Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Tôi 'sống sót' sau đêm mua đơn vào trường Thực Nghiệm (ST: Chuti)

Tôi là người mẹ có một con lớn đang học lớp 3 ở Trường Thực Nghiệm, và đang xin cho con thứ 2 vào học cùng trường. Tôi có mặt trong đám đông hỗn loạn 'xô đổ cổng trường' đêm đó, và đây là những lời tôi muốn chia sẻ - không phải tư cách nhà báo, mà là của một phụ huynh học sinh.
Trước hết phải khẳng định luôn một điều, tôi viết bài này không nhằm mục đích 'thanh minh thanh nga' cho hành động của những phụ huynh học sinh xếp hàng đêm 12/5 vừa rồi. Đó là một là một việc quá tệ hại đáng xấu hổ, mà tôi đã là một người đóng góp vào sự tệ hại đó. Tôi và những phụ huynh ấy xứng đáng bị ném đá.
Điều thứ 2 tôi muốn khẳng định là tôi không có ý định viết bài này nhằm PR cho trường Thực nghiệm, bởi trường đó không những không cần PR mà có lẽ giờ đây nhà trường và các phụ huynh chỉ cầu mong có cách thoát khỏi áp lực và độ quan tâm quá tải này.
Sau đêm kinh hoàng đó, những hình ảnh được đăng tải trên các trang báo đã nói lên nhiều điều, có câu hỏi lớn nhất đọng lại trên các diễn đàn là Vì sao các phụ huynh phải khổ sở đến vậy để cho con vào được trường Thực nghiệm bằng được?

Tôi đã có mặt trong đám đông ấy... Ảnh Văn Chung/VietNamNet

Nhiều người 'đổ lỗi' cho Giáo sư Ngô Bảo Châu vì ông đã học trường này thời niên thiếu nên các phụ huynh mang ảo tưởng con họ sẽ thành những 'Ngô Bảo Châu' tiếp theo. Đó cũng là một thực tế, nhưng thực ra Ngô Bảo Châu chỉ học vài năm đầu ở Thực Nghiệm, sau đó ông chuyển sang trường khác, rồi du học...
Nói như thầy Hiệu trưởng Trường Thực Nghiệm Nguyễn Kim Xuân thì GS Ngô Bảo Châu là 'sản phẩm' của nhiều thầy cô, trường lớp và nền giáo dục khác nhau - và trên hết - là nỗ lực tự thân của Ngô Bảo Châu chứ không phải "Ngô Bảo Châu thành công vì học trường Thực Nghiệm".
Ảnh hưởng từ thành công và danh tiếng của Ngô Bảo Châu đến trường Thực Nghiệm (nếu có) chỉ là làm tăng thêm độ quan tâm của xã hội, và làm cơn ác mộng vốn có của nhà trường và các phụ huynh thêm trầm trọng (xin lỗi GS Châu!)
Trên thực tế, Ngô Bảo Châu mới được người dân biết đến từ khi ông nhận giải Field năm 2010. Nhưng những cảnh chen chúc mua đơn vào trường Thực Nghiệm đã trở thành quen thuộc trong nhiều năm trước đó.
Vì sao?
Trước khi xin cho con đầu vào trường, tôi cũng tham khảo thông tin trên khắp các diễn đàn dành cho những người làm cha mẹ, cũng như những người có con học trường này.
