Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

THẰNG ĐẦU TO (Nguyễn Văn Hà)



Diễn đàn Lớp Đại Học đang nóng lên với bài sưu tầm của một “girl ”, bài “ Nhật ký của một Cave”. Một “đề tài xưa như trái đất” như nhận xét của Ông Tổng Biên Tập. Tuy nhiên nó đang hâm nóng diễn đàn bằng cách kể chuyện thật đơn giản, đời thường đúng với phong cách “Cave”. Cách xử dụng những từ “nóng”, những từ “tục” ai cũng biết nhưng không ai dám nói ra ở những chỗ người ta không nói ra. Đấy có lẽ cũng là một lý do mà người sưu tầm bài này cũng phải dấu tên trên diễn đàn.
“Nhật ký của một Cave”, rất con người…
Đang tham gia trên diễn đàn về  đề tài những con người làm nghề trong bóng tối mà người đời gọi chung là “cave” ấy. Nó chợt nghĩ đến ‘Thằng đầu to”, bạn Nó.  Thằng này cũng chẳng liên quan gì đến thế giới “Cave” này cả. Cũng chẳng phải kẻ chăn dắt, bảo kê mấy em “Cave” này đâu.  Đó là một thằng đàn ông cũng bình thường mà. Đã từng có thời mặc áo lính. Đã nhiều năm cống hiến trong màu áo xanh giai cấp công nhân. Và bây giờ bạn Nó là người tự do, làm nghề tự do như cách gọi mà một thời bao cấp hay ám chỉ những người làm việc ngoài các công, sở ,mỏ… Khác chăng là ở cái đầu thật to của bạn Nó, to khác thường! Và cũng có chăng là những thói quen cũng hơi khác thường của nó… đi văng câu.
“Thằng đầu to” này, đã có một thời gian dài, ngày ngày vác cần đi câu cá. Đó là những ngày mà nhà máy sắt tráng men nhôm Hải Phòng rơi vào giao đoạn khủng hoảng. Một cái nhà máy từng là niềm tự hào của bao thế hệ công nhân thành phố Hải Phòng. Ấy thế mà bỗng chốc rơi vào khủng hoảng sau một thời kỳ mở cửa. Hết bao cấp, hết cái thời mà nhà máy chuyên sản xuất chậu men, nồi nhôm phân phối, bát sắt, cà mèn cho bộ đội…Họ phải tự bươn trải, phải tự học cạnh tranh tìm đường sống. Họ cũng cố gắng, nhưng cũng chỉ ngấp ngoải trong sự yếu thế với các mặt hàng sứ, hàng nhựa rẻ bèo nhập từ Trung Quốc. Hay các mặt hàng bếp núc được sản xuất từ các trung tâm gốm sứ nổi tiếng khắp trong Nam. ngoài Bắc… Cũng chẳng sao, ít việc, thì làm nửa cơ số ngày trong tuần. “Thằng đầu to” cứ thế, dành thời gian còn lại, vác cần đi câu. Âu cũng thỏa cái thú vui thời còn nhỏ trong những lúc an nhàn. – “Ấy vậy mà thự giãn nhiều lắm đấy! Ngoài ra cả nhà không phải lo khoản thức ăn hàng ngày. Ở trong ấy, mày cũng nên tranh thủ thời gian mà đi câu. Làm việc suy nghĩ nhiều, thư giãn xả stress quan trọng lắm!” – Bạn Nó vừa lắp mồi vào lưỡi câu , vừa thủng thẳng khuyên Nó như vậy.  Cũng phải mười năm có lẻ rồi. Từ cái lần Nó ra Hải Phòng thăm bạn  ấy…
Cái đầu to quá cỡ. Cứ gật gù đưa đong theo cái giọng trầm ngâm của bạn Nó. “Thằng đầu to” thực ra bản tính không ăn nói trầm ngâm nhỏ nhẹ như vậy. Phải nói là cái thằng ăn to nói lớn, chưa thấy người đã thấy tiếng mới đúng.  Cái thằng có lẽ trưởng thành trước những lứa vô lo cùng tuổi chúng Nó. Bố mất sớm. Từ hồi cái đầu của cu cậu chưa to đến mức này, hồi còn nhỏ xíu à. Cũng không chỉ mình gia đình bạn Nó như vậy. Nghe đâu, họ nội nhà thằng này đều thế. Đàn ông hơn 30, 40 mươi tuổi đã hầu hết trở thành người thiên cổ rồi. Để lại cả làng, cả quê là những người phụ nữ góa bụa và những đứa trẻ con. Nhà có ba chị em. “Thằng đầu to” là út, trên là hai chị gái. “Đầu to” mang trọng trách là kẻ nối dõi duy nhất của gia đình.
“Mày phải học nhanh lên, lấy vợ, đẻ con sớm mới mong có người nối dõi dòng họ nhà mày. Tao thấy chỉ tay mày, đường  sống ngắn lắm..!” – Nó đùa, vừa nói vừa đẩy bàn tay của bạn ra. Còn bạn Nó, “thằng đầu to” lặng thinh chẳng nói điều gì cả. Sau này chơi thân với nhau. Nó mới được biết tình trạng tuổi thọ của đàn ông gia đình bạn như vậy. Thảo nào lúc nghe Nó nói, “thằng đầu to” lặng thinh, mặt suy tư như ông cụ non, trông khác hẳn với cái vẻ mặt tươi tỉnh, hãnh tiến khi lần đầu bước vào học lớp Nó.
“Ồ”, hầu như cả lớp cùng cất lên tiếng ngạc nhiên ấy trong cùng một lúc. Một thằng bảnh bao với một cái đầu thật to bước vào lớp sau lời giới thiệu của thầy Mai chủ nhiệm lớp 6B7 của Nó ngày ấy. Thằng ấy chuyển từ trường khác về. Dáng bộ bảnh bao thật, khác hẳn với lũ cùng lớp, học sinh trường làng, con em nhà lao động và buôn bán lúc bấy giờ. Chân thằng “lính mới” đi đôi dép cao su, vắt chéo gót gọn gàng trông đúng kiểu chú bộ đội. Cái cặp kiểu cán bộ gấp đôi sạch sẽ, gọn gàng kẹp vào nách. Cái đầu thật to, rất bác học. Cái trán thì thông minh quá cỡ. Cả bọn lớp lúc bấy giờ ồ lên đầy vẻ thán phục. Thằng này cũng có điểm yếu đấy chứ. Kể cả hình thức bên ngoài bề thế của hắn. Nó nhanh chóng lấy cân bằng trong suy nghĩ và đánh giá của mình về một nhân vật mới, mà ngay ngày mai đây có thể là đối thủ cạnh tranh số một với Nó về chuyện học hành trong lớp. Tóc thằng này có vẻ không đồng bộ và theo kịp với cái đầu to khủng khiếp và cái trán bác học rộng quá cỡ. Cái đầu to vậy, nhưng ít tóc lắm. Tóc lưu thưa mọc trồi,mọc sụt lên từ cái đầu quá cỡ. Trông giống như cánh rừng thưa ôn đới mà có lần lũ chúng Nó được học trong chương trình địa lý thời đó. Cũng bình thường thôi, Nó thầm an ủi mình như vậy. Cái đầu kia to thật, tuy nhiên chưa chắc bộ óc bên trong là thật chất lượng.  Bằng chứng là bộ tóc lưa thưa như thể các cây trồng trên một mảnh đất kém màu mỡ là gì? Tuy lúc đó, kiến thức về dinh dưỡng học của Nó cũng chẳng là bao. Tuy nhiên, mơ hồ Nó cũng biết, cái đầu to kia, ngoài tính di truyền, có lẽ là biểu hiện của suy dinh dưỡng từ bé cũng nên…
