Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

BIỂN GỌI ( T/g: Nguyễn Văn Hà)


Ông yêu biển…
Ông là một trong những thuyền trưởng viễn dương dầu tiên của ngành hàng hải Việt Nam thống nhất. Đây là lần thứ hai tôi viết về ông. Lần này, viết về ông, nhưng dường như tôi viết cho chính bản thân mình. Khác với lần trước, cách đây cũng khoảng 15 năm… Ngày ấy, khi đọc được thông tin trên Tạp Chí Hàng Hải Việt Nam. Họ nói về việc nhà nước xét và phong tặng những người có công với ngành Hàng Hải trong những năm tháng giặc Mỹ phong tỏa Miền Bắc. Tôi đã nghĩ và viết về ông qua những câu chuyện do gia đình kể lại khi ông đi biển…
Tôi đã như được mơ cùng ông những năm tuổi trẻ. Giống như nhiều câu chuyện buồn về cải cách ruông đất ngày nào. Ông cũng vậy, sinh ra trong một gia đình gốc địa chủ tại một vùng quê Quảng Bình. Nắng và gió biển miền Trung như truyền đời tạo nên bản lĩnh những con người sinh ra trên vùng cát trắng như ông. Lịch sử đẩy đưa, biển quê hương dậy sóng nghẹn lòng bước chân ông. Đi bộ suốt dọc con đường tuổi trẻ gian truân. Bám biển, ra Bắc, tạm gác cái lý lịch “thành phần” qui kết, ông làm lại từ đầu. Con đường học hành cần mẫn đã giúp ông đứng vững trước những ngày sóng gió ấy…
Vào học tại trường Trung cấp Hàng hải (tiền thân của trường ĐHHH ngày nay), những khóa đầu tiên. Ra trường , ông về cục Hàng hải. Biển xanh lại mở lòng đón người con yêu về với sóng.... Trong những năm tháng giặc Mỹ bắn phá và phong tỏa Miền Bắc. Sóng biển quê hương oằn mình hứng chịu bom rơi và thủy lôi ngang dọc của Mỹ. Những “đội cảm tử” của ông không biết bao lần tiên phong, cho biển lặng sóng, đón những con tàu nghĩa tình từ các nước XHCN tiếp vận cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những thành tích giải tỏa thủy lôi cảng cửa ngõ Hải Phòng đã góp phần nhỏ vào cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta lúc đó. Đã bao lần biển rưng rưng gợn sóng ... Đó cũng là số lần, ông cùng đoàn thủy thủ cảm tử của mình vinh dự được đón tiếp các đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước xuống thăm và động viên. Hay những lần trang nghiêm tiếp đoàn đại biểu cao cấp Cu Ba xuống thăm và học hỏi kinh nghiệm.
 Đất nước vừa thống nhất. Việc ông được vinh dự đẫn đầu đoàn thủy thủ Việt Nam sang CHLB Đức, đất nước tư bản xa xôi ngày ấy, tiếp nhận và dẫn con tàu lớn M/v Long Châu vượt sóng đại dương, cập cảng Hải Phòng an toàn là niềm tự hào cho chính bản thân ông lúc bấy giờ. Đó là những ngày tháng 10 năm 1975, một cột mốc nghề nghiệp của mình. Biển xanh khắc tên ông, một trong những thuyền trưởng viễn dương đầu tiên của ngành Hàng hải Việt Nam thống nhất.
