Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

BÃO LỚN QUÊ NHÀ (T/g: Chuti)




Gió bão giật lòng con nơi xa ấy,
Bóng mẹ già dựa cây đổ lối về.

Mấy ngày nay nghe bão giật nơi quê nhà, lòng người xa xứ cứ nao nao. Sống nơi Sài Thành hơn hai chục năm nay, chẳng năm nào gặp bão lớn, nói dại miệng, cảm thấy nhớ nhớ tiếng bão xưa…

Căn nhà cấp bốn xiêu vẹo theo từng đợt gió. Gió lùa tốc mái ngói trên đầu, rào rào nước mưa và miếng ngói vỡ. Cái thanh tre ban chiều được chằng buộc, chèn những chỗ xung yếu của mái ngói đôi khi cũng không chịu được sức gió cơn bão biển trên cấp 12. Thi thoảng một, hai, ba lớp ngói liền kề loảng xoảng bay vèo theo tiếng rít của đợt gió lớn. Trời giông bão hiện ra trước ánh mắt lo âu của những mảnh đời nhỏ bé trước cơn giân giữ của thiên nhiên. Những cánh cửa sổ khung gỗ mục, những mãnh tôn mỏng hoen gỉ không cản ngăn được thần gió len lỏi và gào rít  khắp căn nhà cấp bốn vốn tềnh toàng về trang bị nội thất. Cái khó, ló cái khôn. Kinh nghiệm truyền nhau cùng sống với gió giật, mái ngói tung, cửa sổ đầu này gió bật, mọi người mau chóng tháo hậu bằng cách mở cửa sổ hướng đối diên mời gió qua nhà. Ừ, nhà có nhiều của cải đâu mà sợ gió lạ tiện tay đánh cắp. Giường  chiếu cuốn lại, vải mưa cuộn vào một góc, sô chậu được tận dụng hứng những giọt mưa rơi. Trẻ con lo ro góc nhà, gầm bàn tránh gió mưa rét mướt, người lớn quần sắn móng lợn loanh quoanh chống đỡ.
Ngày ấy khu hiệu bộ (khu chùa) có một cái căng tin, hoành tráng lắm. Những ngày nhập hàng, mùi trè gói, mùi thuốc lá làm nức mũi, thỏa trí tò mò của trẻ con, người lớn xếp hàng miễn phí ngó chơi. Những ngày mưa bão, bà Tự bán căng tin còn oách hơn cả ông hiệu trưởng nhà trường. Gió bão xuyên cả nhà, lật từng hàng ngói, giật từng tấm tôn của sổ thì cái dãy bếp tập thể lè tè làm sao mà chịu thấu gió giật trên cấp 12. Thôi đành phó mặc cho trời đất, nếu không có tiền thì đành nhịn đói chờ trời quang mây tạnh. Hay quá nữa, mấy đứa trẻ con háu đòi thì cứ tự nhiên chổng mông vào bão, cúi gập xuống những thùng mỳ cao hơn tuổi chúng để kiếm những cuộn mỳ sò, mì thanh nhét qua mồm, thỏa cái cồn cào của dạ dày rỗng tếch. Những nhà có điều kiện thì cái ô vuông nhỏ đủ cánh tay ngoài đưa tiền vào và nhận lại những sản phẩm gọn nhẹ thời bao cấp ở cái căng tin bà Tự lại có dịp hoạt động tăng cường trong bão. Những chiếc bánh mì nhập về từ sáng, qua gió mưa, bão bùng, qua tay Bà Tự, lúp xúp trong mảnh vải mưa chỗ kín chỗ hở ngoài trời bão, ấy thế mà đến tay người sử dụng nó nóng hổi như mới ra lò. Ngày mưa bão, được ăn bánh mỳ ở căng tin bà Tự có khác nào ăn tươi cuối tháng, ngày rằm. Chỉ tội cho những bà mẹ ít tiền, trời bão rông làm mẹ tự nhiên mất một khoản chi không đáng có.
Bão sắp tan, mấy thằng nhóc choai choai thập thụt lao ra đường. Cũng chỉ do truyền miệng của các bậc sinh thành, khi nào thấy bão quay đủ hướng là chuẩn bị bão tan. Đứa nào không thuộc bài, vội vàng lao ra trong bão, dể  ăn phải miếng tôn, mảnh ngói lạng vào người hay nhưng cây cao, cột điện, hàng rào đổ sập xuống chết người như chơi. Ấy vậy lũ trẻ con trong xóm, đứa nào cũng háo hức sống trong lúc bão vừa tan. Bố mẹ chúng cũng biết nguy hiểm, nhưng cũng chẳng đành đứng nhìn những cám dỗ ngoài đường sau giờ bão tan. Nhộn nhịp lắm, cây cối đổ đầy đường, cây xanh là vậy, còn những cây cột, cậy kèo, những hàng rào chằng buộc nhà ai trước đó, nhưng dưới sức gió cấp 12, chúng nghiễm nhiên chuyển thành “của công xã hội chủ nghĩa”. Mạnh ai nấy lấy, nấy cướp, củi bay đầy đường, chạy khắp đường trên ngõ dưới. Mỗi sau cơn bão, đứa nhanh tay cũng kiếm được một đống để cả nhà đốt hàng tháng trời. Có nhiều đứa vội vã đến đâu, dành phần thành đống nhỏ đến đó. Ấy vậy cũng chẳng lại với những kẻ cơ hội kiếm ăn trong bão, cứ lặng lặng đi sau, gắp củi của bạn vun làm củi nhà mình.  Nhiều đứa trẻ con liều mạng còn nhanh nhanh, chóng chóng dùng kìm dùng kẹp tranh thủ “cuộn” mấy sợi dây diện bằng đồng bằng nhôm từ cây cột điện đổ xuống mà không cần biết điện đã được ngắt hay chưa…

