Tôi hỏi: 'Anh thấy người Sài Gòn thế nào?', mặt anh ngạc nhiên như người từ sao Hỏa xuống.
Tác giả: Trần Tiến Dũng
Khi có ý đi tìm người Sài Gòn, không hiểu sao chưa ra
khỏi nhà, tôi đã biết có đi phỏng vấn đến Tết Congo cũng không người nào
tự nhận mình là người Sài Gòn gốc ba đời hoặc mấy chục đời cả. Chắc
rằng mọi người sẽ hỏi lại tôi: "Sao hỏi chi cái chuyện tào lao, tầm phào
hết sức vậy cha nội, kiếm sống được ở Sài Gòn, là người Sài Gòn rồi?".
Thật ra trên khắp thế giới, phần căn cước của một
người ít ai phân biệt dân tỉnh lẻ hay dân thủ đô và đó là văn minh căn
bản nhất. Riêng ở Việt Nam thì khác. Việc phân biệt dân thủ đô, dân
thành phố lớn hay dân tỉnh lẻ, nông thôn, dân kinh tế mới... là chuyện
căn bản. Ai cũng biết sự phân biệt đối xử của chế độ hộ khẩu là khắc
nghiệt, vấn nạn đó lâu ngày tạo nên cả một gói "tự hào" về địa vị chính
trị, kinh tế, văn hóa... dành cho dân có hộ khẩu thủ đô, thành phố trước
phần dân cư còn lại của cả nước.
Khi nền kinh tế mở cửa, dù chế độ hộ khẩu vẫn không
thay đổi nhưng những yếu tố kinh tế thị trường đã phá vỡ toàn bộ những
công dụng chuyên chế của chế độ hộ khẩu. Theo nhu cầu mưu sinh và nhân
lực của kinh tế thị trường, dân tỉnh lẻ, nông thôn tràn về đô thị bất
chấp chuyện họ sống đời không hộ khẩu hoặc chỉ có cái gọi là chứng nhận
tạm trú. Theo thời gian, "đội quân" nhập cư tăng theo cấp số nhân và cả
người nhập cư thành đạt, người kiếm sống qua ngày trở thành nguồn dân số
bá chủ. Chính nguồn dân số và chất lượng dân số bùng nổ này đã dồn
những ai tự huyễn hoặc cho mình dân thủ đô gốc, dân thành phố cố cựu vào
hội chứng yếu đề kháng, trở thành những kẻ thất bại.
Nếu ai còn tự cho mình là dân Hà Nội gốc, thật ra đó
là lối nghĩ của dân được bảo hộ bởi chế độ hộ khẩu. Họ có thể trưng ra
lý do là ông bà, cha mẹ sống ở Hà Nội và họ thừa kế cái gốc người Hà
Nội. Cơ sở lý lẽ này là không minh bạch vì trong lịch sử cận đại Việt
Nam, theo tìm hiểu, thời Hà Nội cổ, không có chuyện độc đoán, khoanh
tròn mực đỏ dân Hà Nội điểm tối ưu và phần dân còn lại chỉ có điểm trung
bình kém.
Người Hà Nội trước đây đủ khỏe mạnh, tinh thần và trí
thức để rộng tay đón nhận tất cả các nguồn dân cư như đón nhận dòng máu
mới, cũng như đủ ứng xử văn minh để biết rằng cực đoan địa phương là ngớ
ngẩn. Chuyện dân thủ đô được tôn trọng kính nể, đó là do phẩm chất
người, chất lượng từ những công việc phục vụ cộng đồng, quốc gia và được
cộng đồng xác nhận trong chuẩn giá trị văn hóa chung, chứ không phải
một dạng đặc quyền, đặc lợi.
Người Hà Nội đủ văn hóa để nhìn thấu rằng hiện trạng
hư hỏng của xã hội có nguyên nhân. Cả dân tộc, không phân biệt bất kỳ
ai, vùng miền nào đều phải gánh chịu hiện trạng hư hỏng tệ hại này. Một
giáo sư sinh ra ở Hà Nội di cư vào Nam muốn giấu tên đã nói thật với
chúng tôi rằng: "Chỉ thời đại này mới có kiểu tự tôn bệnh hoạn địa
phương thượng đẳng".
Mỗi tháng tôi đều đến một tiệm hớt tóc của một ông chủ
trẻ trên đường Hồ Bá Kiện. Tuổi chưa đến bốn mươi, anh có tổng cộng ba
tiệm hớt tóc. Lần này anh mời tôi hớt tóc, lấy ráy tai ở một tiệm mới
khai trương. Cô gái lấy ráy tai cho tôi nói: 'Ổng vài bữa nữa là sắm
thêm xe hơi". Tôi hỏi thẳng ông chủ tiệm là anh có mấy chiếc xe hơi rồi,
anh chàng nói giọng miền Nam lơ lớ: "Tính mua thêm một chiếc nữa là
bốn. Xe tôi mua cho cơ quan, công ty thuê, hợp đồng tính theo năm".
