Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

BUỔI HỌC CUỐI KHÓA ( Tác giả: Nguyễn Văn Hà)


…Chuyện giờ mới kể

Tha thẩn trên Blog những ngày cuối năm. Lòng  xốn sang ngắm nhìn những bức ảnh cũ từ album của Hương “già”. Chợt nhìn thấy dòng chữ của mình viết bằng phấn trên bảng ngày nào: “ … ngày 01 tháng 11 năm 1989 “ . Buổi học cuối khóa của lớp KT1-26…
Thế là đã hơn 21 năm trôi qua. Biết bao đổi thay ở từng thành viên KT-26. Biết bao những con người trưởng thành nên từ cái tập thể thân thương ấy. Họ đã sống và đã khát khao khẳng định mình ngay từ những  ngày đầu ấy. Từ cái buổi học cuối khóa đầy gian truân và thật khó quên. Còn với mình, cái ngày định mệnh 01 tháng 11 năm 1989 có lẽ đã thay đổi cả cuộc sống của mình sau 5 năm đại học ngày nào.
5 năm mài “đũng quần” trên giảng đường đại học. 5 năm của khó khăn, khổ luyện nhưng đầy cảm giác bay bổng và tự hào của đời sinh viên chúng mình. 5 năm của những dự định và ước mơ… Cũng như bao nhiêu thành viên ưu tú khác của KT-26, mình cũng đã có kế hoạch trong những tháng ngày khó quên ấy. Sẽ có nhiều người ngạc nhiên… Làm thầy ! Ngạc nhiên cũng phải thôi, vì có mấy đứa con trai học kinh tế vận tải biển mà muốn ở lại làm giáo viên  như mình đâu nhỉ!?  Ấy vậy, nhưng nói ra thì đơn giản thật: điều kiện gia đình và bản thân ... Cả gia đình mình đã là những thành viên của mái trường ấy. Nó đã quá thân quen, gắn bó, để tự hiểu rằng : Học xong ở lại trường..!  Nó như là mệnh lệnh và cũng là mục tiêu “có lương – xóa đói” nhanh nhất mà mình và gia đình có thể nghĩ tới lúc bấy giờ.
Và để đạt được mục tiêu này, mình cũng đã phấn đấu nhiều đấy chứ. Học tập, cũng chẳng quá tệ. Phong trào, cũng tạm được. Cán bộ lớp, cũng có tí… Những “thành tích” khiêm tốn ấy, cộng với “thành phần con em trong trường”, thêm chút thiện cảm của chủ nhiệm khoa Phan Nhiệm thời đó. Mình đã nắm chắc một suất ở lại trường theo nghiệp làm thầy sau khi tốt nghiệp… Đúng, mình sẽ tiếp nối nghiệp làm thầy cùa chú Phan Nhiệm (mình gọi chủ nhiệm khoa Phan Nhiệm là chú vì là con em trong trường mà) nếu không có cái buổi học cuối khóa định mệnh ấy, ngày 01 tháng 11 năm 1989…
Cầm tấm thiệp cuối cùng đến nhà chủ nhiệm khoa Phan Nhiệm mà lòng nặng trĩu những lo âu. Chẵng có ai như mình cả. Đi mời từ bé đến lớn. Từ những giáo viên trẻ, đến già. Từ tổ phó đến trưởng bộ môn. Thế là tấm thiệp mời cuối cùng hiển nhiên dành cho chủ nhiệm, người có chức sắc cao nhất khoa. Thế mới dại chứ, không có đường lui… Buổi sáng được nghe tin chủ nhiệm khoa cấm không được tổ chức buổi học cuối khóa. Thì buổi tối tấm thiệp mời như nhảy nhót trên tay và trêu ngươi cái tính bốc đồng, hiếu thắng của mình. Đường từ nhà mình đến khu 5 tầng Vạn Mỹ, nhà chủ nhiệm khoa có chừng một ki lô mét  mà hôm ấy cứ như cả chục cây số lận. “ Mời hay không mời ”, câu hỏi cứ lẩn quẩn bên tai như thể trò chơi ngắt cánh hoa xem ‘yêu hay không yêu” của mấy cô sinh viên trẻ đẹp KT-26 từng