Thế là cái đầu ấy, không phải đợi đến ngày hôm sau,  mà ngay hôm ấy đã thử nghiệm cái khả năng phán đoán của Nó về đối thủ trong tương lai không xa. Thằng lính mới nói to, dõng dạc lắm. “Thằng này rất tự tin” – Nó thầm thán phục vậy. Ngay sau khi giới thiệu thân thế và sự nghiệp của thằng này. Thầy chủ nhiệm tung ra một loạt câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản. Thằng lính mới này, một lần nữa đã làm cả lớp suýt soa về khả năng ăn nói của mình. Một cách ăn nói liền mạch, hùng hồn. Dáng đứng tự tin, hai tay chống thẳng xuống bàn như thể một diễn thuyết gia.Thằng lính mới đã lấy được sự hài lòng tương đối của thầy chủ nhiệm cũng như sự thán phục của đám ma cũ trong lớp, ở đó có cả Nó nữa.. một chút. Đúng vậy, một chút thôi, vì đâu đó trong bài phát biểu to tát của thằng kia là một kiến thức chung chung, nhờ nhờ không khó để các giáo viên bậc tiền bối có thể đánh giá  đúng thực chất kiến thức của những thằng học sinh như lũ chúng Nó. Nó cũng vậy, tuy bề ngoài có vẻ khâm phục về khả năng ăn nói lưu loát , to tát ấy, Nó cũng ngờ ngợ về kiến thức cao độ  chứa bên trong cái đầu bác học hoành tráng của “thằng đầu to” ấy. Có thể, với một sự đánh giá khắt khe của Nó, một kiến thức cơ bản cần phải xem xét lại.
“Thằng đầu to” ấy làm quen với lớp nhanh lắm. Ngay ngày hôm ấy, với sự tự tin, khả năng ăn nói và cái đầu to ấn tượng của mình, thế là không cần mất quá nhiều thời gian, thằng này đã làm quen hết với cả lớp. Có thể đây là một đối thủ tranh chấp với Nó trong tương lai! Nó đã hơi mất tự tin khi nhìn thấy khả năng hòa đồng và dẫn dắt đám đông của đối thủ ngay sau khi vào lớp. Dáng dấp của những thằng có khả năng làm cán bộ lớp , đúng vậy! Mà Nó lại còn chưa được thằng kia làm thân mới bực chứ. Kệ, chả vội gì mà phải bắt thân trước cả. Mình là lớp trưởng mà. Nó phải chính thức được làm quen trước, như thế mới phải đạo chứ!
“Tớ là Hiếu, ở nhà mọi người gọi tớ là Bình” – Cuối cùng thì Nó cũng được nghe cái giọng giới thiệu và làm quen đúng với vị trí cao hơn theo quan điểm của Nó lúc ấy.
Thằng này quả là “kênh kiệu”. Sài một lúc hai tên. Tên đi học, tên ở nhà. Hơi “”quí tộc” đấy ! Cũng đúng thôi, cái thời Nó là vậy, mấy ai sài sang được hai tên cơ chứ! Nó chỉ gật đầu đáp lễ, như muốn thể hiện thế bề trên của mình. Thái độ hách dịch bề trên ấy của Nó có vẻ tác dụng. Nó áp chế được ngay kẻ mới tới.  Ánh mắt “thằng đầu to” trở nên e dè, khác hẳn với đáng điệu tự tin, hòa đồng trước đó khi thể hiện và giao lưu với những đứa khác trong lớp . Nó mừng thầm và đắc trí trước sự xuống nước của thằng lính mới. Ừ, ngay cái lần gặp đầu tiên ấy, sự e dè và nhũn nhường của “thằng đầu to” trước Nó đã bộc lộ . Đó luôn là cơ hội, là mảnh đất màu mỡ để Nó tha hồ thể hiện cái tính hiếu thắng, đành hanh của mình đối với bạn. Sau này, cả thời gian học phổ thông mấy năm với nhau cho đến khi trưởng thành, Nó vẫn luôn nhận được sự nhường nhịn và chịu đựng của bạn Nó như một lẽ tất nhiên vậy. Thực tình “thằng đầu to” đâu có vừa, với người ngoài, với xã hội. Nhưng với Nó, thằng ấy luôn vậy, chịu đựng và nhường nhịn. Đã bao lần nước mắt đàn ông của Bình đã rơi trước những sự quá đáng, đành hanh của Nó. Đời là thế, bạn cứ  đành hanh vô tình với bạn mình, rồi sẽ có lần bạn phải cảm nhận sự cô đơn và trống trải từ những biểu hiện ấy của mình.
                                                *
     *         *
Thế là thằng Bình có chuyến phiêu du vào Sài Gòn sau đó. Bình đã lấy vợ, có con. Không còn tự do hành động theo cái bản năng bất cần của mình trước đó. Bình cũng không còn được ung dung ngồi câu cá mỗi buổi chiều buông . Không còn ngồi đó để mà gật gật cái đầu to khác người và triết lý, ngẫm suy cuộc đời này nữa. Tóc Bình đã có nhiều sợi bạc, tóc thưa nay lại càng thưa hơn. Cái triết lý câu cá để thư giãn ngày nào, nghe chừng không còn hợp với hoàn cảnh của Bình lúc ấy nữa. Sinh hoạt hàng ngày của gia đình với những thành viên mới, không chỉ cần  đến một vài con cá mỗi buổi Bình đi câu mang về. Bình cần phải có thêm tiền. Cần công việc. Cuộc sống đòi hỏi Bình một lần nữa lại phải đứng lên, mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Và bến đậu mới là Sài Gòn, để lại mẹ già, vợ và thằng con trai nhỏ , Bình muốn đổi đời…
Thế là Bình, bạn Nó sắp vào Sài Gòn…
