Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

HÈ XƯA (T/g: Chuti)

Tôi bị nâng bổng lên, sau một đoạn đường ngắn dẫn từ cổng trường ra đến cái gò đất trống. Cậu chủ nhỏ của tôi ngân lên tiếng “Oaoooooo…” vang dài,  tôi mất trọng lượng văng khỏi tay cậu chủ, tít mù quay trong không trung, ruột gan tôi song sọc, tùng phèo…. Chắc phải tới vài chục vòng quay tít trên không,  mặt mũi tối sầm, tôi bị liệng vào góc quả đồi sau hơn chục vòng nữa nôn ra mật dưới đất.
Tức thật! Trong lúc tôi đang sây sẩm mặt mày, ruột gan cồn cào, thì cậu chủ thẳng cẳng nằm ngửa, hai chân, hai  tay rang rộng, mắt lim rim tận hưởng không gian hoàng hôn, nắng nhạt cuối chiều hè… Cậu chủ nhỏ của tôi có thói quen lạ, cứ ý có chuyện gì vui buồn, đây là một trong những vị trí ưa thích để cậu ta được tự do sống giao hòa với không gian riêng, tĩnh mịch của mình. Thôi, chết rồi! Hôm nay là buổi học cuối cùng của câu ở trường, một mùa hè nữa lại tới….
Tôi giận cậu lắm, gắn bó với nhau mấy năm liền, từ cái ngày tôi được chuyển từ anh cậu, đến chị gái cậu, và nay trong tay cậu, vậy mà cứ hè về, cậu ta lại lẳng tôi vào một góc không thương tiếc. Đã nhiều lần, giận quá, tôi chơi khăm. Một số đồ dùng bên trong, tôi liệng cả ra ngoài. Thế là cậu cứ đinh ninh 3 tháng hè vứt bỏ tôi, ngày vào năm mới, cứ vậy mang tôi tới trường. Nhìn cái dáng vẻ biết lỗi, gãi đầu, gãi tai của cậu khi bị cô giáo kiểm tra đồ dùng học tập, thương lắm, nhưng cho đáng đời… Cũng như hôm nay thôi, sau mấy chục vòng nhào lộn ngoài đồi cỏ trọc, sau cả giờ cậu ta lim dim cho kế hoạch quậy phá hè của mình, tôi lại bị ném vèo vào cái góc nhà này đó thôi.
Chắc giờ này cậu ta lại đang tụ hội tại sân chùa, cái thánh địa của cậu và con em cán bộ trong trường. Nghe nói, đó cũng là vùng đất nóng, hay xảy ra xung đột. Cũng đúng thôi, đây là một vùng đất rộng, có vài ánh đèn điện chiếu sáng lung linh thế giới  tượng tượng trẻ thơ nơi đây. Một vùng đất linh, và vì vậy bọn trẻ nơi đây luôn nằm trong thế phải chống trả sự xâm chiếm của đông đảo những đứa trẻ sống ngoài khu tập thể. Câu chủ lại có một mùa hè bận rộn, với  cuộc chiến giữ đất, với hoạch định dài cho những trò quậy phá trẻ thơ, bọn trẻ trong xóm đang chờ cậu….

“ Ông T. bà M. đâu, mang thằng H. về mà dạy dỗ, đồ du côn, nó đánh con người ta như thế này đấy hả…!?”
Thôi chết rồi, chuyến này lại nhừ đòn! Thấy chưa, mới có ngày đầu lập lũy mà đã bị người ta đến nhà chửi xéo . Chắc thằng nhóc kia lại không nghe theo sự “chỉ đạo chiến lược” của cậu chủ  đành hanh nóng tính của tôi, thằng nhóc lại ăn mấy quả đấm nặng tay rồi. Bị quăng trong góc nhà, chả nhìn thấy gì, nhưng nghe nói ba mẹ cậu chủ bực lắm rồi. Chuyện này thường mà, chút xíu cậu chủ sẽ bị xếch tai về, ăn mấy cái bợp tai của ba, hay mấy cái roi dơ cao đánh khẽ của mẹ là xong hết. Một lúc là thôi, liệu có đau không, nhưng chả thấy lần nào cậu chủ khóc. Nghe mẹ cậu nói với ba, từ từ mà day nó, thằng này lỳ, không sợ đòn, cứ dùng roi vọt nhiều, nó quen, nhờn đòn thì hết đường dạy dỗ.
Đúng vậy, tôi đã chứng kiến một lần mà tởn hết ra gà. Cậu chủ tôi lỳ lắm. Lần ấy 2 anh em thằng hàng xóm lớn hơn cậu 4 đến 5 tuổi. Chúng nó giật cái mũ vải của cậu, truyền tay nhau… và rồi chúng ném lên mái  bếp. Chẳng nói chẳng rằng, cậu trèo lên lấy xuống. Ông chủ tôi trong nhà chứng kiến hết sự việc, giận tím người. Gọi cậu xuống tra hỏi, cố tình để cậu nói ra 2 thắng lớn tuổi hàng xóm…. Nhưng cậu cứ lỳ ra, chẳng hé một lời, ông thấy vậy càng đánh, ông đánh vì bất lực, vì không có cớ để trị 2 thằng lớn tuổi hàng xóm bắt nạt con ông, ông đánh như thể đánh chính mình… Không một giọt nước mắt, nhưng tôi nhìn thấy trong ánh mắt cậu chủ có gì đó uất hận…
Và ngay tối hôm ấy, nghe hàng xóm chu chéo với nhau: “Ối giờ ơi! Không hiểu sao anh em thằng Q. thằng T.  vừa rồi bị đứa nào đó trong bụi tối lao ra cầm gạch đập liên tiếp vào đầu, máu me be bét, đưa lên trạm xá rồi!” Và cũng tối ấy, cậu chủ nhỏ của tôi về sớm hơn mọi ngày, cậu cũng chẳng nói gì cả mà lẳng lặng trèo lên giường, đầu gối lên cánh tay, mắt lim dim nhắm lại….