làm. Để chọn ra “người của mình” trong môi trường dương  thịnh âm suy của một trường kỹ thuật. Cũng chẳng  bì được với mấy cô trẻ đẹp ấy. Mình chẳng có lợi thế gì trong cái “cuộc tình bất đắc dĩ” này. Cuộc chiến một chọi một thì đúng hơn. Một bên là chủ nhiệm khoa với quyền sinh, quyền sát và một thông báo khống chế mình. Còn cả” lợi thế sân nhà” nữa chứ. Và một bên, một thằng lớp trưởng quèn với tờ giấy mời nhảy nhót trên tay, đại diện cho một tập thể lớp… đi “đòi công lý”.
…Thế “cưỡi lưng cọp”, không dừng lại được nữa rồi….!
“À , Hà tới chơi hả !? Cậu ngồi đi! Em ơi, cho anh mượn thêm một cái chén!” – Vừa mời mình, thầy vừa gọi mượn vợ thầy một cái chén.
Chột dạ ! Đúng là một đòn phủ đầu nặng ký của một Tiến Sỹ Kinh Tế Biển đầu tiên của Việt Nam! Rất chủ động…
“ Đây là anh …A  (Mình quên tên  nên gọi là A cho tiện). Lớp trưởng lớp tại chức…” -  Chủ nhiệm khoa tiếp tục giới thiệu như thể khẳng định thêm sức mạnh bề trên.
“ Dạ, chào chú !chào anh…!” -  Mình lý nhí mắt la mày liếc đáp lễ. Và có phải cái tính hiếu thắng và tự ái của mình lúc ấy khiến cho mình chảng thấy sợ như trước đó nữa không!?  Thế là mình quyết định “đôi công” mà chẳng cần  “thăm dò đối thủ” nữa – “Thưa chú, hôm nay cháu đến, thay mặt lớp KT1-26 kính mời chú đến dự buổi học cuối khóa của lớp chúng cháu vào ngày kia 01 tháng 11 năm 1989..” – Mình làm liền một mạch như thể sợ bị cắt lời vậy.
“Thế cậu chưa  nhận được tinh thần của khoa về vấn đề này ?” – Chủ nhiệm khoa muốn dành lại thế chủ động và phủ đầu ngay.
“ Dạ thưa chú, cháu có biết… nhưng đây là nguyện vọng của cả tập thể lớp. 5 năm học chỉ có một ngày này. Chúng cháu muốn lưu giữ và chia sẽ như biết bao thế hệ sinh viên đã từng làm…” - Mình phải “vơ” thêm nhiều thế hệ sinh viên vào làm đối trọng lúc đó.
“Tôi hiểu, vì tôi cũng từng là sinh viên. Tuy nhiên , cậu và các sinh viên khác còn nhiều việc phải lo cho thi cử, tốt nghiệp. Rất nhiều người nghèo, và hoàn cảnh cậu cũng vậy. Nên dành số tiền ấy vào những việc khác….Mà tôi nói cho cậu biết. Năm ngoái lớp KTB25 cũng đóng góp, tổ chức và sau đó có đơn khiếu nại lên khoa , lên trường… ảnh hưởng xấu tới uy tín của khoa…” – Chủ nhiệm khoa kéo sự tự ti hoàn cảnh khó khăn của mình vào cuộc.
À, hóa ra không phải một lý do lãng phí hay gì khác. Mà có thể cái bóng kiện cáo KTB25 ảnh hưởng tới khoa vẫn ám ảnh trong tâm trí thầy chủ nhiệm. Đã thế, mình cũng chẳng gì phải phòng thủ thêm nữa. Cái tính bốc đồng trẻ con, hiếu thắng của mình càng được thể hiện mạnh mẽ lúc này. Mình một mực xác nhận là đại diện cho lớp. Cả lớp mình đoàn kết đồng lòng. Cùng ước ao tổ chức. Cùng “ước ao đóng tiền”… Nếu chủ nhiệm khoa cần thì mình về sẽ làm bản cam kết . Mọi người cùng ký, sau này … hết khiếu nại… Đến lúc này sức nóng trên sân đã tăng rất nhiều. Chủ nhiệm khoa rất tinh tường nhận ra thế trận của mình đang bị đối phương dùng tiểu xảo gây ức chế nên kéo ngay “bạn đồng hành” của  mình vào cuộc:

“Cậu cũng biết. Khóa 26 có 2 lớp. Tại sao chỉ có lớp cậu đòi tổ chức trong khi lớp KT2 không tổ chức…?”
“Dạ thưa chú! Lớp KT2 ngày mai có tổ chức. Anh em tổ chức bên ngoài trường ở nhà riêng thằng Sơn gì đó..?”- Mình vội “mách lẻo”.
“Dù sao họ cũng nghe lời tôi, tổ chức bên ngoài… Tại sao cậu cứ khăng khăng tổ chức trong trường?”
Lạ, tiến sỹ chủ nhiệm khoa chắc quá nóng cộng thêm chủ quan ham tấn công  nên đã để hở một khoảng trống chết người phía sân nhà. Tạo được thế trận có  lợi, được thể, mình  tấn công tiếp hòng ghi bàn thắng dẫn trước:

“Vừa rồi chú nói là không nên tổ chức do lãng phí. Cần dùng tiền vào việc khác. Như vậy nếu lớp KT2-26 tổ chức bên ngoài, chú đồng tình thì không lãng phí chăng…?”
“Láo !” –  Chủ nhiệm khoa không còn bình tĩnh được nữa. Đập tay cái rầm xuống bàn làm ly chén đổ cả - “Từ ngày tôi còn là sinh viên, là giáo viên, đến giờ làm chủ nhiệm khoa , tôi chưa thấy có một lớp trường nào dám cãi lại chủ nhiệm khoa như cậu…”

Lúc này thực sự sức nóng trên sân lên quá cao, lan sang cả khán đài mặc dù hôm đó ít khán giả. Chỉ có vợ và hai nhóc con gáichủ nhiệm khoa  lấp ló trong buồng và ánh mắt lo lắng của cổ động viên trung lập là lớp trưởng lớp tại chức A. Đến lúc ấy, bằng kinh nghiệm của một người từng trải, lớp trưởng A cũng nhảy vào xoa dịu : - “ Em cứ bình tĩnh nghe thầy chỉ dạy. Theo anh, bọn em có thể xem xét gợi ý của thầy để tổ chức buổi học cuối khóa ở ngoài trường…”
Nghe câu động viên, giải cứu của lớp trưởng  A. Lòng mình như nghẹn lại, cổ họng khô đắng. Một phần biết ơn sự động viên, giải cứu của anh ta, phần tức nghẹn cổ vì sự thỏa hiệp cho những suy nghĩ không đúng. Nếu chăng, ngay lúc đầu chủ nhiệm khoa nói thẳng lý do vì sao lại có lệnh cấm như vậy. Thì có lẽ mình cũng có thể đồng ý quay về. Chia sẻ với lớp. Đi từng giáo viên một để xin lỗi và thay đổi thời gian, địa điểm cũng như chương trình buổi họp mặt. Đằng này…