 Những ngày chuẩn bị đón thằng bạn , Nó mừng mừng, lo lo. Bạn Nó sẽ sống ra sao ở cái đất Sài thành phồn hoa, nhiều thử thách và cám dỗ này! Bình là thằng ra đời sớm, Nó biết. Bình sớm bươn trải cuộc sống kiếm tiền. Mặc dù không quá dư giả, nhưng thú thật cái cách mà Bình kiếm tiền và bươn trải cũng thực sự đáng nể với Nó trước đó. Tuy nhiên, Sài thành là một mảnh đất đầy thử thách với một thằng không có bằng cấp như Bình. Nó miên man nghĩ suy về bạn, về những khoảnh khắc gặp nhau giữa cái mảnh đất Nam bộ xa xôi này. Có mơ, chắc thời còn học với nhau Nó cũng chẳng dám! Nó nghĩ về những dự định cùng bạn, hay say xưa nghĩ suy về những kỷ niệm thời thơ ấu. Sẽ rất nhiều điều để mà nói, để mà nghe. Và Nó, tất nhiên, nghĩ về cái ngày cách đó hơn 5 năm gia đình và thằng bạn tiễn đưa nó vào Sài Gòn,  để hôm nay nó chuẩn bị được đón bạn vào thăm. Nó cười một mình và so sách về hai cuộc Nam tiến ấy. Của Bình và của Nó. Cách nhau hơn nửa thập kỷ, xã hội đã có nhiều thay đổi. Song cả hai cuộc lên đường ấy đều chất chứa những lo âu và thử thách. Dẫu vậy, cả hai bước chân ấy đều có tấm lòng của hai thằng bạn và những sự lo toan chúng dành cho nhau…
Nhớ ngày lên đường năm 1991 của nó. Hành trang là sự lo lắng và kỳ vọng của gia đình và cả thằng bạn của Nó nữa. Lần đầu xa nhà, mà lại rất ra, mãi tận Sài Gòn lận. Ai cũng hiểu là đối với Nó, lần đầu ấy sẽ rất khó khăn trong một môi trường mà có lẽ chỉ nghe kể lại hay xem trên TV mà thôi. Nơi đô thị phồn hoa, cám dỗ. Nơi có lẽ rất đắt đỏ và chi tiêu. Với điều kiện gia đình Nó thì các yếu tố đó đã là cả một sự thử thách và gánh nặng tâm lý đè nặng lòng người ở lại. Mọi người nén lòng trước những lo âu để yên lòng người sắp đi xa. Có lẽ tới hơn chục người tiễn đưa nó ra ga. Mẹ và chị nó thì luýnh quýnh gói gói, nhét nhét tất cả những cái gì có thể được vào chiếc valy  nho nhỏ của Nó. Cô em gái và mấy cô bạn nó thì nhắn nhắn, gửi gửi mấy bức thư vào cho người thân ở Sài gòn. Ba và anh trai Nó thì lặng yên và trao gửi Nó ánh mắt thầm nhủ như một lòng tin và sự động viên trước lúc khởi hành. Hai vợ chồng anh chị Yên, Giang hàng xóm nhà Nó thì luýnh quýnh chúc chúc, mừng mừng và không quên nhét vào túi Nó mấy ngàn đồng như quà tặng, như lời chúc cho chuyến hành trình bình an và may mắn. Còn bạn Nó, thằng Bình lặng thinh nghẹn ngào. ‘Thằng đầu to” sắp phải xa một thằng bạn, mà với hai thằng , tưởng như những năm tháng học trò thơ ấu đã như một chất keo gắn kết cuộc sống của chúng lại, không thể tách rời. Ấy thế mà hôm nay, mọi người đang luýng quýng tách hai chúng ra để mai mốt thôi, thằng Bắc, thằng Nam.
Chục chiếc xe đạp xếp thành hàng. Hành lý đã sẵn sàng. Trong khi mọi người chuẩn bị lên đường, thì bỗng nhiên Bình lên tiếng. Đề nghị mọi người đợi nó một chút. Bình phóng xe đi. Chẳng ai hiểu Bình đang làm gì. Những hơn chục người có mặt lúc ấy đều hiểu tình cảm bạn bè mà Bình và Nó dành cho nhau. Mọi người cố nén đợi… Và hơn chục phút sau, Bình về. “ Mày thay đôi dép mới này , để đôi dép cũ kia lại, rách quá rồi..” – Bình vội vàng hấp tấp chạy lại và nói với Nó như nài nỷ. Giọng Bình cũng lặng đi, nghèn nghẹn… Nó thì rơm rớm nước mắt tuân lệnh như một con robot . Khác hẳn với cái tính hách dịch, dành hanh hàng ngày mà Nó hay dành cho Bình trước đó…. Và thế là Nó lên đường, Nam tiến vào một ngày cuối năm,  năm 1991. Hành trang của nó có thêm một đôi dép của thằng “bạn đầu to” trao cho Nó ở phút cuối của cuộc tiễn đưa ngày ấy. Một đôi dép lê Tàu, món quà của thằng bạn nghèo. Đôi dép ấy sau khi vào Sài Gòn, với hơn một tháng thực tập dưới cảng. Nó cũng nát tươm và không được sử dụng khi sau đó Nó được điều động lên làm việc tại văn phòng, nơi mà theo qui định nó phải đi làm bằng dày da. Đôi dép mà sau đó mấy năm anh Giang hàng xóm vào công tác Sài Gòn còn nhắc lại kèm theo sự ghẹn ngào khi nói về xuất xứ của nó.
Nó đã vào Sài Gòn như vậy đó. Có hình bóng của thằng bạn đầu to, lấp ló, nghẹn ngào. Và hôm nay, sau nửa thập kỷ, nó đang miên man suy nghĩ ngày đón thằng bạn vào thăm Nó.
Thế là thằng Bình đầu to, bạn Nó đã vào Sài gòn năm ấy…
Sài gòn những năm giữa thập kỷ 90 kinh tế đã mở cửa, năng động, phát triển nhưng còn chất chứa nhiều bất ổn và thiếu kỷ luật. Cuộc sống sinh hoạt cũng vậy, có khá hơn nhưng còn nhiều khó khăn và cám dỗ. Cuộc sống đô thị phát triển, kèm theo là các chuỗi dịch vụ  mọc ra như nấm. Kia là đường bia ôm. Chỗ nọ là đường nhậu bình dân. Cà phê đèn mờ, Karaoke bia ôm phát triển không ngừng. Các dịch vụ ăn theo như xe ôm, bảo vệ, bảo kê và chăn dắt nhờ đó mà mở rộng và thu bội tiền. Đầy cơ hội nhưng cũng nhiều cám dỗ và cạm bẫy. Nhất là đối với những  thằng phóng túng,  xa nhà và cần tiền như Bình. Bằng cấp thì không có. Bạn bè có ổn định chút nhưng chưa thể có đủ lực để gồng gánh thêm, nhất là một việc làm tốt.