Cùng với kinh nghiệm thực tế từ mấy năm con trai học ở đây, và từ đêm đứng chôn chân đến nghẹt thở vừa rồi, nghe những chia sẻ của những phụ huynh khác, tôi ngộ ra một điều: trong đám đông trước cổng trường Thực Nghiệm, những người mang 'giấc mơ Ngô Bảo Châu' cũng có, nhưng tỷ lệ rất nhỏ, hầu hết là những người bà quá yêu cháu, hoặc những bà mẹ nội trợ mang một niềm tin (có phần ngây thơ) là con cháu họ sẽ thành tài khi được học tại trường Thực nghiệm; hoặc nhiều người khác chỉ đơn giản làm theo số đông 'nhiều người xin thế chắc phải tốt lắm'
Nhưng trong đám đông ấy hầu hết là thành phần trí thức trong xã hội: nhà báo, luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư...
Tôi không có ý phân biệt trí thức hay không trí thức, nhưng tôi muốn nói những người đứng đó hầu hết có điều kiện tiếp cận thông tin, thực tế, có hiểu biết và quan điểm giáo dục rõ ràng. Họ không ảo tưởng về 'giấc mơ Ngô Bảo Châu' mà lại vì những mong ước cực kỳ giản dị, nếu không nói là tối thiểu cho con em họ.
Có sân trường cho cháu chơi!
Một bác lớn tuổi xếp hàng từ 12h đêm cho biết, nhà bác ở quận Hoàn Kiếm. Bác vốn là một cựu nhà giáo, bác lặn lội đến mua đơn cho cháu nội chỉ vì 'trường này khuôn viên rộng rãi, có sân cho các cháu chơi'.
Dưới những bài báo về cảnh mua đơn, có không ít phản hồi ngạc nhiên và thương hại cho 'dân Hà Nội'. Người ông nhà giáo về hưu tâm sự: họ không ở đây, không hiểu được sự đau lòng của các bậc phụ huynh khi phải nhốt con mình suốt 8 tiếng (thậm chí 10 tiếng cả thời gian học thêm) trong những căn phòng chật chội không một chút không gian xanh.
Người dân trong khu phố Triệu Việt Vương, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân.. quận Hai Bà Trưng đã không còn lạ cảnh đầu và cuối năm, công an phải chặn hai đầu phố Triệu Việt Vương để các em học sinh trường tiểu học Bà Triệu tổ chức lễ khai - bế giảng. Các em học sinh ngồi dưới lòng đường còn thầy cô giáo đứng trên vỉa hè. Buổi lễ thiêng liêng của các em luôn diễn ra chớp nhoáng, đơn giản để mau chóng trả lại đường phố cho người đi đường.
Học sinh tiểu học như mầm non, ăn ngủ học tại chỗ. Kỷ niệm sân trường là giấc mơ cực kỳ xa xỉ với nhiều em học sinh Hà Nội. "Thời chúng tôi đã thế, con tôi cũng thế, giờ tôi chỉ muốn cháu được hưởng những niềm vui thơ ngây một chút", cựu nhà giáo chia sẻ.