“Thưa anh !” – Mình nói nhẹ nhàng nhưng nghẹn cứng từ trong cổ họng  – “Anh cũng đang học đại học. Nhưng phải chăng là cán bộ đi học., và chưa chuẩn bị ra trường. Nên có lẽ, anh chưa cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của buổi học ấy như thế nào đối với hơn 30 con người trẻ trung và đang khao khát cảm nhận buổi học cuối cùng sau 5 năm ngay tại cái nơi mà hàng ngày họ từng gắn bó. Đó là lý do tại sao lớp em vẫn giữ ý định và mong thầy chủ nhiệm khoa giúp đỡ…” - Nói đến đây, mình thấy lớp trưởng A dường như hiểu và biết sai khi động viên và khuyên nhủ một thằng lớp trưởng trẻ và cứng đầu đến vậy – “Và thưa chú!” – Mình quay sang nói với chủ nhiệm khoa – “Như cháu đã trình bày với chú. Cháu chỉ thay mặt một tập thể trong đó có cháu, hôm nay đến đây trình bày và kính mời chú tham dự buổi học cuối khóa của KT1-26 chúng cháu. Và cháu mong rằng, chú sẽ có mặt trong buổi học cuốc khóa của lớp chúng cháu… Cháu xin phép, chào chú !” - Nói đến đấy mình nhanh chóng đứng dậy ra về...
“Nếu cậu và lớp cậu cứ cố tình tổ chức, thì cậu và lớp cậu sẽ phải chịu một hình thức quản lý riêng của khoa… “
Thầy chủ nhiệm khoa ném với theo  mình một thông điệp như thể một lời đe dọa… Mình bước đi trong đêm mà lòng trỗng rỗng và thất vọng. Không phải mình sợ chủ nhiệm khoa sẽ làm thế với mình, mình biết điều đó. Nhưng đâu đó, một suy nghĩ mông lung về con đường phía trước mà mình đã vạch ra mục tiêu. Một con đường tiếp nối nghiệp làm thầy  như lời hứa của chủ nhiệm khoa với gia đình mình… Và cũng trong đêm hôm đó, một suy nghĩ rất mạch lạc hiển hiện trong mình… Nghiệp làm thầy của mình có lẽ sẽ tiêu tan theo những đánh giá của mình về một  người thầy đi trước ấy…