Đánh người, người đánh lại, cái vòng luẩn quẫn ấy cứ mãi ngàn đời nay. Ai cũng hiểu, chả biết lúc ấy cậu chủ có hiểu không, nhưng có lẽ rất nhiều lần ông bà chủ phải thót tim, hoảng loạn chứng kiến những thương tích của cậu sau những cuộc chiến giữ đất. Bà chủ như ngất xỉu, khi nghe mọi người gào lên “Ông T. bà M. đâu ra ngay không thằng H. chết mất….” Tim tôi như ngừng đập khi nghe tin ấy. Tôi chẳng lao ra đó để cứu cậu tôi được, chỉ nghe kể lại rằng, mảnh đất linh của tụi nhỏ bị bọn Phương Lưu dàn quân chiếm gần hết. Gạch đá liệng ầm ầm làm kín lặng cánh cửa nhà cư dân trong xóm. Bọn trẻ con trong khu dần dần bị đồn về phía sau. Tình thế lâm nguy, phải mở đường máu. Câu chủ và một thằng nữa lẻn qua mấy cái tháp chùa, tiếp cận đánh thọc ngang…
“Cộc!”….
Cậu chủ choáng váng, tay ôm đầu, máu phọt ra…. Cả địch, cả ta , và cả những cư dân tò mò lúc đó đều sững người lại. Cuộc chiến giữ đất đã có máu đổ thực sự. Bọn trẻ bên ngoài cũng chùn hết tay, bọn trẻ trong xóm sợ hãi đứng chôn chân phía sau…. Và một lần nữa cậu chủ lỳ lợm của tôi lại thể hiện tính anh hùng rơm của mình. Tay trái giữ chặt vết thương máu gỉ, tay phải vơ ngay một viên gạch, cậu từ từ đứng lên, hai chân đồn hết sự tức giận trong người, câu cứ thế lao lên phía trước….
Và cuộc sống an bình lại đến với vùng đất linh ấy. Nhưng hình ảnh một thằng bé tay ôm đầu đẫm máu, tay cầm viên gạch chạy phăng phăng về phía trước đã không qua khỏi con mắt của một quí ông có chức sắc lúc ấy và sau này. Để sau đó 15 năm gặp lại, cậu chủ được nhận dạng dưới con mắt quí ông nọ là một tay giang hồ, ít học. Nghe mà cười ra cả nước mắt.

