Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Cảm động "Lục Vân Tiên" hiện đại cõng người đàn bà hủi đi tìm sự sống (St từ Pháp Luật Và Đời Sống)




Anh Lương bên cạnh bà Xê.

Vốn chỉ là một thanh niên buôn gà ở chợ huyện, trước đây, Lương nổi tiếng vì có “duyên” gặp các vụ tai nạn giao thông và trở thành "Lục Vân Tiên" bất đắc dĩ cứu giúp người gặp nạn trên xa lộ.


 Những ngày gần đây, Lương tiếp tục gây "sốc" cho dư luận xã hội với một việc làm vô cùng ý nghĩa là tìm lên tận rừng rú để "xin" chính quyền địa phương cho rước một người đàn bà bị bệnh phong hủi neo đơn về chăm sóc và tìm nơi nương tựa tuổi già. Câu chuyển cổ tích của Lương đã khiến nhiều người phải rơi lệ…

Chàng trai nghĩa hiệp gặp cụ già neo đơn

Phạm Văn Lương (SN 1984), ngụ khu dân cư Lam Sơn, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Cách đây nửa tháng, Lương theo một người bạn lên Khu 10, xóm Nam Sang, xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ dự một đám tang người thân. Cũng như bao đám tang khác, Lương ngồi lặng thinh trước cảnh tang gia bối rối của gia đình. Thế rồi, anh đặc biệt chú ý đến một người đàn bà đang khóc lăn lóc bên cỗ quan tài rêu mốc. Lạ hơn nữa là việc người ta xôn xao bàn tán về cụ già khóc bên linh cữu rằng, người quá cố ra đi khiến cụ bà hụt hẫng, chẳng còn người thân nào hết. Lúc này, Lương mới tìm hiểu câu chuyện về cuộc đời đầy đau khổ của cụ bà ấy.
Bà là Lê Thị Xê, 75 tuổi, mồ côi từ bé, sống bằng nghề đi ở khắp nơi tại miền Bắc, bà lang thang làm thuê kiếm sống. Tầm tuổi đôi mươi, bà mắc bệnh hủi, hai bàn chân đi đến đâu rụng đốt đến đó. Người làng sợ hãi bắt bà trói lại rồi chôn sống trong khu rừng. Khi chôn bà, vì sợ lây bệnh nên người ta chỉ vùi đất sơ sài. Đoàn người bỏ đi, dưới quan tài, bà la lối, may có người đi qua kịp thời bật nắp quan tài cứu bà sống. Bà lại bỏ đi biệt xứ, lánh mặt người đời. Mãi sau này gặp người chị kết nghĩa đưa bà Xê về xã Văn Lang, một xã nghèo của tỉnh Phú Thọ. Bà xây dựng gia đình cùng ông Phạm Văn Chất, tuổi 35 và sinh được người con trai là anh Phạm Văn Đức. Bị gia đình nhà chồng hắt hủi, bản thân chồng cũng không phải người khôn ngoan, bà Xê bị mẹ chồng đuổi ra ngoài khi con còn đang tuổi bú. Bà phải sống nương nhờ vào ngôi nhà của hàng xóm. Anh Đức khi lớn hơn thỉnh thoảng có về thăm mẹ, nhưng mỗi lần về thăm lại là một lần làm bà đau đầu, nhiều lần anh còn dọa đẩy bà xuống sông. Từ năm 20 tuổi, anh bỏ đi đâu không ai biết tung tích, ngày "thay áo" cho bố cũng không thấy anh về.
Bà Xê lại nhận chị Phạm Thị Hậu (sinh năm 1978) về nuôi khi chị mới 3 tháng tuổi, với hi vọng về già có người chăm sóc. Ngày ấy, hàng xóm đã quen thuộc với hình ảnh bà bế con đi khắp xóm xin ăn, xin sữa và chỉ ăn khi cơm xin được cho con còn thừa lại. Chị Hoa đã không đáp được tấm chân tình của bà khi dùng số tiền bà chắt chiu bấy lâu mua sắm quần áo. Học hết cấp 3, chị ở nhà. Năm 19 tuổi, chị xây dựng gia đình với anh Trần Văn Hưởng, người ở làng bên bị câm điếc bẩm sinh và sinh được hai người con là Trần Thị Hằng và Trần Văn Nam cũng bị câm điếc.
Năm 2008, chị Hậu mất sau một thời gian đi làm ở Hải Phòng vì mắc bệnh hiểm nghèo và để lại cho bà món nợ 2 triệu tiền mắc điện và 1 triệu đồng vay vốn làm ăn từ Hội phụ nữ xã. Chiếc áo quan bà mua dành cho mình nay phải nhường lại cho con. "Nó đã cướp công nuôi dưỡng của tôi", vừa lau nước mắt bà Xê vừa kể chuyện. Hơn 1 tháng sau ngày chị Hậu mất, bé Nam cũng theo mẹ đi khi mới 8 tuổi. Bé Hằng ở với bố và mẹ kế. Bà Xê vẫn một mình trong ngôi nhà mà vật quý giá nhất chỉ có chiếc bóng đèn bật lúc sáng lúc không và những bó củi hàng xóm thương tình cho bà đi bán với giá 5000/bó.