Con trai tác giả và GS Ngô Bảo Châu, Ảnh Lê Anh Dũng/VietNamNet
Được "xơi ngỗng" vô tư!
Là một lý do các bậc phụ huynh mong muốn con được học tại trường Thực nghiệm. Vẫn biết bệnh thành tích vốn là một vấn nạn đau đầu trong ngành giáo dục. Nhưng nhiều bà mẹ vẫn không hình dung hết nỗi khổ có con 'là học sinh giỏi trong lớp toàn học sinh xuất sắc'.
Cơn say chạy đua điểm số giữa các trường tác động mạnh đến các bậc phụ huynh, và đứa trẻ phải gánh hết áp lực. Khi một đứa trẻ bị điểm kém, nó bỗng như một tội đồ đe dọa đến thành tích thi đua của lớp, của trường, của giáo viên và của niềm tự hào của cha mẹ.
Tôi vẫn cho rằng, với một đứa trẻ cấp 1, một bài văn lạc đề, vài phép tính cộng trừ nhân chia nhầm lẫn chẳng có nghĩa nó là đứa trẻ kém cỏi bỏ đi. Thế nhưng một khi 'con ngỗng' bỗng trở thành nỗi khủng hoảng của đứa trẻ và cả cha mẹ nó thì không còn là chuyện nhỏ nữa.
Nghe tâm sự của những người bạn có con học trong những trường 'điểm' 'chuẩn' mà tôi sợ, mà vẫn không lý giải được 'điểm' là thế nào? 'chuẩn' ra sao khi mà cả hệ thống trường toàn quốc đều học chung một chương trình do Bộ Giáo dục - Đào tạo soạn.
Trong một môi trường toàn 'siêu nhân' thì mơ ước cháy bỏng của nhiều phụ huynh, trong đó có tôi là mong con mình được là một đứa trẻ bình thường, được vui chơi phát triển hồn nhiên, trong đó có quyền  được "xơi ngỗng" mà không trở thành tội đồ.
Không phải làm bài tập!
Đây là lý do rất nhiều phụ huynh nói đến, nhưng họ nhầm. Học sinh thực nghiệm vẫn phải làm bài tập. Cháu nhanh nhẹn có thể làm luôn bài về nhà trong giờ tự học, những cháu khác phải làm khi ở nhà.
Con trai tôi học chương trình thực nghiệm, ngoài những môn nhóm 2 (nhạc, kỹ thuật, thể dục) chấm điểm A, B. Môn nhóm 1 gồm Văn, Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Bài tập chủ yếu là Toán và Tiếng Anh (số tiết gần ngang Tiếng Việt). Môn Văn giáo viên không khuyến khích bố mẹ tác động vào, các cháu tự do viết theo suy nghĩ. Mỗi tối cháu mất 2 tiếng làm bài tập.
Không học thêm!
Đúng! Trường có những lớp năng khiếu Võ, Nhảy, Cờ vua.. học sinh có thể tham gia nếu thích; không có chương trình dạy thêm, học thêm. So với học sinh trường khác, con trai tôi có thêm 1 - 2 tiếng mỗi ngày để giải trí.
Chương trình học tốt hơn!
Những năm gần đây, trường Thực Nghiệm có hai chương trình đào tạo: một nửa theo mô hình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại. Nửa còn lại theo chương trình đại trà của Bộ.
Nghĩa là một nửa chương trình KHÔNG CÓ GÌ KHÁC với trường ngoài, còn mô hình thực nghiệm có thực sự tốt hơn không phải có những cuộc kiểm tra đánh giá và phân tích của giới chuyên môn. Điểm khác giữa 2 chương trình chủ yếu ở môn Toán.
Chương trình ngoại khóa tốt!
Hàng kỳ học, các cháu có một buổi đi dã ngoại, trung thu, lễ hội... cuối kỳ có hội chợ để các cháu tự mua bán - trao đổi hàng hóa.
Với riêng tôi còn một lý do nữa tôi chọn trường Thực nghiệm cho con vì môi trường sư phạm khá sạch sẽ, xung quanh trường không có bất kỳ hàng quán nào. Tôi sợ cảnh nghe con mè nheo quà cáp khi ra khỏi cổng trường, hay quán game online chờ đợi 'nuốt chửng' các cháu.