Sáng ngày hôm sau, một thông báo trên bảng đen khoa:  yêu cầu các giáo viên không được đi dự buổi học cuối khóa của lớp KT1-26… Một thông báo gây ra nhiều phản ứng trong nội bộ giáo viên khoa kinh tế lúc bấy giờ. Chị Loan, chủ nhiệm lớp, tìm mình và khuyên: “ Hay là mình tổ chức bên ngoài giống như lớp KT2-26 đi Hà ạ !” –  Hiếu thắng thì it. Buồn rất nhiều lúc ấy. Không đám chia sẻ với ai về buổi tối hôm ấy vì sợ mọi người hoang mang. Đến cô giáo chủ nhiệm cũng vậy. Mình rất hiểu chị Loan. Lúc ấy chị đang phấn đấu vào Đảng… Kể cũng khó cho chị ấy. Nhưng  mình rất  cứng rắn lúc ấy : “ Em hiểu, em và lớp đã đưa chị vào một thế rất khó. Tuy nhiên, mọi việc đã đâu vào đấy rồi. Nếu kẹt quá thì chị đừng suy nghĩ… chị không đi cũng được…”. Thật buồn khi nói điều ấy vì biết rằng chị Loan cũng rất buồn khi nghe mình nói vậy. Nhưng “thế cưỡi lưng cọp” là vậy, buộc mình phải “phi” thôi.
… Tối cùng ngày. Mình đi dự buổi liên hoan của những người bạn KT2-26. Vui ! Mình nhớ trên tầng hai nhà của Sơn thì phải. Rộng, đủ để thầy trò, bạn bè ngồi bệt xung quanh là những món “đặc sản” thời đó. Thầy trò vui vẻ chúc mừng nhau. Nhưng mọi người cũng không quên nói về chuyện của mình. Rất nhiều những ánh mắt chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh “cưỡi lưng cọp” của mình lúc ấy. Mình còn nhớ chị Loan “lùn” giáo viên tổ khai thác gì đó, trong lúc vui có hỏi nhỏ mình một câu thay cho lời động viên:
“Hà à ! Em làm như vậy có phải dám chống đối lại chủ nhiệm khoa không?”
“ Chị nói thế chết em. Ai dám chống đối chủ nhiệm khoa. Với lại chị biết, em là con em trong trường mà. Nhưng chị cũng đã qua thời sinh viên, chị biết rằng buổi học cuối khóa đối với sinh viên có ý nghĩa như thế nào. Và em mong chị và các giáo viên khác hiểu là ủng hộ bọn em…”
Tất nhiên, ngoài ý nghĩa đến chia vui với những người bạn KT2 của mình. Thực ra tối hôm ấy mình muốn tranh thủ sự ủng hộ của những thầy cô đã đi tham dự lớp KT2. Mình có một lời phát biểu ngắn gọn cổ động rằng: “Hai lớp như một, các thầy cô đã quí mến KT2-26 hôm nay thì mong muốn cũng sẽ quí mến và có mặt tại buổi học cuối cùng của KT1-26 vào ngày hôm sau”. Thực lòng, tất cả thầy cô hôm đó đều muốn thế. Nhưng với nhiều lý do mà sau đó một số thầy cô không thể đi được. Điển hình là giáo sư RTC : - “ Anh rất thích mày, cái phản ứng của lớp nữa... Anh muốn đi lắm. Nhưng em thông cảm cho anh vì anh đang làm hồ sơ đi quản trị trường dưới tàu” – Giáo sư nói vậy. Mình vui khi nhận được lời nói trân thành ấy của giáo sư RTC. Cũng như sự động viên, chia sẻ của những người bạn KT2  hôm ấy. Mặc dù họ không giúp được gì. Nhưng những cái bắt tay siết chặt của các bạn, cả nam, cả nữ dọc cầu thang. Như góp thêm cho mình sức mạnh và sự tự tin cho một buổi học cuối khóa tại lớp học của mình ngay ngày hôm sau ấy, ngày 01 tháng 11 năm 1989….
Thế rồi, ngày ấy cũng tới. Cả lớp mình hồi hộp chờ đợi mau hết giờ của buổi học cuối khóa. Thời gian các tiết dường như luôn dài theo suy nghĩ của sinh viên chúng mình. Ngày hôm ấy, lại càng như dài hơn trong sự đợi chờ háo hức của cả một tập thể hơn 30 con người trẻ trung , mạnh mẽ. Các chàng thì loay hoay với chiếc cà vạt lần đầu tập đeo, và đi kèm có khi là quần jean, áo phông, dép lê Tàu…Vẫn đẹp và ‘thời trang” như thường.  Còn các nàng thì xúng xính với những bộ đầm, bộ cánh đẹp, và chẳng quên tranh thủ quẹt quẹt, phết phết  một chút trong dáng vẻ e lệ.. Để xem,  rồi tối nay cánh hoa “yêu hay không yêu” sẽ được sướng tên đây nhỉ!?…  Còn chương trình liên hoan buổi học cuối khóa thì được thiết kế cận thận, chu đáo với sự năng nổ của mọi người. Nhất là Hồng “nhọ”, hôm đó nàng mặc một bộ váy màu kem rất sành điệu. Lo lắng đến độ mời cả Linh (lớp lái) hỗ trợ, cố vấn cho việc làm chương trình ngày hôm ấy. Và chính cô ả thực hiện trò chơi bốc thăm trúng thưởng mà phần thưởng “ý nhị” được “trao” cho anh Hạnh quản sinh vì mục đích đen tối của lũ sinh viên chúng mình. Thành “cơm” thì cứ loay hoay nối dây điện để thực hiện cái trò đặc biệt …“pháo điện”. Nhưng khổ nỗi, hôm đó trường mất điện rất lâu. Chương trình lúc đầu phải thực hiện dưới ánh sáng ắc qui do bọn Tiến “lùn”, Hiệp “rế”, Phú “bẩn”.. vất vả chạy đôn, chạy đáo do sự cố bất ngờ. Mãi tới lúc chương trình đi qua được gần một nửa thì mới có điện và mọi người được thưởng thức ngay màn “pháo điện “ với rất nhiểu mảnh giấy màu nhỏ bắn tung tóe khắp người từ trên trần lớp học.
