Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Tỉ phú 'chân đất' mất trắng vì mê gái trẻ

22/07/2012 07:38:28 PM (GMT+7)
Bình Dương có nhiều nông dân phất lên nhờ tiền bán đất, đền bù giải tỏa. Chỉ vì mê gái đẹp mà gia đình họ tan nát, tài sản đi tong, có người nắm tiền tỉ trong tay phải đi chăn trâu thuê.

Vừa qua, thông tin mấy ông nông dân ở huyện Bình Chánh - TPHCM chi cả ngàn USD để qua đêm với á khôi, hoa hậu khiến nhiều người sống quanh các vùng giải tỏa ở Bình Dương đem chuyện “hai lúa” địa phương tán gia bại sản vì gái đẹp ra bàn tán.
Họ cho rằng nhiều nông dân trong vùng còn si gái và chịu chi hơn cả mấy ông ở Bình Chánh. Một trong những khu vực hội tụ nhiều nông dân kiểu này là xã Hòa Lợi, xã Thới Hòa ở huyện Bến Cát, nơi dính các dự án trọng điểm như KCN Mỹ Phước, TP Mới Bình Dương…
Bỏ vợ con, theo một cô gái 20 tuổi, ông L. từ một “đại gia” trở thành người đi chăn trâu thuê. (Ảnh: Sơn Khê)
Từ năm 2004, nông dân trong vùng nhận hàng trăm tỉ đồng tiền giải tỏa từ các dự án. Cũng từ đó xuất hiện hiện tượng tỉ phú chân đất chán vợ, ra đường săn “gái tơ”.

Đột tử

Ở đây đầy rẫy mấy ông nông dân “trúng” tiền tỉ giải tỏa rồi bỏ vợ, cặp gái đẹp, ăn chơi sát ván, bị lừa đến trắng tay” - anh Đào Hữu Tánh, công an viên ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, cho biết. Nằm cách TPHCM khoảng 40 km, Phú Nghị chỉ là ấp nhỏ nhưng anh Tánh cho biết ít nhất có 7 trường hợp như vậy.
Gái đẹp ở đây chỉ là những em tuổi đôi mươi, trăng trắng, xinh xinh từ miền Tây lên phục vụ trong những quán cà phê, karaoke…
 Bi thương nhất là trường hợp ông P.Q.D, 52 tuổi, đã có vợ và 4 con, là nông dân chuyên trồng cao su, sau khi bị một cô gái miền Tây bội tình đã đột tử. Trước khi chết, ông D. “đốt” nhiều tỉ đồng tiền đền bù rồi bán sạch nhà cửa nên giờ đây, vợ con ông sống vất vưởng khắp nơi.
Anh Tánh dẫn tôi đi gặp cháu của ông D. ở ấp Phú Nghị. Anh này thiểu não kể: “Con bé mà cậu D. cặp bồ chỉ mới 18 tuổi, bán cà phê gần đây. Biết cậu D. nhận tiền giải tỏa, cô ta bắt ông ấy mua sắm tùm lum rồi dẫn về quê xây nhà nữa”.

Theo cháu ông D., khi nhà xây xong cho người đẹp, ông cạn tiền vì mua sắm nội thất, ăn chơi bạt mạng. Một ngày nọ, ông thình lình phát hiện cô bồ trẻ đang ôm ấp một thanh niên trong phòng ngủ ở “tổ ấm” của mình.
Khi ông D. lớn tiếng thì người thanh niên đứng lên vỗ ngực xưng là chồng cô gái và đuổi ông ra khỏi nhà. Bị bại tình, ông quay về ấp Phú Nghị, buồn bực, rượu chè triền miên rồi đột ngột chết vào năm ngoái.

Nếu tính số tiền đền bù đất cao su và đất nền thì đứng đầu danh sách đại gia trong vùng “tỉ phú bại tình” này là ông X., khoảng 40 tuổi. Vì trót mê một cô gái quê Sóc Trăng làm chủ quán cà phê ôm, chỉ trong ít năm cung phụng người đẹp, cả chục tỉ đồng tiền đền bù của ông thành mây khói.
Tôi giờ phải đi làm lơ xe, đứa con mới lớn không đủ tiền ăn học. Giá mà hồi đó “trúng” giải tỏa xong, tôi đừng theo con nhỏ đó xuống Sóc Trăng xây nhà cho nó” - ông X. tiếc nuối.
Một người bạn của ông X. cảm thán: “Ông cũng như mấy cha mê gái trong ấp này đều đi theo “phong trào”: Giải tỏa miền Đông, xây nhà miền Tây!”.

