Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Tết xưa ( tác giả : Thùy Dương)



Trẻ con ngày ấy Tết gắn liền với ăn. Thời đó miếng ăn nói chung và miếng bánh kẹo  nói riêng cực kỳ quí hiếm, đến mức chỉ có Tết mới được nhúng mồm vào.
Đầu tiên là kẹo. Vĩ đại  nhất là kẹo Hải Châu do một nhà máy quốc doanh sản xuất, nhưng đấy là thứ quý hiếm. Phần lớn là kẹo Hải Hà gồm những miếng bột pha đường gói trong những  gói giấy nhỏ, về danh nghĩa là hình vuông, nhưng trên thực tế có khả năng là hình bẹp gí. Kẹo ấy có một vị ngọt xít cổ (bây giờ bà con sợ đái đường nên cũng hãi ăn ngọt, nhưng ngày xưa thì…). Trẻ con đến nhà họ hàng chơi thấy đĩa kẹo để trên bàn liền bốc bỏ vào túi quần.
Sau kẹo là bánh. Sang trọng là bánh quy, còn tối sang trọng là bánh quy gai (tôi vẫn còn nhớ hương vị bánh qui mang hiệu “Champa” cũng gọi là bánh đũa cả). cứ gần Tết là nhiều lò bánh lại mọc lên, đến mức hồi đó người ta tổng kết ở thành phố có bốn mũi nhọn của nền công nghiệp là: “VÁ CHÍN XĂM LỐP, GIA CÔNG QUY XỐP, LỘN CỔ SƠ MI, BƠM MỰC BÚT  BI”
Chủ lò bánh quát tháo khách, ném cho  mỗi khách đến làm bánh một cái chậu men để khách tự đập trứng và cho đường của mình vào, ngồi đánh cho tan. Sở dĩ phải làm như thế vì đường và trứng là những sản phẩm cao cấp, rất hiếm, mỗi người đến làm bánh lại mang một số lượng khác nhau, kẻ tám trứng, người mười trứng, mười lăm trứng. Còn đường thì có đường trắng, đường vàng và trọng lượng cũng không cố định nên ai cũng ôm khư khư cái chậu nguyên liệu trong lòng mình, sợ lẫn với người khác. Để tránh mất cắp, người ta hay đi theo thợ nướng bánh đến tận cửa lò, nhưng vẫn mất như thường. Khi bánh ra, đám trẻ con tháp tùng (chọn trong số những nhân vật có tư cách, có đạo đức của gia đình) nhặt vội những miếng bánh vỡ, bỏ vào mồm.
Tết có tí thịt được phân phối, mẹ tôi cũng xin được từ bệnh viện nơi mẹ làm, miếng thịt mà mỡ nhiều nạc ít (không biết là nằm ở phần nào của con lợn) đem về nấu với măng khô, đó là món chủ lực. Cả thành phố đồn rằng, cứ hầm đi hậm lại nồi canh măng sẽ càng ngon.
Thịt gà và giò chả là những thực phẩm Đại đại đại quý tộc. Đối với các gia đình cán bộ cỡ trung thì thứ đấy quanh năm tuyệt chủng (tôi nhớ ngày xưa c hỉ thích ốm để được đi bệnh viện, nằm ở khoa Lây của mẹ, được ăn món súp khoai tây nấu thịt ngon chưa từng thấy, còn  tiêm ư, là chuyện nhỏ). Tôi chỉ được ăn khi bố mẹ dắt đến nhà bạn bè, và đã được ăn ở đâu thì năm sau nhắc mãi. Cho nên khi đọc “Tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố, đến đoạn bà Nghị cầm đĩa giò kho ăn dở cất đi, dặn thằng ở là: “Bà đã đếm rồi, còn mười bốn miếng tất cả, mất miếng nào thì chết với bà”, tôi không thấy bà Nghị keo kiệt, mà thấy hết sức tự nhiên.
Nói đến Tết mà không nói đến mứt là chưa đủ. Mứt được mậu dịch bán phân phối trong những hộp giấy in cành đào, viết chữ cực kỳ chân phương: “Mứt Tết”, mở ra thì 70% là mứt lạc, gọi là trứng chim. Giá trị nhất là một quả mứt hồng khô và một quả táo Tàu. Đứa nào nhanh tay hoặc trơ tráo mở hộp ra là sẽ bốc ngay.
Tôi nhớ một năm mẹ quyết định tự gói lấy & luộc bánh trưng (Mọi khi toàn nhờ bác ruột tôi làm). Chị gái tôi xoay vần đãi đỗ xanh từ sáng, rửa lá dong, vo gạo. Tôi còn nhỏ, lại  là út ít, nên chỉ chạy quanh & chổng mông xem. Mọi người bày ra cái phản nào lá nào đỗ, gạo, rồi một  nồi thịt lợn cắt miếng to tướng, ai nấy vẻ mặt rất hỷ hả. Gói mãi mới được mấy cái bánh méo xẹo. Mấy khúc củi to tướng được huy động đun nồi bánh trưng cả đêm. Sáng hôm sau mẹ lôi bánh ra. Ôi thôi, sao bánh nhà mình lại méo xẹo và phòi cả bên trong ra vậy? Nhưng không sao, mẹ cũng lấy một tấm ván để lên trên lũ bánh rồi đặt  những vật nặng vào. Mẹ bảo ép thế cho chặt bánh, bánh sẽ ngon hơn. Ngon tuyệt vẫn là bánh trưng rán, mẹ lấy thìa ép cho bánh từ vuông sang bẹp gí rồi rán vàng thơm phức. Giờ ăn gì cũng chả ngon  bằng!
Tác giả ở  " Trại sáng tác Quảng Nam" Tháng 10/2010 cùng với  Nhà thơ Thắng Thỏ

