Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

HELP ME! (Chuti)


Tôi va quen mt em gái rt xinh qua Web, rt hay đùa. Mun tiếp cn lm nhưng toàn b bt ra, chng tìm ra mt cái c nào. Hôm ri dò hi ngày sinh nht ca em đ kiếm c gi gm tình cm ca mình thì thy em tm tm nói rng:

“Cám ơn chú, con còn đang đi hc, ngày sinh nht ca con trước gi Ba m con lo cho con đy đ ri. Đã mười mt ln sinh nht, năm nào con cũng nhn được đy đ tình cm ca Ba m và người thân. Chú cũng đng quá bn tâm”

Các bn hãy cho tôi mt li khuyên, có chăng tôi già tng này tui ri còn b by sao!

Chuti

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

THÁP CHÀM

Vì công việc, năm nào tôi cũng đi Phan Thiết vài lần. Phong cảnh yên bình và các di tích Tháp Chàm luôn cuốn hút tôi. Những ngôi tháp uy nghi trường tồn với thời gian có một sức hấp dẫn khó tả.
Những cây Hoa Chămpa (hoa sứ) bên tháp Posa inu
Và cả những địa danh nữa. Bình Thuận (Hòa bình và thuận lợi), Ninh Thuận (An Ninh và hòa thuận) là những cái tên Việt, nhưng còn những cái tên: Phan Thiết, Phan Rang , Phan Rí, Cà ná... thì sao? Hình như không phải là tiếng Việt gốc. Quả vậy:
Phan Rang  (Panduranga) là kinh đô của tiểu vương quốc Chăm cuối cùng trong Vương quốc Chămpa sát nhập vào nước Việt thời Minh Mạng.  (Vương quốc Chămpa  với lãnh thổ trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận bao gồm nhiều tiểu vương quốc và được sát nhập từng phần vào Việt Nam trong nhiều thế kỷ)
Phan Thiết (Hamu lithit có nghĩa là làng chài)
Cà ná (Canah có nghĩa là ngã ba).
...
Đó là những địa danh gốc Chăm đã được Việt hóa.
Những con người tôi gặp ở đó đa số có nước da sậm, mũi cao (hơi gồ) mắt sâu và đặc biệt tính tình thì chân thật, khắc khổ. Mặc dù mang tên họ Việt nhưng liệu có bao nhiêu phần Chăm trong con người họ? Không thể biết chính xác.

Trong quá trình Nam Tiến người Việt và người Chăm đã hòa trộn, Văn hóa Việt và văn hóa Chăm đã hòa trộn. Ngay ở ngoại thành Hà nội cũng có những cộng đồng người gốc Chăm (tù binh Chàm). Có công trình nghiên cứu nói rằng Dân ca Quan Họ Bắc Ninh có nguồn gốc từ nhạc cung đình Chiêm thành, do những cung nữ Chiêm đem ra đất Kinh Bắc.  Ở đất Kinh Bắc có những ngôi chùa theo phong cách Phật giáo tiểu thừa do nghệ nhân Chămpa xây dựng...    

Hôm vừa rồi tôi có đọc tâm sự của Nhạc Sỹ Trần Tiến trên Blog Quê Choa thì hóa ra Ông cũng là một người gốc Chàm ( mời các bạn đọc bài dưới đây) . Có người bảo Chàm hay Việt thì bây giờ cũng là Người Việt Nam, phức tạp hóa làm gì. Cái đó chỉ đúng một phần. Hiểu được cội nguồn sẽ giúp chúng ta hành xử đúng đắn và thêm tự hào về văn hóa Việt nam. Các bạn có nghĩ thế không nhể??!!

Kt26 ở Thánh địa Mỹ Sơn
   



Tâm sự của Nhạc Sỹ Trần Tiến gửi nhà văn Nguyễn Quang Lập:

Ngẫu hứng Trần Tiến 12

 Trần Tiến
Anh có hai quê Lập à
Chẳng bao giờ anh hát nổi bài ca anh viết về quê mình. Cứ hát lại khóc.
Vô duyên thế. Anh sợ ai đó yêu anh mà đón anh bằng niềm hân hoan phát nhạc hai bài đó. Anh sợ quá khứ lắm. Người già thường quay lại trẻ nít, bắt đầu từ nước mắt. Rồi mới đến nụ cười ngày bé.
Ngày bé của Bố anh, ở một miền quê.
Những cánh đồng dài và những dòng sông rộng.
Phía bên kia, dòng Hát môn hai bà Trưng “gieo mình”. Sau lưng, xa xa là chùa Thày, nơi có ông nào đó một ngày lên Trời đánh cờ. Vui thì có vui, vậy mà ngày trở về quê hương lại cũng “gieo mình”.( Không còn gặp ai thân thuộc. Mấy trăm năm mới quay về. Bạn bè xưa đã nghìn trùng xa cách.Thì anh, mẹ !…cũng “gieo mình”, chứ còn gì nữa ?)
Nơi quê anh, rải rác những dấu chân người Chàm cổ. Các vị La hán chùa Tây Phương bị “chôm” gần hết những bức tượng đẹp. Cũng may những vị không bán được mới quí.
Có một vị xấu nhất kể anh nghe:
“Tiến à, Tổ của con là một vị tướng của bà Bô- Bô đất Chàm. Cụ Lý Thường Kiệt không đánh được bà ấy, phải nhờ mưu bà Phường Chào, người xứ Quảng mới thắng đấy. Có câu ca xưa “ Bô- bô sánh với Phường Chào, xem tôi với chị bên nào hiền hơn”.
Tổ của con là tù binh, bị Cụ Kiệt mang về nhốt ở xứ Đoài. Một ngày Người lang thang trong vùng cỏ hoang thấy có loài cua nhiều hình vẽ kỳ dị trên mai, ông mừng thầm và quyết định lấy mảnh đất này cắm dùi.”
Quê anh đấy, làng quê chỉ biết làm món nhậu với rượu mía: Nem Phùng nổi tiếng. Chả biết làm gì nên cứ nghèo mãi.
Mẹ anh dặn, nếu có mệnh hệ gì nhớ đưa mẹ về quê nội để mẹ nằm cạnh bố, nhưng phải quay đầu mẹ về hướng chùa Tổng.
Chùa Tổng cách mộ có vài trăm mét. Anh còn chưa bao giờ vào.
Một ngày ngồi trên xe với thằng Thanh Thảo. Nó bảo:
Chắc mày người Chàm. Nhà thơ Quang Dũng cũng cao to như mày, cũng quê Phùng, mà lại viết bài thơ “ nỗi nhớ quê “ ở chính nơi mình sinh ra.
Quê “đéo” gì, ha ha! Thơ hay là vô thức. Ông ấy lộ ra nơi quê tổ gốc Chàm trong giây phút vô thức đấy.
Anh giật mình, một ngày ra Hà nội,tức tốc tìm chùa Tổng của mẹ. Đúng là chùa Chàm.
Cụ già trong chùa bảo:Tổ mình ngày xưa bị một con hồ ly vùng Kinh Bắc mê hoặc, bỏ đất mà đi. Bà Tổ buồn, gieo mình xuống giếng.Từ đấy con gái làng có đôi mắt sắc và lạnh, buồn như lá rau răm.
Lại “gieo mình”. Chả biết có đúng không.
Miền quê thứ hai, nơi tuổi thơ buồn của anh-Hà thành.
Anh lớn lên như con chó rách. Lang thang suốt ngày bên cống rãnh hè phố,  mong tìm được hòn bi ve đưá trẻ nào đánh rơi, có khi nhặt được vài đồng xu ở nơi rãnh thối ấy.
Ngồi nhìn hàng giờ dòng nước bẩn lặng lờ trôi. Thoảng hoặc mẹ cho cục đá vôi thì sướng lắm, đặt xuống rãnh. Cục đá gặp nước, nở ra từ từ,rồi réo sôi thành ngọn núi trắng toát. Ngọn Phú sĩ của tuổi thơ anh đấy, của khát khao dòng dõi tướng Chàm thất cơ lỡ vận đấy.
Lên bảy tuổi, bác ruột di cư vào nam. Anh về Hàng Lọng ở ( giờ là Lê Duẩn, cho đến một ngày anh cũng lại ‘Nam tiến”).Ngôi trường tuổi thơ xưa ỏ phố Sinh Từ. Bọn học trò  trốn ra Quốc tử Giám ăn trộm muỗm. Anh thì sợ lắm. Mẹ bảo bên kia hồ Giám có con yêu nữ thứ nhất Hà thành.
“Long thành có bốn yêu tinh
Con yêu hồ Giám, yêu đình Đồng xuân
Yêu nằm giữa phố Hàng Cân
Con yêu gốc liễu trong sân chùa Tàu”
(Chùa Tàu chính là đền bà Kiệu, trước cửa đền Ngọc sơn bây giờ đấy.Thảo nào nơi ấy vắng như chùa Bà Đanh.)
Anh hỏi mẹ :Yêu nữ là gì. Mẹ bảo: là những cô gái chết tức tưởi, không được hoá kiếp, lâu rồi thành tinh,Hồ ly đấy.
Mấy bà bán chè xanh bên đường bảo : đừng có bơi sang đảo nhé. Trường Sinh Từ ,có đứa chết rồi đấy. Xác mang về không còn cu.(!)
Quê hương thứ hai của anh, những  người chết vì buồn như thế, người ta gọi là “ gieo mình”. Người ta lập đền thờ.
Còn người con gái chết tức tưởi mà không được hoá kiếp, thì không.
Họ không chết. Họ sẽ thành Hồ ly tinh. Chẳng ai lập đền thờ.
Bây giờ anh không sợ nữa.Thậm chí có thể rất hay, một ngày nào đó gặp …hồ ly tinh.

NGẨU HỨNG SÔNG HỒNG

dục tang, cốc cách, cốc cách

bồng bềnh, bồng bềnh, bồng…

Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi

lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa

một ngày mùa thu đưa cha qua sông

một ngày dòng sông đầy gió, đầy gió

ĐK : Gió, con sáo sang sông bạt gió

con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai

chị Hai thương ai ra đứng đầu đình

chị Hai nghèo, chị Hai buồn

chị Hai điên, chị Hai khóc

chàng Trương Chi đi đâu

bỏ lại dạ sầu cho em

bỏ lại dòng sông đầy gió …

ĐK : Gió, con sáo sang sông bạt gió

con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai

 (thương ai con sáo thương ai)

Yêu nhau quấn quýt lá trầu cau

yêu nhau hóa đá, đá chờ nhau

thương cả nhịp cầu, cầu qua sông

thương cả mối sầu, sầu thương em

Thương cha, con sáo thủy chung của mẹ

thương anh,

con sáo đứt ruột chờ mong của mẹ

thương con, mẹ đưa qua sông

Hồng Hà mùa thu

Hà Nội mùa thu

một ngày mùa thu đầy gió…

ĐK : Gió, con sáo sang sông bạt gió

con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai

con sáo sang sông ,con sáo sổ lồng bay xa

sáo ơi, sáo bay xa

bay đi, bay mãi … xa…



Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

SỰ LẠC QUAN (Tg: Thùy Dương)




Nếu để xếp màu ngày tháng bằng 3 mảng màu hồng, đen và xám nhờ. Có lẽ đa số những ngày trong cuộc đời ta mang màu xám nhờ, đó là những ngày thường.
Ngày hôm qua cũng là một ngày xám nhờ như bao ngày khác của tôi. Nhưng tối đến, cô bé Phương Anh xương thuỷ tinh ngồi trên xe lăn cất cao bài hát “Let’s dance” đã toả ánh sáng hồng của niềm lạc quan cho tất cả mọi người. “Âm nhạc cứu rỗi thế giới”! Đúng, âm nhạc không chỉ giúp cho bé Phương Anh có niềm vui & nghị lực sống, mà còn truyền cảm hứng tích cực đến bao người, trong đó có tôi. Những suy nghĩ tiêu cực không biết từ bao giờ, đã xâm chiếm & bóp ghẹt , một cách từ từ, tinh thần của tôi trong những ngày dài màu xám nhờ ấy. Cô bé Phương Anh đã làm tôi bừng tỉnh, cô đã chiếu ánh sáng hồng rực rỡ từ trái tim đầy nhiệt huyết vào tôi, để tôi được “lây nhiễm” niềm vui sống. Nhìn cô biểu diễn thật sôi động và say đắm, rồi nhìn mẹ cô đứng trong cánh gà với ánh mắt rưng rưng tự hào, tôi đã không kìm được xúc động. Cuộc sống cần thật nhiều những con người truyền cảm hứng lạc quan như cô bé Phương Anh thân yêu phải không các bạn? "





Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

SINH NHẬT GIANG (Tg: Mẹ Thùy Dương)


Sáng sớm, mở bừng mắt ra, con gái đã thập thò ngoài cửa. Mẹ có nhớ hôm nay ngày gì không? Ah, chúc mừng sinh nhật con gái yêu! Con gái nở nụ cười nũng nịu, chán mẹ lắm…

Hi hi, mẹ chán thật đấy! Mới ngày nào mà đã 13 mùa xuân trôi qua rồi. Con gái bẻ bỏng từ lúc sinh ra đời đã gặp nhiều may mắn. Nặng 3.9 kg, to con nhất phòng, con ngoan hiền ngủ suốt ngày, môi đỏ chúm chím, má phính mặt tròn, cặp đùi con chẳng nhăn nheo như các bé sơ sinh khác mà đã có ngấn sâu. Con thật dễ nuôi. Tháng ngày trôi mau, mẹ bên con trong từng sự kiện đánh dấu từng bước con lớn dần lên cả về vóc dáng và tâm lý. Con xinh xắn, nhanh nhẹn và hướng ngoại. Con lại rất tự tin vì chưa từng vấp ngã. Cuộc đời dưới mắt con mới chỉ có màu hồng & những ngày tháng êm ả trong vòng tay bố mẹ.