…Tiếng còi tàu hú vang báo hiệu tàu vào ga.  Tiếng bánh xe xình xịch, xình xịch , to dần, to dần. Đoàn tàu hỏa xuất hiện. Cái đầu tầu to xụ, đen thui lầm lũi, lầm lũi tiến vào ga. Còi tàu hú vang lần cuồi báo hiệu một chuyến hành trình dài đã kết thúc. Cái đầu tàu to xụ kia chầm chậm, phì phò, phì phò nhả hơi như thể tiếng thở phập phồng của con trâu lờ đờ khi vừa cày hết buổi. Không khí mùa hè tại ga Sài Gòn như nóng hơn khi đoàn tàu xuất hiện. Những tiếng ý ới gọi nhau. Những bước chân vội vã. Những tiếng hàng hóa va chạm vào nhau khô khốc. Phong cảnh và âm thanh ở ga lúc ấy, nó khiến ta liên tưởng, sẽ có một sự thay đổi nhanh chóng. Một sự bùng nổ như bầy ong vỡ tổ sẽ xảy ra ở cái sân ga Sài thành nóng nực này.
… Hàng ngàn người vội vàng ,vỡ tung không gian ga. Như một bày ong vỡ tổ, hỗn loạn và chen lấn. Bình bước xuống, chậm rãi khác với không khí hỗn độn xung quanh. Với dáng vẻ mệt mỏi của một người vừa trải qua một chặng đường dài trên một chiếc ghế nhỏ, cứng, giá rẻ thiếu tiện nghi của đoàn tàu hỏa 48 tiếng hành trình Hà Nội- Sài Gòn. Cái đầu to ngật ngừ tưởng chừng không còn vững vàng trên một thân hình mệt mỏi. Chắc thằng này không ngủ được mấy ngày qua…! Ánh mắt mệt mỏi, ngơ ngác như thể kẻ bị nhầm đường… Ấy thế mà, chỉ sau hai tiếng ngủ dài, thư thái khi về tới chỗ ở. Chắc cu cậu đã mơ một giấc mơ đẹp, chuyến đáp bình an tới một hành tinh hy vọng nào đó. Thế là cái đầu to xụ ấy choàng tỉnh, giống như một con người hoàn toàn khác, Bình lanh lợi và tìm kiếm như thường thấy. Lượn một vòng qua các ngõ ngách của Sài Gòn. Qua những khu trung tâm sầm uất với nhiều nhà cao tầng. Cái đầu to xụ ấy ngước ngước, nhìn nhìn và gật gù, gật gù thán phục…
Mấy ngày sau đó, ngoài những bữa cơm vội vàng hay những bữa nhậu qua loa. Bình tập chung vào việc tìm kiếm một số mối quan hệ được giới thiệu. Một kế hoạch tìm việc làm được vạch ra chi tiết bởi cái đầu to xụ ấy. Ngày qua ngày, đã gần một tháng trời rồi. Đã qua biết bao buổi chiều tha thẩn trên đường. Những buổi tan ca. Chứng kiến hàng vạn, hàng vạn người vội vàng ùa ra từ những cao ốc văn phòng tráng lệ. Công ăn việc làm vẫn bặt vô âm tín. Sự háo ức hồ hởi của Bình dường như đã bị giảm đi rất nhiều…
Hồi ấy, con Nó còn nhỏ. Công việc của hai vợ chồng cứ coi là tạm ổn. Cũng như Bình, vợ chồng Nó đang cố gắng tạo dựng một vị trí vững chắc giữa đất Sài thành này. Giai đoạn mở cửa mạnh nhất của thị trường. Các đơn vị thi nhau sản xuất và xuất nhập khẩu trực tiếp. Nó cũng vậy, vội vàng và thiếu cảm xúc cuộc sống. Sau những ngày đầu hồ hởi, lo toan. Nó quên mất là Bình đang ngược xuôi tìm đường sống. Nó quên mất là chính nó chứ không phải ai trên cái đất sài Gòn này là nguồn động viên và chỗ dựa cho bạn Nó. Nó cứ mải mê với công việc bận bịu của Nó. Với cuộc sống gia đình bận bịu, với con cái học hành đưa đón của vợ chồng Nó. Trước đây, hai nhà như một. Nhà Nó cũng như nhà Bình, cứ tiện đâu là chúng nó ăn, ngủ tại đó. Nhưng năm ấy, bạn  Nó vào Sài Gòn. Thấy cảnh vợ chồng bận bịu đi suốt ngày, con cái nhỏ đưa đón, học hành. Bình chủ động nói để ra ở tạm cùng với thằng em ở quận 4 tại ngay cái văn phòng của thằng bạn Nó. Lưỡng lự đôi chút nhưng Nó cũng dễ dàng đồng thuận với thằng bạn đang cần nó trao cho một niềm tin. Niềm tin thời thơ ấu… Một chất keo gắn kết tâm hồn tuổi thơ của hai đứa. Một cách thực dụng và thiếu cảm xúc nó nghĩ rằng như thế cũng hợp lý và tiện cho sinh hoạt của mọi người.
 Thằng Bình ra ở ngoài với thằng em. Xa cách có một mâm cơm tối, ấy thế là Nó không còn chứng kiến vẻ mặt hồ hởi khi nghe tin việc làm của thằng Bình. Cũng như nó không được chứng kiến khuôn mặt não nề thất vọng và cái dầu to xù lắc lư, gật gật suy ngẫm của bạn Nó nữa… Hơn hai tuần sau đó. Nó giật mình nghe anh em thằng bạn nói chuyện lại. Bình muốn xin đi làm trông xe tại mấy quán đèn mờ gì đó. Và loáng thoáng còn nghe chúng nó bàn tán chuyện gì nghe ghê ghê như thể chuyện trai bao, bảo kê gì đó. Nó giận tím người. Giận thằng bạn Nó… Và cuối cùng Nó giận chính bản thân mình…
“Tao đã không phải với tất cả những gì mày đã dành cho tao thời kỳ chúng mình còn ấu thơ. Đến tận những bước chân đầu tiên tao bước vào đời. Và cả đến ngay giờ phút này nữa. Mày cũng đang vì tao..” – Nó đã bắt đầu buổi nhậu với Bình và mấy thằng bạn ở quán Hoa Viên ngay sau khi biết ý định của bạn Nó.
“Tuy nhiên, tại đất Sài gòn này. Với mày, tao luôn mãi là người thân thiết nhất. Tao cũng rất buồn khi nhưng việc như vậy mày lại không trao đổi với tao trước” – Nó lại ra cái giọng trách móc Bình như vốn dĩ cái tính đành hanh , chành chọe với bạn của Nó như thế.
“ Mày bận bịu. Mày luôn vậy, không bao giờ thể hiện rõ ý định của mình. Mày luôn luôn bắt tao phải tự hiểu những suy nghĩ trong đầu của mày. Chính vì vậy, tao cũng có lúc hiểu sai, nhất là những lúc mất phương hướng như thế này..” – Thằng Bình nghẹn ngào nói ra những điều mà thường ngày luôn nhún nhường như vậy với Nó.
Bình không sai. Nhưng cách nói của Bình với Nó đã kéo chúng lại cái thời ấu thơ của chúng. Một thằng luôn đành hanh, ngạo ngược để rồi thằng kia lại nghẹn ngào nhận lỗi về mình. Chúng là một cặp. Và chúng đã tìm cho nhau một lối thoát. Chúng bàn bạc. Nó phân tích. Thằng Bình gật gù trong sự nghẹn ngào thường thấy. Mấy thằng bạn cùng đi cổ vũ động viên…