Những năm tháng dựng xây đất nước cần kíp và khó khăn sau đó. Biển quê hương nối liền một dải, nhiệm vụ trục vớt các con tàu trong và sau chiến tranh nằm dưới biển càng trở nên cấp thiết. Những tháng ngày cùng đoàn thuyền viên của mình miệt mài trên biển dọc bờ Bắc , Trung, Nam đã lấy đi của ông và đồng đội nhiều sức lực. Và cuộc đời ông đã rẽ sang một hướng khác…
Năm 1979 định mệnh ấy, khi ông cùng các đồng nghiệp của mình lăn lộn trục vớt con tàu đắm ở khu vực biển miền Trung. Những ngày chờ đợi mệt mỏi vì thiếu thực phẩm tiếp tế… Biển Nha Trang đã lặng mình chứng kiến, vị thuyền trưởng ấy tháo bỏ chiếc nhẫn cưới của mình vì cả đoàn thuyền bộ…
Sau đó, cơn bạo bệnh như vô tình đẩy xô người thuyền trưởng tận tụy ấy. Một cơn nhồi máu cơ tim, ông phải xa biển…Quãng đường gian truân của gia đình và những tháng năm chống chọi với bệnh tình của ông bắt đầu…
Sau thời gian ngắn cấp cứu  điều trị tại bệnh viện Việt Tiệp. Bệnh tình không tiến triển. Không nói được, giao tiếp bằng ra hiệu và thông qua ngôn ngữ viết mà cơn tai biến cũng lấy đi hầu hết khả năng ấy của ông. Ông được chuyển gấp lên bệnh viện Việt Xô, Hà nội tiếp tục các phương án điều trị mới. Ở đây, người thuyền trưởng ấy một lần nữa được mặc bộ phục trang mà ông rất đỗi tự hào.
…Lần đó, nghe tin Thủ tướng Phạm Văn đồng đến thăm bệnh viện. Còn đang mỏi mệt, nhưng vẫn ý thức được niềm vinh dự của mình. Ông muốn mình lại được nhìn như người thuyền trưởng ngày nào trên biển . Trong rất nhiều người chào đón Thủ tướng, một bộ phục trang mang nỗi niềm biển cả xuất hiện và nổi bật tại bệnh viện lúc ấy. Bác Đồng đến, ngạc nhiên: “Cháu bệnh gì mà lại ở đây?”…Thật may mắn, ông được đưa sang CHDC Đức nhanh hơn kế hoạch ban đầu để tiếp tục phẫu thuật và điều trị .
Sau một thời gian dài mổ và điều trị tại CHDC Đức. Được sự giúp đỡ của các bác sỹ người Đức, cùng với sự tận tâm đồng bào của các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức lúc ấy. Bệnh tình thuyên giảm, tiếng nói của ông được hồi phục dần dần. Sau này chúng tôi hay đùa, nếu lúc ấy mà không có nhân viên người Việt tại Đại sứ quán giúp sức, có lẽ giờ ngôn ngữ nói của ông là tiếng Đức rồi. Mỗi lần vậy, ông cười hiền khô…
Ông hiền lắm. Với khả năng ngôn ngữ mặc dù đã được hồi phục nhưng còn chậm, càng làm cho ông ít nói và hiền lành hơn. Các con, tất cả, ông đều gọi là thằng, kể cả con gái. Thằng Hạnh, thằng Hằng là những từ ông hay dùng khi kể về  hai cô con gái yêu của mình. Mỗi lúc như vậy, chúng tôi miệng cười tủm tỉm cùng ông vui, lòng thì nghĩ về những năm tháng oai hùng lướt sóng, vượt đại dương của ông…
