Lời đầu: Bài viết tặng và cầu chúc cho những ai có bệnh thì chóng lành. Hãy yêu đời và niềm vui cùng sức khỏe sẽ quay lại. Bên cạnh mỗi người luôn là gia đình và bạn bè cùng sẻ chia.
=========================================================
Nghe tiếng ho khẹc khẹc và bước chân lòng khòng của người đàn ông lớn tuổi nhất gia đình. Nó bị kích thích, hiện cạnh bên. Từng cử chỉ khác thường của người đàn ông cứ ám ảnh nó…
Người đàn ông vuốt vuốt cái mặt sẫm nước. Lắc cái bát trên tay, nước bắn cả vào mặt con ma xó làm nó giật thót mình. Ông gõ đôi đũa vào miệng cái bắt sắt để phát ra một âm thanh tành tạch ướt ẩm. Nó thích thú hơn khi người đàn ông xỏ đôi đũa vào vòng sắt nhỏ móc dưới chân cái bát rồi kiễng chân gài cả cái “bộ gõ” ấy lên trần nhà. Cái bát đung đưa phát ra những âm thanh rung rinh nho nhỏ làm nó phấn chấn….
Nó đã theo dõi hành động của người đàn ông và gia đình từ khi họ chuyển về cái gian nhà cấp bốn thấp lè tè ở cái khu tập thể này. Nó thấy tò mò. Mà tò mò và thọc mạch là tính truyền đời của họ ma xó nhà nó… Phốc vào thân hình ốm yếu của người đàn ông. Sức mạnh ma quái của nó làm ông rùng mình, lắc lắc cái đầu. Người đàn ông bị nó miễn cưỡng dò dẫm…
Nó thất thểu bước ra từ cái thân hình khắc khổ cao lêu khêu của người đàn ông. Khác với sự hảo hứng tìm tòi lúc đầu, lúc này nó ể oải và lắng đọng hơn… Ừ, lúc đầu chỉ là một thói quen sống tập thể gọn gàng và độc lập. Chiếc bát sắt, một đôi đũa luôn đi cùng cuộc sống độc thân Cách mạng. Để rồi như một định mệnh, nó lại đeo đẳng ông suốt…
… Cuộc sống trôi trôi, con cái một đàn. Những đêm ngày trưởng ga, trưởng tàu đường sắt dọc phía Bắc. Cuộc sống lam lũ bụi than cộng với tai nạn khi bị rơi từ cột điện trên cao xuống gãy cánh xương đòn. Căn bệnh lao phổi và cái xã hội xung quanh hiềm khích bấy giờ đã dập vùi cơ thể, cuộc sống của ông và gia đình…Nhìn ông với một cái bát sắt và đôi đũa riêng, con ma xó cảm nhận được những ánh mắt buồn, thu mình của các thành viên trong gian nhà cấp bốn lè tè ấy.
“Thôi ông ạ, tôi biết ông nghiện chè, nhưng vì con, ông hãy cố gắng giữ gìn. Tết đến, bạn bè các con, hàng xóm đến chơi nhiều, họ chưa hiểu nên ngại ngùng, tội cho chúng nó” – Người đàn bà nhẹ nhàng cảnh báo với chồng.
Con Ma xó thấy người đàn ông lặng thinh, tay hua hua cạnh cái bếp đun bánh trưng ngày Tết. Người ông run run. Mắt nhìn sâu hút hết nồi bánh trưng đang nghi ngút khói…
“À, kia rồi!” - Con Ma xó vui mừng thốt lên. Chỉ có nó, thằng nhóc lầm lỳ nhất cái gia đình này. Ngày giáp Tết sao nó vẫn cứ cái quần cộc và cái áo cũ mỏng manh vậy! Nó ngồi thu lu lấp ló sau cách cửa bếp. Chẳng biết thằng nhóc đợi chiếc bánh trưng nhỏ gói vội nhét cùng nồi luộc hay giống nó, tò mò và nghe lỏm?