Rồi anh kể: Năm 1980, anh từ Huế vào Sài Gòn làm phụ
hồ, khổ "trơ xương", ba năm không biết mùi bún bò, mỳ Quảng là gì". Tôi
hỏi anh: "Anh thấy người Sài Gòn thế nào?". Mặt anh ngạc nhiên như người
từ sao hỏa xuống: "Rứa, lúc mới vào tôi cũng có nghĩ người trong này ăn
ngon, chơi bạo khác người quê tôi nhưng ở vài tháng là tôi thấy chỉ
người có tiền là khác". Cái anh chàng chủ tiệm hớt tóc này cũng như hàng
triệu người từ nhiều thế hệ đã nhìn thấy Sài Gòn là một nơi kiếm sống,
kiềm tiền, làm giàu. Đối với mọi người Việt, tính cả dân thủ đô, Sài Gòn
là vùng đất hứa, là một kiểu giấc mơ Mỹ của người Việt Nam.
Một trí thức người Bắc di cư kết luận: "Sài Gòn là đất
Phật". Nhiều người bạn ông bàn thêm: "Giá trị rõ nhất của đất Phật,
trước tiên, đây là nơi chốn bình yên, bình yên cả trong chiến tranh,
thiên tai và những vấn nạn đáng sợ khác có nguyên nhân từ con người. Sài
Gòn không có chuyện phân biệt đối xử vùng miền, văn hóa và chủng
tộc...".
Nhà báo TG. có lần nói: "Chỉ cần vô Sài Gòn, có một
cái bơm xe, ngồi ở vỉa hè Sài Gòn cũng sống được, cũng thoát khổ mà tính
chuyện khởi nghiệp". Mỗi người, trong hàng triệu người từ nhiều thế hệ
đều có riêng cho mình những kỷ niệm sâu sắc về sự rộng lòng của đất và
người Sài Gòn. Có người còn nói nửa đùa nửa thật rằng: "Nếu ai có chí,
dám đứng lè lưỡi cho người ta dán tem ở bưu điện thành phố, chắc chắn
không thiếu khách hàng".
Tuy nhiên, Sài Gòn cũng có bất công. Điều bất công này
không phải do Sài Gòn gây ra mà chính là do không ít người đến với Sài
Gòn gây ra. Có thể thông cảm hiện trạng lúc nào họ cũng thương nhớ, ca
ngợi nguyên quán xuất thân của họ. Và Sài Gòn cũng dễ quên, không chấp
khi có những người nhập cư thành đạt, nên cơ nghiệp, chỉ nhận họ là
người thành phố này, tỉnh nọ. Sài Gòn không hề chỉ là Sài Gòn của nơi
kiếm tiền, chỉ là một nơi tạm trú bởi đa phần người nhập cư đã hoặc sẽ
có khoảng đời sống ở thành phố này dài hơn so với lúc họ sống ở nguyên
quán sinh ra. Hãy đến các nghĩa trang, các chùa có để cốt mà xem, hàng
triệu người tứ xứ thuộc nhiều dân tộc, nhiều thế hệ đã chọn gởi lại cho
Sài Gòn nắm xương tàn.
Một cô bạn của chúng tôi sinh ra ở một nhà bảo sanh
trên đường Gò Công, quận 6, có ông bà nội là người Hoa Minh Hương, ông
bà ngoại là dân sinh ra ở bến Mễ Cốc, quận 8. Cô nói: "Nếu muốn biết ai
là người Sài Gòn thì chỉ cần nhìn cách họ đón tiếp, đối xử với bà con cô
bác ở quê lên thăm hoặc lên kiếm việc làm. Bà ngoại tôi mỗi lần gặp bà
con là mừng lắm, tấm lòng của người tha hương mà. Ai cũng có họ hàng dây
mơ rễ má, chớ có phải ở đất nẻ chui lên đâu".
Theo một ông già chạy xe ôm ở quận Tân Bình, "đất Sài
Gòn trước tiên là đất của những tay hảo hớn, bởi chỉ có những người mạnh
mẽ từ tâm hồn đến thể xác mới quyết định bỏ xứ ra đi đến đất mới, cũng
chính họ mở đường cho con cháu mưu cầu sự sống mới và tự do. Tánh hảo
hớn và phóng khoáng là máu huyết căn cơ của người Sài Gòn".