5 nhận xét:

  1. Cám ơn tác giả.
    Đọc bài của Dương thấy luôn cả hồi ức của mình trong đó. Đám con trai bọn mình thì mê pháo, súng diêm (lấy cái van xe đạp nhồi diêm vào rồi bắn).
    Nhiều khi bị một ông nào đó bảo năm nay hoãn Tết làm cả bọn hốt hoảng...

    Trả lờiXóa
  2. Ah cái món súng làm bằng que diêm ấy thì Dương cũng mê lắm. Dương chưa kể chuyện ngày ấy bọn trẻ con chơi với nhau như thế nào đâu. Ngõ của Dương toàn bọn Tàu ô, thỉnh thoảng lại đánh nhau đấy. Tinh thần thượng võ phết! Hi hi...Bọn con chúng mình không thể tưởng tượng nổi đâu. Chúng nó làm sao mà có ký ức sôi động như bọn mình được CC nhỉ!

    Trả lờiXóa
  3. Đúng vậy. Bọn trẻ bây giờ làm sao biết được mình phải chờ đến tận đêm 30 Tết để nhận quần áo mới. Sáng mồng một Tết mặc đồ mới còn nguyên vết phấn vì chưa kịp giặt.

    Trả lờiXóa
  4. Thùy Dương à!
    Cứ đi theo Hà và Lưu chắc sẽ trở thành cây bút chuyên nghiệp đấy. Mà sao những chuyện ngày xưa mày vẫn nhớ đến thế. Đọc lại thấy những ký ức từ xa xưa hiện về, lại thấy nhớ ngày xưa đến thế. Ước gì được trở lại ngày xưa.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn tác giả đã dẫn dắt KT26 đi về ký ức cái tết xưa. Phải chăng cái Tết xưa ấy chỉ còn trong trí nhớ và tiềm thức của mổi chúng ta. Và nó trờ nên quí giá chính vì vậy. Những cái Tết ít vật chất nhưng dư thừa tinh thần và sự cảm nhận... Và nó càng làm cho chúng ta không quên được cái xưa khó khăn nhưng cảm xúc ấy.

    Trả lờiXóa