Giáo dục chạm vào điểm yếu nhất của con người: con cái! Điều gì khiến những người trí thức bảnh bao hàng ngày ngồi văn phòng máy lạnh, đi xe hơi chịu ngồi vạ vật cả đêm, dầm mưa gió, nhẫn nhịn đến khổ sở, nếu không vì con cái họ. Ảnh Hoàng Hà/VNE
Trở lại với cảnh xin học thâu đêm kỳ lạ ấy, mỗi người một ý kiến. Tự tôi cũng hỏi chính mình.
Chúng tôi có điên khùng không? Có, ít nhiều!
Chúng tôi có ảo tưởng không? Có, nhiều hoặc ít!
Chúng tôi đáng trách không? Có! Rất đáng trách, mọi việc thật tệ hại
Và đáng thương không?
Giáo dục chạm vào điểm yếu nhất của con người: con cái! Điều gì khiến những người trí thức bảnh bao hàng ngày ngồi văn phòng máy lạnh, đi xe hơi chịu ngồi vạ vật cả đêm, dầm mưa gió, nhẫn nhịn đến khổ sở, nếu không vì con cái họ.
Chẳng nhẽ chúng tôi có lỗi khi mong muốn những điều tốt đẹp, dù cực kỳ giản dị, cho con em mình?
Một điều lạ là, chưa nói chuyện chất lượng giáo dục thực nghiệm tốt hơn hay dở hơn, phải do những nhà khoa học nhận xét, nhưng có một điều rõ ràng: trong 30 năm tồn tại, trường Thực Nghiệm đã cho ra rất nhiều lớp học sinh. Hầu hết trong số họ đều quay lại xin con, em mình vào trường.
Cũng không khó khăn để chỉ ra con, cháu của những lãnh đạo Bộ, Vụ, Viện... giáo dục được gửi tới trường học; và cảnh chen lấn kia cũng nói lên việc mô hình giáo dục thực nghiệm được xã hội thừa nhận và ưa thích.
Nhưng tại sao mô hình đó vẫn mãi là 'thực nghiệm' chỉ gói gọn trong một trường. Năm 2009, thậm chí dư luận đã ầm ĩ vì thông tin trường Thực Nghiệm sẽ bị giải tán để lấy mặt bằng cho Trụ sở Bộ Giáo dục - Đào tạo, và học sinh Thực Nghiệm được đưa về các trường.
Tại sao không nhân rộng mô hình lên để phụ huynh được tự chọn phương pháp giáo dục mà họ cho là phù hợp và đáng tin cậy cho con em mình?
Tại sao chúng ta có thể xây công viên, bảo tàng nghìn tỷ; bỏ một núi tiền ra kỷ niệm thành phố trong khi con em bị bỏ mặc chen chúc trong những căn phòng không có cửa sổ?
Là người lãnh đạo, hẳn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận biết các chuyên gia bắt đầu dùng cụm từ 'tị nạn giáo dục' trong các hội thảo. Vì sao?
Bộ trưởng Đinh La Thăng có thể gây xôn xao với đề án 12.000 tỷ cho việc nâng cấp, di chuyển trụ sở Bộ Giao thông; nhưng liệu các phụ huynh trong khu dân cư đông ấy có thể mơ đến một ngôi trường ở 80 Trần Hưng Đạo cho con em họ?
Trẻ con ở đâu trong những toan tính của người lớn. Hay việc trẻ em học hành không phải việc của Bộ trưởng Thăng, hay việc đi lại đâu thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Luận?
Tôi không có ý định kêu ca đổ lỗi để thanh minh cho việc làm của mình. Nhìn cảnh ngôi trường nhếch nhác, hàng rào đổ gãy cành rơi hoa. Tôi nghĩ đến sáng thứ Hai đưa con trai đi học mà lòng đau xót, chẳng biết giải thích với con thế nào.
Chúng tôi có muốn điên khùng đứng giữa trời mưa lúc nửa đêm không? Chúng tôi có muốn bị bêu lên báo trong bộ dạng tồi tệ thế không? Chắc chắn không bao giờ.
Đau và xấu hổ lắm, mà chỉ vì những mong ước giản dị đến mức tối thiểu cho con em thôi, các bộ trưởng ạ!
Hoàng Hường