Nó phải quay lại Hải phòng, chúng quyết định vậy…
“Cảm ơn anh! Lúc đó anh mà không mạnh mẽ kéo anh Bình ra thì mẹ con em lúc ấy bấn lắm…” – Vợ  Bình nói vậy sau lần cả nhà tự thưởng cho mình một chuyến du lịch Sài Gòn sau hai năm “ngày trở về” của Bình. Nó,  một lần nữa lại được khen. Ừ, Nó hay được khen, ngay cả khi có lỗi, ngay cả lúc cảm xúc thờ ơ của Nó.
“Có gì đâu. Lúc ấy nghe tin thằng Sơn bạn bọn anh nó nói vậy. Anh phát hoảng. Lúc đầu anh giận nó lắm. Nhưng nghĩ lại thì chính mình có lỗi với bạn. Quá thờ ơ trong lúc bạn rất cần mình. Suy nghĩ, phân tích, anh biết, nếu thằng này rơi vào môi trường ấy, thể nào cũng ngứa nghề chân tay thì chết” – Nó vui đáp lại.
“Chết! Còn gì nữa đây? Nghề chân tay là gì mà sao em không biết?” – Vợ Bình tò mò.
“Hahaha … Có gì đâu, không hẳn phải chồng em , mà cả một lũ cơ..” – Nó sảng khoái khi nghĩ về chuyện ấy.
Đó là năm 1990. Năm World Cup Italia. Nhà Nó nghèo. Nhưng phải cái tội ai cũng mê thể thao. Nhất là đá bóng. Cả nhà Nó, cả trai cả gai, cả già, cả trẻ. Nhớ lại cái cảnh nửa đêm đi xem ké bóng đá ở vài nhà có TV. Nhất là những nhà không máu bóng đá, xem giữa chừng, có khi phải chuyển địa điểm vì nhà đó lấy lý do phải đi ngủ sáng dậy sớm có việc. Thế là anh trai Nó, gom góp, vay mượn quyết mua bằng được một chiếc TV Samsung đen trắng 21inc. nhà trường lắp ráp. Phải mấy chỉ vàng lận! Một mùa hè bóng đá thực sự đã đến với gia đình Nó. Các thanh niên trong khu tập thể kéo nhau lũ lượt đến nhà Nó xem và bình luận. Có người góp ấm chè. Kẻ mang gói thuốc lào. Thế là vui với bóng đá, không ngủ với bóng đá trong suốt mùa hè Italy ấy. Cũng chẳng có việc gì làm. Học xong, thời gian làm đề tài. Thế là nó thức với bóng đá, xem đi, xem lại cả ngày. Xem đếm “mòn” cả màn hình TV như anh trai Nó nói.. Một tháng sau, cũng như các cầu thủ rã rời từ giã mùa hè Italy. Sức lực Nó cũng như cả gia đình cũng theo đó mà giảm sút, buồn ngủ liên miên! Sự lơ là, mất cảnh giác đã đến… Thế rồi một buổi tối, chiếc TV còn đang cắm điện, nói oang oang không cánh mà bay trong khi các cầu thủ còn đang chạy, đang sút bóng trong giấc mơ của Nó.
Thằng Bình nghe tin vậy. Hội ý với Đạt “lét” là một tay đầu gấu có số má về thành tích sử dụng tay chân và “đồ chơi nóng”. “Chỉ có anh em nhà Hùng “cần” làm vụ này..” – Chúng nhận định như vậy và lên phương án hành động. Tối hôm sau nữa, hai thằng bí mật lôi ngay thằng em là Hiếu “cần” ra khu ruộng lúa sau đó. Thằng thì lấy búa gõ mắt cá chân. Thằng thì sử dụng dày Bata, cứ mồm thằng kia mà sút, như sút bóng… Máu me nhoe nhoét. Hai cái răng cửa văng xuống ruộng. Cái TV nhà Nó chuẩn bị được khai ra , thì bất ngờ có người xuất hiện.. Thằng em một tay công an hình sự quận Lê Chân (tên Hải) xuất hiện. Tay Hải này mua nhà trong khu tập thể gần nhà Nó.  Nghe có thông tin bọn đầu gấu Vạn Mỹ xuống “làm việc” anh em thằng Hùng “cần”. Thế là tay công an hình sự “dởm” này ra tay cứu mấy thằng đệ tử chuyên cung cấp đồ gian trong khu vực ấy. Và tay này đã điều người đến, xuất hiện đúng lúc. Thằng Hiếu “cần” được giải thoát mang theo hình bóng chiếc TV mãi rời xa. Ngặt nỗi, sự việc đâu có dừng ở đó. Dính với dân hình sự mà. Nó biết cách chơi mình.
Thế là ngay đêm đó, thằng anh Hùng “cần” giả vờ uống rượu quậy tung cả khu tập thể. Chúng muốn uy hiếp gia đình Nó. Ba Nó thì lo lắng không biết chuyện gì. Nhất là lúc đó ông nghỉ hưu ra làm trưởng Ban Tư Pháp của phường nữa chứ. Thiện tai, ông tỏ vẻ quá bất bình với hành động của mấy thằng bạn Nó.
“ Nhà có chuyện, chúng nó tự động đến giúp. Không may chúng nó làm theo cách ấy. Nhưng dù sao tấm lòng vô tư của chúng nó mình cũng nên ghi nhận và giải quyết vần đề này sao cho tốt nhất. Chứ không nên kỳ thị lối sống của chúng nó” – Nó phân trần vậy với gia đình.
Chuyện ngay sau đó tưởng ổn thỏa khi ba Nó đã phải mang chút quà sang “nói khó” với nhà gia đình, bố mẹ anh em thằng kia. Chuyện anh em Nó mang tiếng học hành tử tế, ấy thế mà chơi với bọn đầu gấu, đâm chém được loan tin toàn trường. Ba nó buồn lắm. Còn Nó thì không buồn, mà chỉ có lo lo. Đám cưới của chị nó sắp tới…Cái đám cưới đầu tiên trong gia đình Nó. Nó không an tâm!? Nó nhận thấy một số hiện tượng “dàn quân” của tay công an hình sự ‘dởm” nọ. Hơn nữa, từ cách nói ỡm ờ của một  giáo viên trường Nó, người mà nó coi như anh em , lúc ấy chơi với nhóm kia , Nó ngờ ngợ thấy một cái gì không bình thường. Nhất là sau đó, một thằng hàng xóm, trông vóc dáng hơi giống, đi nhờ qua cổng nhà Nó. Đột nhiên mấy thằng côn đồ lạ mặt nhảy ra dùng dao đâm thẳng vào người thằng hàng xóm. Lạy trời, chúng đâm tượt, thằng hàng xóm chạy thoát.
“Nhát dao ấy, chúng định dành cho tao !? Sự việc đã ra vậy, gia đình lại chuẩn bị có đám. Tao không muốn chuyện gì không hay xảy ra.” – Nó nói với thằng Bình và thằng Đạt “lét” như vậy.
