Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

ĐÊM & NGÀY ( T/g: Chuti)

(Hưởng ứng viết về ngày thương binh liệt sỹ 27/7)

Làng Gia độ nằm dọc bờ con sông Thạch Hãn lịch sử. Nơi có ngọn gió Lào nghe kể đã cảm thấy nám da. Những ngày hè tháng sáu, tháng bảy, gió Lào thổi mạnh bật cả gốc cây. Khắc nghiệt và ầm ù là vậy, nhưng cũng chẳng tài nào thổi bay được ký ức nặng nề của người dân vùng quê một thời chiến tranh khốc liệt được ngợi ca là đất thép này. Nghe kể lại, trận chiến Thành cổ năm nào, mỗi mét vuông đất đều nóng hổi máu đồng loại. Dòng Thạch Hãn có những lần nghẹn dòng bởi lớp lớp những xác người, cả bên ta và bên địch.
Gió Lào càng về gần sáng càng thổi mạnh. Nhưng lạ thật, cứ khi ban mai ửng hồng, y như là các cơn gió Lào lặng tắt, nhường lại làng quê một không khí  lặng như tờ,  ngột ngạt và oi bức. Nó nằm im, cảm nhận sự khác biệt ngày và đêm của vùng đất thép. Nghe kể lại rằng, thời kỳ chiến tranh, vùng đất này, ban ngày là của địch, đêm về là cuộc sống của ta. Nó chợt nghĩ, có chăng, trước cuộc chiến khốc liệt ngày nào, chứng kiến bao sương máu đổ xuống. Thiên nhiên và đất trời dường như cũng nặng lòng để tạo nên một vùng đất danh giới khác biệt ngày và đêm, để lưu giữ mãi ký ức người làng quê Nó với quá khứ, với lịch sử bi hùng của vùng đất thép.

