(Thùy Dương Sưu Tầm) | |
Gần đây, trên một tờ báo có đăng một bài viết của một 9X trình bầy những quan niệm của mình về sự hi sinh. Đó là em Hoàng Thùy Trang, học sinh lớp 12 phổ thông trung học Amsterdam, Hà Nội. Phản đề của học trò này khiến nhiều người đặc biệt chú ý. Tuổi teen các em rất nhạy cảm. Những quan niệm này cần được những nhà làm giáo dục xem xét, nghiên cứu .Cần khuyến khích phản biện trong giới trẻ, nhất là học sinh phổ thông và nhà trường cũng nên nhìn nhận những học sinh được cho là “cứng đầu” dám “cãi” lại thầy như là biểu hiện của óc thông minh và tính dũng cảm khẳng khái. Định nghĩa hy sinh, Hoàng Thùy Trang đã viết “Hy sinh, là hành động đánh đổi một thứ quan trọng với bản thân cho một điều khác được coi là đáng quí hơn.” Em đã nhầm lẫn giữa khái niệm “hi sinh” và sự “đánh đổi”. Ta hãy xem lại “Hi sinh” là gì?. Theo từ điển tiếng Việt, nhà xuất bản khoa học xã hội xuất bản năm 1977, “hi sinh là bỏ cả quyền lợi, có khi cả tính mệnh của mình để làm việc nghĩa”(trang736), còn từ điển tiếng Việt do giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm từ điển học xuất bản năm 2007 thì định nghĩa “Tự nguyện nhận về mình sự thiệt thòi, mất mát lớn lao nào đó vì một cái gì cao đẹp”(trang 542). Như vậy, chưa có một định nghĩa nào được cho là thỏa đáng. Người có đức hi sinh hẳn phải là người có tấm lòng cao cả, không so đo tính toán trước khi hành động, sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về mình, đặt lợi ích của người khác hay cộng đồng lên trên hết. Thùy Trang nêu hiện tượng một cô diễn viên Hàn Quốc đi đến một khu ô chuột nghèo khổ, nơi vốn là bãi rác thải của thành phố và có cộng đồng người vô gia cư sống vất vưởng ở đó. Cô đã đến rất nhiều nhà, đi bới rác cùng các em nhỏ, tắm rửa cho các em, và một mình nấu cơm cho cả trăm người. Và Trang đưa ra nhận xét “Quả là một sự hi sinh lớn lao cho một diễn viên cao quí. Nhưng không biết các thước phim có bao phần đã được viết kịch bản, những giọt nước mắt của cô có bao phần là nước lã. Chỉ biết là sau đó cô lần lượt lên các loại talk show, các trang nhất, và được tôn vinh là người đẹp có tấm lòng nhân hậu” Nếu nhận thức được như vậy thì rõ ràng hành vi của cô diễn viên người Hàn kia không phải là hi sinh mà là một thủ đoạn đánh bóng tên tuổi thể hiện lối sống ích kỉ, thấp hèn.. Trang viết “Có những người trong chúng ta sống cả đời hết lòng giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, giúp đỡ những người khó khăn hoạn nạn, và sau đó nghĩ mình là người tốt. Thật ra, những người đó có mất gì đâu khi cứu giúp người khác, nếu như họ quan niệm một lời khen ngợi, lòng biết ơn của người khác đáng giá hơn tiền bạc và thời gian.” Người có tấm lòng cao cả, có đức tính luôn sống vì mọi người, lên tàu xe nhường chỗ ngồi cho người già, nhường cơm sẻ áo cho người gặp khó khăn hoạn nạn v.v chỉ là nếp sống văn hóa của con người trong xã hội văn minh, chứ không nên hiểu đó là sự hi sinh. Sống ở đời rất cần có tấm lòng, chỉ để cho “gió cuốn đi” như ca từ bài hát của Trịnh Công Sơn, ai nghĩ được như thế thì cõi lòng sẽ luôn thanh thản. Người nào giúp đỡ người khác không phải để ban ơn hẳn phải là người nhân hậu, luôn hướng thiện, đáng khen lắm, nhưng đấy không thể coi là sự hy sinh mà chỉ là lối sống của người có văn hóa, có giáo dục. Xã hội tốt đẹp bởi có nhiều người như thế. Thiết nghĩ, không nên lạm dụng hai từ “hi sinh”. Trong đời sống