Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

LÀM ĂN THỜI KHỦNG HOẢNG (Tác giả:Trần Sĩ Chương)

Đôi điều về tác giả

Ông Trần Sĩ Chương, Managing Principal của Le&Associates, là nhà đầu tư – Chuyên gia tư vấn Quản lý Tài chính & Chiến lược với 20 năm kinh nghiệm tại châu Á. Ông cũng đã từng là Chuyên viên cố vấn kinh tế, ngân hàng và trợ lý pháp lý ngọai giao và ngọai thương Quốc Hội Hoa Kỳ... Từ 1995 đến 2005 ông làm việc tại Việt Nam với chức danh Giám đốc điều hành của James Riedel Associates, Inc., một công ty tư vấn kinh tế quản lý quốc tế có trụ sở tại Washington D.C, cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các tổ chức quốc tế như World Bank, IFC, JBIC, JERI, USAAID; và các dịch vụ quản trị và đầu tư cho các ngân hàng và các tập đoàn kinh tế đa quốc gia... Ông thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam & viết báo, viết sách về Quản trị tài chính, FDI, quản trị doanh nghiệp, chính sách đổi mới kinh tế, ngân hàng, thương mại…
Hiện ông đang là Chủ tịch điều hành Quỹ Đầu Tư TranInvest tại Mỹ do ông sáng lập cùng một số cộng sự.
KT26 từng dự một số buổi hội thảo có Ông Chương tham gia thuyết trình và đọc cuốn sách của Ông với tựa đề : Nói Chuyện Làm Ăn.


       Thế giới đang trong thời kỳ biến động với những sự kiện phức tạp chưa từng có. Không riêng gì doanh nghiệp trong nước, giới thương nhân toàn cầu đều khó dự đoán được cục diện kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu. Điển hình như câu chuyện khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ đã bắt rễ từ trước thời điểm 2007, khi sự mất cân bằng giữa các cường quốc kinh tế dần lộ diện. Mỹ vung tay quá trán, trong lúc các nước như Trung Quốc làm nhiều, tiết kiệm triệt để, dẫn đến sự mất cân bằng và cái giá phải trả là hệ thống bị đảo lộn, kéo theo những hệ lụy lớn. Tình hình tại châu Âu cũng không kém trầm trọng do số nợ xấu các nước này còn gấp đôi Mỹ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa manh nha. Khả năng giải quyết khủng hoảng của châu Âu lại ở mức thấp, khi họ thiếu một hệ thống tự điều chỉnh tốt và hệ thống chính trị - kinh tế đồng nhất như Mỹ, điều mà một cộng đồng vốn đến với nhau một cách gượng ép như châu Âu không có được. Giữa lúc đó, những biến động ở Trung Đông, thiên tai tại Nhật Bản càng đẩy giá dầu, giá nguyên nhiên liệu tăng cao, góp phần nảy sinh lạm phát toàn cầu khó lòng cưỡng lại được. Theo những dự đoán lạc quan nhất, tình hình kinh tế thế giới khó có thể đạt được mức độ bình ổn tương đối ít nhất trong vòng 3-5 năm tới.
Cần nhìn lại các nguyên tắc kinh doanh
Trở lại vấn đề của Việt Nam, rõ ràng hệ thống chính sách vĩ mô trong nước đang có vấn đề. Sau những đổi mới, cải cách tích cực từ thập niên 1990, nhiều việc cần phải làm vẫn chưa được làm, những điều cần được tiếp tục đổi mới thực hiện quá chậm, khiến nội lực không đủ đáp ứng cầu của xã hội, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp kéo theo nhiều hệ lụy như lạm phát, tỷ giá tăng cao. Nền kinh tế một quốc gia cũng như thân thể con người, khi lối sống không chuẩn thì ngũ tạng dần có vấn đề, vận hành không tốt, dẫu ăn nhiều nhưng chỉ béo phì, tăng trưởng bề ngoài nhưng sức khỏe nội lực không tăng. Ở thời điểm hiện tại, Nhà nước bắt buộc phải có các biện pháp mạnh (dù một số giải pháp tình thế không được xã hội đồng tình), nhưng không thể không làm, bởi đó là cách ổn định tạm thời gần như duy nhất trước khi nghĩ đến việc chữa trị lâu dài.
Câu chuyện tỷ giá là một điển hình cho việc ứng phó tức thời, cấp bách, trong khi lý ra phải có một lộ trình cụ thể và dài hơi hơn, tránh gây sốc cho người dân. Điều này đang gây khó cho doanh nghiệp không ít, khiến môi trường kinh doanh thêm phức tạp.
Khó càng chồng thêm khó khi cái đáy của kinh tế thế giới và của cả kinh tế Việt Nam xảy ra cùng thời điểm. Đứng trước tình hình này, người chủ doanh nghiệp cũng khó lòng nhìn thấu suốt để định hướng được lối thoát cho tương lai.
Không có “giải pháp” nào hiện nay có thể đúng cụ thể cho tất cả ngành nghề. Mỗi doanh nghiệp lại có quy mô, lợi thế, đặc thù khác nhau. Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp lúc này là xem lại các nguyên lý bất biến trong quản trị kinh doanh.
Tôn Tử được biết đến nhiều là tác giả của Binh pháp Tôn Tử (The Art of War), nhưng ông còn là bậc thầy của nghệ thuật lãnh đạo. Người điều hành doanh nghiệp, không khác gì lãnh đạo một quốc gia, phải thấu hiểu năm nguyên tắc cơ bản gồm Đạo, Thiên, Địa, Tướng, Pháp. Năm nguyên tắc này có tính hệ thống sâu sắc và có thể ứng dụng linh hoạt cả trong nghệ thuật quản trị kinh doanh.
Trong chuyện làm ăn, thiên thời đồng nghĩa với chiều hướng của câu chuyện làm ăn toàn cầu mà doanh nghiệp đang bị cuốn theo, khó lòng chủ động được. Địa là yếu tố mang tính không gian, nghĩa là hoàn cảnh riêng trong nước của từng doanh nghiệp. Cả Thiên và Địa đều là yếu tố khó thay đổi hay chủ động, nhưng doanh nghiệp phải biết thức thời để tạo thế cho chính mình (dựa trên tình hình thực tế để đoán định phần nào diễn biến sẽ đi về đâu và vị trí của bản thân trong thời và cuộc ấy). Từ đó mới áp dụng được cái Đạo - con đường sáng để giải quyết vấn đề, duy trì phát triển doanh nghiệp. (Trong nghệ thuật lãnh đạo đất nước “Đạo” được đưa lên hàng đầu, là nghệ thuật lãnh đạo của người làm Vua, là tố chất bao gồm Nhân, Trí, Tín, Nghĩa và Dũng).

