Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI LÍNH ( T/g: Thùy Dương)

Nhân tháng đền ơn đáp nghĩa, xin chia sẻ với các bạn câu chuyện nhỏ này.
---------------- 
Chiếc xe rời khỏi thành phố, lao nhanh về hướng biên giới Cambodia theo quốc lộ 22. Nắng chói chang trải dài trên vùng quê yên ả. Những cánh đồng xanh rờn dịp lúa mạ non và những cánh rừng cao su xanh mướt trôi vụt qua. Đường nhựa phẳng lỳ lộ ra khoảng đất đỏ bazan hai bên vệ đường. Thị xã Tây Ninh hiện ra trước  mắt thật hiền hoà, người đi lại thưa thớt, tuy nhiên, chiếc xe vẫn tiếp tục đi qua thị xã để tới một nơi vùng ven gần biên giới. Trên xe, mọi người nói chuyện rôm rả, những câu chuyện đưa mọi người trở lại quá khứ hơn ba mươi năm về trước, về một người lính rất trẻ...

Khi anh đang học cuối cấp 3, do bà vợ trước của bố anh giàu có mà không có con trai, mẹ anh lại sinh liền 3 trai nên bà xin anh làm con nuôi.
Hẳn là bố mẹ anh đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định cho anh nhận bà làm mẹ nuôi.
Ngay trong chiến tranh, khi bao nhiêu người còn không có đủ cơm mà ăn, thì người mẹ nuôi của anh đã là một thương gia nhanh nhẹn tháo vát với cửa hàng bán giày dép, vải vóc tại chợ Sắt & cũng là một tay buôn bất động sản khá có tiếng của thành phố Hải Phòng. Đó là một người đàn bà cao dong dỏng với đôi mắt sắc lẹm. Thời trẻ bà khá đẹp, giỏi làm ăn nhưng đường hôn nhân lại lận đận. Bà có con với cả ba đời chồng (mà bố anh là người chồng đầu tiên của bà) nhưng không có nổi một mụn con trai. Mặc dù giàu như vậy nhưng bà là người sống tiết kiệm, chi li. Đặc biệt là không có ông chồng nào sống với bà.
Trong 3 anh em trai, anh là giữa và là người ít nói, hiền lành & tốt bụng. Khuôn mặt vuông chữ điền với đôi tai to, đôi mắt trong veo với ánh nhìn thông minh, trung thực, hứa hẹn một trang nam nhi tuấn tú, đẹp đẽ sau này. Chắc bà mẹ nuôi với con mắt sắc sảo của mình đã nhìn thấy nhiều phẩm chất tốt để chấm anh.
Mẹ không đồng ý cho anh đi, mẹ nào mà đồng ý được! Mẹ nói: ”Tôi dù có chết đói cũng không để nó đi! Cứ để nó đấy, mẹ con rau cháo nuôi nhau!”. Bố anh nhìn xa hơn, bố bảo:
-          Cho con nó sang đấy, bà ấy giàu, lại không có con trai, sau này nó sẽ được thừa kế ít tài sản.
-          Tôi không cần tiền của bà ấy! Mẹ anh nói kiên quyết.
Bố anh tìm cách khác thuyết phục mẹ. Bố nói:
-          Anh thấy bà ta cũng tội nghiệp, mang tiếng mấy đời chồng mà rồi không có ông nào ở bên. Cho nó sang đấy đỡ đần cũng là chỗ dựa cho bà ấy sau này. Mà em có mất con đâu, nó vẫn là con em mà”
Chắc bố anh cũng thương người đàn bà một thời là của mình.
Mẹ anh nghe vậy cũng mủi lòng. Bà giao hẹn: “Nó đang ôn thi đại học, nên bà phải hứa với tôi là không bắt nó làm gì, chỉ để nó học. Nếu bà không đối xử tử tế với nó, tôi sẽ đòi lại con tôi!”. Chắc mẹ anh đã buồn lòng lắm khi tự tưởng tượng ra cảnh con trai mình, phải làm mọi việc lớn bé trong ngôi nhà không phải nhà mình, ăn uống kham khổ dè sẻn theo thói quen tiết kiệm của gia đình ấy.
Thế là anh sang ở với bà và gọi bà là mợ. Ngay lập tức mợ mua cho anh cái xe dạp và một số quần áo. Thời gian đầu, cứ mỗi buổi chiều, mẹ lại đến chỗ anh để xem anh ăn ở, sinh hoạt thế nào. Mẹ nhìn anh ngồi học bài một lúc, đảm bảo rằng con mình được yên ổn học, mẹ mới ra về. Một lần mẹ đùng đùng lôi anh về nhà, mặt đỏ lên đầy tức giận. Mẹ nói rất to với bố:”Tôi không cho nó sang đấy nữa. Lúc nãy tôi qua thấy nó đang ngồi giặt cả đống chiếu! Thôi ở nhà, không có đi đâu cả” vừa nói mẹ vừa ôm chặt lấy anh. Dạo đó anh lại đang vào tuổi lớn, chiếc quần anh mặc luôn ngắn cũn mà không bao giờ anh đòi hỏi gì. Mẹ nhìn thấy thế lại sót ruột thương anh và không quên lên án bà mẹ nuôi.