Thằng nhóc cứ trân trân như vậy, không nhúc nhích mặc dù Con ma xó cảm nhận cơ thể nó lạnh run… “Ba mẹ đừng ngại. Bọn con không sao đâu. Ba mẹ cứ an tâm, nếu người ngoài, có ai đó làm tổn thương gia đình mình, thì anh em con mà trước hết con sẽ là người đầu tiên đấm vỡ mồm chúng nó!”- Thằng nhóc lắc lắc cái đầu như thoát được sự ám ảnh.
Con Ma xó vui vui khi làm được việc gì đó trong tiếng nấc nhẹ nghen ngào của người đàn bà đang dõi theo bước chạy chốn của thằng nhóc. Còn người đàn ông vẫn lặng im, người run hơn, hua hua tay sưởi ấm…
Tết đến. Con ma xó thấy thằng nhóc luôn ở nhà. Nó nhận nhiệm vụ tiếp khách. Ừ hay thật, con người là vậy, khác với giống ma xó nhà nó luôn quanh quẩn xó nhà. Tết đến, họ đến thăm nhau, chúc chúc, mừng mừng. Những câu chúc giống nhau lặp đi lặp lại làm nó thấy chán chán. Nhìn thằng nhóc cứ luôn tay lãng phí nước sôi tráng ly chén suốt khi mời khách càng làm con ma xó thiu thiu…
…Nó chợt bừng tỉnh khi nghe tiếng ỉ eo bóng gió :” Các anh chị cứ uống nước đi, em tráng lại nước xôi lần nữa rồi, không có trứng ruồi đâu…”
Con ma xó thấy thằng nhóc bất động... Mắt nó lạnh tanh nhìn trân trân vào cái miệng đang ỉ eo những lời buốt óc giữa tiết đông ngày Tết ấy.“ Tưởng đâu giống ma xó chúng ta vốn dĩ thọc mạch xấu xa. Ai ngờ con người cũng thiếu chia sẻ đến vậy!” – Nó tức giận và như cắt lao thằng vào thằng nhóc…
“Ngày Tết các cô chú đến với gia đình, cháu cám ơn. Tuy nhiên, xin lỗi, cháu không cần những người khách có những thái độ coi thường gia đình cháu như vậy..” – Lần này thằng nhóc không lắc lắc cái đầu khi con ma xó thoát xác nữa. Nó quay mặt bước vào bên trong để lại những khuôn mặt người lớn bẽ bàng với theo…
“Hồi trước ba con mình khổ quá con nhỉ!”
Người con tuổi trung niên không đáp lời mà giơ lon bia mời ông cụ…
Con ma xó chợt thổn thức, đã lâu lắm rồi nó theo dõi và gắn bó với gia đình này mà quên cả thời gian. Hơn 30 năm, đủ để biến thằng nhóc lầm lì ngày nào giờ đã trở thành một gã trung niên cởi mở và người đàn ông lớn tuổi nhất gia đình nay đã là ông cụ hơn 80 dễ xúc động… Ừ, đúng thôi, họ ma xó nhà nó đâu có già! Nó an tâm quay lại cùng hai cha con gật gù sâu lắng trong bữa cơm trưa gọn nhẹ.
“Thôi con đi làm đi, ba uống chút bia vào là thấy buồn ngủ rồi đấy!”
Người con vẫn không nói gì. Con ma xó thì cười tinh nghịch khi thấy ông cụ lắc lắc cái đầu sau khi nói với con. Nó gật gù gióng theo tiếng ho nhẹ và dáng đi lom khom chậm dãi của cụ, mắt nó lim rim…
HCMC 23/9/2011 - CHUTI
Tks Tác giả!
Trả lờiXóaChuyện ma này không ghê bằng chuyện ma trước nhưng sâu lắng và nhiều chất tự sự hơn.
Người ta bảo :"cái gai nhọn từ bé".
Câu chuyện này cho người đọc thấy phẩm chất "chiến đấu" của tác giả từ khi còn nhỏ.
Cha con họ thương nhau và thật là thân thiết.
Trả lờiXóahehe.... Cũng chỉ tại và nhờ con Ma Xó đóa mà!
Trả lờiXóa