…Lần chắp bút viết về ông hơn 15 năm trước ấy. Thông qua các bức ảnh và tư liệu mà ông và gia đình để lại. Tôi đã dần dà khám phá ra một vị thuyền trưởng oai phong ẩn nấp trong cử chỉ hiền hiền, nhẹ nhàng và mực thước đời thường của ông. Biết bao những hình ảnh vượt sóng gió, bom đạn của ông cứ hiển hiện trong tôi như thể mình là một nhân chứng lịch sử của cuộc đời ông vậy. Tôi say sưa viết, tôi muốn viết tất cả. Tôi viết như thể tôi đang kể lại cuộc đời biển cả, phong ba của vị thuyền trưởng yêu biển, yêu cái đẹp trong loạt chuyện cổ tích về huyền thoại biển mà tâm hồn tuổi thơ ai cũng đi qua vậy. Tôi viết và gửi tới tất cả các nơi tôi nghĩ thông tin này cần được gửi tới. Từ ông thứ trưởng Bộ GTVT  (người chỉ đạo cuộc xét duyệt ngày ấy), đến ông Cục trưởng, ông Tổng biên tập, cơ quan cũ của ông, đồng đội của ông…. Tôi viết, tôi gửi đến tất cả các nơi, như thể sợ người ta quên ông, người thuyền trưởng hiền hiền đứng ngoài biển cả của chúng tôi sau nhiều năm sống chung với bạo bệnh.
Và rồi, ông vui mừng nhận được tấm huy chương Hồ Chí Minh cho thành tích vì ngành đường biển trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông cứ hiền hiền, cười nói với mọi người : ‘Đợi Hà ra sẽ ăn mừng sau!”. Tôi mừng cho ông. Với ông, giá trị tinh thần ấy vượt trên tất cả. Đó là sự ghi nhận của nhà nước và các thế hệ sau này cho những công lao của ông cũng như những người đi trước đối với ngành Hàng hải. Tôi mừng vì mọi người không quên ông, kể cả trong lúc ông bạo bệnh nhất. Từ một ngài Thủ tướng chỉ qua lần xuống thăm tầu, đến các thế hệ trong ngành sau này. Họ không quên ông. Biển xanh vẫn khắc tên ông…Bài viết của tôi năm ấy chỉ như một hơi ấm nhỏ sưởi lòng ông, người thuyền trưởng oai phong trên biển ngày ấy, cũng chính là người bố vợ hiền hiền đáng kính của tôi.
… Hơn một năm, sau ngày nhận được phần thưởng tinh thần ấy, ông đã vĩnh viễn ra đi để lại cho con cháu chúng tôi một cuốn chuyện biển cả mà ông viết dở cùng với một nụ cười thường trực hiền hiện trên môi. Không nhiều của cải vật chất ông để lại. Ngoài rất nhiều những bức ảnh oai phong biển cả ngày ấy như những giá trị tinh thần vô giá. Một cuốn từ điển 65,000 từ của nhà xuất bản khoa học xã hội được ông ký tên và đóng dấu đúng vào năm xuất bản:  “Nguyễn Văn Hùng – Master Long Châu – 1, Okt 1975” như một kỷ vật về kiến thức truyền lại mà ông mong mỏi và kỳ vọng vào con cháu. Nhưng với tôi, nó còn hơn một sự ghi nhận của biển về ông, về một vị thuyền trưởng viễn dương đầu tiên của ngành Hàng hải Việt Nam.
Thay cho lời kết:
Như tôi đã nói, khác với 15 năm trước, lần này như thể tôi viết cho chính bản thân mình. Để được nghĩ và được chia sẻ với bạn bè về ông. Tôi viết, cho mình để giữ mãi cái đức hiền hậu, để được nâng niu những giá trị tinh thần ông truyền lại . Nó đang hiện hữu, được nuôi dưỡng và sinh sôi từng ngày bên tôi. Cũng là một nén hương lòng tôi muốn cảm ơn ông như hình ảnh một vị thuyền trưởng yêu biển, gắn bó với cái ngành Hàng hải mà hôm nay tôi đang tiếp bước.
Biển mãi gọi tên ông…
(Hưởng ứng viết về cha nhân ngày 19/6 – HCM, 15/6/2011 – Nguyễn Văn Hà)
… Đang tác nghiệp
… Với TBT Trường Chinh
… Với nữ tướng Nguyễn Thị Định
… Đời thường với “ Thằng Hạnh”.