Cuộc sống yên bình lại đến. Những tranh chấp, những cuộc chiến tay đôi cũng qua, nhường lại cái xóm công chức nghèo ấy sự yên bình và thư thái. Ngày hè đến, đó cũng là những ngày bọn trẻ con trong xóm được háo hức với những sinh hoạt mà Đoàn trường Đại Học Đường Thủy lúc đó tổ chức cho con em trong trường. Cậu chủ vui ra mặt. Được tập luyện và đá những quả bóng da xịn chứ không phải bóng rẻ quấn lại hay cùng lắm là quả bóng nhưa rách nát. Cậu được chơi bóng bàn, được thi đấu có cả trọng tài. Và năm lớp 4 ấy, cậu đã lượm được giải duy nhất cho cả con em trong trường không kể lớn bé. Nó như một món quà tinh thần rất lớn để sau này cậu hăng say và đam mê tiếp những bước thú vị vào môi trường chuyên nghiệp hơn.
Cậu chủ thích nhất là đến lượt làm sao đỏ, để “trả thù” cho đã! Tập thể dục buổi sáng ư, đến muộn, mội lỗi! Buổi trưa nắng hè, ít quạt điện, ngủ khó lắm, giả bộ hả, ngủ sao mắt đụng đậy, thêm một lỗi nữa! Nhiều cái bắt lỗi lắm, mất trật tự xóm, chửi bậy… đều tính vào điểm thi đua. Để cuối hè, Đoàn trường tổng kết thi đua, phân loại. Ai tốt sẽ có cơ hội đi thăm lăng Bác Hồ tận Hà Nội. Còn không, xin mời ra tắm biền Đồ Sơn. Thích lắm, mỗi lần được đi xa, được chơi bời thoải mái, được ăn no và ngon nữa. Đó là cái lý do mà câu chủ tôi, tuy nghịch ngợm nhưng cũng ý thức được mục tiêu mình, một cái mục tiêu nghe hèn hèn lạ, được đi chơi, được ăn no, ăn ngon. Chính vì vậy, việc đi bắt cua, tát cá cải thiện thêm cho gia đình, rất cần thiết cho những ngày hè, cũng được cậu chủ tôi và ông anh thu xếp một cách hợp lý nhất. Khẩu hiệu, đảm việc nước, giỏi việc nhà luôn được tuân thủ. Đó cũng là lý do mà bữa cơm hè gia đình cậu chủ vẫn luôn có bát canh cua, canh cá và nồi cá kho, rạm kho trong điều kiện thiếu thốn rất nhiều về vật chất lúc ấy.

Tôi đã sống cùng cậu chủ nhỏ của tôi biết bao mùa hè như thế. Những mùa hè thiếu thốn đủ đường. Thiếu cả một cái sân chơi mà đã bao lần cậu chủ của tôi phải đổ cả máu để giành giật nó. Những mùa hè thiếu thốn,  cậu chủ nén mình trong khuôn khổ để được đi chơi xa, được ăn những bữa cơm no và ngon miệng. Những ngày hè, mình trần đen đủi khắp cánh đồng nọ, đến bãi sông kia với những con cua, con cá. Nhưng đó cũng là những ngày, mặc dù tôi giân lắm, nhưng cậu chủ nhỏ bé của tôi được no nê với tiếng ve kêu hạ, được hít thở bầu không khí căng tròn oi ả  ngày hè xưa. Đến cả tôi là người bạn thân thiết trong phần lớn thời gian còn lại, câu cũng chả thèm quan tâm. Để rồi, ngày khai trường, mắt nhắm mắt mở tỉnh dậy, kéo vội tôi lao thẳng vào lớp để lại gãi đầu gãi tai đổ lỗi cho mùa hè.

Biết cậu chủ đã quên, nhưng hôm rồi cứ mạnh miệng a lô, hỏi cậu còn nhớ tôi?
Hehehe, lại cái gãi đầu gãi tai xưa, cậu bật cười, nhưng không như thời ấu thơ, tôi thấy cậu tôi rơi lệ…!
HCMC – 06 JUNE 2012 - CHUTI

7 nhận xét:

  1. Hehe.
    Một tay đầu mấu có hạng.

    Trả lờiXóa
  2. Ngày nhỏ tôi cũng thỉnh thoảng can dự mấy vụ "chiến đấu" nhưng không nhiều. Có thể do khu vực nhà tôi dân cư thưa.
    Lúc nhỏ, tính đang hăng mà ở các khu tập thể (trẻ con nhiều) thì "chiến đấu" là không tránh khỏi.

    Trả lờiXóa
  3. Cậu ấy rơi lệ có lẽ vì buồn, vui? hay vì nhớ một thời mà không thể quay lại được nữa?

    Trả lờiXóa
  4. Thanks KT,
    Tôi vẫn chưa biết cậu ấy vì sao rơi lệ. Thất đấy, chả biết vì sao...!

    Trả lờiXóa
  5. Rat thu vi nhung minh khong he ngac nhien hay bat ngo. chang hieu sao minh von da hinh dung ra cau chu nay dung nhu kieu cau ay viet.

    Trả lờiXóa
  6. Thanks Pham.
    Rất vui!
    Không chỉ vì những cái comment rất "Phạm" , rất thẳng thắn những vẫn giữ được "trình" của mình. Tôi vui vì đã lâu mới thấy Phạm xuất hiện lại, mọi cái đang tiến triển tốt.

    Trả lờiXóa
  7. Quên, Phạm có vẻ như còn là một cô xem tướng có nghề đó. Lần gặp ở HCMC năm trước, cô xem tướng này phán cho tôi 2 items ... chúng phóc. Vậy nên comment của Phạm làm tôi rất vui, nhưng không hề ngạc nhiên hay bất ngờ về giác quan thứ 6 của Phạm.

    Trả lờiXóa