ, đã đến lúc rồi! Giờ mà con không học bơi thì chả biết đến bao giờ. Mẹ bảo con, biết bơi chính là một trong những kỹ năng sống cơ bản nhất, giúp mình sống sót trong nhiều trường hợp khẩn cấp liên quan đến sông nước. Ngoài ra bơi lại giúp con phát triển chiều cao tối đa. Còn cái mũi chắc cũng chẳng tệ hơn được. Vậy tại sao lại không con nhỉ!
Thế là con đi học bơi. Do bể bơi khá xa nhà, những 1.5km, nên để an toàn & cũng là nhất cử lưỡng tiện, anh con được cho đi học bơi lại. Mười hai buổi sáng liên tục, hai con dậy từ 5h30, chở nhau đi về trên cái xe đạp. Mẹ cứ lo các con sẽ phát ốm vì chưa quen dậy sớm, lại xuống nước lúc lạnh. Nhưng hoá ra là lo hão. Nước da của con rất dễ bắt nắng, nay ngâm trong nước Clo nồng nặc, đã biến thành màu chocolate. Nhưng mặc cho mẹ trêu sao dạo này “cá xấu” thế, con vẫn cười phớ lớ. Con chưa đến tuổi quan tâm đến hình thức và quan trọng là con thấy rất thích thú với việc được vùng vẫy dưới nước, nên da đen chỉ là chuyện nhỏ!
Chỉ qua ba buổi, từ một đứa con gái sợ nước, không bao giờ dám ngụp đầu xuống nước khi tắm, con đã úp mặt xuống để cho mình nổi lên. Vậy là con đã chiến thắng được nỗi sợ bản năng rồi. Chúc mừng con! Kết thúc khoá học, con đã có thể bơi sải.
Học bơi - ảnh minh họa
Từ đó, con có thêm thú vui rất thể thao, ngày ngày tìm kiếm đối tác để rủ rê bơi cùng. Các bể bơi xung quanh khu vực con đều mò đến hết. Con tự học thêm cả bơi ếch nữa & đã bơi được ngang bể.
U ra!!! Vậy là con bơi giỏi hơn cả mẹ rồi…
Còn nhớ khi mẹ là sinh viên, tất cả mọi người đều phải học bơi, trường Hàng hải mà. Đó là môn học bắt buộc. Cả hai lớp kinh tế con trai con gái kéo nhau đến bể bơi bến Bính. Mẹ không biết bây giờ cái bể đó có còn không? Ngày ấy bể đã bị lún, đi trên hành lang lối ra bể thấy người nghiêng nghiêng như đi trên thuyền. Đặc biệt nếu vừa từ dưới nước lên mà lại đi vào đấy thì tưởng mình đang say say trên biển thật. Mẹ và các cô bạn mẹ như cô Lộc, cô Hằng… có dáng quả lê bơi bì bõm lắm, không biết có phải do “nặng phao câu” không mà như con cà cuống, cứ tiến 2 lại lùi 1. Bơi hết cả hơi mà lúc ngửng lên chỉ mới đi được 5 mét. Trông rất vất vả và tức cười.
Khi kiểm tra sát hạch, thầy giáo và lũ con trai ở trên bờ lăm lăm cái sào chĩa xuống nước, cái sào này chạy theo mẹ để phòng hụt hơi thì túm vội lấy. Đúng như câu “chết đuối vớ được cọc”! Hình ảnh đó lưu giữ trong ký ức của mẹ rất rõ nét & hài hước làm sao! Phù… may quá cuối cùng mẹ và các bạn mẹ cũng qua được môn này.
Tuần nào con cũng mấy lần đi  bơi. Con đã biết bể nào nước bẩn, bể nào đắt…Mỗi lần con đi với bạn, nếu bể gần thì đi bộ, bể xa con đi xe đạp, xa nữa đi bus. Mẹ cổ suý cho câu slogan “Tự túc là hạnh phúc” của con, rằng mình phải chủ động, tự phục vụ trong mọi việc có thể được. Nhưng thú thật, mẹ rất lo lắng, những nỗi lo lắng thường trực của các bà mẹ với con gái. Lo con đi trên đường có an toàn? Lo ở trên xe bus có bị kẻ xấu lơi dụng? Lo ở bể bơi liệu có chuyện gì không? Qua đường thế nào? Xuống lên xe bus ra sao? Vv.. và vv.. Con biết không, mỗi lần con đi về muộn một tí là mẹ nhấp nhổm, nóng ruột. Chỉ đến lúc con về mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Mẹ tin rằng các mẹ khác cũng như mẹ thôi, luôn phải đấu tranh giữa việc giữ con bên mình, bao bọc con cho an toàn, hay để con tự lập, tự chủ nhiều hơn. Cuối cùng mẹ vẫn cố gắng chọn cách tin tưởng, để con học nhiều hơn kỹ năng survival ở ngoài xã hội.
Rất thú vị là con lại không bị viêm mũi đợt này. Hay do “độc trị độc” nên nó tự khỏi? Hay vận động toàn diện nên sức khoẻ của con tốt lên? Chỉ biết con bơi rất khoẻ và không hề bị ốm.
Thế là vụ bơi đã thành công ngoài mong đợi rồi con gái nhỉ!