Và thế là bằng những hành động “cần thiết”  mà chỉ những ai trong cuộc, trong giới mới có thể hiểu thấu đáo được. Vụ việc đã được giàn xếp. Tại sao chúng lại sử dụng dao một cách đơn giản như vậy?  Sẵn sàng vung dao mà không cần biết người ấy là ai, có quen biết với mình không. Và cũng có thể hiểu tại sao chúng lại rút lui, nhường lại trận địa một cách êm ru như vậy!? . Chỉ có mấy thằng bạn đầu gấu xã hội đen của Nó lúc ấy mới làm được.
“ Việc này không liên quan tới Nó và gia đình Nó. Nhà bạn bè có chuyện, chúng tôi đến giúp đỡ. Nó không nhờ vả gì chúng tôi cả. Chúng tôi biết đứa nào làm vụ này. Nhưng rất tiếc , chúng tôi làm không tốt đến đầu, đến đuôi. Nhưng thôi, hôm nay chúng tôi đến đây thương lượng với ông. Biết rằng ông là CA hình sự của Quận LC. Nên nhờ ông thu xếp vụ này. Còn ngược lại, nếu có bất kỳ điều gì xảy ra với Nó, với gia đình Nó. Chúng tôi đã biết nhà cửa, vợ con ông. Chúng tôi sẽ còn xuống gặp lại ông…” – Thằng đàn anh của Đạt “lét” ung dung xuống nhà, ra mặt như vậy với tay Hải công an hình sự “dởm”.
Một sự việc tưởng chừng rất phức tạp ấy lại được giải quyết một cách nhanh chóng, gọn gàng theo kiểu xã hội đen như vậy. Lúc ấy thằng Đạt “lét” phải nhờ vả đến tận đàn anh của mình để dằn mặt và thu xếp vụ này. Chúng đàng hoàng đi đứng và đưa ra những lời đối thoại rất đặc thù trong giới. Qua sự việc này, con mắt Nó với những thằng đầu gấu trong đó có những thằng bạn như Đạt ”lét” đã thay đổi một cách mạnh mẽ. Chúng sống có tình, có khí. Chúng cư xử cũng nhân văn khác với những biểu hiện , lời nói ta hay thấy. Chúng cũng  tốt đẹp, chí ít là đối với Nó trên tinh thần bạn bè. Khác hẳn với sự lưỡng lự , hèn nhát và a dua cùng với đám trộm cắp, công an giả danh của một người anh, người thầy giáo kia của Nó. Điều đó đã làm Nó suy nghĩ và mang mãi trong lòng một nỗi buồn và thất vọng về một người anh, một người thầy. Trái người với thế giới kia của những thằng bạn đầu gấu của Nó. Mặc dù cách hành xử của chúng xem ra khác kiểu với những người ngoài giới. Nhưng nguồn cội của các cách hành xử ấy đôi khi xuất phát từ nghĩa khí và tấm lòng của con người đối với con người. Thực ra thằng Đạt “lét” sau đó vào tù, ra tội suốt. Có lúc bị truy nã , Đạt “lét” đã vào ở nhà Nó mấy ngày mà Nó không biết. Qua cách dặn dò của Đạt “lét” về sự đề phòng, và sự cương quyết phản đối của Bình. Cuối cùng Nó biết và Đạt “lét” ra đi. Sau đó, Đạt “lét” bị bắt ở Lâm Đồng. Tiếp tục bị xử tù và di lý ra ngoài Bắc ngồi tù tiếp. Chúng có tội, pháp luật xử chúng ở tù. Rất đúng!  Nhưng chúng là bạn Nó. Nó tôn trọng chúng và sống như với người bạn thực sự..
                                                          *
              *          *
Đời người luôn đồng hành bên cạnh là những chuyến đi. Chuyến đi ngược của “Bình đầu to” là như vậy. Quay ngược về Hải Phòng, nơi gia đình đợi Bình ở đó. Nơi đó may mắn còn có những cái hồ, đoạn sông để thi thoảng được sống lại cảm xúc bình an của một thằng thả câu. Ngồi lặng thinh suy ngẫm sự đời, nhâm nhi hớp rượu nhạt cùng vài hạt lạc rang. Để rồi bất chợt, hoạt bát, lanh lợi khéo léo kéo lên một con cá. To nhỏ khác nhau, nhưng đều được sống trong cảm giác bùng nổ sau những phút dây tĩnh lặng , đợi chờ.
Kẻ mê câu cá ấy, sau khi ra lại Hải Phòng, với chút ít mong đợi của thằng bạn nơi đất Sài thành làm hành trang. Như kẻ văng câu, Bình lặng lẽ xây dựng lại cuộc sống của mình từ một cái bàn bi-a lúc ấy. Một công việc rất hợp với tính cách phóng túng pha lẫn một chút chợ trời bản năng vốn có của Bình.
…Và chuyến vào Sài Gòn của Bình hai năm sau đó, như muốn khẳng định với thằng bạn một lần nữa. “Bình đầu to” đã giữ đúng lời hứa. Như kẻ văng câu, chờ kéo cá. Lùi một bước để tiến lên. Những nhắn nhủ từ Sài Gòn hơn năm trước đã được thực hiện. Những tình cảm ấu thơ tiếp tục được sẻ chia và vun đắp. Cuộc sống của Bình và gia đình, tuy chưa khấm khá, nhưng đã ổn định để nhìn về tương lai. Chuyến đi cũng là một phần thưởng cho thằng Bình “con”, thằng con trai duy nhất cho đến giờ. Một thằng đầu to nữa, có lẽ lại giữ một trọng trách quan trọng như bố nó. Nối dõi cái dòng họ mà theo thống kế rất nhiều đàn ông đoản thọ. Tương lai cũng nằm ở thằng Bình ‘con” ấy. Chắc đời cháu sẽ khá hơn. Cũng như một cái điềm vui. Ngày sinh nhật của cu cậu lại nằm đúng trong chuyến đi mừng công của gia đình nhỏ ấy. Một chuyến đi đầy ký ức và hứa hẹn nhiều niềm vui phía trước. Cũng dễ hiểu thôi, những ngày tháng khó khăn chắc cũng không có nhiều điều kiện để lo cho con một sinh nhật hoành tráng cho cu cậu. Giờ thì chắc đã khác rồi, cuộc sống khá hơn đến với Bình. Nó nghĩ vậy và mừng cho thằng Bình “con” ấy.