                          

Rồi mai đây, khi cuộc đời dần mở ra trước mắt con với cả màu đen và màu xám, con sẽ nhớ nhiều về tuổi ấu thơ bình yên bên gia đình.  
Mẹ mong con gái mẹ, bước vào tuổi teen thật vững vàng & tự lập. Con sẽ trở thành một cô gái hiện đại nhưng không hề thiếu đi  sự duyên dáng con nhé.
Mẹ cũng biết từ nay, nhiệm vụ của mẹ với con còn khó khăn hơn nữa. Sẽ chẳng thiếu gì lúc mẹ con ta chưa tìm được tiếng nói chung do sự khác biệt về nhận thức cũng như thế hệ. Nhưng cũng chẳng có gì có thể vinh quang hơn khi mẹ được thực hiện thiên chức của mình, để giúp con trưởng thành, cũng là giúp mẹ hoàn thiện nhân cách bản thân mình…


Con yêu!
Thời gian như một dòng sông chỉ chảy về phía trước, lòng mẹ thật bâng khuâng với ý nghĩ, tuổi thơ của con đã lùi về phía sau, trước mặt con là cả tương lai rộng mở với những điều đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Rồi con sẽ dần lớn khôn và dời xa vòng tay mẹ. Mẹ sẽ không còn giữ vị trí tối thượng trong lòng con, đó là quy luật.
Yêu con thật nhiều!





Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

SỐ PHẬN


Tôi có một anh bạn biết xem Tử Vi. Anh bảo khi mới  tốt nghiệp đại học, khó khăn, anh đi làm cho một hiệu sách. Lúc rảnh anh đọc rất nhiều sách, trong đó có sách tử vi rồi chiêm nghiệm thấy hay quá liền nghiên cứu để thực hành.
Tuy nhiên, anh chỉ xem cho bạn bè.
Anh hay vừa xem vừa đùa. 
Cậu kia chuẩn bị cưới vợ, đến nhờ anh xem. Anh bảo: "người ta thì trai tài gái sắc còn trường hợp của chú là gái tài gái sắc, chú chẳng được cái nước mẹ gì. Cưới khẩn trương không thì người ta đổi ý!!"
Một cậu khác được anh phán: "Chú được cái mẽ nhưng chất thì không có gì. Vì vậy khi đi ra ngoài xã hội càng im lặng càng tốt. Nói nhiều lộ bản chất, không ai thèm giao dịch!!"  
 ...
Tôi hay đến thăm anh, được anh xem Tử Vi và tư vấn nhiều điều. Anh là một họa sỹ có tiếng và là người từng trải. Anh hơn tôi mười ba tuổi, vì vậy với tôi anh là một người bạn rất quí giá, một kho kiến thức và kinh nghiệm sống. Quan trọng hơn, anh là người hướng thiện.


Người bạn vong niên
Tôi cũng đặt ra với anh câu hỏi: Tử Vi chính xác tới mức nào? Con người ta có định mệnh không?
Từng xem Tử Vi cho nhiều người, theo dõi diễn tiến cuộc đời của nhiều người, anh nói rằng đáp số của Tử Vi chỉ là một khoảng giá trị, không phải là một số tuyệt đối. Đáp số đó còn tùy thuộc trình độ của người xem (đọc lá số và luận giải, giống như bác sỹ chuẩn bệnh).  Số phận, cuộc đời của con người ta phụ thuộc rất nhiều vào phúc đức cha mẹ, hoàn cảnh xuất thân, xã hội và nỗ lực của bản thân... Nói theo ngôn ngữ toán học thì số phận con người ta không phải là một hằng số mà là một hàm số với một hoặc nhiều biến số. Còn theo ngôn ngữ vật lý thì nó có năng lượng của chính bản thân đồng thời có sự tương tác rất lớn với môi trường xung quanh...

Và sau cùng anh khuyên : "Đừng bao giờ ngưng phấn đấu và hy vọng- tận nhân lực tri thiên mệnh" 

SGN 22/2/2012 -KT

 Xin tặng các bạn bài viết theo đường link dưới đây về quan niệm đối với số phận của các nền văn hóa và tôn giáo lớn . Bạn nào không hứng thú có thể bỏ qua hoặc đọc từng phần. Hy vọng nó không quá dài và buồn chán. Hehe

www.quangduc.com/thoidai/03somenh.html


Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

QUÊ MẸ (T/g: Chuti)

Quê Mẹ nghèo!
Con đường ngoằn ngoèo khấp khểnh dẫn con về quê Mẹ. Vượt đèo Tam Điệp ký ức, địa phận Thanh Hóa quê Mẹ hiện ra, núi non trùng điệp e ấp những căn nhà nhỏ liêu xiêu dáng Mẹ, ngọn đèn le lói ánh mắt Mẹ dõi bước chân con trên từng đoạn đường làng nho nhỏ. Con dò dẫm tìm lại dấu chân xưa, chập chững bước chân đầu đời tìm tiếng khóc ê a quê Mẹ.
Mảnh đất nơi con chào đời
Cơn mưa se lạnh, bụi mưa bay nhòe ánh mắt con một chiều đông muộn… Giữa núi non trùng điệp mù sương, thấp thoáng căn nhà quê khói bếp cơm chiều gần gũi. Cây dừa già góc sân thả tàu lá run run gió sương đón đợi, con nghẹn lòng trong vòng tay ấm áp quê hương, có như ngày nào, nước mắt trẻ thơ ướt đôi vai gầy của Mẹ.
Con lại thả bước chân trên con đê sông quê Mẹ, dáng Mẹ còng thấp thoáng bóng đê xưa. Dòng sông quê mùa đông nước cạn, sơ xác đáy bùn làm cả một vùng đất ruộng ăn theo chọi trơ nứt nẻ. Gió lay xào sạc ngọn lúa non khát sữa giữa đồng, nghẹn ngào giữa tiết động quê.
Căn nhà ông bà đã được sửa sang, xây cất, đẹp và tiện nghi hơn nhưng cảnh quê vẫn vậy ngàn đời, mộc mạc và gần gũi thân quen. Thiên nhiên, trời đất đã ban tặng cho người dân quê Mẹ sự lam lũ yêu thương, con lại được thấy những ánh mắt lạc quan trên khuôn mặt sạm sương gió và những áng vai gầy của người dân quê mộc mạc ấy. Mấy ống lạc, vài lon gạo nếp đượm hượng quê nhắn gửi kẻ sắp lên đường…
          Con đê làng tiễn con đi, xa dần quê Mẹ, dòng sông cạn quê hương uốn mình reo sóng từng nhịp chân run. Ngoảnh mặt lại, con muốn ôm trọn bóng hình quê hương giấu chặt vào lòng, ánh mắt quê nghèo lưu luyến bước chân con, lòng ngập tràn hương lúa quê hương
          Con ra đi, ngát hương Quê Mẹ!
HP – 19 FEB 2012 – CHUTI