Giáo viên đi khá đông. Nhất là đội ngũ giáo viên trẻ. Đúng như lời hứa của họ “ cứ an tâm đi, bọn anh sẽ ủng hộ”.  Cảm động nhất là anh Oánh. Lên lớp buổi sáng. Ở lại trường cả ngày. Đầu đội mũ cối, áo bu rông, cứ lăng xăng hết sân trường và phòng chờ, phòng đợi…cho  đến tối. Chị Loan, giáo viên chủ nhiệm thì lúc đầu hơi lo. Nhưng sau khi vào cuộc, thấy không khí vui vẻ. Quên hết cái vụ kết nạp Đảng… Vui hết cỡ và nói rằng: “Quả là nên làm…”  Mình vui và thầm cảm ơn chị. Đúng, nên làm… Và chúng mình đã làm nên  một buổi học cuối khóa thật ấn tượng. Nhiều đại diện các lớp. Một mặt tới dự chung vui, mặt khác muốn nghe ngóng tình hình khoa. Cũng như  đến để xem Hà “què” và KT1-26 “ứng xử” ra sao!? Thật vui và cảm động trước tấm lòng của họ. Nhất là Hoàn “què” lớp trường KT2-27 cứ lăng xăng mời thuốc “kẻ chống đối” kèm theo rất nhiều lời động viện, cổ vũ quá đà… Và hắn cũng không quên chào buổi lễ bằng một băng pháo ròn tan…
Buổi học cuối khóa lớp mình đã diễn ra đầy cảm xúc, trong sự hoan hỷ và sẻ chia của mọi người như vậy đó. Thực tình , ngay sáng hôm sau, chủ nhiệm khoa còn khẩn cấp lập một đoàn kiểm tra gồm giáo vụ - đoàn trường – y tế- khoa..  Để xem chúng nó vô tổ chức, vô kỷ luật như thế nào!?... Nhưng thật may, vì có “chân trong”, nên ông anh trai mình tất bật đến báo tin. May thay tối đó, uống say xưa, mình cùng Thành “cơm”, Tiến Dũng (mình nhớ vậy) về ngủ chỗ anh Quang Dũng thuê ờ khu công trình 81 gần giảng đường… Thế là nhanh như cắt, trong vòng 30 phút một phòng học sạch sẽ, ngăn nắp được thiết lập bởi mấy “đoàn viên tiên tiến” và sự giúp sức của ông anh mình trước khi đoàn đến. Cùng đó là gương mặt có vẻ bực tức của chủ nhiệm khoa và một vài nụ cười ý nhị của một số điệp viên 007 trong đoàn…
Không bực tức sao được, khi các “đòn công” của mình cứ như va vào bức tường phòng ngự “bê tông kiểu Ý”. Các cú sút đều bị bắt bài bởi thằng thủ môn cứng đầu lớp trưởng KT1-26 cơ chứ ! Làm sao mà không bực khi công lao lập đoàn kiểm tra vệ sinh trường lớp “lâm thời” của chủ nhiệm khoa công phu, vất vả là vậy … Để sau đó, tất cả các thành viên được chứng kiến một phòng học sạch sẽ, gọn gàng hơn mức bình thường như thế cơ chứ!?… Và thế là mơ ước đứng trên bục giảng của mình dường như cũng bị đốt cháy bởi ánh mắt bực bội khi chứng kiến một buổi học cuối khóa không đáng có theo quan điểm của chủ nhiệm khoa ngày ấy.
Ừ nhỉ, nếu mình không cứng đầu , không tự ái trẻ con. Nếu ngày ấy, buổi học cuối khóa của lớp không được tổ chức. Hay chí ít, nó được tổ chức theo gợi ý của chủ nhiệm khoa…Có lẽ mình đã thực hiện được mơ ước của bản thân và gia đình. Và thế nào mình sẽ lại được tham dự nhiều buổi học cuối khóa của các thế hệ sinh viên sau đó… Nhưng không, nếu vậy, mình đã không đáp ứng được mong mỏi chính đáng của các thành viên trong lớp. Nếu vậy,  mình đã từ chối sự mong mỏi được sống trong cảm xúc buổi học cuối cùng đời sinh viên của chính mình, một “ngày hội giảng đường” của lớp ấy... Và mình đã không ân hận vì quyết định trẻ con ấy. Vì nó đã hợp với lòng người. Mà đôi khi ngược đời như vậy đấy. Hợp với lòng cùa nhiều người, chưa chắc đã tốt cho một lợi ích cá nhân nào đó. Với mình, đó là một ước mơ làm thầy đã mãi là hoài niệm, là cảm xúc khó quên. Như chính cái cảm xúc khó quên của buổi học cuối khóa ngày ấy… ngày 01 tháng 11 năm 1989… Ngày thứ tư thì phải.