Nói vậy thôi, kể cả lúc khó khăn, tính Bình vốn vẫn vậy, chu đáo và tâm lý với Nó. Bình cứ lẳng lặng đi bên cạnh cuộc đời học sinh và sinh viên của Nó mà chẳng cần đòi hỏi và kêu ca. Từ ngày còn đi học, sau đi làm, và sau này Bình vẫn luôn thế. Nó luôn nhận được tấm lòng vì bạn của Bình, kể cả trong những lúc Bình gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là những lúc Bình ra đời đi làm sớm... Tốt nghiệp phổ thông xong. Bình, đi bộ đội, sau đó xin được vào học tại trường đào tạo ngoại ngữ quân sự. Học tiếng Trung. Những năm chiến tranh biên giới, tiếng Trung rất cần nên cái trường nghiệp vụ ngoại ngữ quân sự ấy được hình thành. Đào tạo tiếng Trung,. Bình nghe nói, thời gian thực tập, sinh viên phải luồn sâu vào nội địa Trung Quốc. Để nghe,  để nắm tình hình… Chiến tranh biên giới, sự  rủi ro có thể xảy ra khi nhập địa Trung Quốc. Cũng như nhiều đồng đội khác. Bình cũng rát gan, sợ chết… Thế là một nhóm phá lệnh. Bị đuổi khỏi trường, cho đi cải tạo… sấc bấc sang bang với cái lý lịch ấy. Với sự hỗ trợ của Nó trong chuyện xin xỏ, thay đổi nội dung lý lịch. Bình chạy chọt vào làm công nhân ở nhà máy sắt tráng men nhôm Hải Phòng. Có tiền, Bình hoang lắm, ngoài chút tiền ăn đóng góp cho mẹ hàng tháng. Còn lại Bình tập chung hết cho tiêu pha hàng tháng, đặc biệt là đầu tư phụ thêm cho Nó tiếp tục việc học hành. Tiền học thêm dự thính hàng tháng Bình cứ đến trường đóng cho Nó. Quần áo, Bình mua cho mình là y như Nó có một cái. Từ cái quần lót đến cái áo may ô… Đến độ, thời sinh viên, thèm thuốc Nó cứ ra “ghi sổ” là cuối tháng lĩnh lương, Bình lại đi một vòng các quán trả thay cho Nó. Nó không yêu cầu, Bình không cần hỏi Nó, cứ lặng lẽ làm cái công việc mà Bình thấy là cần làm.
Đúng vậy, cuộc sống sinh viên nghèo khó của Nó cứ trôi bên cạnh một thằng bạn công nhân cung ứng tiền tiêu vặt cho Nó. Nó chẳng cần nói gì cả. Nhưng kỳ lạ, “thằng Bình đầu to” luôn đoán và hiểu được ý của Nó. Và thế là Bình lại cứ lẳng lặng làm cái việc Bình nghĩ nên làm ấy.Rồi đến một đêm tháng 10 năm ấy. Trong tâm trạng hững hờ, Nó lâng lâng đi bộ đến nhà Bình như mọi khi. Mặt nó bần thần khó tả, bụng dạ cứ cồn cào như có một sự kiện lớn nào sắp xảy ra đối với Nó.
“Không hiểu sao hôm nay tao thấy trong lòng cứ nao nao thế nào ấy, không biết có ai đó đang mong.” – Nó phân trần với “Bình đầu to” như vậy. Nó thì có ai mong!
“ Mày đợi tao một tí.” – Bình láu lỉnh nói vậy sau vài phút trầm tư.
“ Hôm nay là sinh nhật của mày. Nào cùng chúc mừng” – Sau 5 phút, Bình chạy xuống cầu thang khu 5 tầng và mang về một gói thuốc bông sen, một chai rượu nút lá chuối và mấy gói lạc. Và Bình chúc sinh nhật của Nó một cách tình cờ trước sự ngỡ ngàng rưng rưng của Nó.
Bình rót rượu. Nó và Bình cụng ly….
“Đó là lần sinh nhật đầu tiên được tổ chức trong đời của Bác đấy. Ba cháu tổ chức cho Bác. Như ba Bình tổ chức sinh nhật cho cháu ngày hôm nay đấy mà!” – Nó kể lại câu chuyện ấy, và nghẹn lời nói với thằng Bình “con” trong buổi sinh nhật của cháu như vậy.
Cũng như thế hệ Ba mẹ Nó, Nó cũng chẳng thèm nhớ ngày sinh làm gì. Có ai tổ chức sinh nhật đâu chứ. Khó khăn, suy nghĩ đến miếng cơm manh áo đã mệt rồi, thời gian đâu mà nhớ tới sinh, tới nhật. Cuộc đời Nó, nghèo khó đi lên . Trong hành trang vào đời của Nó có cả những bộ quần áo, đôi dày, đôi dép, những khoản tiền học mà thằng bạn nghèo của Nó gom góp dành dụm cho Nó nữa. Ngoài công lao của ba mẹ, sự trân thành và lòng bao dung của bạn Nó đã tiếp thêm sức mạnh cho Nó trong những ngày tháng khó khăn. Ba mẹ sinh ra nó vào một cái ngày tháng năm 1967. Và rồi bạn Nó, thằng “Bình đầu to” đã cho Nó một cái cảm giác bất ngờ, lâng lâng cảm xúc vào một ngày đặc biệt được tổ chức đầu tiên trong đời năm ấy, ngày sinh nhật của Nó.
“Thằng Bình con” và mẹ nghe câu chuyện này thì thích thú lắm. Cả hai mẹ con, nhất là thằng nhóc nhìn Ba mình với ánh mắt ngưỡng mộ. Ừ nhỉ, sao mà không ngưỡng mộ cho được cơ chứ!? Hình như “thằng Bình con” còn cảm nhận được nhiều hơn từ câu chuyện của Nó. Thức ăn ngon trên bàn, hình như chẳng được bận tâm, thằng nhóc cứ lăng xăng ra quấn quít bên chân Ba. Có lẽ thằng nhóc cảm nhận rằng, món quà sinh nhật của mình chính là câu chuyện mà Nó kể trong ngày sinh nhật hôm ấy. Đó cũng chính là tấm lòng mà Ba quan tâm trong việc tổ chức sinh nhật chứ không phải là những mòn quà cụ thể hiển hiện trên bàn kia.
Còn thằng Bình, không nói gì cả, cứ gật gật cái đầu to quá cỡ và ít tóc quá mức, nhấm nháp từng hớp rượu, mắt nhìn xa xăm. “Trong này kênh rạch nhiều thật. Ngoài kia, cái lạch bữa trước mày thấy tao hay văng câu bị san lấp mất rồi. Bây giờ chỗ ấy là một bãi chứa container. Có lẽ phải tìm một cái lạch mới, thi thoảng được văng câu” – “Thằng đầu to” trầm ngâm, thủng thẳng nói vậy….
Có lẽ Nó thử nghe thằng bạn một lần xem sao. Đi văng câu..! Để được tận hưởng cái trầm ngâm và suy ngẫm mà bạn Nó hay làm. Để thời gian của Nó như được giãn ra, dài thêm. Để cuộc sống của Nó nơi mảnh đất phồn hoa, vội vã này như  chậm lại. Tuyệt lắm! Cuộc sống  như chậm lại. Và như vậy, Nó sẽ níu kéo lại nhiều hơn dư âm và kỷ niệm. Ừ nhỉ, có lẽ Nó nên bắt đầu. Nhưng trước mắt, cuối tuần này,  ra Hải Phòng nhất định Nó sẽ rủ “thằng đầu to” đi văng câu ở cái lạch mới nào đó.