Khúc hát sông quê do ca sỹ Anh Thơ thể hiện. TH tặng tác giả và các bạn. 



Trở về dòng sông tuổi thơ do Mỹ Linh thể hiện. BBT tặng tác giả và các bạn.



Bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh. TD tặng tác giả và các bạn. 

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

5 ĐIỀU HỐI TIẾC NHẤT (St của Châu)


Một nữ y tá người Úc tên Bronnie Ware đã có nhiều năm chuyên chăm sóc người bệnh ở thời kỳ 12 tuần cuối của cuộc đời họ. Qua đó cô đã có cơ hội ghi lại những điều mà người bệnh còn hối tiếc trước khi nhắm mắt. Cô nhận ra rằng khi người sắp qua đời được hỏi có điều gì trong cuộc đời mà họ hối hận vì đã không làm khác đi, đã có một số câu trả lời rất phổ biến trong tâm lý chung của con người ở giai đoạn này mà cô có thể tổng kết lại thành năm điều và viết thành cuốn sách cùng tên: "5 điều hối tiếc nhất trước khi lìa trần". Đã không có câu trả lời nào đề cập đến sự ham muốn về tình dục hay những cú nhảy bungee mạo hiểm.
Dưới đây là năm điều hối tiếc phổ biến nhất của những người sắp chết, mà Ware đã ghi lại:
1. Giá mà tôi có đủ can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình, chứ không phải là cuộc sống mà những người khác mong đợi ở tôi.
"Đây là niềm hối tiếc phổ biến nhất. Khi con người ta nhận ra rằng cuộc đời của họ đang gần đến điểm kết thúc, ngoảnh nhìn lại, thật dễ dàng để nhận ra có bao nhiêu giấc mơ đã trôi đi mà chưa thành hiện thực. Hầu hết mọi người đã không tôn trọng thậm chí chỉ một nửa giấc mơ của mình và giờ đây họ phải ra đi trong suy nghĩ rằng điều này hoàn toàn do những gì họ đã lựa chọn, hoặc không lựa chọn. Sức khỏe mang lại một sự tự do mà rất ít người nhận ra, cho đến khi họ không còn có nó được nữa."
2. Giá mà tôi đã không làm việc một cách cật lực.
"Điều hối tiếc này này đến từ tất cả các bệnh nhân nam mà tôi chăm sóc. Họ đã bỏ lỡ tuổi trẻ của con cái họ cũng như sự đồng hành của người bạn đời. Phụ nữ cũng có nhắc đến điều hối tiếc này, nhưng vì hầu hết họ đến từ thế hệ cũ, họ đã không cần phải là trụ cột gia đình. Tất cả những người đàn ông mà tôi đã chăm sóc đều hối hận một cách sâu sắc rằng họ đã chi tiêu quá nhiều cuộc sống của họ để chạy đua với công việc."
 


3. Giá mà tôi có đủ can đảm để bộc lộ cảm xúc của mình.
"Nhiều người phải ức chế cảm xúc của mình để giữ hòa khí với những người xung quanh. Kết quả là, họ phải tự nén mình xuống sống một cuộc sống tầm thường và không bao giờ trở thành người mà họ đã thực sự có khả năng trở thành. Nhiều căn bệnh phát triển liên quan đến sự cay đắng và oán giận mà họ đã phải ôm trong người."


4. Giá mà tôi giữ liên lạc với bạn bè của tôi.
"Thường thì họ sẽ không thực sự nhận ra những lợi ích đầy đủ của những người bạn cũ cho đến những tuần cuối cùng của cuộc đời, và không phải lúc nào cũng có thể tìm lại được bạn bè. Nhiều người đã bị kẹt trong cuộc sống riêng của họ đến nỗi đã để những tình bạn vàng trôi đi theo năm tháng. Đến cuối đời họ cảm thấy rất ân hận bởi đã không dành đủ thời gian và nỗ lực để chăm chút cho tình bạn của mình. Tất cả họ đều nhớ đến những người bạn của mình khi họ đang hấp hối.
5. Giá mà tôi để cho bản thân mình được hạnh phúc hơn.
"Đây là một niềm hối hận phổ biến đến mức ngạc nhiên. Nhiều người cho đến phút cuối cùng mới nhận ra hạnh phúc chính là một sự lựa chọn cho cuộc sống. Họ bị kẹt trong những mô hình và thói quen cũ. Cái gọi là "sự dễ chịu" của sự quen thuộc đã lấn át đời sống tinh thần cũng như thể chất của họ. Sự sợ phải thay đổi đã khiến họ phải giả vờ với mọi người xung quanh và với chính bản thân họ, rằng họ đang rất mãn nguyện, nhưng thực ra, ở sâu bên trong, họ thèm được cười hết mình và có được lại sự khờ dại."