Kết nghĩa anh em với người chết

Lại nói thêm về chàng trai Phạm Văn Lương, vốn trước đây anh là người tận tâm cứu giúp người bị nạn trên đường, nhưng tận tình đến mức hoãn đám cưới để vào bệnh viện chăm sóc người dưng, kết nghĩa anh em với người gặp nạn đã chết như Lương thì có lẽ có một không hai trên đời. Đó là câu chuyện diễn ra năm 2009, khi anh trên đường đi đám ma một người thân trở về, đến đoạn đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội), rẽ vào quán nước ngồi nghỉ chân thì gặp một vụ tai nạn. Nhìn sang bên kia đường, thấy mọi người đi đường đang xúm đông xúm đỏ, anh hỏi chị hàng nước: "Có gì đó chị? " thì nhận được câu trả lời lơ đễnh: "Tai nạn ấy mà. ở đây tai nạn liên tục, hơi đâu mà để ý hả chú? Nghe nói bị nặng lắm, nằm bất động 15 phút rồi mà chẳng ai cứu. Chắc chết".
Bây giờ khi tiếp xúc với chúng tôi, Lương thuật lại: "Người đi đường lại qua nườm nượp như mắc cửi mà không thấy ai dừng lại cứu giúp. Tôi đau lòng quá vì không hiểu sao người ta nhẫn tâm đến vậy. Ai cũng có thể rơi vào trường hợp tương tự, nếu mình hoặc người thân mình lỡ không may gặp nạn, cũng bị bỏ mặc nằm bên vệ đường thì sao nhỉ? ". Nghĩ đến đỏ, Lương trả tiền nước mà không kịp lấy lại tiền thừa, lao sang bên đường, rẽ đám người, xe hiếu kỳ để vào xem xét. Trên vỉa hè là người đàn ông ôm đầu, máu me be bét. Có người nói: "Nó chết rồi, đừng đụng vào". Lương bất bình: "Đang còn thở, để thế mới chết! ". Nhận thấy nạn nhân còn đang thoi thóp thó, ngay lập tức Lương bảo mọi người đứng ra làm chứng, anh kiểm tra túi quần nạn nhân thấy 55 ngàn đồng và 1 chùm chìa khoá, không có giấy tờ tuỳ thân. Không mảy may suy nghĩ, anh gọi xe taxi bế người bị nạn lên xe đưa vào bệnh viện cấp cứu, không quên dìu người đàn ông gây tai nạn trên lề đường đi cùng vào Bệnh viện 19/8 (Bộ Công an) trước sự ngạc nhiên của hàng trăm người hiếu kỳ vây xung quanh.
Câu chuyện cổ tích về chàng trai nghĩa hiệp vẫn tiếp diễn. Cưới vợ xong, lúc nào Lương cũng thấy ám ảnh với câu hỏi: "Nghĩa tử là nghĩa tận, mình đã đưa người ta vào đấy, sao giờ việc chưa xong mà mình đã phủi tay? ". Anh lại bắt xe ngược lên Hà Nội, đợi công an điều tra xong thì nhận xác người xấu số mang ra Văn Điển chôn cất. Lương làm lễ cầu siêu cho nạn nhân và xin được nhận làm em kết nghĩa, đặt tên cho người đã mất là Phạm Văn Duy như lời anh nói: “Tôi lấy tên cậu ấy theo họ của tôi để người chết còn có tên tuổi, khỏi thành cô hồn không nơi bấu víu”. Kể từ đó Lương trở nên nổi tiếng bởi tấm lòng hướng Phật của mình, anh cứu nhiều người, dư luận trong và ngoài nước đều biết đến anh. Vẫn như một thói quen từ sâu thẳm tâm hồn, gặp những hoàn cảnh thương tâm lương đều sẵn lòng giúp đỡ. Dù, anh không có điều kiện kinh tế như người khác mà chỉ vận động người góp gói mì tôm, tấm áo rách để giúp người gặp nạn theo kiểu "lá rách ít đùm lá rách nhiều". Với việc làm ý nghĩa đó, Lương được thành đoàn tằng bằng khen, Đài truyền hình Việt Nam làm hẳn chương trình về anh phát nhiều lần trên VTV1, VTV3 và hàng chục tờ báo viết về anh. Bây giờ, Lương gặp bà Xê cũng là một trong những hoàn cảnh tương tự, Lương lại mở lòng từ tâm để cứu người đàn bà neo đơn bệnh tật này.

Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa

Một ngày cuối tháng 10/2011, tôi nhận được tin Lương ngược rừng lên UBND xã Văn Lang, Hạ Hòa, Phú Thọ để làm thủ tục đưa cụ Xê về chăm sóc nuôi dưỡng. ông Tạ Mạnh Đỉnh, trưởng Khu 10 cho biết: "Hiện anh Lương đã viết cam kết, kiểm kê tài sản của bà Xê chỉ vài bộ quần áo rách rồi xin đưa về Hải Phòng nuôi dưỡng theo đúng thủ tục của pháp luật. Khi làm việc xong với chính quyền cơ sở, anh Lương cõng bà Xê hơn 10km đường rừng xuống núi, về Hà Nội cho bà Xê dạo phố rồi bắt xe về Hải Phòng lo cuộc sống cho bà”.
Lương cho biết, hiện cuộc sống của bà Xê đã ổn định. Sắp tới, anh sẽ nhờ báo chí, bạn bè và bản thân anh đi tìm một ngôi chùa, hoặc trung tâm bảo trợ nào đó để cho bà Xê sống thảnh thơi an nhàn những ngày cuối đời. Hiện tại, anh Lương đang vận động gia đình, người thân, bà con lối xóm và bạn bè khắp nơi quyên góp ủng hộ lập quỹ nhân ái giúp bà Xê ổn định cuộc sống. Anh Lương nói: "Tôi cũng mong mỗi người trong chúng ta chỉ cần chút hướng thiện, người nghèo, người giàu đều có thể đóng góp theo khả năng của mình. Với những tấm lòng thơm thảo, dù nhỏ, nhưng góp gió thành bão, không chỉ giúp cho bà Xê mà nếu có thể trích ra giúp nhiều mảnh đời bất hạnh khắc nữa, đó là mong ước của tôi trong thời gian tới”.
Trong khi tôi đang ngồi viết bài này, chợt nhớ đến hành trình anh Lương tìm nơi nương tựa cho bà Xê. Tôi lại bốc máy gọi điện hỏi thăm tình hình, đầu dây bên kia anh Lương lại cho biết đang trên xe từ Hải Phòng lên Hà Nội để đưa một bà mẹ bất hạnh có hai đứa con, nhưng một bị nghiện, một chết không ai chăm sóc bà những lúc ốm đàu bệnh tật thế này. Thế là, thấy bà bị bệnh nặng, anh Lương tình nguyện bỏ tiền túi đưa bà lên Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh. Lương bảo, cứ khám xem bệnh tình của bà ra sao rồi tính tiếp. Nếu như bệnh của người mẹ khốn khổ này nặng, Lương sẽ đứng ra kêu gọi mọi người cùng quyên góp để bà qua cơn nguy kịch... Tôi nghĩ, với tấm lòng nhân từ trên cả tuyệt vời mà trong cuộc sống bon chen tính toán không mấy ai làm được, Lương đang cố làm gương, cũng là để phúc lại cho đời và cho mình...!.

Phóng sự của Thành Văn

6 nhận xét:

  1. Người ta hay nói "giang hồ đất Cảng", nhưng đất Cảng có cả "Lục Vân Tiên"

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ có 4 từ dân đất Cảng cũng hay nói : Hơn cả Tuyệt vời !

    Trả lờiXóa
  3. Không còn gì để nói thêm .

    Nghĩa Hiệp .

    Từ này đặc biệt lắm. Bạn đọc xuôi hay ngược đều như nhau.

    Trả lờiXóa
  4. Mình đang vô cùng bức xúc với vụ cướp đất ở Tiên Lãng (cũng đất Cảng quê ta) và cảm thấy CS bây giờ con người đối xử với nhau còn hơn cả loài chó sói, thì đọc được bài viết này. Đọc để thấy cuộc đời còn có những người nhân từ đến như vậy.
    Có lần mình đã nói, cái ác không chỉ là mình tự tay làm điều ác, mà còn là sự thờ ơ vô cảm với các bất công khổ đau xảy ra xung quanh mình. Và còn những cái ác hết sức tinh vi mà chỉ có chính mình mới thấu hiểu được bản thân, rằng đó là mình đang ác đấy, để tự sửa.
    Mong cho XH có thật nhiều người như anh Lương.

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là một người có tấm lòng vàng, rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng.

    Trả lờiXóa