(HCM – 12/4/2011- Giỗ Tổ Hùng Vương)

12 nhận xét:

  1. Cảm động đấy. Tay này hóa ra có nhiều bạn bè giang hồ ra phết.
    Trong sách tập đọc lớp 1 hay lớp 2 hồi còn đi học tôi còn nhớ có câu: " Bạn thân suốt đời quí hơn vàng bạc"

    Trả lờiXóa
  2. Ko thể nào đăng được, lỗi od gì đây???

    Trả lờiXóa
  3. Hehe chào bác Vicence . Em thấy comment của bác rồi đấy.

    Trả lờiXóa
  4. Nó khoe khéo thật đấy: Lớp trưởng có nòi này, có bạn nối khố là đầu to như gấu này, hay được khen này, có khiếu bói toán này... Nhưng Nó có vẻ hay gây ra những trò đùa oái oăm để mọi người tức điên lên mà vẫn thấy ... duyên duyên.

    Trả lờiXóa
  5. Thì phải khoe thì mọi người mới biết chứ. Dương cũng khoe đi.

    Trả lờiXóa
  6. Ô này có giọng văn kiểu tưng tửng như gảy đàn hay phết, thêm chút hài hước trong giọng kể tự sự khiến người đọc cứ phải nhảy lên nhảy xuống. Phát huy nhé

    Trả lờiXóa
  7. Cái này thì phải nói là "sẻ chia" chứ ai lại nói toạc móng heo là "khoe" . Người ta Xấu hổ chết...

    Trả lờiXóa
  8. Đây là khoe bạn. Bây giờ bọn teen hay nói :" khoe hàng..."

    Trả lờiXóa
  9. Ah thế cho hỏi: Lần về này Nó có đi quăng câu với ông bạn đầu (to như) gấu đó được không?

    Trả lờiXóa
  10. Tôi nghĩ kiểu này , 2 ông này lại đi văng câu ờ ĐẠI THỐNG đường Lê Đại Hành (chỗ này tôi biết rất nhiều seafood và lẩu cua đồng ngon). Cũng đúng thôi, già cả rồi, ra sông ra lạch nhỡ rơi xuống đó chết đuối khổ vợ, khổ con. Thay bằng vào đó, mát mẻ, dễ câu. Khoảng 1 tiếng đồng hồ là mỗi ông câu được một bụng ngay. Là thêm một chai rượu thì cứ gọi là lặc là, nhất ngưởng....

    Trả lờiXóa
  11. he he, tôi tưởng đi quăng câu loại cá 47kg nữa, khi đó bụng bớt lặc lè ngay... (^_^)

    Trả lờiXóa