Ngay cả trong thời thế hiện tại, vấn đề cốt lõi vẫn là con người - con người trong doanh nghiệp (đội ngũ nhân viên) và con người ngoài doanh nghiệp (khách hàng và hiệu ứng từ xã hội để tạo nên thương hiệu). Đây là điểm then chốt để doanh nghiệp đứng vững, bởi chỉ cần một trong hai con người lung lay, doanh nghiệp cũng khó lòng duy trì. Trong thời kỳ khó khăn, nhiều lãnh đạo có xu hướng cắt giảm chi phí và nhân công, nhưng cần phải có cách để xử lý ổn thỏa. Cắt giảm ai để không mất người tài để khi tình hình khả quan hơn, vẫn còn một bệ phóng tốt cho doanh nghiệp tiến xa. Cắt giảm và xây dựng chế độ cho người ở lại hay kẻ ra đi đều không thể “qua cầu rút ván”. Đó là cái Nhân và cái Nghĩa của đạo lãnh đạo. Người tài (“Tướng”) ở lại cần được đãi ngộ để gánh vác khó khăn cùng doanh nghiệp, nhưng người ra đi cũng phải thấy vui vẻ, hài lòng. Bởi một điều quan trọng là khi cần nhân sự thì sự gia nhập lại của người cũ có giá trị gấp nhiều lần việc tuyển dụng người mới, nhờ họ đã hiểu và chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, đồng thời cảm kích cơ hội có lại việc làm. Độ gắn kết sẽ cao và bền vững hơn.
Đối với con người ngoài doanh nghiệp, câu chuyện thị phần quyết định tất cả trong kinh doanh. Trong thời kỳ khó khăn, bản thân doanh nghiệp và các bạn hàng đều lao đao. Thái độ chia sẻ, cảm thông vào thời điểm khó khăn sẽ là phương cách để “giữ mối” về lâu về dài, khiến đối tác, khách hàng luôn nhớ đến những hình ảnh tốt đẹp về doanh nghiệp trước tiên khi hợp tác hậu khủng hoảng. Yếu tố tình cảm trong kinh doanh không phải là chuyện ngoài lề, cần tạo điều kiện để hành vi của mình không chỉ làm tốt mà còn làm lợi cho người đồng hợp tác. Đó là cái “Pháp” đối nhân xử thế trong và ngoài doanh nghiệp, yếu tố tạo nên thương hiệu - hình ảnh công ty rất thuận lợi để phát triển sau này.
Tỉnh táo để định hướng đi
Nguyên tắc cơ bản của hoạt động kinh doanh bất cứ khi nào là tăng thu, giảm chi, tích cực tái cấu trúc để làm cho hệ thống ngày càng tinh gọn hơn. Tăng thu trong thời kỳ khó khăn thực chất chỉ là giảm độ suy thoái, giảm mất mát ở mức độ tối đa có thể được. Giảm chi là cả một nghệ thuật, vì nếu cắt phạm da thịt, phạm xương thì thiệt hại còn lớn hơn. Do đó, cần tỉnh táo để cắt bỏ phần không cần thiết và giảm chi phí cố định xuống mức thấp nhất có thể. Riêng việc tái cấu trúc tuy có vẻ mơ hồ, nhưng đơn thuần là làm cho hệ thống tinh và gọn nhất để tăng hiệu suất đầu tư, tạo nhịp điệu hài hòa cho cả bộ máy và nâng hiệu suất kinh doanh lên cao nhất. Tái cấu trúc không chỉ nằm ở kỹ thuật, mà còn là vấn đề tư duy. Thực hiện được cả ba yếu tố trên là cả một ngành khoa học vận hành, cần những tư vấn thật sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp vẫn có thể bằng cảm quan bình thường (common sense) để cảm nhận và giải quyết được một số vấn đề trước mắt. Nhiều chủ doanh nghiệp thấy được vấn đề nhưng không có quyết tâm và ý chí thay đổi vì đòi hỏi cái “Dũng” - điều khiếm khuyết hơn cả trong bản năng con