Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Viết cho những người bạn có con đang du học xa và sẽ du học xa. (T/g: Bích Lộc)

Hưởng ứng ngày gia đình Kt26

Ý định cho con đi học xa nhen nhóm trong tôi thật tình cờ , tôi cũng không nghĩ rằng quyết định tình cờ đó sẽ là một định hướng đầy chông gai mà cậu con trai bé nhỏ của tôi đã và đang phải vượt qua. Cho đến giờ phút này tôi vẫn còn thấy ngỡ ngàng, cảm giác lo lắng, nhớ nhung vẫn luôn thường trực trong tôi cho dù thời gian xa cách đến nay đã hai năm rồi. Ngày 20-11 cách đây 2 năm, tôi có đến thăm một người chị, người bạn làm nghề giáo, chị hồ hởi khoe: Tuấn nhà chị đi Pháp rồi, cháu học kinh tế. Chúc mừng chị xong tôi hỏi xem cháu có thích không, có ổn không, chị trả lời tôi rất ngắn gọn: cháu bảo, các anh chị đi học cao học thì ước giá như mình được đi từ đại học, còn các bạn sang học đại học thì ước giá như.... Cái "giá như "đó bắt đầu làm tôi thấy dao động, lung lay, bởi quan điểm của vợ chồng tôi lúc đó không thích cho con đi du học vì đọc báo thấy việc các gia đình khá giả cho con đi du học chẳng hay lắm, chúng không chịu học, chơi bời hưởng thụ. Chị là người chín chắn và hay giúp tôi về tất cả các vấn đề giáo dục nên tôi tin , rất tin. Nghe tôi kể bác H nói vậy Muỗi bố chẳng hiểu sao phán ngay một  câu xanh rờn : Thế thì cho Quý đi du học, học ở Mỹ. Chẳng biết tý gì, chẳng quan tâm đến du học vậy mà quyết luôn.
 

Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu thông tin, hỏi thăm vài người bạn. Cuộc điện thoại đầu tiên nhắm đến là Kim Anh, người bạn có con trai duy nhất mà cho đi xa mãi tận Anh Quốc. Sự tư vấn của bạn làm tôi yên lòng, bạn cho biết cuộc sống học tập ở nước ngoài làm cho con trẻ độc lập trong suy nghĩ và phát huy sự sáng tạo. Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho con, suốt cả năm học lớp 11 và lớp 12. Mùa hè 2011 khi các bạn KT26 nô nức thông báo trên Blog kết quả thi đại học của các con với niềm tự hào của cha mẹ sau một quá trình dài cha mẹ và con cái song hành phấn đấu thì vợ chồng tôi tiễn con lên đường. Ngày con đi , tất bật, vất vả chạy ngược chạy xuôi tôi chẳng còn lúc nào để mà buồn nữa. Cả nhà đưa cháu lên sân bay vào một ngày cuối tháng 7, chẳng biết có phải cậu sợ mẹ và bà ngoại khóc không mà sau khi kiểm tra an ninh cậu xách cặp đi thẳng không ngoái đầu lại. Cái dáng lù khù nhỏ bé cao chưa đến 1,68 m biến mất sau ô cửa, cậu và chúng tôi đều không biết cái gì đang chờ cậu ở phía trước.
5 tiếng đồng hồ sau, lúc chờ ở sân bay Đài loan trên Yahoo cậu để lại dòng chữ đầy phấn khích, đầy háo hức : " Chỉ còn 14h nữa ta sẽ là người Mỹ".
Ngày hôm sau nhận được tin con tới nơi an toàn chúng tôi mới thấy lòng đỡ bất an. Buổi chiều đầu tiên nhà còn 3 nhân khẩu , mới 6h tối tôi đã thấy Muỗi bố về, chẳng nói chẳng rằng leo lên phòng, "sự lạ" đối với gia đình bởi  có bao giờ Muỗi Bố xuất hiện ở cửa trước 8h tối đâu. Nghe câu trả lời nhấm nhẳm: Hôm nay không thích chơi thể thao nữa, lúc đó tự nhiên tôi mới thấy hẫng hụt kinh khủng, nỗi nhớ con trào lên không kìm được.
Nhìn chữ " QUÝ" thư pháp cậu dựng ngay ngắn trên bàn học là tôi lại thấy nghèn ngẹn cay cay nơi sống mũi. Tháng đầu tiên sống nơi đất khách hỏi cậu cảm nhận thế nào về nước Mỹ cậu trả lời ngắn gọn: Nói chung là cái gì cũng to.
Rồi chat yahoo, điện thoại ...., hai ba ngày không liên lạc được là ruột gan người ở nhà như lửa đốt, Muỗi bố để đèn yahoo sáng cả đêm không tắt máy .
Cậu bắt đầu đi học, bắt đầu có cảm nhận này kia về cuộc sống xung quanh, cậu hoảng đến độ định chuyển sang nói tiếng Nam bộ vì xung quanh cậu có nhiều người Việt phía nam sinh sống. Tiếng Anh ở nhà cậu học tương đối tốt có thể gọi là có chút năng khiếu , nghe và xem phim không cần phụ đề vậy mà cậu cũng thấy chưa đủ , chưa tự tin.
Hòa nhập của con trẻ khó khăn là như vậy đấy, bản lĩnh sống non nớt chưa cho con sự kiên định như chúng ta được. May thay cho cháu gia đình tôi cho cháu ở trọ lại là một gia đình cơ bản, có tri thức, và sống tình cảm, cháu dần dần bình tĩnh trở lại.
Chắc chắn là cha mẹ, chúng ta không thể cảm nhận được sự khó khăn thế nào trong giai đoạn này của con chúng ta. Điều này tôi chỉ có thể cảm nhận được qua một câu chuyện của một người bạn tôi có con trai du học ở Úc và qua một câu nói hở ra của con với Muỗi Em vào kỳ nghỉ hè đầu tiên.
Con trai bạn tôi bây giờ đang học năm thứ tư đại học, cháu rất ngoan và có đi làm thêm ở Úc.Lúc đầu mới sang cháu ở nhà một bác người Việt quen biết với mẹ cháu và có chồng là người Úc , làm công tác tư vấn du học. Hết năm đầu tiên khi cháu về nghỉ hè mẹ cháu có hỏi và tâm sự thì lúc đó cháu mới nói thật lúc đầu con rất hoang mang, sợ lắm chứ nhưng vì là con trai nên không  muốn nói với mẹ, sợ mẹ lo lắng . Muỗi Anh nhà tôi khi về nghỉ hè lúc nói chuyện với muỗi Em về vấn đề tự lo cho bản thân gì đó nó bảo : "Mày không biết chứ, ngày đầu tiên đi học tao lạc vào trung tâm thành phố mất 4 tiếng không tìm ra lối đi về trường, điện thoại chưa có, tao đi từ 6 h sáng mà đến 11h trưa mới tới trường" . Nghe các con nói chuyện tôi mới thấy chúng đều trải qua các giai đoạn tâm lý như nhau, với vô vàn