Bão xưa là vậy, bão và người vật lộn, nhưng bão và người cũng là bạn của nhau, mang đến cho nhau những lo âu trong bão nhưng sau những lúc giận dữ của bão gió, bão cũng tạo chút niềm vui cho những người sống chung cùng bão. Bão nay vẫn vậy, vẫn sức gió lật tung những gốc cây cổ thụ, kéo đồ tháp truyền hình, cột điện. Bão trì hoãn giao thông, bão ngưng sản xuất. Bão vẫn rít từng cơn, ào ạt từng mái nhà. Nhưng có chăng với những căn nhà kiên cố bê tông hóa, những cánh cửa sắt lạnh tanh nhìn gió thổi, lòng người với bão cũng lạnh tanh. Tin báo đó đây, lòng người vẫn vậy, sáng bừng tỉnh, mắt chớp chớp ngạc nhiên “bão lớn thế à!”
Không hiểu bão nay, có còn những căn nhà liêu xiêu lòng người cùng lo âu với bão nữa không. Ở đâu đó có còn những cậu bé quần đùi cởi trần xông lên trong gió bão nhận những miếng ván rơi như món quà sau cơn thịnh nột của thiên nhiên không nhỉ. Chắc là có!
            Cũng may, mặc dù còn vất vả, nhưng với căn nhà chẳng còn cấp bốn, nghe mẹ già nói, bão lớn nhưng cũng không sao. Mấy cây khế, cây na sau vườn phải chặt đợi mùa sau kết trái. Chỉ có cái máng xối chả hiểu do vết hàn vết đinh gì đó mà nó bục ra làm cả tối cùng nhau tát nước trong nhà. Nghe vậy cũng vui, mẹ già không phải sắn quần móng lợn chằng buộc chống chọi mưa trên, gió dưới.. Nhưng chí ít cơn cuồng nộ của Sơn Tinh vừa rồi, nước chảy vào nhà, chắc giúp mẹ hoài niệm bão xưa ở căn nhà cấp bốn.

HCM – 30 OCT 2012 - CHUTI

9 nhận xét:

  1. Tks Chuti
    Những cơn bão cũng là một phần ký ức của tôi.
    Nhà Bu bá tôi vườn rộng, mỗi lần bão xong là dọn vườn mệt nhoài.
    Cơn bão nào bọn tôi cũng ăn món chuối xanh luộc hoặc ốc bươu nấu chuối. Chuối là loại cây dẽ đổ nhất.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy, khu chùa tôi ở, bên cạnh là chùa Phương Lưu, trồng đầy vườn chuối (lấy chuối cúng chùa). Sắp bão, những cây kết buồng là hay được quan tâm nhiều nhất, hai cây tre vắt chéo đỡ cổ cây buồng chuối...
    Hay, sống vùng quê quê, cũng có cái thú!

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa mình rất sợ bão. Khi ấy nhà mình còn là nhà tranh vách đất. Mỗi khi bão tới đàn ông trong xóm đội mưa đi hết nhà này đến nhà khác để giúp nhau chông bão. Những lúc đó mới cảm nhận hết câu "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau"!

    Trả lờiXóa
  4. Văn hóa làng quê là như vậy. Như làng tôi có một luật bất thành văn: nếu nhà nào có việc cần giúp đỡ về nhân lực thì hàng xóm luôn sẵn sàng.

    Trả lờiXóa
  5. Khu nhà tôi tập thể, nhà cấp bốn xây dựng theo dãy, mỗi dãy khoảng 5-6 gia đình. Một nhà lốc mải là gió dễ dàng "ăn" những gia đình còn lãi vì nó thông thống với nhau... Nên tinh thần chống bão tập thể... cao hơn ai hết!

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là tuổi đã xê xế rồi nên hay hoài niệm quá ông Chuti ah. Ngày xưa nhà nào chả vậy. Nhà tôi cứ có bão là ngói bay tơi bời. Dột tứ tung, xô chậu mang hứng khắp nhà... Tôi vẫn còn nhớ rõ tiếng nước dột lộp bộp rơi xuống cái chậu nhôm. Mỗi lần bão, tự nhiên thất khí hậu mát mát rét rét lại thích lắm. Trên phố thì không có cái đận giúp nhau đâu, khổ thế đấy! Đèn nhà ai người ấy dùng...

    Trả lờiXóa
  7. Chung một kẻ thù bão, chung mối quan tâm là giúp nhau ngay. Không giúp nhà nó, bảo lốc mái nhà nó, thì sẽ đến lượt nhà mình.
    Cố mà hoài niệm để kịp lên bài Blog chứ!

    Trả lờiXóa
  8. Thế mới bảo cái câu ngạn ngữ: Bán anh em xa mua láng giềng gần có lẽ phù hợp với lúc còn khó khăn hơn là lúc đã đủ đầy. Ở chung cư chỗ tôi, thậm chí ở cùng một tầng mà không biết tên là gì, không bao giờ bước chân vào nhà nhau kể cả ngày Tết. Cô dơn giữa phố phường, hik hik...

    Trả lờiXóa
  9. Vì Chung cư kín mít, không phải lo chống bão.

    Tôi xin trích lại cảm nhận trung cư tron bài viết: " Tin báo đó đây, lòng người vẫn vậy, sáng bừng tỉnh, mắt chớp chớp ngạc nhiên “bão lớn thế à!” "

    Trả lờiXóa