23 nhận xét:

  1. Tôi đọc bài này thấy lẫn lộn nhiều cảm xúc: ngạc nhiên, lo lắng, phân vân, thương cảm...

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy, tôi chia sẻ với KT khi đọc bài này.Đời thường và con người quá! Nghe đâu đó những tiếng thoảng thốt của các PHHS. Nhìn đấy, thấy đấy... mà bó tay! Vấn đề lớn quá, vượt tầm chúng ta!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thích bài viết này, không hoa mỹ, rất con người. Câu kết làm tôi thấy nao nao. Đúng là tấm lòng của những người làm cha, làm mẹ...! Không phải riêng chuyện này, đã có lần nào chúng ta có một cảm xúc như tác giả ở cái cấu kết bài viết: đã làm một việc đáng xấu hổ nhưng vì con!? Theo tôi, chắc là đã có!

    Trả lờiXóa
  4. Tin này được đưa lên cả đài THVN, các báo mạng báo giấy dều đăng tải vì nó điển hình quá. Mình xem mà thấy thương các phụ huynh. Nhớ lại thời của mình, mới cách đây 8 năm thôi và thấy mình đã có lựa chọn thông minh cho con gái. Nó đã được học khai trương ngôi trường mới của Vinaconex đầu tư ngay gần nhà mình. Khuôn viên rộng rãi, thầy cô tâm lý, học phí lại vừa phải. Đến lúc lên cấp 2 lại được học khai trương trường Ams mới đẹp như ở NN. Theo mình, cấp 1 thì cứ trường gần nhà cho con học là OK nhất.
    Thật vô lý như tác giả bài báo nói, khi mô hình trường không được nhân rộng. Việc tổ chức tuyển HS & bán hồ sơ tuyển sinh quá thủ công và kéo dài bao năm nay không đổi mới cho phù hợp. Tại sao không bán hồ sơ thoải mái rồi cho thi sát hạch đầu vào nhỉ? Như trường Ams cũng chỉ lấy 140 cháu nhưng bán mấy nghìn hồ sơ rồi cho thi công khai minh bạch, chả bao giờ có chuyện chen bẹp ruột khốn khổ như vậy.
    Chắc sau vụ này năm sau trường thực nghiệm sẽ phải thay đổi cách tuyển sinh

    Trả lờiXóa
  5. Nội dung bài báo đã nói lên hầu như tất cả. Bản thân tác giả, người có mặt trong đám đông phụ huynh cũng tự nhận thấy là kỳ lạ.

    "Trở lại với cảnh xin học thâu đêm kỳ lạ ấy, mỗi người một ý kiến. Tự tôi cũng hỏi chính mình.
    Chúng tôi có điên khùng không? Có, ít nhiều!
    Chúng tôi có ảo tưởng không? Có, nhiều hoặc ít!
    Chúng tôi đáng trách không? Có! Rất đáng trách, mọi việc thật tệ hại
    Và đáng thương không? Có"

    Thế mà họ vẫn tham gia. Phải chăng Phụ huynh chúng ta có rất ít lựa chọn?!!!

    Trả lờiXóa
  6. TD đúng là một Yogi chính hiệu!! Cách nghĩ và các quyết định thể hiện sự ung dung, đơn giản có chọn lọc và hợp lý!!

    Trả lờiXóa
  7. Ấy chết, có ai đó cho ý kiến thi sát hạch đầu vào đó nhỉ !?
    Đừng bắt các cháu đi luyện thi lớp một ( Lớp 1) chứ!

    Tôi không nghĩ PH chúng ta có rất ít lực chọn mà có nhiều lựa chọn. Nhưng có rất ít cái lựa chọn ĐIÊN KHÙNG, ẢO TƯỞNG, ĐÁNG TRÁCH, ĐÁNG THƯƠNG mà thôi....

    Chúng ta hay nói, yêu cầu thay đổi nọ kia, nhưng nói thật có nhiều người thay đổi được chính mình, suy nghĩ và quan điểm của mình hay không !?, SAY: ít, khó !

    Trả lờiXóa
  8. :D mình hiểu ý Chuti nói. Nhưng nếu quá nhiều người muốn cho con vào trường mà chỉ có số ít chỗ như vậy thì theo Chuti phải làm ntn?
    Dear Kt, bạn đã quá khen mình. Mình thấy còn phải cố gắng rất rất nhiều để tự hoàn thiện bản thân.
    Mình chỉ công nhận mình là người suy nghĩ đơn giản. Khi con gái vào lớp 1, mình không thể bon chen cho co học trường công lập tốt mà xa nhà. Ai sẽ đưa đón nó đi học? Thôi cứ chọn cái đỡ vất vả nhất cho con & mình. Rồi mọi cái cũng qua.
    Ở HN trường tốt (có khuôn viên rộng, môi trường HT tốt) thì thường đó là trường dân lập với học phí cao ngất (ví dụ trường Việt Úc là 10tr/ tháng)
    Để chạy vào trường công lập tốt mà học phí bèo thì cũng mất cả nghìn USD. Mình có cô bạn có con học công lập gần cơ quan nhưng cách nhà 8km (đường ở HN thì các bạn cũng biết rồi) thấy cô ấy & con quá vất vả. Như vậy là thiếu hợp lý.