khó khăn mà bậc cha mẹ như chúng ta không thể với tới để giúp đỡ chúng do khoảng cách địa lý. Chúng giấu cha mẹ, tỏ ra không có vấn đề gì là ghê gớm cả nhưng chúng cũng lo sợ, lạ lẫm, nhớ nhà, rồi hoang mang khi chưa thể nghe hết 100% bài giáng v..v . Chúng giống nhau ở chỗ năm đầu tiên tiết kiệm chi tiêu không dám ăn uống thêm vì khi tiêu luôn nhân với tỷ giá ra tiền Việt . Con trai tôi ở nhà có thể giải quyết gọn gàng một cái bánh pizza cỡ đại trong 10 phút mà không gặp khó khăn gì, vậy mà khi sang đó cậu tâm sự với cô em họ rằng bước vào cửa hiệu pizza , nuốt nước miếng rồi đi ra, đắt quá . Điều nổi lên mà tôi cảm nhận được là chúng ta chăm sóc chúng trong các gia đình KT26 trong một chừng mực nào đó tương đối đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần do vậy kỹ năng thích nghi hoàn cảnh cuộc sống của chúng chưa được tốt, nếu gặp phải môi trường khó khăn hoặc không tốt là sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của chúng nhất là khi xa  nhà.
Tháng trước tôi có dịp qua nước Mỹ, vừa là được đi tham quan với một đoàn các nhà đại lý của hãng LS nhưng mục tiêu cũng là gặp gỡ gia đình nơi cậu ở để xem thực tế thế nào. Quãng đường bay dài dằng dặc, thay đổi múi giờ liên tục làm cho cơ thể mệt mỏi, tự nhiên nghĩ đến con ngày đầu một mình trải qua quãng đường như thế này mà thấy cay cay nơi sống mũi .
Đến nơi con ở, một thành phố nhỏ yên bình, rộng rãi , gặp bác chủ nhà thấy yên tâm hơn chút vì con được sống với một gia đình tốt, quý người và tương đối cầu thị trong học tập và làm việc. Nghe bác bảo, thấy mẹ sắp sang cậu tự nhiên cởi mở hẳn lên, vui vẻ hẳn lên. Gặp con vẻn vẹn có 1 ngày , sáng hôm sau cậu đưa tôi đến trường nơi cậu học tham quan. Rồi hai mẹ con chia tay luôn, cậu phải vào thi đến 7h tối mới về nhà còn tôi thì 6h đã lên chuyến bay về Los. Lại vẫn cái cách chia tay là đi thẳng không ngoái đầu nhìn lại phía sau, cái dáng con nhỏ bé như học sinh lớp 7 giữa sân trường đầy người to cao đến 2m khiến tôi không muốn quay bước . Buổi tối về nhà, cậu tâm sự với bác chủ nhà: Hồi sáng, cháu không dám quay đầu lại , nếu quay lại là cháu khóc bác ạ. Vậy đấy, hai năm rồi , khôn lớn chững chạc hơn rất nhiều rồi đấy chứ (Mọi người nhận xét thế trong kỳ nghỉ hè đầu tiên của cậu ).
Viết những dòng này tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn,  những ông bố bà mẹ KT26 có dự định cho con đi xa rằng: Đi du học, cho con một môi trường học tập hiện đại, rất tốt trong tình hình giáo dục nước nhà như hiện nay nhưng đấy không phải là thiên đường mà là con đường chông gai mà con cái chúng ta phải trải qua. Hành trang đầu tiên cần chuẩn bị kỹ cho con là ngoại ngữ, không bao giờ là đủ  ngay đối với du học sinh , sau đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự sống độc lập , và cách tự bảo vệ bản thân trước môi trường sống xa lạ mới mẻ, còn kiến thức các bạn yên tâm là con cái chúng ta được đào tạo cả một quá trình học tập căng thẳng trong giai đoạn học phổ thông ở Việt nam, điều đó là quá đủ cho học sinh đi du học ở nước ngoài (đây là tôi đang bàn đến các trường hợp con em KT26 vì chúng học tập nghiêm túc) .
Thời gian đầu tiên chúng ta cần bình tĩnh chia sẻ với con không nên sốt ruột áp đặt cho chúng những mục tiêu như ở nhà chúng ta kỳ vọng, bởi chúng ta chỉ quyết định thông qua việc tìm hiểu ở các công ty tư vấn du học còn con chúng ta lúc đó mới đối mặt với thực tế của môi trường giáo dục mới, chúng sẽ tự tìm hiểu và đưa ra ý kiến với chúng ta sát thực nhất, Cái quan trọng nhất là động viên con từng bước thích nghi với môi trường sống mới tôi tin là con cái của các ông bố bà mẹ KT26 sẽ học tập rất tốt . sẽ trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