hằng ngày, nhiều người đã sử dụng nó một cách vô lối. Hi sinh một cái quần mới để lội qua vũng bùn. Hi sinh một buổi học để giúp bác hàng xóm đưa con đi bệnh viện…Hi sinh chỉ có thể gắn với sự vĩ đại, anh hùng.Quan niệm truyền thống này chưa thể coi là lạc hậu. Người mất nhiều công sức, tiền của để mua danh, người trả mọi giá cho lợi ích bản thân …sao có thể gọi là hi sinh? Người không nghĩ đến bản thân, sẵn sàng chết hoặc mất mát những cái vô cùng lớn lao vì người khác, đấy mới là hi sinh. Người có đức hi sinh theo đúng nghĩa phải là người không hề nghĩ mình sẽ đựơc cái gì sau sự hi sinh ấy.Nên chăng ta có thể định nghĩa “Hi sinh là tự nguyện chịu mất đi những gì quý giá của mình vì lợi ích của người khác (hoặc cộng đồng) mà không cần đổi lại được gì cho bản thân” Cái đáng lo ngại nhất ở nước ta hiện thời là đang phải đối mặt với nạn đạo đức giả. Nó đã làm trắng đen, xấu tốt, phải trái, kỉ cương đảo lộn. Sự không rạch ròi, minh bạch đã khiến nhiều người mất phương hướng, trở thành người vô cảm, mất lòng tin. Chính vì vậy mà sự hi sinh cao cả không mấy ý nghĩa đối với họ. Nhìn vào nước Nhật Bản qua thảm họa động đất sóng thần ta đã nhận ra một điều, dân tộc họ có nền giáo dục rất căn bản. Một dân tộc bản lĩnh, kiên cường, bình tĩnh, sắt đá, sẵn sàng đương đầu với những thử thách khốc liệt nhất. Người ta hành động với một ý thức đầy trách nhiệm trước cộng đồng.Và điều quan trọng nhất là mọi người đều trung thực, trong sáng. Một xã hội trung thực thì sự hi sinh mới thật sự có ý nghĩa. Hoàng Thùy Trang cũng đã đưa ra câu hỏi : dân ta, một dân tộc với truyền thống lá lành đùm lá rách, liệu có thể thẳng thắn thừa nhận sự thật về một lỗ hổng văn hóa lớn, và học tập được những gì.? Hoàng Thùy Trang kể lại một Clip đã từng được xem. “Đoạn phim kể về người bố làm nhân viên điều khiển cầu mỗi khi có tàu hỏa qua lại, và người con trai yêu dấu duy nhất, vốn rất thích thú với các chuyến tàu và các hành khách trên đó. Một lần, không may bộ phận điều khiển tự động gặp trục trặc đúng lúc có một đoàn tàu sắp đến. Người trên tàu không ai hay biết gì, ông bố cũng không để ý. Chỉ có cậu bé đang chơi gần đó, hiểu ra vấn đề và đã cố gắng dùng cần gạt tay để hạ cầu xuống. Đến khi người cha nhận ra thì đã quá muộn. Con ông bị mặc kẹt bên dưới gầm cầu. Trong chưa đầy một phút nữa thôi, ông sẽ phải quyết định, hoặc để cả đoàn tàu bị chết, hoặc hạ cần điều khiển tay xuống, và con trai ông sẽ bị nghiền nát. Người đàn ông đã hạ cần gạt. Kết thúc phim tưởng chừng là bi kịch, nhưng ông ta lại nhìn thấy được những gương mặt ngời sáng, những đứa trẻ xinh xắn đã được ông ta cứu sống, những số phận đã được thắp lên niềm tin khi biết mình vừa thoát khỏi tử thần. Và rồi người đàn ông đó lại có thể nở một nụ cười trên môi” Và Trang đưa ra điều mình suy ngẫm “Đoạn phim ngắn đó chỉ phản ánh được một lát cắt của cuộc đời, và nó thuần túy hư cấu cũng như mang tính giáo dục. Về phương diện xã hội, ông ta là anh hùng, đã cứu sống hàng trăm mạng người và phải hy sinh đứa con trai yêu quí. Cho dù vậy, chính tay ông ta đã giết con trai. Dù ông ta biết, và ai cũng biết, hành động của ông là đúng đắn, nhưng rồi cả cuộc đời mình, sẽ có những lúc cô đơn, những lúc hụt hẫng, người đàn ông bất chợt nhớ lại khoảnh khắc nhấc thân thể đứa con nát bét từ dưới gầm cầu lên, mang xác con trên tay và gào thét vào đám người ngơ ngác không hiểu nổi nỗi đau đớn mà ông đang phải