Ở góc đường Cao Thắng và Phan Thanh Giản cũ (nay là
Điện Biên Phủ) có một cái miếu lớn gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Nơi đây
hàng ngày hàng đêm vẫn nghi ngút hương khói tưởng nhớ những vong linh
của tướng quân Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt) và các nghĩa
binh bị xử chém, vùi xác ở quanh khu Kỳ Hòa, thành Gia Định dưới thời
vua Minh Mạng. Một nhà nghiên cứu lịch sử miền Nam có lần nói với tôi:
"Không rõ lắm những nghĩa quân này có phải là người Sài Gòn không nhưng
tôi tin chắc khi họ chết, họ là người Sài Gòn".
Gia đình bên ngoại tôi có một người anh họ, anh tên là
Ba V. Sài Gòn với anh là một thiên đường tại thế, có lần anh nói với
tôi: "Tao phục mày quá, sống được ở Sài Gòn". Lời anh đơn giản nhưng chí
lý, người Sài Gòn thời nào cũng rất bảnh trong cách nhìn của người địa
phương khác. Có người sẽ phản bác tôi rằng: "Người Sài Gòn ngày nay
không còn sang trọng nữa". Nhưng trường hợp gia đình anh họ tôi thì lại
đồng ý với tôi. Sau 1975 cả bảy đứa con của anh họ tôi đều không đủ ăn
đến xanh mặt. Khi Sài Gòn vào thời kinh tế thị trường, cả năm đứa con
trai, con gái của anh đều trở thành người Sài Gòn, anh chỉ giữ lại được
đứa con gái và đứa con trai út làm người Gò Công cày cấy trên nửa mẫu
ruộng hương hỏa. Điều đáng nói là những người con Sài Gòn của anh, dù
chỉ làm thợ hồ và nấu bếp ở Sài Gòn nhưng đã đem lại một cuộc cách mạng
kinh tế, lối sống văn minh cho cả gia đình anh. Chất nông dân cố cựu của
anh không còn như trước, ở anh ngày càng rõ ra cái chất thị dân Sài Gòn
do con anh truyền bá.
Tôi có dịp nói chuyện với cô gái người Hà Nội, cô vào
Sài Gòn làm nghề báo. Tôi không biết cô có phải là người Hà Nội gốc hay
không, cô nói: "Khi mắng cái dân thiếu văn minh ngoài đấy, em có Sài Gòn
để chứng minh là trong này người ta không ai làm việc xấu hổ thế". Tất
nhiên, không có vùng rộng của lối sống văn minh nào lại không có mặt tệ
nạn nhưng cộng đồng thị dân Sài Gòn không có kiểu hí hởn cả tập thể hùa
nhau hái hoa Anh Đào của Nhật Bản triển lãm về làm của riêng, cũng không
có những vấn nạn không thể tưởng tượng được như chiếm thang máy chung
cư, cho thang máy chạy lên chạy xuống liên tục để dỗ con và đút cơm cho
con mình ăn ngon miệng.
Không có cái kiểu nghĩ và hành xử như một cô ca sĩ trẻ
mà tôi quen. Cô này từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm cơ hội thành "sao". Trong
thời điểm Hà Đông có quyết định sáp nhập vào Hà Nội, cô luôn miệng tục
tằn, gay gắt với những người "đời đời kiếp kiếp" cô không nhận là người
Hà Nội dù hàng ngày đang cùng thở, cùng sống ở không gian Hà Nội mở rộng
với cô. Chính từ những cách nhìn kỳ thị kiểu này đã xác lập một thứ
ranh giới mà ở đó, người ta tự cho Hà Nội như mình đây là tốt đẹp, phần
còn lại là tệ hại vì không phải là Hà Nội. Có gì đáng buồn cười và xấu
hổ cho bằng kiểu kỳ thị "địa phương thượng đẳng" đó. Và chính đó mới là
mầm mống, là nguyên nhân của vô số vấn nạn xã hội.
Vấn đề không phải Sài Gòn không có người nhập cư quê
mùa, kém cỏi nhưng cái chính là văn minh Sài Gòn đủ mạnh để hướng mọi
người đến phẩm chất tôn trọng lợi ích cộng đồng và tự trọng trong lối
sống cá nhân. Hơn 30 năm qua, những ai công tâm sẽ nhìn thấy những dòng
người không thể thống kê hết từ miền Bắc vào Sài Gòn để mưu cầu cuộc
sống tốt hơn, qua từng cá nhân, họ hàng, thôn làng vào Sài Gòn, vào miền
Nam rồi về thăm quê đã đưa về, đã truyền bá lối sống văn minh, vật chất
và tinh thần Sài Gòn.
Bạn tôi - nhà thơ, là một người Hà Nội sang trọng, anh
vào và chọn Sài Gòn để sống, cũng có thể coi anh là người tị nạn văn
hóa ở Sài Gòn. Anh có những kỷ niệm vui buồn sâu sắc dành cho Hà Nội nên
mỗi lần về quê trở vào là anh nói: "Mình đặt chân xuống phi trường Tân
Sơn Nhất là thấy nhẹ người".
Theo Ngoisao.net