12 nhận xét:

  1. Cám ơn Mụ sáu đã chia sẻ.
    Cái gì tốt thì không thể dễ dàng được!
    Chúc cho Muỗi anh trưởng thành và tiếp thu được những gì tốt nhất ở Nước Mỹ.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Mụ Sáu.
    Rất hay!
    Đó là một con dường trông gai. Vì muốn leo lên bậc thang kiến thức đâu có dể, ở nới đất khách quê người nữa.
    Tôi đi Mỹ 3 tuần, xung quang là đồng nghiệp, hết giờ bra quán Bar tìm hiểu Văn Hóa Mỹ đến 2 giờ sáng mới về. Lệch múi giờ 12 tiếng, mết mà đâu có ngủ được... Nhớ nhà chứ! Hy vọng hậu duê của chúng ta hòa nhập nhanh hơn. Tôi nghĩ vậy, và tôi tin tưởng hậu duệ KT-26 sẽ biết vượt qua.

    Còn đúng thật đó, chuyến đi đó tôi có khảo sát một số nhóm SV Việt Nam dụ học, có nhiều cái đáng phải lo. Nhưng đó là các thiếu gia con nhà giàu. Còn con cái chúng ta, cứ hy vọng chúng sẽ biết cách làm hài lòng bố mẹ bằng sự quyết tâm vượt khó của chúng.

    hãy tự tin các bạn nhé!

    Chúc mừng Mụ Sáu đã qua Mỹ và thăm con trai. Chắc Mụ đã có một chuyến đi thú vị.

    Rất hay, một bài viết thật thù vị, phàng phất chút lo ấu là một niềm tin về đứa con bé bỏng của mình. Một suy nghĩ và tâm lý bậc làm cha mẹ khi con đi xa, không nói nhiều về học hành mà phần lớn giành tình cảm nhớ nhung. rất phụ huynh!

    Trả lờiXóa
  3. Còn nói đến chuyện ở Mỹ cái gì cũng to. Hồi tôi đi cùng một thằng Nhật , sau 2 ngày nó thốt lên: Here, everything is big , but they don't care... Ờ bờ Tây mạn cali còn đỡ, còn bờ đông ở Newyork, đúng cái gì cũng Big thật, ly coffee phải gấp vài lần ly cà phê đá HCM, uống vào xỉu liến. Phụ nữ thì cân nặng gấp 3 Mụ sáu... nhưng đúng thật họ không care, cứ tự nhiên phô diễn và lúc lắc!

    Trả lờiXóa
  4. hehe
    Mơ một ngày được đến Mỹ!!
    Người ta bảo Tô Phở ở Mỹ cũng to đùng!

    Trả lờiXóa
  5. Cái đó rất nhiều người Việt nhất là người Nam (Sài gòn): GIẤC MƠ MỸ.
    Người ta ám chỉ, do gia đình, người thân sống đính cư bển nhiều, thông tin hấp dẫn, nên luôn có cái gọi là GIẤC MƠ MỸ - Sang sống, định cự... Chứ không phải Muỗi Anh đi học rồi về VN đây Mụ sáu nhỉ.... Hay Mụ cũng có giấc mơ ấy rồi súi con trai sang trước định cư rồi bảo lãnh Mụ sang đó!

    Trả lờiXóa
  6. Tôi có một cô đồng nghiệp đi qua Mỹ chơi với gia đình. Đến khi đi về trên máy bay người ta hỏi: sao qua được rồi mà còn về!!?

    Trả lờiXóa
  7. Đó là lý do đi Mỹ, phỏng vần Visa rất khó. Trượt lần đầu là sác xuất trượt là rất cao.

    Trả lờiXóa
  8. Chúc mừng "Sáu" đã được tới nước Mỹ. Mình cũng mơ một lần tới đó nhưng chưa thực hiện được. Kính Anh mới thi SAT hôm thứ 7 vừa rồi, 2 môn, còn hai môn nữa. Cầu mong Kính anh đạt điểm tốt trong kỳ thi này và xin được học bổng một trường ở Mỹ. Cậu chàng lại đổi ý và muốn đi du học ngay. Mong Kính anh đạt được giấc mơ Mỹ, khi đó sẽ học hỏi kinh nghiệm của mẹ Sáu và Muỗi anh nhé.

    Trả lờiXóa
  9. Chúc mừng nhà Kính. Tôi luôn tin tưởng vào Kính Anh. Chờ tin vui !

    Trả lờiXóa
  10. Nhà Kính cứ học luôn đi là vừa!!

    Trả lờiXóa
  11. Xin chia sẻ cảm xúc của Muỗi mẹ. Các con & đặc biệt Muỗi anh mà đọc được những dòng này, nó càng hiểu tấm lòng của bố mẹ hơn. Thành thật chúc mừng mẹ Sáu nhé.

    Trả lờiXóa
  12. Chúc mừng 2 mẹ con. Chúc cháu Quý học giỏi để sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội như bố mẹ cháu hằng mong ước.

    Trả lờiXóa