    Trả lờiXóa
  9. Tks Chuti.
    Tôi cũng nghĩ vậy. Mọi vấn đề cần nhìn nhận theo nhiều phía.
    Ngoài quan điểm, cách suy nghĩ của PH, của các nhà quản lý... thì còn có một thực tế là hiện tại Việt nam chúng ta thừa trường đại học nhưng thiếu trường mầm non và tiểu học. PH bị đặt vào thế khó khăn.

    Trả lờiXóa
  10. Hehehe.. Thanks TD!
    Chuti tôi xin trả lời là:

    Một là I'm chiu
    Hai là làm giống như tác giả Hoàng Hường.

    Trả lờiXóa
  11. Khi con tôi vào mầm non tôi có nói chuyện với một chuyên gia về giáo dục mầm non, tiểu học thì Chị ấy bảo một trường mầm non, tiểu học tốt ngoài các tiêu chí về chuyên môn, cơ sở vật chất thì dứt khoát phải là một trường gần nhà vì đưa đón là một vấn đề, ngoài ra đưa trẻ đi học quá xa sẽ làm bé mệt khi đi đường, môi trường xa lạ, khó khăn trong việc kết bạn và nhiều viêc khác...

    Trả lờiXóa
  12. Hehe:
    Xin trích lại comment đầu tiên của Chuti:
    "...Nhìn đấy, thấy đấy... mà bó tay! Vấn đề lớn quá, vượt tầm chúng ta!"
    Đây là vấn đề của cả một nền giáo dục, của xã hội.
    Hay ít nhất thì cũng là của Hà nội và ngành GD HN!!

    Trả lờiXóa
  13. KT à, quan điểm trường mầm non, tiểu học tốt như quan điểm của chuyên gia ông quen... thì chuẩn không cần chỉnh. Nó cũng giống như diển đàn nói chuyện với Lê Hoàng trên VTV về chuyện Phụ nữ thích lấy chồng giàu hay nghèo, đẹp trai hay xấu trai... Có vậy thôi mà mấy khách mới cứ chọc nhau hoài. bởi họ cứ đưa ra một tiếu trí: nghèo, đẹp trai, đẹp nết... và giàu, xấu trai, xấu nết... Ấy thế mà khối cô vẫn chọn giàu , xấu trai, nết chưa chuẩn. Huống chi , nếu ta đặt vần đề: giàu, đẹp trai, đẹp nết, ga lăng... nhể!

    Trường tốt, chuyên môn, điều kiện rộng rãi...gần như nằm ở trung tâm các thành phố (tôi nói gần như thôi nhé), gần chỗ làm việc,...Nhưng có mấy ai nhà ở gần trung tâm đâu?

    Nếu vậy, một bài toán luôn khó giải với các PH là tiêu trí nào họ sẽ chọn trong rất nhiều tiêu trí trường tốt ấy?

    Sắp đến ngày 01/6 rồi, hãy dành cho các cháu một chút quan tâm, chút chia sẻ ở diễn đàn!

    Trả lờiXóa
  14. Hehe
    Thì tôi đã nói là PH chúng ta bị đưa vào thế khó mà. Giống như mấy cô gái kia!!!

    Trả lờiXóa
  15. Với từng hoàn cảnh, điều kiện của mình, mỗi PH hãy chọn cho mình một số tiêu trí phù hợp nhất để chọn như vậy chúng ta đã làm được một lúc hai việc, trong đó có việc GIÚP ĐỠ các cơ quan chức năng, bộ GD giải quyết những vấn đề nóng của XH. Bởi chúng ta không thể làm thay họ được, suy nghĩ và trách nhiệm của họ khác chúng ta...
    Mỗi người một tay. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, để tham gia kháng chiến và gìn giữ hòa bình - Ông Bác tôi đã dạy!