Thấm thoắt đã nửa năm anh ở với gia đình mới, chăm chỉ học hành & giúp đỡ mợ công việc buôn bán. Anh đã hoàn toàn chiếm được lòng tin của bà vì  tính trung thực, thật thà của mình. Bà đã cho anh cầm chìa khoá két tiền chứ không phải là mấy người con gái bà. Anh còn được thay bà bán hàng & đi đòi nợ tiền. Phải nói rằng anh đã trở thành cánh tay phải đắc lực của mợ anh.
Cuộc sống cũng dần ổn định, mẹ anh cũng đã quen với việc xa con trai mình…
Rồi anh thi đỗ Đại học Hàng Hải khoa lái ngay lần đầu thử sức. Hai mẹ của anh đều sung sướng tự hào về con mình. Họ mường tượng cảnh mai này, vị thuyền trưởng tương lai vượt đại dương đi khắp thế giới và báo đáp công sinh dưỡng của họ, là chỗ dựa cho họ lúc tuổi già. Ngày đó Đại học Hàng Hải là niềm mơ ước của bao gia đình, là một đảm bảo chắc chắn cho sự thành đạt.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang...
Đó là năm 1978, chiến tranh biên giới phía Tây Nam trở lên ác liệt, lệnh tổng động viên toàn quốc đã lôi bao nhiêu thanh niên trai tráng vào quân đội. Hẳn gia đình nào có con trai sinh vào những năm 1958, 1960 thì hầu hết đều phải đăng lính. Nhà anh khi đó chưa có ai đi bộ đội, vì vậy bắt buộc phải có một người đi. Người ta cho phép được chọn hoặc anh, hoặc em trai kế (kém anh 3 tuổi) của anh đi. Anh đã xung phong đi thay em vì nghĩ em mình còn bé, cần ở nhà học cho xong phổ thông. Trước khi lên đường, anh dặn dò mẹ cất kỹ sách vở cho ngày trở lại giảng đường.
Vậy là anh lên đường tòng quân. Sau mấy tháng mẹ nuôi anh đã xui anh đào ngũ, và bà có thừa tiền để chạy vạy cho anh thoát lính. Nhưng hình như điều đó quá sức anh, hơn nữa ai cũng nghĩ, hoà bình đã lập lại, chiến tranh thật sự khốc liệt đã qua rồi. Mọi người nghĩ đơn giản rằng anh sẽ đi 2 năm rồi lại về học tiếp Đại học.
Ngày tiễn anh lên đường, ngoài hai người mẹ của anh, còn thấy bóng dáng cô bạn thân nhất, người con gái học cùng lớp. Cuộc chia tay càng thêm bịn rịn với cả nước mắt & nụ cười. Hình ảnh cô gái đó đã in đậm trong trái tim với những rung động đầu đời của anh, theo anh trên những chặng đường hành quân.
Qua mấy tháng huấn luyện tân binh, anh lên đường vào Nam và bị điều ra điểm nóng, biên giới Cambodia. Khoảng cách địa lý quá xa xôi, nên chỉ có những cánh thư đi về, động viên người ở lại và tiếp thêm sức lực cho chàng lính mới. Anh nói, như một người lính chân chính: “Con không đi biên giới thì còn ai đi nữa?”
Cảnh nồi da nấu thịt tưởng đã kết thúc, lại tái diễn tại vùng biên giới. Bao nhiêu người con trai với tuổi thanh xuân phơi phới, những tân binh ngơ ngác chưa có kinh  nghiệm trận mạc, nay bị đưa ra chiến trường, đối mặt với hiểm nguy &cả cái chết.
Tại chiến trường, do là sinh viên đại học nên anh được phục vụ trong đại đội thông tin & không trực tiếp chiến đấu. Nhưng liệu có phải là số phận cay nghiệt đã sắp đặt? Tám tháng sau, vào một buổi trưa, anh cùng đồng đội ăn trưa dưới hầm. Anh ăn xong trước nên ra bàn nước ngoài cửa hầm uống nước. Một quả pháo bắn lạc đã rơi đúng nơi anh đứng. Linh hồn trong trắng của anh đã bay về thiên đường…bỏ lại 19 năm 1 tháng 21 ngày trên dương thế.
Giấy báo tử đến với mẹ anh vào một ngày đầu đông năm 1980. Tin dữ đến, Mẹ tưởng có thể chết đi được. Bốn ngày liền mẹ không ăn không ngủ. Mẹ ở lỳ trong bệnh viện, làm việc như điên như dại. Mẹ không thể ngừng lại, vì ngừng lại là mẹ lại nhớ đến điều khủng khiếp đó. Nhớ đến khoảng trống trống hoác, tối đen trong lòng. Mẹ không thể tin lấy một giây rằng đó là sự thật. Mẹ chưa nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt, mẹ còn hy vọng người ta đã nhầm. Con trai của mẹ không thể bỏ mẹ đi như vậy! Nhưng rồi mẹ vẫn phải nghiến răng gượng dậy, vượt qua mất mát vì gia đình, vì những đứa con còn lại của mẹ…
Bà mẹ nuôi anh dù chỉ sống với anh gần một năm, nhưng anh đã thực sự trở nên quan trọng với bà, là niềm vui của bà. Bao hy vọng cho tương lai thế là tan thành mây khói. Bà chỉ biết ngửa mặt than Trời: “Sao số tôi nó khổ, không người đàn ông nào sống lâu được với tôi!!!”