Tác giả Bronnie Ware

Trong phần "Câu hỏi dành cho bạn đọc": "Bạn có sợ rằng sẽ có điều gì ân hận trước lúc đi xa?" – Kết quả là trong số 853 người trả lời thì 54% đáp "có", 46% đáp "không".
Ware kể lại rất xúc động những tang lễ thường rất bi ai. Cô cũng thừa nhận không phải tất cả trong số họ đều có điều gì ăn năn. "Có những người không hối hận", Ware nói, "những người này ra đi với một nụ cười trên khuôn mặt". (Cảnh tượng) những người chết đã làm biến đổi cuộc sống Ware khi cô nhận ra rằng đó là những ngộ thức trễ tràng đã làm cho những bệnh nhân thấy cuộc đời họ là bất hạnh. "Nhìn ngẫm lại tôi có thể nói rằng, ngay bản thân mình cũng mất quá nhiều thời gian trong cuộc đời cho những thứ lý ra không mất nhiều thì giờ như thế." – Ware nói thế và cô nghĩ đến những những năm tháng làm trong một nhà băng với những giang dở của mong chờ.
Hôm nay, cô gái Úc châu trở lại với công việc của một ca sỹ và biên nhạc. Cô mở những khóa rèn luyện nhân cách trên internet và viết trang blog "Inspiration and Chai". Trước đây ít ngày, cô sanh một tiểu thư mang tên đặt là Elena. Ngày nay, Ware ngồi thật lâu dưới hiên nhà và lắng nghe chim hót. "Tôi biết tôi phải làm được những điều mình mong thích; Vì không làm được như thế, tôi tin chắc đó sẽ là điều tôi ân hận trước lúc từ giã cõi đời."
A.T dịch từ bản tiếng Anh: Top five regrets of the dying tại trang theguardian
Nguồn trích dẫn: blueskyvietnam

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

HELLO! (T/g: Chuti)

Hai cha con túi túi, cặp cặp vội vã bước vào trong thang máy đang xuống tại một tòa nhà cao tầng.
“Chào buổi sáng!” – Người cha cũng kịp gửi lời chào tới người đàn ông trung niên duy nhất trong thang máy lúc ấy, chắc là người Mỹ.
“Chúc một ngày mới tốt đẹp!” – Một lời chào thân thiện đáp lại của người đàn ông cao gần 2 mét, nặng có lẽ trên 100kg, râu rậm nhìn hơi dữ.
…“Này cháu bé ngoan, khi vào thang máy, cháu nên gửi một câu “Hello” tới mọi người nhé, họ sẽ vui và cám ơn cháu!” – Sau một hồi, người đàn ông tỏ ra rất gần gũi vỗ vai thằng bé con khoảng 11 tuổi.
Thằng bé bẽn lẽn, mắt ngước nhanh nhìn con người cao gần gấp đôi nó rồi vội vàng quay mặt sang phía người cha, miệng cười tủm tỉm.
“ Cám ơn ông, cháu là một cậu bé cũng lanh lợi và dạn dĩ. Hôm nay, ngày đầu đi học sau kỳ nghỉ Tết, cha con vội vàng. Hơn nữa trước mặt là một người đàn ông cao lớn, có lẽ cháu bối rối! “ – Người cha vừa xoa đầu con vừa nói.
“Ồ! Tôi biết, một cậu bé ngoan…” – Người đàn ông nước ngoài thân thiện khích lệ. Ngay lúc đó, cửa cầu thang mở ra, họ chia tay nhau.

“Con có hiểu những đối thoại vừa rồi với bác “Tây” không?”- Người cha hỏi khi hai cha con đã trên xe.
“Dạ, có!” – Thằng bé có vẻ tự tin trả lời.
“Thế thì tốt, con đã biết thêm từ “HELLO” sẽ được sử dụng trong hoàn cảnh nào rồi đó!” – Người cha chia sẻ
Xe xa dần tòa nhà cao tầng, mắt lim rim, người cha ngẫm về câu chuyện trong thang máy và mỉm cười. Ghế trước, thằng con chăm chú quan sát phố phường vào xuân, có vẻ bồn chồn, hôm nay là ngày đầu đi học của nó sau kỳ vui Tết dài….

HCMC – 03 FEB 2012 – CHUTI

BBT xin tặng tác giả và các bạn clip bài hát Hello của Lionel Richie


Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

HAPPY VALENTINE DAY


BBT chúc tất cả các thành viên KT26 một ngày Valentine ngọt ngào!

Tặng con trai nhân ngày Valentine (St của TD)