(Tặng KT26 - Viết nhân ngày về Trường – Hải phòng 08/01/2011)


(Xin mượn bức ảnh trong album của Hương trên Blog minh họa cho bài viết – Thật cảm ơn)

7 nhận xét:

  1. Hehe
    Đúng là không kể thì không biết.
    Không có vụ này thì có khi bây giờ chúng ta có Chủ Nhiệm Khoa Nguyễn Văn Hà.

    Trả lờiXóa
  2. Chúc mừng bạn đã có một quyết định đúng khi không làm giảng viên. Hihi... Bây giờ giáo viên, đặc biệt là GV đại học chạy sô quá ca sĩ thị trường. Kiếm tiền nhạt lắm! Âu cũng là số phận nhỉ! Mình đang sợ rằng, một ngày nào đó, khi CEO N.V.Hà hạ cánh về vườn, trên văn đàn Việt sẽ có một luồng gió cách tân để đối đầu với một "hiện tượng" văn học! Xin chúc mừng lần nữa và thường xuyên phát huy sở trường nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Buồn !
    Đấy là ông Hà, ba đời gắn bó với trường nên còn có cái để kể. Thế còn chúng tôi, từ đồng ruộng lần đầu tiên bước vào trường thì sao nhỉ, không thể kể bởi vì biết rằng không kể hết được..., tôi đi lang thang trên đường đời, bằng đại học đầu đời (trung bình yếu)cất đi làm kỉ niệm, làm một tấm bằng kĩ sư, thạc sĩ khác (toàn là bằng giỏi cả) để sống, xong rồi tự hỏi mình rằng sao mình học ở ĐHHH dốt thế!? mà không trả lời được.
    Thôi mà, theo tôi nên tránh vấn đề này đi vì dù thế nào cũng một chữ "thầy". buồn thì nước mắt chảy vào trong tim vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Ông Bảo này nghe nói giang hồ lắm. Ông viết cho bọn tôi vài dòng đi. Sau khi tốt nghiệp ông làm gì, cơ duyên nào đem ông đến Nha Trang làm sỹ quan hải quân, rồi đi học ở Nga...

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn Ông Lưu đã để tâm đến tôi (một trong số những đứa con lưu lạc của KT26). Chuyện của tôi, tốt thì ít, mà xấu thì nhiều. Thôi thì để vài bữa nữa rảnh, tôi gửi bài và một tí quà nào đó để ông biên tập lại và đăng giùm tôi. Cảm ơn trước nhé.

    Trả lờiXóa
  6. Mình nhớ hôm đó mình thắt cà vạt hộ các bạn đấy nhé

    Trả lờiXóa
  7. Ô Lưu à, ông tác giả này mà ở lại trường, mà làm CN khoa thì, buổi học cuối khóa sẽ được chỉ đạo ra quán nhậu mất thôi...

    Ô. Bảo à ! Sao lại buồn nhỉ. Chuti2002 ôi nghe thoảng thấy tiếng nói của tác giả là ông ta đang vui khi hồi tưởng lại đó chứ. Phải chăng một dự định tuỗi trẻ trở thành hoài niệm âu cũng là do cái tính bốc đồng tuổi trẻ, cái đầu trẻ con bướng cãi lại người lớn, nhất là cãi lại thầy. Học trò mà cãi lại thầy thì là học trò hư rồi. Đã là học trò hư thì không thể là thầy tốt được. Ông tác giả không ở được lại làm giáo viên theo ý kiến của CNK là hoàn toàn chính xác. Còn về trường lớp, ông phấn đấu đấy chứ.. KT-26 như vậy ngoài Hương kính, K Anh..còn có ông không làm GV mà có bằng thạc sỹ đó.. Đáng lý được vinh danh ở 20 năm KT-26 hôm rồi . Tuy nhiên, cũng với cái bằng DHHH ấy tôi thấy lớp mình toàn người thành đạt cả, toàn ông nọ bà kia... quá hãnh diện đó chứ. Đều đó chứng tỏ, đào tạo của KT DHHH là đáng trân trọng nhỉ...Đó là một sự thật vui.

    Trả lờiXóa