Sông Thạch Hãn
Gió Lào quấn quít vào những tán cây bạch đàn đứng sừng sững dọc bờ sông. Trong đêm khuya thanh vắng, những tiếng xào xạc lúc to, lúc nhỏ làm Nó liên tưởng tới những tiếng thì thầm báo hiệu trong đêm. Lúc chiều tối, Nó được nghe nhiều câu chuyện về đêm kháng chiến ở vùng đất này. Nó nghe thấy tiếng chó sủa nhà bên, có tiếng thì thầm mừng mừng, lo lo... Bên ấy dường như có người bí mật về làng!? Tiếng chó líu ríu mừng vui rồi nhanh chóng cất giọng vào đêm vắng. Cuộc sống bí mật giữa cái sống và chết đã tôi luyện cho người dân làng ven sông Thạch Hãn thanh thản và trầm lặng giữa đêm khuya. Đến con chó cũng biết giấu tiếng kêu vui mừng bảo vệ chủ.
Các cơn gió Lào nối nhau mạnh dần. Nó đang miên man tìm kiếm cảm giác bình yên của làng quê lúc canh đêm về sáng trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê. Tiếng rít của các tán lá bạch đàn mạnh lên trước gió. Nhiều bóng cây đổ rạp xuống, chụm vào nhau như dáng các Mệ cúi bóng lưng còng thầm thì trong bão gió. Lúc này, gió càng thổi mạnh,tiếng sợi dây thép miết liên tục vào cái cổng tre não nề cọt kẹt nghe rợn tai. Tiếng kẽo kẹt phát ra từ bụi tre sơ xác trước cổng như những oan hồn ngày xưa quay về tụ họp. Thi thoảng hiếm hoi là ánh sáng nhỏ phản chiếu từ mặt nước sông xuyên qua khe hở giữa tán lá tre làm nó giật mình liên tưởng tới những ánh mắt trong đêm lạ lùng nhìn nó. Nó co người lại, tóc gáy của nó dựng lên, một luồng khí lạnh khẽ khàng chạy khắp cơ thể Nó, từ lòng bàn chân, lên đầu gối, hai tay, khắp người… Kết hợp với cái lạnh thoảng bên ngoài của ngọn gió Lào đêm gần sáng làm cho Nó như cóng người lại. Buổi chiều tối Nó còn nghe nói, xung quay đây nhiều oan hồn lắm, cả ta, cả địch… Ngày trước, trên mảnh đất này, đêm đêm là nơi hội họp đoàn thể của Ba Nó và các đồng đội. Nhiều lần bị phục kích, súng nổ, rất nhiều người đã ngã xuống nơi đây…. Nó nằm im, lấm lét nhìn vào bóng đêm sâu hút…
Gió càng mạnh hơn…Oàng… Oàng… Oàng…Xoẹt…. Xoẹt. Tiếng chó “gâu” “gâu” trong làng nối nhau sủa vang hưởng ứng làm cho cả làng thức giấc như trước một trận càn đêm vậy. Nó  miên man như đang đứng gác trước cuộc họp kín của Ba Nó. Nghe tiếng súng bất ngờ nổ, Nó giật mình, nhảy vào trong nhà… Tim Nó đập loạn xạ, mọi người choàng tỉnh. Thằng cháu giật mình, nhanh như cắt, phản xạ tự nhiên ôm gối lao theo Nó. Trong nhà, chị Nó đang thắp nén hương trên bàn thờ, quay lại chấn an hai chú cháu: “ Gió to quá, làm bay cả mấy tấm tôn dựng rạp, sáng sớm mai phải bảo thợ xuống sửa lại kẻo không kịp làm lễ..”. Nó cười thầm một mình nhưng tim vẫn đập rộn trong tiếng ọc ạch của mấy miếng tôn còn lại trên rạp. Nó theo chân chị đi thắp lên tất cả các bát hương trên bàn thờ vừa được xây dựng trên mảnh đất của ông bà nó để lại.
Ba và chú Nó theo Cách mạng những năm chống pháp. Góp công giành chính quyền cho nhân dân, cho dân làng Gia Độ của Nó. Những ngày khách chiến chống Mỹ, làng Gia Độ trở thành một trận địa. Ngày là của địch, đêm là cuộc sống của ta. Biết bao máu xương đổ xuống, bao gia đình phải chia ly. Đã có thời, nhiều gia đình trong làng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu: “mâm cơm chia đôi”. Đau xót, anh em trong nhà ở hai đầu chiến tuyến. Cũng đúng thôi, cái vùng đất giáp gianh giữa hai chiến tuyến có một không hai này. Nhà có người thoát ly theo Cách mạng. Thì phía bên kia, nhanh chóng tâm lý chiến đến bắt người còn lại phục vụ chế độ Cộng Hòa. Rất nhiều bà mẹ tóc bạc thêm, đau khổ ngày đón con Cộng hòa, đêm chờ con kháng chiến. Mỗi khi có tiếng súng đêm, những trận càn, lòng các mẹ lại như đôi phần dao cắt…
Cả Ba và chú Nó may mắn đều theo kháng chiến và thoát ly sớm.  Nhà chỉ còn ông bà nội. Đó là những tháng ngày cơ cực nhất của ông bà trước sự tra hỏi và đòn tâm lý chiến của địch. Nhà cửa bị đốt phá hết. Ông bà được họ hàng, làng xóm cưu mang. Năm 1969 bà nội nó mất, năm 1975, giải phóng, ông nội Nó ra Bắc. Qua bao năm tháng, mấy cái cột nhà cháy thui trên mảnh đất của ông bà vẫn trơ chọi với gió Lào và tha thiết với hương vị ngòn ngọt của nước sông Thạch Hãn…
Chứng kiến bao biến cố lịch sử, qua bao cuộc chia đất chia ruộng tại cái vùng quê nghèo miền Trung này. Giữa thời buổi đất chật, người đông và giá cả leo thang như hiện tại.Mảnh đất ấy gần 40 năm nay vẫn khiêm tốn đứng ngoài cuộc sống thị trường bon chen ấy. Làng quê vẫn chở che và ghi nhận mảnh đất ấy gắn với những hồi ức kháng chiến và giải phóng quê hương. Bà con lối xóm vẫn trân trọng và hân hoan chúc mừng ngày trở về làng của anh chị em Nó…
… Thắp hương bàn thờ xong, Nó bước ra sân, vươn vai hít một hơi thật sâu. Một luồng khí mát trong trẻo hương gió Lào buổi sớm pha lẫn vị ngòn ngọt của hơi nước sông Thạch Hãn và chút ngai ngái của lá cây bạch đàn… Hương vị quê hương làm Nó tỉnh táo và hoạt bát hơn sau một đêm trắng với bao miên man lần đầu trọn vẹn nằm giữa mảnh đất truyền đời của ông bà. Đã sắp đến giờ làm lễ. Bà con đã lấp ló ngoài cổng. Một ngày mới ở làng của Nó bắt đầu….