(Nguyễn Quang Vinh)
Trong nhà, ba và con là hai thằng đàn ông của nhau.
Trong nhà, mẹ và chị Giang con là hai người phụ nữ mà ba với con có trách nhiệm và tình thương yêu đối với họ suốt đời mình.
Ngày Valentin, chắc chắn và trước hết, hai thằng đàn ông chúng mình đều gửi quà đến mẹ và chị Giang của con.
Sau đó, chắc chắn, con gặp gỡ tặng quà cho bạn gái của con ( có thể là bạn gái thân thiết nhưng cũng có thể là người con yêu- vì tuổi con có quyền như vậy).
Còn thằng đàn ông già này- ba của con- cũng sẽ gửi những lời thương mến đến những người bạn gái của mình. Ba cũng có quyền như vậy.
Trong nhà, hai thằng đàn ông chúng mình đều là nghệ sĩ. Ba đã chín nghề. Con bắt đầu bước những bước chân đầu tiên vào con đường nghệ thuật.
Vì thế, nhân ngày Valentin, ba muốn tâm sự với con về tình yêu trên hai tư cách: Tư cách của một người đàn ông là cha con và tư cách của một nghệ sĩ lớn tuổi, đồng nghiệp của con.
Tình yêu- người ta có thể nhìn thấy rõ ràng từ nhịp tim đập rộn ràng, từ cái ánh mắt chứa chan, từ nỗi nhớ thăm thẳm làm cháy sém cả tim gan, từ nụ hôn dài như suốt cuộc đời, từ cái nắm tay xiết chặt đầy tự tin, từ cảm giác mơn man của sợi tóc mai bạn gái mình vương trên da mặt, từ sự chờ đợi héo hon thấy rõ là mình đang đếm thời gian trôi đi một phần ngàn giây để được nhìn thấy bạn gái mình.
Tình yêu- người ta dễ nhầm lẫn, dễ bị cám dỗ, dễ bị hút hồn, dễ bị lung lạc, dễ bị cuốn trôi, dễ bị gục ngã đôi khi chỉ vì một ánh mắt của cô ấy, mái tóc của cô ấy, dáng đi của cô ấy, giọt nước mắt trong veo của cô ấy, cái mím môi dỗi hờn của cô ấy, những ngón tay vùng vằng đan nhau của cô ấy và đôi khi chỉ là một tiếng thở dài của nàng….
Tình yêu- sợi chỉ đôi khi thật mong manh giữa cao cả và thấp hèn, giữa ngọt ngào và đắng cay, giữa cao thượng và ích kỷ, giữa bao dung và ngờ vực, giữa tha thứ và trả thù, giữa khôn ngoan và dại khờ, giữa trân trọng và buông thả, giữa né tránh và vô độ, giữa tình dục và dâng hiến, giữa ngọt ngào và chát đắng.
Tình yêu thật khó tìm mà cũng thật dễ thấy. Con cứ sống như thế, đàng hoàng, cố nhớ rằng, ba sinh con ra thì con là con trai, hẳn rồi, nhưng sau này con sẽ hiểu rằng, sau bao nhiêu gian khó, bao nhiêu truân chuyên, bao nhiêu thử thách, thậm chí sau khi đã vùi lấp trong thất bại, trong cay đắng, con sẽ hiểu rằng vì sao ba nói với con: Từ một thằng con trai đến một thằng đàn ông là một khoảng cách phấn đấu xa vời vợi, đổi cả cuộc đời mình, mạng sống của mình. Người đàn bà cần một người đàn ông chứ không cần một người con trai con ạ. Người đàn bà yêu ba và con là muốn yêu một người đàn ông con ạ. Không phải ai là thằng con trai sau này cũng thành người đàn ông cả đâu con. Muốn được như thế là phải kiên cường lắm, dũng cảm lắm, ý chí lắm, cương trực lắm, quả quyết lắm, tự tin lắm mới trở thành NGƯỜI ĐÀN ÔNG  theo đúng nghĩa cao cả và vinh quang nhất của từ này.
Trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, ba và con có thể gặt hái nhiều thành công nhưng cũng có thể phải thất bại. Nhưng lúc thất bại là cơ hội cho chúng ta chứng mình rằng chúng ta là đàn ông. Ba đã nhiều lần thất bại và bây giờ ba kiêu hãnh nói với con rằng: ba là đàn ông. Ba đang là người đàn ông của mẹ con, của chị gái con, của những bạn gái của ba. Và ba hy vọng chính con cũng sẽ kiêu hãnh nói rằng, con trai của ba là một người đàn ông như ba mẹ và chị gái con mong muốn, như bạn gái con mong muốn.
Tình yêu thực sự đến với một người đàn ông.
Và khi con thực sự là đàn ông, ba tin, tự tình yêu sẽ đến với con.
Khi con gặp một bạn gái, sắc đẹp của cô ấy, dáng vóc lộng lẫy của cô ấy, tiếng nói ngọt ngào của cô ấy, ánh mắt hút hồn của cô ấy, trí tuệ thông minh của cô ấy, cử chỉ lịch lãm của cô ấy …tất cả chỉ mới làm cho con đắm say, làm cho con bị cám dỗ. Và có thể con yêu. Ba cũng thế. Người đàn ông nào cũng thế. Từ việc mình chợt yêu, từ ánh chớp yêu đến một tình yêu bền bỉ, dài lâu, thủy chung và mặn mà suốt đời còn là một chặng đường vô cùng chông gai con ạ. Cuộc sống không nương tay với người con gái đẹp, không hẹp hòi với người phụ nữ dung nhan bình thường. Những gian truân trong cuộc sống không tha thứ cho người phụ nữ có sắc đẹp và cũng không bám riết trù dập người phụ nữ bình thường. Chỉ có tình yêu làm được việc đó. Tình yêu thực sự có sức mạnh đẩy lùi gian khó và tạo ra những chân trời cơ hội cho chúng ta. Tình yêu thực dụng, hời hợt, toan tính chỉ làm náo loạn thêm gian khó trong cuộc đời mình thôi con ạ.
Không cứ yêu suốt đời mới gọi là yêu. Tình yêu không đo đếm bằng thời gian yêu nhau. Một phút yêu nhau vẫn là tình yêu. Cái chính là lòng ta, trái tim ta, tấm lòng ta gửi vào hết một người, nồng nàn, đắm say, chân thành và sâu nặng.
Không cứ cho nhau hết, dâng hiến hết mới là tình yêu. Tình yêu không là phép cộng của những nụ hôn, của những lần ái ân, của những lần gặp gỡ.
Nhưng tình yêu cần lắm sự hy sinh, sự che đỡ, sự thủy chung, sự bao dung và sự hiểu biết.
Mà chính đàn ông chúng ta- tạo hóa giao cho chúng ta, những người đàn ông trong thế gian này phải hy sinh, phải che đỡ, phải thủy chung, phải bao dung và hiểu biết để trở thành một tòa tháp cho người phụ nữ mình yêu nương náu vững chắc ở đấy.
Mình yêu người phụ nữ của mình là cách để mình dâng hiến cả cuộc đời mình, đặt vào tay nàng trái tim của mình, khao khát của mình, hy vọng của mình, nỗi nhớ của mình, nước mắt của mình và cả những gian khó của mình để nhận lại sự sẻ chia, niềm an ủi, cái vuốt ve của nàng.
Tình yêu không loại trừ những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Vì đó là cách để người đàn ông hay người phụ nữ còn chứng minh được rằng, những khát khao, sự rung động vẫn còn và mãi mãi không bao giờ đủ.
Cuộc sống con người mãi mãi chỉ là cuộc tìm kiếm không mệt mỏi.
Tình yêu chính là cuộc tìm kiếm lớn lao giữa những con tim.
Trong tình yêu có ánh sáng lung linh của sự thủy chung và ẩn chứa, thậm chí là ẩn họa của sự dối trá, sự phản bội.
Ba không ủng hộ sự dối trá, sự phản bội, nhưng ba phản đối sự đóng kín, sự gò ép, sự cố chấp. Ba không đồng tình việc một người đàn ông chưa vợ thì được quyền yêu, còn người đàn ông có vợ thì chỉ đóng khép tình yêu trong gia đình. Nhưng thử thách lớn nhất cho chúng ta, cả đàn ông và phụ nữ là vẫn có thể xuất hiện tình yêu ngoài vợ ngoài chồng nhưng vẫn giữ ấm được gia đình của mình. Làm được thế là phải có nội lực vô cùng mạnh mẽ, một sự phân thân vô cùng tự tin.
Nếu ba nói rằng, ngoài mẹ, ba không rung động với ai, không ngả lòng một lần nào, không vướng bận xốn xang giữa cuộc đời là ba nói dối.
Con không muốn ba yêu ai ngoài mẹ nhưng chắc chắn là con cũng không muốn ba nói dối.
Và vì vậy, ba mới cần con trai của ba bên cạnh cũng như con cũng cần có ba trong vai cố vấn tình yêu của con. Chúng ta trước hết là những người đàn ông. Và trong những ứng xử, tâm sự, giúp đỡ nhau  vì tình yêu, chúng ta là bạn.
Tình yêu vô cùng giản dị nhưng cũng vô cùng vĩ đại, vô cùng dể nhìn nhưng cũng vô cùng bí ẩn.
Không ai áp đặt cho ai về tình yêu.
Không ai làm thay cho ai về tình yêu.
Không ai dạy dỗ ai được về tình yêu.
Không ai thay thế được chính mình để thấu hiểu đến tận xương tủy hương vị cao cả của tình yêu, sự chát đắng của nó, nỗi thất vọng về nó, niềm hy vọng lớn lao về nó, niềm hạnh phúc vô song và cả những cay cực, buồn đau, những vấp ngã chua xót.
Trái tim yêu của ba không rung dộng thay cho con.
Nhưng những vết thương  của ba sẽ giúp con tránh đi được những nỗi đau.
Ngày Valentin, ba nói với con vài lời như thế.
Và ba đang nhìn thấy ngày này- ngày tình yêu- trên tay con có một bó hoa hồng đỏ thắm và con tự tin ra đường đến với người bạn gái của mình.
Hãy tự tin con trai.