    Trả lờiXóa
  16. Diễn đàn này sôi nổi quá! Mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh mà. Mình thây nhiều PH giờ đây kỳ vọng vào con nhiều quá nên thường làm khổ cả mình lẫn bọn trẻ. Xã hội thời nào cũng có khó khăn cả, dù không giống nhau. Nhưng nhìn chung là đi lên mà. Có điều cái sự đi lên này có vẻ không đáp ứng kỳ vọng của các bậc làm cha mẹ hay sao ấy.
    Quan điểm của tớ là nên đơn giản hoá những vấn đề phức tạp. Khi bọn trẻ bắt đầu đi học, mình cứ cho bọn chúng học "trường làng" thôi, gần đâu thì học ở đó, hoặc gần CQ nếu bọn trẻ không tư đi được. Khi chúng lên cấp 2, 3 thì thi được vào trường chuyên lớp chọn thì học, không thì lại đúng tuyến vậy. Cũng không bắt chúng phải học thêm nhiều. Chủ yếu là cho học thêm ngoại ngữ và có học thêm toán, văn vào năm học trước khi thi chuyển cấp để chúng có thể thi được vào những trường không đến nỗi tệ quá là được. Không nhất thiết phải bằng mọi cách để vào được những trường hàng sao. Trong những trường bình thường thì vẫn có những thầy cô giỏi, lớp tốt mà. Cứ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể của mình thôi. Đấy là suy nghĩ của riêng mình ở tầm liti mô.
    Còn về vĩ mô mà nói, sự kiện trường thực nghiệm kia cũng chỉ là một trong những nhiều hiện tượng phản ánh thực trạng nền GD nước ta, đám đông PH ấy bằng hành động của mình đánh động XH, đánh động những người có trách nhiệm phải giải quyết vấn đề.
    Trong khi chờ họ giải quyết, mình tự lo cũng là giúp giải quyết vần đề chung. Hehehe!!!

    Trả lờiXóa
  17. Mình vừa đọc thấy một độc giả comment như sau : Bill gates nói : 1. Con bạn có thành người không ? 90% do bạn, 5% do con bạn, 5% do nhà trường và xã hội. 2. Con bạn có thành người giỏi không ? 70% do con bạn, 10% do bạn, 10% do nhà trường, 10% do môi trường xã hội. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ!!

    Trả lờiXóa
  18. Dear t.h, chuẩn luôn rồi. Nên việc con có thành người hay không, bố mẹ quyết định. Mình biết điều này.

    Trả lờiXóa
  19. Cái tỷ lệ kia dùng để suy ngẫm, tham khảo thêm.

    Còn về cá nhân, thú thật với mọi người, quan điểm của tôi khi chọn trường cho con:

    - Mầm non: Dinh dưỡng tốt + nơi ở tốt + tiện đưa đón
    - Tiểu học : tiện đưa đón + Phải bán trú + chuyên môn càng cao càng hay.
    - THCS : Thi đầu vào các trường gọi là chuyên môn hay. Nếu trượt thì chạy chọt, xin xỏ trường khác theo tiêu trí: Bán trú + Tiện đưa đón + Chuyên môn càng tốt càng hay (vì thú thực nếu tính theo tuyến thì có lẽ tôi chả biết con tôi học ở đâu, vì hộ khẩu của tôi ở một chỗ, đăng ký tạm trú một chỗ, sống một chỗ ... lang bạt kỳ hồ mà)
    - THPT : I'm chịu + Con chiến đấu !
    - Cao hơn : Con chiến đấu + Ba con cùng hợp tác.

    Nhìn chung, với điều kiện hoàn cảnh của tôi, thì dễ thấy tiêu chí Bán Trú (Cho con sớm đi bộ đội) là một tiêu chí luôn được quan tâm.

    Trả lờiXóa
  20. Đồng ý với Chuti. Nhất là khoản bán trú vì mình chỉ take care được chúng vào buổi tối và ngày nghỉ thôi.

    Trả lờiXóa
  21. Tôi thấy HCM thực hiện tốt hơn HN và các nơi khác. Nghe có vẻ hơi "địa phương" nhưng quả thực là như vậy.
    Chị gái lớn của tôi là cán bộ sở GD HP thỉnh thoảng có đi công tác giao lưu với Sở GD TP HCM và luôn có nhận xét rằng TP HCM làm tốt, có rất nhiều cái phải học tập.

    Trả lờiXóa