16 nhận xét:

  1. Ông "con dê" này hơi bị được đấy. Chắc được vợ thưởng to đây.

    Trả lờiXóa
  2. Hảo, hấn hảo!
    Một trang sử vẻ vang hào hùng của bố vợ. Ông hẳn chắc rất mát lòng khi có một "con dê" tốt bụng như vậy, và còn mát lòng hơn là con gái của cụ đã cưới được một "chàng dê" biết nghĩ vẹn toàn cả đôi đường. Vụ này, ô T ở gần chịu khó điều tra xem được thưởng bảo nhiều nhé để anh em mình còn học tập, phát huy.

    Trả lờiXóa
  3. Hình ảnh một nhà tri thức cách mạng với dáng người dỏng cao, trắng trẻo hiền lành chất phác, thấm nhuần tư tưởng Maxit hiện rõ mồn một. Ô rõ ràng như hiện thân là một chiến sĩ c.m trên biển thời ấy: Ko màng tiền tài vật chất, sắn sàng hy sinh vì sự nghiệp c/m.
    A ko biết cụ được mấy con gái, nhưng chắc chắn là cụ khá cưng chiều "chàng dê" này đây. Liệu hồn mà chiều vợ cho thỏa đáng nhé cho xứng danh với bài viết đấy. Cụ nếu còn thì năm nay bao nhiêu nhỉ? mà sao ko thấy khắc họa thêm chút về hình ảnh cụ bà nhỉ (nghành ngoại mà, phải có tí)

    Trả lờiXóa
  4. Nhân đây, ô Tổng cũng viết một bài về bố vợ đi. xem "con dê" này thế nào để ACE còn biết đường mà học hỏi nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Em đang sưu tầm dữ liệu, khi nào đủ mới viết được. Hehe.

    Trả lờiXóa
  6. À mà bác Vicent này. Phần tiếp theo của chuyện ngắn đến đâu rồi. ACE đang chờ cái phần: "Crazy and Stupid Love" của bác đấy !!!

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn TBT, cám ơn bác Vicente.

    Tôi nghe nói: Đứng sau thành công của một người đàn ông luôn là một người phụ nữa. Và hơn thề nữa đứng sau cơn bạo bệnh của người chồng như ông bố vợ tôi lại còn cả một sự kiên cường của một bà mẹ vợ tôi. Bác thấy không, quá kiên cường nhỉ. mẹ Ông mổ tim ở CHDC Đức và theo đúng lộ trình thì 10 năm sau ông phải sang Đức được mổ lại... Mẹ vợ tôi làm nghề y nên mặc dù ông không có ĐK mổ lại nhưng bằng sự chăm sóc của Bà ông đã sống thêm 20 năm nữa... Một kỳ tích đó!

    Chiều ai , lúc nào đến đâu được đến đó. Tôi không dám ôm đồm, sợ không làm được... huhuhu

    Còn về hình ảnh người Cách mạng. cám ơn bác Vicente. Ông xứng đáng được thế hệ ta cảm phục. Tuy nhiên khi co dịp tôi sẽ gửi tới mọi người hình ảnh và tư tưởng cách mạng của một người cha nữa. Ông đã hơn 60 năm tuổi Đảng và co một cấu nổi tiếng với đám chúng tôi: " ĐỨA NÀO NÓI TỐT TƯ BẢN THÌ CƯỚC CHÂN RA KHỎI NHÀ TAO" . Bác biết không, sau câu nói ấy, một thằng bạn nối khố của tôi (Thằng Đầu To) phải nhanh nhảu chạy ra ngoài để hạ cơn hỏa của ông đã...

    Còn bây giờ tôi phải see you mấy bữa nữa mới quay lại Blog được.... gặp lại bác sau mấy hôm nhé !

    Trả lờiXóa
  8. Mọi người phải cố gắng tranh thủ vào Blog liên tục, nhất là BBT. Tôi biết, ngoài mấy "cây súng thần công" quen thuộc ra, thì việc kêu gọi được thêm những cây viết khác ko phải dễ. Ô là một trong những cây viết trụ cột của Blog, ko bao giờ được bỏ bài - Nhắc để ô nhớ vậy. Tôi cũng rất bận, nhưng vì tinh thần tiến lên của Blog, niềm tự hào của KT26, trong đó có tôi.
    À,còn về tác phẩm Czary - Love, nói thực mới viết được vài dòng thì phải dừng do viết về "Ngày của cha". Nó sẽ được hoàn thành trong thời gian tới, cám ơn các bạn.
    Tôi còn có nhiều tham vọng khác, viết một tác phẩm khác nữa cũng đáng giá (theo cách nghĩ của tôi) về một làng công giáo. Trong đó là một tổ hợp các Logic, sự kiện mà có lẽ các bạn cũng chưa từng được biết đến đâu! Tư liệu thì có sẵn trong đầu rồi, chỉ chờ thời gian khai bút mà thôi.