Whitney Houston đã ra đi

Sáng nay bàng hoàng khi biết tin Ca sỹ thần tượng của mình đã ra đi.
Từ lúc còn trẻ tôi đã hâm mộ giọng ca của cô. Những bài như: I have nothing, I will always love you, When you belive, All the man that I need...luôn làm tôi xúc động. Còn The Bodyguard là bộ phim tôi rất thích.
Con trai tôi từ lúc 5 tuổi khi xem phim Hoàng Tử Ai cập đã biết thích và hát theo bài When You Belive.

 Lại nhớ đến câu Bạn Phú hay nói: " Mỹ nhân tự cổ như danh tướng.
                                                         Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"




Clip bài hát I will always love you và cảnh cuối bộ phim The Bodyguard.


Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

TẾT CỦA TÔI

Tết năm nay tôi làm nghề trông trẻ.
Do bọn trẻ nghỉ học sớm nên tôi cũng phải nghỉ Tết sớm 3 ngày để trông.

Trước Tết 3 bố con  "đóng quân" từ sáng đến tối tại khu vui chơi Kiz city mới mở ở Q4 TPHCM. Đây là khu vui chơi mô phỏng thực tế. Bọn trẻ được tham gia các trò chơi có tính chất nghề nghiệp và những qui định như trong thực tế. Được trả lương. Có ngân hàng để gửi " tiền" và tính lãi...

Làm bác sỹ

Thực hành cấp cứu

Đua xe công thức 1

Trước khi đua phải học và được cấp giấy phép lái xe.

Làm phi công
Chơi golf

Trong lúc chờ, tôi đánh golf. (Mua vé 60.000 Đ chơi cả ngày!)
Tối về nhà bọn chúng biểu diễn nhiều trò:

Múa lân

Đấu võ

Ảo thuật
Khi được yêu cầu "ngưng biểu diễn" để đi ngủ thì chúng tỏ thái độ liền.



Làm Ông già Noel

Giao thừa rủ nhau ra bờ sông SGN xem pháo hoa.
Đi chơi hội hoa

Xem nặn tò he
Đi Cần Thơ thăm Bà Cố

Miền Tây Nam Bộ yên bình những ngày Tết


Bến  thuyền ngay trước nhà . Người ta nói rằng từ  xưa tới nay phụ nữ  Miền Tây không phải gánh gồng bao giờ, mọi thứ đều chở bằng xuồng vì vậy dáng họ đẹp (không có ai chân đi chữ bát) !!
Cu Tí nhà tôi nhảy xuống kênh bắt cá, ướt như chuột. May mà đem theo cái quần.
Cả nhà mơ ước trong tương lai gần sẽ cùng nhau đi xuyên Việt ra Bắc ăn Tết. Mơ gần nhưng chắc cũng còn xa... Hehe.

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

CHÚC MỪNG SINH NHẬT PHAN TUẤN ANH 09/2

Tuấn Anh thân mến!
Tập thể Kt26 chúc Tuấn Anh luôn mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc.


Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Sống ở Hà Nội (T/g: Thùy Dương)


Từ hôm 1/2/2012, bọn học sinh trung học & các anh chị sinh viên phải thay đổi giờ học. Ôi thôi biết bao xáo trộn. Ấy là thật may vì bọn trẻ nhà này đều học gần nhà.
Thằng lớn mãi 19h00 tối mới tan học. Hôm nào phải học thêm tối thì anh ấy vội vàng lùa tạm bát cơm để lên đường đi tiếp. Anh ta cũng hơi bị nhiều sức khoẻ nên vẫn tự guồng tốt đấy, chứ thử hỏi mấy cô bạn gái hay bạn trai ít tập thể dục thì chắc cũng nhọc lắm!
Cô con gái tuy mới học cấp 2, nhưng vì là trường cấp 3 nên phải đổi lịch học & học từ 07h sáng. Xời ơi Xời… không biết mấy đứa bạn nó nhà mãi Gia Lâm, Hồ Tây cách trường hơn 10km thì đi làm răng chừ??? Dậy từ tờ mờ sáng, lại đúng vào những hôm mưa phùn gió bấc rét căm căm thì rõ là cơ khổ. Mắt nhắm mắt mở đứa thì được bố đèo đi, đứa đi xe bus. Phải thế mới thấy cái sự học ở Hà Nội là thế nào.
Các cháu học sinh sinh viên phải chịu thay đổi giờ như vậy, phụ huynh  nghiến răng kèn kẹt thay đổi theo từ đưa đón con đến giờ ăn bữa tối, cái khoảng thời gian mà với đa số gia đình là lúc cả nhà đông đủ gặp nhau, nay cũng có nguy cơ tan vỡ vì sự thiếu vắng thành viên. Tất cả chỉ mong sao đạt được mục tiêu giảm tắc đường mà bác Đinh Thăng đang cố thử.
Quả là cũng thấy khá hơn trước, đường đi làm đã thoáng hơn, nhưng chả biết được mấy nả…
Chưa quen mấy với việc đổi giờ học của con, thì đùng một cái có sự kiện “mất nước”. Rõ là quá khổ! Nghe nói đường ống nước sâu đến 6m tự nhiên bị vỡ (Người nhà (cấp) nước nói do đất chưa ổn định nên di chuyển gây cong vẹo đường ống. Nghe thấy hơi phi lý vì đất phía Tây Hà Nội không phải là đất bồi phù sa như phía Đông. Nhà mang tiếng chung cư cao (giật) cấp, nhưng một tấc đất cắm dùi không có, không có mái nhà riêng để bình inoc chứa nước. Tất cả xô chậu mang ra quá ít ỏi với nhu cầu.
Con gái than “ Mẹ ơi, đúng là “Nỗi đau mất nước”, con 3 ngày chưa gội đầu rồi mẹ ơi….” Và hôm qua chị ta vội vàng nhờ bố cho đến nhà bạn tranh thủ tắm gội. Bà chủ nhà (đã có thời gian đối phó với tình trạng thiếu nước thời niên thiếu) ra nghị quyết đối phó với tình huống khẩn cấp như sau:
-    Với bữa ăn: chỉ ăn 1 món rau luộc & 1 món mặn để rửa cho nhanh & ít nước.
-    Với vệ sinh cá nhân: mỗi người 1 gáo & thực hiện theo trình tự: 1. Đánh răng; 2. Rửa mặt; 3. Rửa chân (đứng vào chậu để bảo toàn nước); 4. Lấy nước cuối để dành dội toa lét.
-    Với đi nặng và nhẹ: đi nhẹ thì không dội, đi nặng thì cố gắng rủ nhau đi rồi dội một lần. Hạn chế hít thở khi ở trong nhà vệ sinh.
-    Tạm thời dừng tắm gội.
Tuy áp dụng triệt để như vậy nhưng đến ngày thứ 3 mất nước thì quả là bi đát lắm rồi. Cô cháu gái đi đến nhà bạn chơi với mục đích tắm nhờ, nhưng hỡi ôi, nhà đó cũng mất nước. Khổ thân nó, đi chen nhau trên xe bus, rồi lại đi bộ mồ hôi mồ kê túa ra, mà vẫn chưa được tắm, mặt mũi bức bối ỉu xìu lếch thếch về nhà. Hai vợ chồng và thằng con trai xách xô/ bình đi xin nước tứ tung, mang cả rau đi rửa nhờ. Cứ kiểu này kéo dài thì chết mất. Hu hu…Ra khách sạn ở thôi… các bác ôi…các bác nhớ gởi “trợ cấp khó khăn khẩn cấp” cho em nhá…
Đấy Sống ở Hà Nội các bác thấy có sướng không?