Nơi Anh yên nghỉ
Xe đến nơi vào quá trưa, ánh nắng càng lúc càng chói gắt, hun nóng con đường trải nhựa thẳng tắp, không gian yên ắng, chỉ có mấy bóng người thấp thoáng phía xa. Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh nơi anh ở cùng với hơn 4000 đồng đội của mình được qui hoạch như một công viên hình bông hoa năm cánh thoáng rộng với nhiều cây xanh & bồn hoa. Nắng phủ trắng trên những ngọn cây thông đang đứng im phăng phắc, những bồn hoa cúc, hoa dâm bụt chạy quanh các khu mộ. Lũ chuồn chuồn bay lượn lờ chỉ càng làm cho khung cảnh thêm tĩnh mịch cô liêu. Ngôi mộ của anh giống như hàng nghìn ngôi khác, nằm trong khu mộ lính. Nơi đây, ngoài các chiến sỹ hy sinh tại biên giới Tây Nam còn có các chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh chống Pháp & Mỹ. Các anh đều là cư dân nơi này ít nhất từ trên ba mươi năm rồi. Có rất nhiều ngôi mộ vô danh và cả những ngôi mộ có tên nhưng không người chăm sóc. Trông chúng thật điêu tàn dưới ánh sáng ban ngày. Người lính nào đang nằm dưới đó? Hồn cốt họ có được siêu thoát hay cứ bay vật vờ trên dương thế? Những người lính đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ ấy, những người con yêu của mẹ ấy...
Bên mộ anh, mẹ khấn thầm: “Con ơi mẹ lại đến đây với con đây, có cả anh con, em gái con và các cháu nữa. Cầu mong linh hồn con bình yên & phù hộ độ trì cho mọi người nhé!”
Thằng cháu anh năm nay ở độ tuổi của bác lúc bác đi. Nó cứ tha thẩn quanh các ngôi mộ, trông vẻ mặt thật đăm chiêu. Nó càng đăm chiêu hơn khi nghe mẹ nó nói: “Đa phần các bác nằm đây có tuổi đời như con bây giờ, và có lẽ nhiều bác còn chưa từng biết hôn người con gái nào, như bác của con”. Nó lặng lẽ cầm nắm hương đi thắp cho tất cả các ngôi mộ xung quanh. Chắc trong tâm hồn nó đang rất xao động. Hơn ba mươi  năm trước, ở cái buổi trưa định mệnh đó, chắc bầu trời cũng xanh cao thế, nắng cũng rực vàng thế…
Mẹ quyết định không đưa anh về Hải Phòng, mẹ bảo “Để anh ở đây cho có đồng đội”. Mẹ muốn anh được sống giữa không gian yên bình cùng đồng đội anh.
Mỗi lần về thăm mẹ, tôi lại lên gian thờ chào bố và anh. Trong phảng phất khói hương trầm thơm ngát, người thanh niên trong ảnh nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt trong veo, nghiêm nghị. Hình như anh đang muốn nói với tôi điều gì?
Lại một ngày 27/07 nữa sắp đến rồi. Mẹ anh như mọi  năm nhận được một phần quà từ chính quyền. Thằng cháu được bà ngoại tặng lại cái màn tuyn của bác. Nó có cảm thấy bác gần bên nó, hàng đêm bao bọc giấc ngủ của đứa cháu trai? Lũ trẻ của chúng ta sinh ra & lớn lên trong hoà bình, không biết đến cảnh chiến tranh, chết chóc man rợ, chúng thật hạnh phúc! Nhưng liệu Trái đất sẽ không bao giờ còn cảnh chiến tranh điên cuồng? Thật khó để trả lời…

11 nhận xét:

  1. Cám ơn tác giả đã chia sẻ. Câu chuyện thật chân thực và cảm động.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã từng hỏi khi đi dự một số đám tang “cái chết nào làm người sống đi đám cảm thấy đau xót nhất?” Và đã có lần hồ đồ tự trả lời một một cách hời hợt. Tuy nhiên đọc bài viết này mới cảm nhận hết nỗi xót thương với đám tang thiếu người thân là như thế nào. Đặc biệt là của một thanh niên đầy chất sống và hoài bão, trong sự mong chờ, kỳ vọng của hai người mẹ.
    Giọng kể chân thật và nén lòng gây xúc động cho người đọc. Có lẽ theo chủ quan của tôi, đây là một bài viết tốt & cảm xúc nhất của TD mà tôi đã đọc. Cũng đúng thôi , khi bài viết về một thanh niên liệt sỹ, người đó lại chính là người anh nhiều cuộc đời nhưng ngắn cuộc sống của tác giả.
    Cho tôi gửi một nén nhang lòng tới người thanh niên liệt sỹ ấy!

    Trả lờiXóa
  3. Có lẽ đây không đơn thuần là viết mà còn là tiếng lòng của TD. Nếu ai từng chứng kiến mới phần nào hiểu được nỗi đau mất người thân.

    Trả lờiXóa
  4. Hôm trước xem ảnh gia đình TD chụp ở Vũng Tàu mình thấy Mẹ TD lớn tuổi rồi mà còn chịu khó đi chơi cùng con cháu. Giờ mới hiểu là Cụ đi thăm con.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn mọi người. Mẹ mình vào SG đợt này vì nhiều lý do. Nhưng lý do lớn nhất là thăm anh mình. Tuy nhiên, mặc dù tuổi cao, cuộc sống của mẹ mình rất ổn. Mẹ vẫn dủ sức đi các nơi với con cháu mà không hề thấy mỏi mệt. Ơn Trời!

    Trả lờiXóa
  6. Mình đã nhiều lần đến nhà TD chơi, lần nào cũng nhìn lên ảnh của Anh, cảm thấy như Anh đang dõi theo em và các bạn của em, nhìn theo xem chúng sống ntn. Trước kia nhà chưa xây, ảnh của anh để ngay trên tủ ở dưới nhà. Bây giờ xây nhà mới để ảnh trên ban thờ, vẫn nhìn thấy ánh nhìn như vậy. Cầu mong cho linh hồn Anh được yên nghỉ.

    Trả lờiXóa
  7. Anh trai tôi cũng nhập ngũ năm 1977, 78 gì đó. Lúc anh tôi đi Bu tôi khóc nhiều lắm. Lớn lên mới hiểu...

    Trả lờiXóa
  8. Xin chia sẻ nỗi đau của người thân liệt sĩ, đặc biệt là những người mẹ. Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau còn đó, ngoài kia biển cũng đang nổi sóng.
    Mình không may mắn như các bạn vì mình vào lính sau khi tốt nghiệp nhưng mình may mắn hơn những người lính khác vì được học tập, được đi đây đó, nhưng tất cả vẫn chỉ là hai chữ "Nhiệm vụ", không được ra điều kiện, chỉ chấp hành và làm tốt. Bố mình mất khi mình đang ở mãi Ấn độ dương với các bạn Indian Navy, khi về được đến nhà thì đã 49 ngày của cụ... Xin cảm ơn những người lính đã dành xương máu cho đồng đội và đồng bào được sống và sống tốt.
    Chúc mẹ luôn khoẻ và trường thọ.
    Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn Bảo, xin chia buồn với bạn khi không được ở bên cha những phút cuối cùng của Người. Có lẽ đó là nỗi đau thật lớn với bạn và cha bạn nữa. Nhiệm vụ của người lính kể cả trong thời bình cũng thật nhiều thử thách, khó khăn & đòi hỏi sự hy sinh cá nhân. Mình tin rằng Quân đội VN vẫn luôn là Quân đội anh hùng, vì có những người lính như bạn.
    Hẹn sớm gặp bạn/ TDuong

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn Dương hiểu và thông cảm với mình và những người lính. Đó cũng là lý do mà hầu như những lần gặp gỡ của các bạn không có mình, và mình cũng luôn cố gắng để không phụ lòng tin của các bạn.
    Chúc mạnh khoẻ, hẹn gặp lại.

    Trả lờiXóa
  11. TD à, Tớ vẫn nhớ bức hình của Anh trên bàn thờ nhà Duong ngày xưa và cái nhìn của Mẹ TD lên bức hình ấy. Nhắc lại lời trích của Bảo: Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ

    Bảo à, Cậu giới thiệu một chút về bản thân đi?
    2 tháng nay HN sôi sục với chủ quyền Biển đảo

    Trả lờiXóa