Lụn bại

Khu dân cư Mỹ Phước 3 ở ấp 1, xã Thới Hòa nằm cách ấp Phú Nghị 4 km, là nơi tái định cư cho những hộ nông dân bị giải tỏa dự án KCN Mỹ Phước 3. Chúng tôi tìm ông L., 54 tuổi, một nông dân từng được xem là giàu nhất vùng và cũng là tay si mê gái như điếu đổ.
Trước đây, ông L. có gần 8ha đất trồng cao su, điều… Chỉ tính tiền cạo mủ mỗi đêm, ông đã kiếm bạc triệu. Vậy mà giờ đây, ông phải đi thuê phòng ở trọ nhưng ngay cả tiền trọ cũng nợ chủ 4 tháng chưa trả được.
Sau khi xây nhà cho bồ nhí ở miền Tây rồi bị phụ tình, ông M.C trở về dựng một cái chòi ở riêng, không dám đến với vợ con. (Ảnh: Sơn Khê)

Tìm ông L. mãi không ra, chúng tôi tạt qua nhà ông cán bộ ấp 1. Ông này than: “Ông L. giờ đi chăn trâu thuê rồi. Từ khi bỏ vợ con theo bồ nhí rồi bị cô ta bỏ, ông ấy như người mất hồn, lùa đàn trâu về mà không biết con nào thuộc đàn mình, cứ đi tìm. Chuyện ham gái của ông L. cả ấp đều biết nhưng ai nói ra là ông ta cự”.

Lùng sục mãi theo những triền cỏ, chúng tôi mới gặp được ông L. Vừa định bắt chuyện với ông thì một thanh niên mặt mày nghiêm trọng từ xa rồ xe máy tới, áp sát chúng tôi. Thì ra, anh này là con của ông L., thấy chúng tôi đi khắp nơi tìm ông nên tưởng cha ghẹo gái trẻ bị người ta tìm đánh ghen!

Nói thiệt, giờ thấy gái là tui sợ. Đất đai bán dần, bán mòn, chỉ còn gần nửa héc ta cao su thì bị giải tỏa, ngoài tiền đền bù, tui còn được cấp 3 nền đất, mỗi nền trị giá mấy trăm triệu đồng.
Để một nền cho vợ con, tôi bán 2 nền, mang hết tiền xuống quê con bồ 20 tuổi ở Đồng Tháp xây cho nó cái nhà lớn nhất nhì xứ đó. Giờ nó bỏ tui đi Đài Loan rồi. Qua đó dễ gì mà nó không lấy chồng!” - ông L. chua chát.

Lùa đàn trâu xuống vũng lầy tắm bùn xong, ông L. móc từ ví ra tấm hình của một cô gái trẻ, má mủm mỉm, da trắng, tóc ngang vai.
Đây là hình của nó. Giờ tui không còn thương, chỉ còn hận” - ông cay đắng. Nếu không có cô gái này bước vào đời, theo lời ông L., có lẽ giờ đây ông đã là chủ nhiều dãy nhà trọ, nhiều phòng karaoke như nhiều người “trúng” giải tỏa khác chứ không phải chăn trâu thuê rồi lượm phân trâu bán kiếm tiền sống qua ngày.

Cô độc

Băng qua con đường nhựa dẫn vào TP Mới Bình Dương, tôi đến một cánh rừng cao su thuộc ấp Phú Nghị, nơi có lão nông si tình tên M.C. đang ẩn cư một mình. Nhìn căn nhà nhỏ tuềnh toàng như cái chòi, không ai có thể ngờ được đây là cơ ngơi của người đàn ông một thời được người trong vùng xem như “anh hùng lao động” vì làm nông rất giỏi và giàu.

Tôi phải gọi mấy lần, ông C. mới dòm ra. Ở cái tuổi 69, ông đã lảng tai. Tiếp khách, ông cởi trần, không mang dép, chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Khuôn mặt lỗ chỗ, nhăn nheo, mái đầu bạc trắng nhưng đôi mắt ông vẫn đầy vẻ mơ màng, đa cảm, si tình.
Có lẽ vì vậy mà mấy năm trước, bất chấp hàng xóm đàm tiếu, vợ con khóc lóc, ông vẫn theo một người đẹp miền Tây về quê xây nhà lớn cho cô, để rồi phải thầm lặng ra đi vì tổn thương do cô ta bỗng dưng hững hờ.