GIAO THỪA (T/g: Thùy Dương)


Rời quê hương đi để trở thành dân ngụ cư ở Hà Nội, Tết nào nhà tôi cũng vườn không nhà trống vào thời khắc các quan hành khiển năm cũ & năm mới giao ban. Tất cả các thủ tục Tết tôi làm khá chiếu lệ để khi được giải phóng khỏi công việc là khăn gói lên đường về quê luôn. Lũ trẻ được nghỉ học trước nên cũng về trước mấy ngày. Hình như đây là bệnh chung điển hình của dân Việt Nam cũng như Trung Quốc, cứ càng gần đến ngày ba mươi Tết là lòng dạ lại càng nôn nao hướng về quê nhà. Dù đang làm gì, ở đâu cũng một niềm mong ước: “Về quê ăn Tết”.
Những năm gia đình còn ở quê nhà, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, chúng tôi lại cùng nhau bên ly rượu vang để nhìn lại năm qua, kiểm điểm xem cái gì được cái gì chưa được và kế hoạch cho năm mới. Nhưng đã 7 cái Tết rồi, cả nhà về quê đón giao thừa. Năm thì bên  nội, năm bên ngoại. Được đắm mình vào không khí rạo rực của thời khắc giao mùa, với người thân vây quanh và ồn ã chúc tụng nhau khi ngoài cửa là pháo hoa nổ sáng trời, thấy những khoảnh khắc đó thật rưng  rưng…
Tuy  nhiên, từ Tết năm ngoái, chúng tôi quyết định ở lại nhà mình đón giao thừa. Dường như vì tự thấy mình đã khá “già” nên chán cảnh “sểnh nhà ra thất nghiệp” dù đó cũng là nhà ông bà nội hay bà ngoại mình cả. Và phần vì chúng tôi không muốn thấy bàn thờ gia tiên hương khói lạnh lùng vào thời  khắc quan trọng nhất của năm. Hơn nữa, khoảng cách địa lý đã thuận lợi rất nhiều do sẵn có phương tiện dịch chuyển.
Tết năm nay, thêm thằng anh cũng muốn ở lại cùng bố mẹ. Lý do đưa ra là cậu ta muốn xem giao thừa trên Hà Nội như thế nào. Nhưng thực tế thì cậu đã đi làm thêm tới tận 7 giờ tối ngày 30 Tết mới về nhà. Có lẽ với cậu thì giao thừa Hà Nội thật là yên ắng.
Rồi phút giao thừa đã đến, mâm cúng giao thừa được bê ra ngoài ban công. Cũng đủ cả hương hoa đèn nến thịt rượu vàng tiền và cả bộ mũ giày mới dâng Quan Sở Vương hành khiển của năm Nhâm Thìn. Nhà nhà hy vọng ông quan mới sẽ phù hộ cho gia đình một năm bình yên, may mắn. Ngoài trời đêm giao thừa không tối đen như đêm ba mươi ở nông thôn, mà trái lại, ánh đèn sáng rực cùng với ánh sáng của pháo hoa hắt lên nền trời toả màu hồng tím… hơi sương đêm lành lạnh lùa vào tóc, mơn man trên da mặt. Hình như Xuân đã vào nhà, rất nhẹ…
Sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới, khi phố phường còn ngái ngủ, ngoài đường thưa vắng người qua lại, thì chúng tôi lên “ngựa” vi hành về quê. Mùng 1 Tết cha. Năm nào cũng thế, các con cháu trai gái dâu rể rồng rắn đi chúc Tết họ hàng rồi về ăn bữa cơm Tân Niên. Những  năm trước, chỉ có hai mâm cơm, giờ lũ cháu to kềnh càng lại sinh sôi thêm nên ngồi ba mâm vẫn chật. Mùng hai Tết mẹ, nhà ngoại chúng tôi năm nay mâm cơm đầu năm thưa vắng người hơn. Lũ con cháu ít ỏi giờ lại chia ra sống hai miền Nam Bắc, chỉ còn chúng tôi về với mẹ. Mẹ chúng tôi có thêm một mùa xuân nữa trong hành trang cuộc đời, nhưng những ai gần bà đều thấy, trong tâm hồn mẹ Xuân vẫn còn rất Xuân.
Tết đã qua, người người lại hối hả trở lại vòng quay của cuộc sống thường nhật. Và có lúc nào ta đi chậm lại để chiêm nghiệm về những mùa Xuân đã qua và đang tới?

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

CHÚC MỪNG SINH NHẬT NGA 08/2

Nga thân mến!
Tập thể Kt26 chúc Nga luôn tươi trẻ, hạnh phúc và thành đạt.