chịu đựng. Rồi sẽ có lúc ông quên mất những con người ông đã cứu sống, và chìm đắm vào nỗi đau mất mát. Sẽ có những lúc ông hối hận, tự nguyền rủa bản thân vì quyết định trong quá khứ. Lúc xem phim, tôi không dám tự hỏi bản thân nếu là người cha sẽ quyết định thế nào. Và đến bây giờ, tôi cũng không biết mình sẽ quyết định thế nào.” Với câu chuyện này, đấy chính là sự hi sinh cao cả. Người cha ấy xứng đáng được tôn vinh anh hùng. Vấn đề là ở chỗ xã hội nhìn nhận sự hi sinh ấy thế nào và thái độ ứng xử về lâu dài đối với người cha mất con ấy ra sao. Không thể quan niệm cha “giết con” để cứu đoàn tầu và hàng trăm sinh mạng được. Trong khoảnh khắc, người cha phải đưa ra quyết định. Một bên là đứa con duy nhất mình rứt ruột sinh ra, một bên là hàng trăm sinh mạng lớn bé già trẻ và tài sản lớn của cộng đồng (đoàn tầu). Và người cha đã lựa chọn nhận về mình nỗi đau khổ tuyệt đỉnh có thể sẽ kéo dài dai dẳng rất lâu đến tận cuối đời, đến tận lúc nhắm mắt tắt thở. Đặt giả thuyết, tại giây phút đó người cha chợt nghĩ đến xã hội đầy rẫy sự vô ơn, bạc bẽo, đầy rẫy những giả dối, bất công…thì chắc chắn người cha không thể hy sinh đứa con mình. Hoặc nếu có hy sinh thì cũng ân hận, day dứt suốt phần dời còn lại. Nền tảng, nguồn gốc, cốt lõi vấn đề có thể là ở chỗ ấy Nhà trường phổ thông của chúng ta cần đề cao việc giáo dục về lý tưởng sống, quan niệm sống, đức hy sinh và nếp sống văn hóa cho thanh thiếu niên. Sự phân vân của các em trước tấm gương hy sinh lớn lao có thể giải thích được. Truyền thông đã thật sự đem lại những hiệu ứng bất ngờ. Gian lận giả dối trong giáo dục cùng những tiêu cực ở mặt trái kinh tế thị trường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về suy thoái đạo đức ở những ngóc ngách sâu kín, nhạy cảm nhất của ý thức Rất cảm phục nền văn hóa Nhật Bản, đất nước mặt trời mọc, xứ sở hoa anh đào! Cám ơn Hoàng Thùy Trang đã đưa tới mọi người một thông điệp mang tính thời sự, mở cửa tâm hồn cho thế hệ tuổi teen. Vũ Quốc Túy |
HAPPY BIRTHDAY CHUTI 14/10
8 năm trước
Cám ơn Dương
Trả lờiXóaMột bài viết hay
Liệu lũ con 9x của chúng mình có bao giờ suy nghĩ chút nào để phân biệt sự hy sinh thực sự và thủ đoạn tinh vi? He he... Khó thật đấy.
Trả lờiXóaĐịnh nghĩa về sự "Hy sinh" trong thời đại ngày nay (Thời kinh tế thị trường)có khác so với thời bao cấp nhiều lắm. Hay nói đúng hơn là: Sự "hy sinh bản thân" vì người khác, vì lợi ích khác mà ko phải cho mình chiếm tỉ lệ thấp hơn hẳn thời trước. Người ta tranh giành vì lợi ích kinh tế cho bản thân nhiều hơn là cho xã hội, cho cộng đồng. Nhìn rộng ra thế giới thì dân tốc nào có tỉ lệ "Hy sinh" cao thì chắc chắn là dân tộc đó phát triển rồi (Nghe có vẻ hơi triết lý phải ko các bạn)
Trả lờiXóaNhìn lại thời chiến tranh của ta mà xem: Người ta "Hy sinh" cho nhau nhiều hơn bây giờ nhiều. Rất nhiều câu chuyện cảm động về đức hy sinh cho chúng ta học tập, noi theo.
Hãy qway lại cô Hoàng THùy Trang ở bài viết trên thì rõ, nó phản ánh thực trạng của xã hội ta bây giờ đấy, âu cũng là lẽ tự nhiên vậy. "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên" là vậy mà. Cũng thật khó bắt bẻ con trẻ bây giờ các bạn nhỉ.
Xin comment cùng các bạn!
Duong suu tam duoc bai viet nay rat hay. Co be nay co nhung suy nghi va nhan xet rat sau sac hon ca nguoi lon. Cam dong nhat la trich dan doan ve nguoi cha da hi sinh con trai minh de cuu doan tau hoa.
Trả lờiXóaCam on Thuy Duong nhieu.