Nghe nói ông từng ăn chơi dữ lắm?” - tôi thắc mắc. Ông C. trố mắt ngạc nhiên: “Sao cậu biết? Thôi đừng nhắc nữa”. Tôi giả vờ hỏi mua đất, ông buồn bã: “Tui chỉ còn chút đất trồng cao su trước nhà để dành cho con cháu lấy đức”.
Một công an viên ấp Phú Nghị cho biết: “Tuổi gần đất xa trời, thương con cháu, nhà vợ con gần đây nhưng ông ấy không dám về ở. Con gái cưới chồng, ông ấy cũng không dám đến dự vì xấu hổ”.
(Theo Người lao động)

3 nhận xét:

  1. Thanks KT.
    Không biết nên cười hay nên khóc nữa.
    Nhưng tôi thấy với ai, với nông dân nào chứ nông dân miến Tây Nam bộ thì nghe vậy chứ cũng bình thường thôi à. Hồi tôi mới vào SG, tôi ngạc nhiên lắm, đêm đêm thấy đầy dãy người nằm ngủ tại vỉa hè đường Hàm Nghi hay nhiều chỗ khác. Thấy đêm đêm những quán nhậu nhỏ ven dường, trong hẻ,, mấy anh xe ôm, xích lô lưu khưu đến tận sáng... Hỏi ra mới ngộ. Người Nam bộ là vậy, anh xe ôm, xích lô... một ngày làm bao nhiêu, không cần quan tâm lắm đến ngày mai, cừ sả cảng đã, hết thì thôi, mai làm tiếp lại có mà nhậu. Khí hậu nam bộ ưu đãi, cứ vỉa hè mà năm, cần gì nhà kiên cố, để tiền mà ăn... Đó chính là tính cách người miền Tây. Nơi thị thành bon chen còn vậy. Đến giờ, hãy về miền Tây mà xem, tuộng bạt ngàn, thằng cánh cò bay. Nhà khoảng 5-10 mẩu (50-100,000 m2), làm cò đến cuối thì đầu ruộng cò mọc cao ngất rồi, Nhà cửa thì vẫn vậy, xềnh xoàng, mà cần gì kiên cố, cuộc sống vẫn an bình mà... Đó là lý do mà khi bán đất, có tiền, chả gì mà phải lăn tăn, tiêu cho sướng. Nói đại gia nông dân , chứ thực ra quen xị rượu đế uống với soài cá sặc khô hay gì đó, vậy làm gì mà tốn tiền. Chả biết làm gì, còn mỗn cái món chân dài là dễ tiêu tiền nhất, các bác tính phóng khoáng , gặp mấy em chân dài là phóng luôn cà mẫu ruộng chuyện thườ. Ừ, hết rồi, cuộc sống quay về đúng chất nông dân miền tây. Trâu mình hay trâu nhà, ta cũng chăn, không nề hà gì cả... Thú thực họ nghỉ và sống cũng vậy vậy đó, chuyện nhỏ ở miền Tây mà!

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy, cùng một sự việc nhưng nhìn nhận dưới quan điểm, tập quán văn hóa khác nhau sẽ thấy tốt, xấu ở những mức độ khác nhau.
    Với tập quán của người Miền Bắc, Miền Trung làm ăn chắt bóp dè sẻn thì những việc như thế này là động trời nhưng với người Nam Bộ đặc biệt là Tây Nam Bộ thì có lẽ không phải là gì ghê gớm lắm.
    Tôi đã từng nghe có định nghĩa vui về sự khác nhau giữa SGN và HN như sau:
    HN - Người giàu là người có nhiều tiền.
    SGN- Người giàu là người tiêu nhiều tiền.

    Theo tôi, tập quán này cần phải thay đổi!!!

    Trả lờiXóa
  3. Đúng đó KT,
    Tôi nghĩ nên thay đổi. Đất chật người càng đông. Ruộng được đền bù làm sân Golf và khu CN hết, dần dần các bác hết "nguồn ung dung", không chắt bóp thì đất không có mà ăn chứ nói chi đến món chân dài.
    Nhưng để thay đổi được bản tính và văn hóa thì khg một sớm một chiều!

    Trả lờiXóa