Rời quê hương đi để trở thành dân ngụ cư ở Hà Nội, Tết nào nhà tôi cũng vườn không nhà trống vào thời khắc các quan hành khiển năm cũ & năm mới giao ban. Tất cả các thủ tục Tết tôi làm khá chiếu lệ để khi được giải phóng khỏi công việc là khăn gói lên đường về quê luôn. Lũ trẻ được nghỉ học trước nên cũng về trước mấy ngày. Hình như đây là bệnh chung điển hình của dân Việt Nam cũng như Trung Quốc, cứ càng gần đến ngày ba mươi Tết là lòng dạ lại càng nôn nao hướng về quê nhà. Dù đang làm gì, ở đâu cũng một niềm mong ước: “Về quê ăn Tết”.
Những năm gia đình còn ở quê nhà, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, chúng tôi lại cùng nhau bên ly rượu vang để nhìn lại năm qua, kiểm điểm xem cái gì được cái gì chưa được và kế hoạch cho năm mới. Nhưng đã 7 cái Tết rồi, cả nhà về quê đón giao thừa. Năm thì bên nội, năm bên ngoại. Được đắm mình vào không khí rạo rực của thời khắc giao mùa, với người thân vây quanh và ồn ã chúc tụng nhau khi ngoài cửa là pháo hoa nổ sáng trời, thấy những khoảnh khắc đó thật rưng rưng…
Tuy nhiên, từ Tết năm ngoái, chúng tôi quyết định ở lại nhà mình đón giao thừa. Dường như vì tự thấy mình đã khá “già” nên chán cảnh “sểnh nhà ra thất nghiệp” dù đó cũng là nhà ông bà nội hay bà ngoại mình cả. Và phần vì chúng tôi không muốn thấy bàn thờ gia tiên hương khói lạnh lùng vào thời khắc quan trọng nhất của năm. Hơn nữa, khoảng cách địa lý đã thuận lợi rất nhiều do sẵn có phương tiện dịch chuyển.
Tết năm nay, thêm thằng anh cũng muốn ở lại cùng bố mẹ. Lý do đưa ra là cậu ta muốn xem giao thừa trên Hà Nội như thế nào. Nhưng thực tế thì cậu đã đi làm thêm tới tận 7 giờ tối ngày 30 Tết mới về nhà. Có lẽ với cậu thì giao thừa Hà Nội thật là yên ắng.
Rồi phút giao thừa đã đến, mâm cúng giao thừa được bê ra ngoài ban công. Cũng đủ cả hương hoa đèn nến thịt rượu vàng tiền và cả bộ mũ giày mới dâng Quan Sở Vương hành khiển của năm Nhâm Thìn. Nhà nhà hy vọng ông quan mới sẽ phù hộ cho gia đình một năm bình yên, may mắn. Ngoài trời đêm giao thừa không tối đen như đêm ba mươi ở nông thôn, mà trái lại, ánh đèn sáng rực cùng với ánh sáng của pháo hoa hắt lên nền trời toả màu hồng tím… hơi sương đêm lành lạnh lùa vào tóc, mơn man trên da mặt. Hình như Xuân đã vào nhà, rất nhẹ…
Sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới, khi phố phường còn ngái ngủ, ngoài đường thưa vắng người qua lại, thì chúng tôi lên “ngựa” vi hành về quê. Mùng 1 Tết cha. Năm nào cũng thế, các con cháu trai gái dâu rể rồng rắn đi chúc Tết họ hàng rồi về ăn bữa cơm Tân Niên. Những năm trước, chỉ có hai mâm cơm, giờ lũ cháu to kềnh càng lại sinh sôi thêm nên ngồi ba mâm vẫn chật. Mùng hai Tết mẹ, nhà ngoại chúng tôi năm nay mâm cơm đầu năm thưa vắng người hơn. Lũ con cháu ít ỏi giờ lại chia ra sống hai miền Nam Bắc, chỉ còn chúng tôi về với mẹ. Mẹ chúng tôi có thêm một mùa xuân nữa trong hành trang cuộc đời, nhưng những ai gần bà đều thấy, trong tâm hồn mẹ Xuân vẫn còn rất Xuân.
Tết đã qua, người người lại hối hả trở lại vòng quay của cuộc sống thường nhật. Và có lúc nào ta đi chậm lại để chiêm nghiệm về những mùa Xuân đã qua và đang tới?
Thanks TD,
Trả lờiXóaMột thời khắc rất thiêng liêng với không chỉ người Việt, theo tôi nghĩ vậy, với tất cả mọi màu da , thời khắc giao thừa, thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới.
Thời nay, giao thừa có khác nhiều thời tôi còn bé. Lúc đó, tôi luôn được giao nhiệm vụ đốt pháo (vì chính tôi là nhà sản xuất và tài trợ của GĐ). Hồi đó khó khăn, người ta chỉ lắng tai nghe nhà ai đốt pháo "đanh" hơn, dài hơn là nhà ấy năm đó có cái tết "to", tiếng pháo đồng thanh râm ran, mùi thuốc pháo nồng nàn trong mưa xuân. Khói hương thơm nồng quện trong hương pháo xuân. Mẹ tôi lụi hụi, có nâm cơm cúng giao thừa.... Một không khí khó tả, mà có lẽ trẻ con bây giờ khò thấy lại và cảm nhận. Giao thừa ngày nay, trẻ con cũng không còn háo hức nữa, vì ngoài cái pháo hoa ở đâu đó, thì chả có gì cho chúng nó háo hức. Tôi cũng thấy mẹ tôi lụi hụi chuẩn bị mâm cơm cúng xôm tụ hơn, vàng tiền nhiều hơn, mẹ tôi còn có cả một cuốn sách hướng dẫn cúng giao thừa mà trước đây bà không có... Nhưng có lẽ, cảm xúc giao thừa ngày trước với tôi vẫn lắng đọng và dấu ấn hơn bây giờ....
Phải nói đêm giao thừa ngày xưa, ngoài Bắc, thiêng liêng và đầy cảm xúc. Nó có đầy đủ màu sắc, âm thanh, mùi vị.
Trả lờiXóaĐốt pháo thì gây lãng phí và sản xuất pháo gây nguy hiểm nhưng đúng là không có pháo đã làm giảm rất nhiều hương vị Tết. Ngày trước có loại pháo xác hồng (toàn bộ giấy quấn pháo từ trong ra ngoài đều nhuộm hồng). Loại pháo này khi đốt khói bay lên như màn sương, xác pháo rơi xuống như cánh hoa đào... Thật là thi vị.
Ở tuổi của tụi mình phải ở nhà, cúng giao thừa là đúng rồi. Chủ gia đình rồi.
Trả lờiXóaĐón giao thừa ở Thủ đô, sáng mồng một "phi ngựa" về quê. Chuẩn!!
Yes Sir KT! May mà có quê để về. Chứ cả năm làm dân ngụ cư, đến tết mà vẫn phải ở HN thì buồn nẫu ruột. Họ hàng thì xa xôi, bạn bè toàn thuộc phạm trù công việc, đường phố thưa vắng người, chả biết làm gì, đi đâu, về đâu???
Trả lờiXóa