Đã lâu rồi và có lẽ không bao giờ tôi còn được gặp bố tôi nữa, điều mà khiến tôi khó quên nhất là hình ảnh., bóng dáng của ông.
Mùa hè năm ấy, mẹ tôi mất, công việc đồng áng nhà nông bận rộn cơ bản cũng đã xong. Chính trong những ngày họa vô đơn chí này, tôi từ Bệnh viện về quê để cùng bố tôi lo việc tang gia. Về đến nhà thấy đồ đạc bừa bãi văng khắp nhà, khung cảnh đìu hiu buồn tẻ, lại nhớ đến mẹ, bất giác nước mắt tuôn ròng ròng. Bố tôi nói: “Việc cũng đã như thế, con người ta là như thế, ai cũng phải ra đi, thôi không buồn nữa, ông trời cũng không để cho ai đến đường cùng bao giờ...
Hai cha con rất thân thiết - ảnh minh họa |
Gia cảnh nhà tôi hồi ấy nghèo lắm, mà hầu như tất cả đều như vậy. Ngoài công việc đồng áng hai mùa chính lúc được lúc mất thì hầu như những ngày nông nhàn còn lại mọi người chẳng biết làm gì, nên thu nhập ngoài chẳng có gì. Tôi và các anh chị đều thoát ly cả, ở nhà mọi công việc đồng áng nặng nhọc tất cả đều trông vào một vai ông gánh vác. Ông không bao giờ than phiền một lời nào về sự vất vả nắng mưa mà ông phải gánh chịu. Phần ấy lẽ ra anh chị em chúng tôi phải đỡ lấy. Hồi còn đang học phổ thông cấp ba, nhiều lúc đi học về ngang đường nhìn thấy ông một mình với gánh lúa trên vai giữa trưa hè nóng nực rảo bước về nhà mà lòng tôi như quặn lại. Công việc nhà nông thì không bao giờ dứt, trừ phi ta chẳng làm gì cả. Được cái trời ban cho bố tôi có một sức khỏe phi thường. Ở tuổi bảy mươi, ông vẫn đi cày và gánh lúa, đập lúa như thường. Tất cả những công việc nặng nhọc ấy đều không đến tay mẹ tôi.
...Ông là người đã được rèn luyện trong quân ngũ, hồi tôi còn bé lắm, nghe đâu ông đã làm vệ sĩ cho Bảo Đại. Cái quân luật ấy đã thấm vào con người ông, tạo cho ông một lối sống lành mạnh, có tổ chức, cộng thêm vào là cái tố chất chất phác của một người nông dân Bắc Bộ nên hiểu con cái, yêu thương con cái mà như tôi nghĩ là “kiểu thương yêu kỷ luật Sắt” . Ông còn nói, trong quân đội, hồi ông tại ngũ, mọi người thường đố nhau: Vũ khí gì là mạnh nhất? Người nói thế này, người trả lời thế kia. Nhưng ông đáp: Đó là kỷ luật ,kỷ luật là vũ khí mạnh nhất. Kể cũng đúng như vậy.
Tôi là con út trong gia đình, từ nhỏ cho tới khi trưởng thành tôi là người gần gũi nhất với ông. Ông cũng hay chơi chắn, tổ tôm mỗi khi có dịp ở một gia đình nào đó có giỗ chạp, đọc kinh. Đó là một thú vui, một thói quen mà ở vùng nông thôn Bắc Bộ nào cũng có. Họ tụ tập, thường là những người bề trên, chơi để chia sẻ bớt đi cái quang cảnh buồn bã của nhà chủ - Ông thường nói với tôi như vậy. Những khi đó, tôi thường đi cạnh ông, một cao một thấp, chiếc đèn pin lấp loáng trên con đường làng soi lối cho hai bố con tôi. Cũng chính những lúc hành bộ ấy, những câu chuyện, những mẩu đối thoại giữa hai bố con luôn hằn sâu trong trí óc tôi không thể nào quên.
- Bố chơi bạc chỉ là chơi để cho vui, số tiền cũng rất nhỏ, không có gì ảnh hưởng, con thì không được- Ông nhấn mạnh.
Hồi nhỏ, tôi cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói, chỉ thắc mắc một điều tại sao ông chơi được mà mình lại không được chơi.
...Ông là người tiết kiệm và thật quy củ. Thú thực, hồi nhỏ đôi lúc tôi cũng rất bất mãn về điều này, ông đem áp cái của ông sang tôi, ràng buộc những cái vốn thuộc vào hương ước của làng xã cho thế hệ của tôi.