HCM- Ngày 26/7/2011 , CHUTI

16 nhận xét:

  1. Hóa ra ông này là người miền trong.
    Quảng Trị là nơi ác liệt nhất của cuộc chiến. Những đau thương mất mát cũng vì thế là rõ nét nhất.
    Nhưng chúng ta hãy nhìn về tương lai. Tôi thích câu kết : Một ngày mới...bắt đầu.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Chuti, những cảm xúc thật sâu lắng với giọng kể lúc nhanh lúc chậm. Thành Cổ Quảng Trị, địa danh đã & sẽ lưu lại muôn đời trong lịch sử chống Mỹ về sự ác liệt của nó. Ta & địch, ngày & đêm, bao bi kịch giáng xuống từng gia đình và đất nước khi sống trong cảnh chia cắt 2 miền, 2 chế độ chính trị. Chẳng phải tất cả đều là con dân Đất Việt, con của các bà mẹ Việt?
    Đúng là sự trớ trêu của lịch sử, khi gần đây, cả các binh sĩ hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa 1974 (của Cộng Hoà) và binh sĩ hy sinh trong trận chiến Trường Sa 1988 (của Cộng Sản) đều được tôn vinh như những người con anh dũng của đất Mẹ.
    Xin lỗi nếu comment này có hơi "politics" một chút (^-^)

    Trả lờiXóa
  3. Thanks All,

    TD à, cũng chẳng có gì là trớ trêu cả đâu. Đó đều là những người giữ gìn bờ cõi cả mà. Nếu liên hệ với một câu (mặc dù từ ngữ có thể không hợp với hoàn cảnh) : Kẻ thù của kẻ thù là bạn !

    Trả lờiXóa
  4. Lợi ích Dân Tộc là vĩnh viễn mà!

    Trả lờiXóa
  5. KT à, Gốc gác của tôi "lằng nhằng" lắm, họp đồng hương toàn bị đuổi:

    + Quảng trị: quê quán nhưng không nói được giọng và it về => bị đuổi
    + Thanh Hóa: Sinh ra và sống ở Thanh Hóa gần 01 năm => bị đuổi
    + Hải Phòng: Lớn và học tập 23 năm tại HPG => Mất tư cách
    + HCMC: Làm việc và đang sống tại HCMC 20 năm => Chưa thi thư cách

    Khổ tôi chưa!

    Trả lờiXóa
  6. Như vậy thì nói Ông quê Việt Nam!!

    Trả lờiXóa
  7. Theo tôi được biết, người gốc quê Quảng Trị ở KT-26 còn có Tuyết Lan nữa. Đồng hương với tôi đó!

    Trả lờiXóa
  8. Đúng rồi. Nghe nói Tuyết lan định kêu gọi các bạn Kt-26 tham gia dự án trồng rừng bạch đàn ở Quảng Trị.

    Trả lờiXóa
  9. Thế mà không rủ đồng hương nhỉ... huhuhu

    Trả lờiXóa
  10. Bài này Chuti viết rất khá. Giọng văn huyền ảo ra phết. Khéo Chuti viết được truyện ma đấy! Thử xem nhé! Cheer!

    Trả lờiXóa
  11. Thanks TD động viên.

    Viết chuyện ma phải đi thâm nhập thực té ma. Mà tôi lại rất sợ ma. Không biết có kham nổi không đây. Nhưng sẽ cứ thử xem nhỉ !

    Trả lờiXóa
  12. Thanks TD động viên.

    Viết chuyện ma phải đi thâm nhập thực té ma. Mà tôi lại rất sợ ma. Không biết có kham nổi không đây. Nhưng sẽ cứ thử xem nhỉ !

    Trả lờiXóa
  13. Bài viết về quê hương với tình cảm thật da diết. Thương về miền Trung với những người con kiên cường !
    Cảm ơn Chuti nhé.

    Trả lờiXóa
  14. Rất cám ơn t.h chia sẻ! Ghé blog thường xuyên nhé!

    Trả lờiXóa