    Trả lờiXóa
  9. KT này, chờ đủ dữ liệu thì đến bao giờ. Mách nhỏ nhé: Đêm nằm thủ thỉ hỏi vợ, ra vẻ quan tâm hỏi thăm ngành ngoại chút, thế là được cả đôi đường, OK không, sáng ra thế là có bài rồi.
    Tôi cũng đang viết bài về BV đây. Chỉ có cách đó là nhanh nhất thôi. ahaha...Chả lẽ ô CHU biết nịnh mà AE mình lại chịu thua hay sao.

    Trả lờiXóa
  10. Biết rội, khổ lắm, nói mãi.. Đa tạ bác, Tôi xác nhận là : LUÔN NHỜ PHẬN SỰ VÀ TỰ HÀO CỦA MÌNH...

    Nhưng phải rời Blog mấy bữa, để ra Bắc tìm chất liệu viết bài tiếp..

    See you soon !

    Trả lờiXóa
  11. Ông cụ ở bức hình chụp bắt tay TBT Trường Chinh trông giống Ô Hà. Lúc đầu chưa đọc kỹ tôi cứ nghĩ Ô Hà viết về Bố mình. " Gần đèn thì rạng..." được sống gần những con người như vậy chắc chắn mình sẽ học hỏi được nhiều điều.

    Trả lờiXóa
  12. Huhuhu... Cám ơn KT. Ông già "ngon" lắm, cả hình thức lẫn nội dung... Nên ông "chộp" ngay được một hoa khôi của làng Quỳnh Nghệ An lúc đó đang làm việc tại Quảng Ninh chỉ sau một chuyến tàu cập cảng...
    Không biết có rạng ra chút nào không nhưng quả là rất ngưỡng mộ.

    Trả lờiXóa
  13. Em hạnh trong bức ảnh dưới giống bố như đúc nhỉ? Ảnh Ông cụ ngày trẻ ( ảnh chụp với em hạnh) nhìn rất giống một nhân vật trong phim của Việt nam. Tôi xem lâu lắm rồi nên không nhớ tên phim, nhưng tôi hình dung được nhân vật này. Đấy là ông điệp viên bên mình hình như tên là Thân thì phải? mọi người nhìn xem có phải không? Xin Chúc mừng! ông có rất nhiều thứ để tự hào đấy!

    Trả lờiXóa
  14. Hahaha, Pham này nhìn "tây" vậy mà cũng để ý Phim Việt sao !? Nếu mà nói đến phim Việt, chuti tôi có thể nói được đó. Đến nỗi thằng tác giả nó đã nhận xét "cuộc đời ba chỉ có 2 kênh " (Kênh TV SCTV 14 & kênh Phim Việt). Tôi thích xem phim Việt nam...

    Nếu nói về nhận vật điệp viên như Phạm nói thì đó là diễn viên Vũ Đình Thân. Người đóng vai đầu tiên trong phim SAO THÁNG 8 của ĐA Cách mạng VN do tình cờ casting. Còn bộ phim Ông ta đóng điệp viên là phim ÔNG CỐ VẤN. Phim này chiếu được mấy tập thì bị ngưng lại do "dở quá".

    Ừ Ông già nhìn ảnh thì hơi giống do bức ảnh bị ép lại nên mặt hơn tròn. Còn ngoài thì mặt ông chữ điền hơn mặt Vũ Đình Thân hơi tròn.

    Cám ơn Phạm!

    Trả lờiXóa
  15. Thực tình tôi cũng thích nhất bức ảnh này. Một ông bố hiền hậu thanh thản bên một cô con gái xinh xắn.

    Trả lờiXóa
  16. Ừ, nhiều bức ảnh nhưng tôi cũng như KT, tôi thích cái thần thái thanh thàn của ông già trong bức ảnh này. Phạm nói đúng, trong 3 anh chị em, vợ tôi giống ông già nhiều nhất.

    Trả lờiXóa