Làng tôi là một làng Công giáo, mọi giáo dân đều rất sùng tín. Nơi mà trước kia vẫn còn tồn tại khá nhiều những phong tục Phong kiến, lạc hậu. Nơi mà những con người một lòng thuần túy tâm niệm những điều lễ nghĩa. Họ có thể nói là những người chất phác, hiền lành và có tính đoàn kết cao. Mười điều răn của Chúa hầu như đã ăn vào máu thịt trong họ. Một buổi lễ trong nhà thờ có giá trị hơn bất kỳ một món ăn tinh thần nào khác. Phạm vào điều răn là phạm tội, trái với kinh thánh là trái với lời Chúa. Không biết có phải do những quy định ngặt nghèo đó không mà thôn tôi ở là một thôn có tỉ lệ trộm cắp, mất an ninh phải nói là ít nhất trong khu vực. Những người tòng quân tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không có ai đào ngũ.Đó là con số thống kê trong lời phát biểu của chủ tịch thành phố khi trao Bằng chứng nhận là một làng văn hóa tiêu biểu trong toàn huyện trao nhận. Phải chăng đấy cũng là những nét đẹp có được của một thôn công giáo.
Những buổi lễ thứ Bảy, Chủ Nhật hầu như không thiếu bóng ông. Vẫn cái dáng thong thả chậm rãi ấy, ông cùng với bà con tham dự không thiếu một buổi lễ nào khi có tiếng chuông ngân. Ông còn đảm nhận một chức Trùm họ gì đó của làng nên ở con người ông lúc nào cũng thấy hiện lên một dáng vẻ nghiêm trang của một ông trùm họ. Cực chẳng đã mỗi khi vào thứ Bảy mà lại có đoàn chiếu phim về xã, tôi thế nào cũng là người tìm cách “vượt biên”để được tiếp xúc với cái thế giới văn minh kỳ lạ này. Ông biết cả hay có lúc ông không biết tôi chẳng rõ. Nhưng những lúc tôi “vượt biên” như thế là đều lừa những lúc ông đang gật gù kiểu ngủ gật trên ghế nhà thờ. Có lẽ với luồng nhạy cảm của người cha, ông đều đoán biết cả.
- Thằng này, mày hôm nay lại trốn lễ phải không? _ Ông phủ đầu khi thấy tôi vẫn đi về bình thường như mọi người khi tan lễ.
Còn nhớ, có một lần tôi được đi tham gia một buổi lễ trọng đại cùng với ông ở nhà thờ lớn Hải Phòng. Nghe nói, lần ấy có một vị Hồng Y Giáo Chủ ở mãi Va-Ti-Can gì đó xa lắm sang Việt Nam để thụ giáo cho vị Tổng giám mục ở địa phận giáo xứ Hải Phòng. Ai được đi dự buổi lễ này coi như là vinh dự lắm. Trong gia đình, nghiễm nhiên tôi trở thành đối tượng trung tâm để được hưởng cái ưu đãi đó. Chen vào dòng người tứ xứ đông đúc, tôi như lọt thỏm vào biển người xa lạ mà không tìm được lối ra. Hoảng loạn và mất phương hướng, tôi chạy vòng quanh khắp chốn mà chẳng tìm thấy ai quen cả. Lúc lâu sau, gặp được thằng bạn cùng làng, nó thản nhiên bảo:
- Yên tâm đi, nơi này tao thuôc như lòng bàn tay, đi ăn kem với tao, lát nữa rồi quay về ,mấy khi có dịp được đi như thế này.
Tôi lững thững theo nó, tỏ vẻ đồng ý, coi như một sự thỏa thuận ngầm rằng chẳng mấy đứa trẻ nào may mắn như mình cả. Trong lòng còn tỏ vẻ thán phục với thằng bạn hiểu biết.
Buổi lễ kết thúc nhanh hơn dự kiến do lượng người đông đúc khiến cho buỗi lễ thụ phong ngoài trời phải sớm thu gọn lại. Từ xa, chợt thấy bóng ông, vẻ mặt buồn bã như mất hồn, ông ngơ ngác, mặt tái sắc, bước đi bước nhanh bước chậm, đầu liên tục ngó nghiêng khắp ngả. Chết rồi, tôi bỗng giật thót, ông đang tìm tôi, một thằng con vô kỷ luật dám bỏ đi chơi trong lúc ông đang rối gan rối ruột tìm con. Thấy tôi, nước mắt ông lưng tròng, từng hạt, từng hạt lăn trên gò má vốn dạn dày sương gió. Ông không nói, cũng chẳng quở mắng tôi lời nào. Dường như tìm được thấy con đã là niềm động viên vô cùng lớn với ông, nó át đi tất cả những bực dọc vốn có trước đây trong lúc hoảng loạn đi tìm con. Tôi hiểu, ông đã tìm được niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình mà lẽ ra ông không được dời mắt trước đó có vài tiếng đồng hồ. Sự im lặng trong khoảnh khắc, tôi im lặng vì tôi có lỗi, tôi im lặng cũng vì tôi sợ, nhưng sự im lặng của ông là sự im lặng cao cả. Một tình thương vô bờ dành cho tôi mà ông không thể dùng lời nào diễn tả được.
Cái bóng ấy, cái hình ảnh ấy cứ mãi in đậm trong tôi cho đến tận bây giờ. Đã nhiều năm trôi qua, cái hình ảnh ấy của ông tôi không thể nào quên được. Nó đã trở thành cái “Vũ khí mạnh nhất” hướng cho tôi trưởng thành và xây dựng sự nghiệp sau này. Một “Bài văn không lời” ấy luôn đồng hành cùng tôi, nó là kim chỉ Nam cho tôi trong mọi ngả đường- Tình yêu thương con cái mà không có lời nào diễn tả được.