người. Rào cản lớn cho cải tổ là đòi hỏi nhiều hy sinh về mặt tình cảm, thời gian, ngay cả sự tự tin vào mục đích của cuộc làm mới này. Người lãnh đạo trong thời kỳ gian nan cần có sự quyết liệt, nếu không doanh nghiệp cũng sa vào vũng lầy của nền kinh tế - đã biết được chuyện gì đúng cần làm nhưng không có ý chí triển khai một cách nghiêm túc, triệt để. Chuyện gì đúng mà không dứt khoát làm thì sẽ phải trả giá. Để càng lâu, cái giá phải trả càng cao. Đến một lúc nào đó, khi không trả nổi cái giá do mình tạo ra, doanh nghiệp sẽ phá sản.
Rõ ràng, đứng trước khủng hoảng lớn hiện tại, doanh nhân cần tỉnh táo để định hướng mình. Thông thường, phản ứng dễ gặp nhất của lãnh đạo là làm sao để duy trì được doanh nghiệp, đợi thời phát triển. Nhưng khi nào cũng còn có hai sự lựa chọn khác. Một là không làm gì hoặc làm tối thiểu để sống, chờ đúng thời điểm để đầu tư trở lại. Hai là sau khi định vị tình thế, thời cuộc và vị trí bản thân, họ có thể bỏ đi làm chuyện khác hợp thời hơn. Việc nắm thông tin và khả năng xử lý để tiên liệu là đức tính cần phải có để vượt khủng hoảng.
Trong “nguy” tất có “cơ”. Hiện nay, thật sự có không ít cơ hội đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, cần làm rõ hai khái niệm “làm tiền” và “đầu tư”. Đầu tư có thể là làm tiền, nhưng làm tiền không có nghĩa là đang đầu tư. Làm tiền là làm bất cứ thứ gì (mua bán ngắn hạn, đầu cơ, lướt sóng…) để kiếm ra tiền. Đầu tư là phương cách làm tiền dài hạn (phải nghĩ đến hai năm trở lên), thay vì ngắn hạn. Trong thời nguy biến, cơ hội đầu tư thường rất cao, khi hầu hết đều thiếu vốn, dẫn đến “giá” tài sản xuống rất thấp - cũng đồng nghĩa là “giá trị” lâu dài của tài sản đang tăng. Giá trị lâu dài thật sự của một tài sản là giá trị sử dụng, sinh lợi từ tài sản đó. Như vậy, một căn nhà có “giá” 100 cây vàng có thể được sử dụng để ở, hoặc kinh doanh, cho thuê, có “giá trị” đầu tư dài hạn cao hơn 100 cây vàng bỏ dưới gầm giường không tạo ra một giá trị nào cả, mặc dù ngắn hạn giá vàng có thể tăng và giá nhà có thể xuống.
Chứng khoán trong nước cũng đang ở mức “đáy”. Nước xuống kéo theo mọi thuyền xuống, nhưng không phải con thuyền nào cũng giống nhau. Những công ty có tài sản tốt, mô hình kinh doanh tương đối chuẩn đang có chung số phận trong điều kiện suy thoái. Nhưng khi nước dâng thì đây là những con thuyền có khả năng lướt đi rất nhanh.
Có thể nói, đầu tư đang là một “đường thoát” cho doanh nghiệp, thay vì phải tất tả đi tìm khách hàng mới, phát triển thị trường…, chi tiêu nhiều cho tiếp thị mà hiệu quả không được bao nhiêu.
Điểm tiên quyết cho mọi vấn đề nằm ở vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp biết thức thời, biết tạo thế mới, giữ được “nhân” hòa và định một con đường riêng bản lĩnh nhất.
25/4/2011

2 nhận xét:

  1. Bài này tôi đã comment 2 lần rồi, mất hết. ko rõ ng.nhân gì,, Ai hiểu vấn đề này thế nào, xin chỉ giúp, đa tạ.

    Trả lờiXóa
  2. Cái đó là do lỗi mạng thôi bác Vicent ạ. Bọn em cũng thỉnh thoảng gặp.

    Trả lờiXóa