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

BU TÔI

       Có biết bao nhiêu điều để viết về Bu tôi. Nhiều lắm. Tôi không định viết nhưng  bài về Mẹ của Thùy Dương đã động viên tôi.  
Thời con gái Bu tôi đẹp có tiếng.(Ấy là nghe người lớn nói vậy). Tôi xem ảnh Bu thời trẻ thấy Bà có Khuôn mặt tròn và làn da trắng, mắt sáng,
Bà nhuộm răng đen và ăn trầu. Nghe đâu thời trước nhuộm răng là sành điệu. Ai nhuộm răng thì được gọi là nền nã, (răng đen nhưng nhức hạt na…), còn ai không nhuộm thì gọi là răng trắng ởn…!!
Bu bảo nếu nhuộm bằng thuốc tốt thì răng đen bóng và giữ màu rất lâu còn nhuộm bằng thuốc thường thì sau này bị bạc màu trông xấu lắm. Chắc là Bu dùng đồ xịn vì khi tôi lớn lên thấy  Bu lớn tuổi mà răng vẫn đen bóng .  
Bu tôi nghiện trầu. Sau mỗi bữa cơm Bà đều nhai một miếng trầu, mùa Đông thì thêm một vê thuốc lào cho ấm người.  Mỗi lần nhai trầu mặt Bu ửng hồng (do trầu nóng) và nước trầu làm môi Bà đỏ thắm, không cần tô son. Các cụ ngày xưa thích nhai trầu chắc còn vì lý do này nữa nhể??
Phụ kiện cho việc ăn trầu của Bu là cơi đựng trầu, ống đựng vôi và ống nhổ... Tất cả đều được làm bằng đồng thau. Khi nhà có đám cưới, đám giỗ hay Tết đến là tôi thường nhận nhiệm vụ đánh cho mấy thứ ấy bóng loáng cùng với bộ đỉnh đồng, lư hương, chân nến…

Con trai tôi và Bà Nội
Người ta nói ăn trầu làm cho chắc răng . Với tôi thì điều ấy quá rõ vì tôi biết miếng trầu của Bu tôi gồm 1/4 quả cau, 1 lá trầu, 1 miếng vỏ cây chay, ít vôi, thuốc lào… vừa cung cấp can- xi vừa diệt khuẩn. Vi khuẩn nào mà sống được với những thứ ấy? Đến giờ mặc dù đã quá tuổi cổ lai hy răng Bu còn rất khỏe.
Hàm răng đen của Bu đôi khi cũng gây nên những chuyện hài hước. Một người bạn Mỹ đến nhà chơi thắc mắc: tại sao Mama của mày có răng màu đen?!!
Cháu gái tôi sinh ở Châu Âu, rất yêu Bà qua lời kể của Mẹ nó và qua những lần nói chuyện điện thoại với Bà. Lần đầu tiên về Việt Nam thăm Ông Bà nó rất háo hức. Tuy nhiên khi bước xuống sân  bay , được Bà ra đón thì nó cứ trốn biệt vì thấy răng Bà đen…

Bu tôi có trí nhớ và khả năng tính nhẩm rất tốt. Bà thuộc lòng truyện Kiều với hơn 3 ngàn câu thơ. Mỗi khi rảnh rỗi ngồi ru cháu Bà thường hay ngâm Kiều.
Hồi năm thứ 3 đại học tôi được Bu cho tiền mua cái calculator 8 chữ số của ông hàng xóm đi tàu đem về. Tôi quí và trân trọng cái máy ấy lắm.
Một hôm đi chợ về Bu tính tiền hàng và bảo: mày tính giùm tao..
Tôi hý hoáy bấm bấm một hồi rồi thông báo kết quả. Bu kêu : sai rồi. Tôi bấm lại lần thứ hai. Bu nói: lần này đúng.!!
Như bao người mẹ khác, Bu hy sinh cả cuộc đời, đầu tắt mặt tối vì chúng tôi. 
Điều mà tôi quí nhất ở Bu là tinh thần lạc quan, hào sảng pha chút hài hước. Mỗi khi chúng tôi gặp khó khăn Bu bao giờ cũng là người động viên, che chở. Những lúc đó tôi hay nghe Bà nói : Chả là cái gì…quần có hai ống, mất một ống vẫn cứ vui đi…!!
Giờ đây dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng Bu vẫn luôn là chỗ dựa cho chúng tôi.
Thật vui sướng!
Mùa Vu Lan
TP HCM 16/8/2011- KT