Giờ đây, tôi đã trưởng thành, có gia đình. Các con tôi cũng đã được hưởng lại “Bài học không lời” ấy. Chắc chúng cũng thấu hiểu được tình cảm cha con là như vậy. Tình cảm người cha dành cho con nó trừu tượng và “câm lặng” như nó vốn có trong tâm thức của mỗi người cha như chúng ta vậy.
...
Đôi dòng tưởng nhớ về ông, khôn g lời nào nói hết. Blog KT26 đã cho chúng ta “Tiếng lòng” khi tưởng nhớ về cha mẹ. Cái “không gian vĩ đại” ấy, cái không gian hạnh phúc giúp chúng ta trưởng thành ấy, ngàn lời không nói hết.
Bố mẹ tôi (bên nội) nay không còn nữa, người đã khuất xa,cái bóng của ông cũng không còn ở bên cạnh tôi nữa. Phải chăng “cái bóng” của người không bao giờ dời xa chúng ta, mà ngược lại luôn hiện hữu trong ta, nhắc nhở dìu dắt ta hằng ngày và mãi mãi.
Lời kết.
...Tôi đã đọc rất kỹ bài của CHU khi viết về “Đàn gà của mẹ”, bài của TD viết về bố mẹ mình. Ôi!, những tình cảm cao quý thiêng liêng ở mỗi con người trong mỗi môi trường sống khác nhau, trong những điều kiện văn hóa phong tục địa phương khác nhau, và cả những tôn giáo khác nhau. Họ là những người tuyệt vời nhất, những tình cảm hy sinh thầm lặng nhất dành cho con cái mà chưa chắc chúng ta đã hiêur hết. Ôi! tất cả các bạn, chúng ta hãy viết đôi dòng như món quà nhỏ mọn dành cho người. Người còn hay không còn trên cõi đời này, nhưng tôi tin người nghe được hết, thấu hiểu hết tình cảm của chúng ta.
....Hải Phòng Friday, Jun 10, 2011
Clip cái giếng làng của Lê Minh Sơn do Vicente tặng độc giả
Cám ơn tác giả. Một tình cảm thiêng liêng và cảm động. Ông Cụ chắc cùng thời và trạc tuổi Bố em.
Trả lờiXóaMột điều thú vị là bác Vicent là người công giáo. Em có tìm hiểu về thiên chúa giáo, có đọc kinh thánh, mười điều răn của chúa...
Lúc nào rảnh thỉnh giáo bác về đề tài này nhé.
Cám ơn Vicente, Bác đã khắc họa một lão nông bề ngoài cơ bắp lạnh lùng và kỷ luật. Nhưng tâm hồn bên trong đầy chất thơ ca, sâu lắng của một người công giáo.
Trả lờiXóaRất vui khi được bác sẻ chia về ông cụ.
Đúng là cho đến tuổi này rồi chưa chắc chúng ta đã hiểu hết tấm lòng của cha mẹ dành cho chúng ta.
Trả lờiXóaComment của Thùy Dương:
Trả lờiXóaCó lẽ cha và con trai có những cách giao tiếp khác với con gái. Giữa hai người đàn ông với nhau, họ thường dùng sự im lặng nhưng chẳng vì thế mà họ không hiểu nhau. Cái cách cụ im lặng để nước mắt tuôn rơi khi tìm thấy con trai đi lạc chắc mạnh mẽ hơn bất cứ lời giáo huấn nào.
Em tin rằng cách anh đang dạy các con bây giờ, một cách vô hình, cũng đang chịu ảnh hưởng bởi cách của bố mẹ, phải không anh Vicente?
Cám ơn TD, cám ơn các bạn.
Trả lờiXóaVề Thiên Chúa giáo (Đạo Kitô hữu) là cả một lĩnh vực sâu rộng và thâm thúy. Là một người Kitô giáo tôi hiểu rõ hơn so với các bạn nhưng cũng chỉ rõ được phần nào. Hơn nữa, trong thời đại khoa học, chúng ta nghiên cứu vấn đề tín ngưỡng hoàn toàn trên góc độ tiến bộ của xã hội loài người. Trong đó những vấn đề phù hợp với tiến bộ thời đại sẽ trường tồn, những v.đ lạc hậu sẽ tự nó loại bỏ. Có thời gian chúng ta cùng tìm hiểu v.đ phong phú này nhé. Ô T có v.đ gì xin cứ hỏi, a sẽ giải đáp. tx.
Đúng đấy e TD ạ, tình cảm cha con trai cũng có một màu sắc khác, một âm điệu khác so với tình cha và con gái. Giờ a được trải nghiệm qua cái t. cảm ấy, còn kiêm cả 2 chức năng: Cha - Con trai' Cha - Con Gái. Cố gắng đứng vững trên vị trí "quan tòa" kể cũng mệt, nhưng cũng oai phải ko các bạn.