Từ khi sinh ra đã thế, nge ông cha và
các bậc tiền bối dăn dạy, cái giống nhà tôi vốn dĩ truyền đời vậy. Chẳng có một
bà con nào vuông thành sắc cạnh, giống nhà tôi cứ tròn xoay không phương, vô hướng
thế thôi. Hãnh diện!
Chúng tôi ở khắp nơi, làm vui cho đời,
đời cần chúng tôi. Chúng tôi thân thiện và song hành với con người, con người
có chúng tôi để thêm yêu cuộc sống, cái cuộc sống vốn dĩ nhiều những lo toan và
trăn trở. Tuyệt!
Họ nhà chúng tôi đơn giản, khác với
con người, còn khá nhiều phức tạp, xấu tốt lẫn lộn, sáng nắng chiều mưa. Đó là
cái lý do tại sao họ hay mượn hình ảnh tròn chĩnh của chúng tôi ra để mà ví mà
von với những cái bóng cái gió, cái khó nói, không thể làm của họ. Thâm nho!
Có lần tôi xuýt bật thành tiếng khi chứng kiến
cái cảnh dở khóc, dở cười của cậu chủ tôi, nghe đâu nhậm chức mới. Đúng là
công tử bột, có chút vai vế gia đình, bày đặt đôi co với sếp của mình. Khổ nỗi
chả biết thể dục thể thao là sao, thân hình nhỏ thó chích chòe: “ Anh cứ coi em
như trái banh, nay đá chỗ này, mai đẩy chỗ kia…”. Trước nhiều người mà dám “thọc
lét sếp”, quả là gan trời. “Mày mà có bản ngã hay sao?”, sau câu nói cũng chẳng
thiếu vẻ ví von của ông sếp, là khoảng thời gian lận đận của cậu chủ. Cậu chẳng
phải bị đẩy đưa đi đâu cả, cứ ngồi ở cái phòng bé xíu mà nghiền ngẫm những công
việc tẻ ngắt không xứng tầm với mình, để rồi một ngày gần đó, chẳng thấy cậu chủ
quay lại cái sân chơi bé xíu đầu đời ấy nữa. Rõ khổ, như con người hay nói: cái
mồm làm khổ cái thân, không biết gì về đá bóng mà dám nói chuyện công việc chuyên
môn với sếp. Dại dột!
Nói vậy cũng oan cho cậu chủ trẻ người
non dạ của tôi, ngay cả những cầu thủ chuyên nghiệp, mỗi ngày làm quen với
chúng tôi cả chục tiếng đồng hộ, vậy mà cũng dở khó dở cười trước bàn dân thiên
hạ đó là gì. Thằng anh Tango-12, con ông bác tôi, kỳ này được bằng bạn, bằng bè
tham gia Euro-2012 tận bên Tây. Nghe nó kể mà lăn ra cười. Nào thì cái anh
chàng thủ môn Peter Cech nào đó, nổi tiếng với bàn tay nhựa và cái mũ bảo vệ đầu
khi ra sân, với trái banh Tango đẹp vậy mà hắn chơi như trò vồ vịt dân gian,… hỏng
ăn, làm tím mặt ông HLV và suýt làm vỡ tim cả một đất nước. Hay tệ hơn nữa là mấy
chú Gấu Nga, từ hồi tí tởn, dời hang trú đông, bỏ tên Liên Xô, để rồi luôn làm
cho mọi người đi hết cảm xúc này đến cảm xúc khác và cuối cùng là một cảm xúc
thất vọng ê chề. Cũng chẳng qua là thiếu bản sắc và ngẫu hứng mà thôi. À mà còn
cả cái anh Tam Sư nào đó, nghe nói lúc nào cũng nằm trong những cái tên kỳ vọng
trong các hội lớn, thế mà cứ ê chề trượt chân những đoạn đường cuối. Tango bảo,
người của công chúng mà, cũng chỉ có cái danh thôi, vẽ!...
Đấy là Tango chưa nói về Chú Gà Trống Gô
Loa, Gô Loét gì đó, hè hè…, thần tượng của Tango mà! Nghe lỏm câu chuyện bàn
tán của mấy cha BLV trên truyền hình, một đội có 11 người mà chả chơi với nhau.
Cãi cọ và bè cánh, thầy trò văng bậy với nhau, ra sân cứ đẩy đồng đội mình sang
chiến tuyến đối thủ, để rồi cả một đàn gà tan tác dưới bóng đôi sừng của gã Bò
Tót có đủ số má nhưng thú thực, vẫn chưa thể hiện hết điệu titi-caca buồn ngủ. Tệ!
Tuy vậy, nghe Tango hào hứng cũng thấy
ghen tỵ với hắn ta. Hội năm nay, nhiều màn trình diễn cũng đáng xem lắm chứ. Mấy
chú Lính Chì, vẫn vậy, quả cảm và thượng võ. Những Chiến Binh Hy Lạp thì khỏi
phải bàn, thiếu vũ khí mà xuýt làm cho Cỗ Xe Tăng đứt xích. Hắn hào hứng vậy
thôi, lại thiên vị mà, cái Cỗ Xe Tăng người ta hay bàn tán ấy, nay đã khác lắm
rồi, trơn tru và uyển chuyển, kết hợp với tính khoa học thời nay, Chiến Binh hụt
hơi là phải! Cỗ Xe Tăng đang lừng lững tiến vào quảng trường với sự tâm phục của
giới mộ điệu cùng với những anh Bồ nghệ sỹ, anh Ý khoa học và anh Bò Tót sắc sừng.
Họ đang vững chắc những bước thật chuyên nghiệp và tự tôn. Họ là những chiến
binh đã chiếm trọn trái tim của người mộ điệu, của cả dân tôc họ, trong đó
không thiếu những đam mê của các cô gái Tây yêu kiều, sexy và cởi mở. Phục!
Nghe Tango kể mà thấy chạnh lòng. Cũng
là anh em họ hàng, mặc dù có lúc nọ, lúc kia, sao Tango được nâng niu và thể hiện
mình. Còn tôi, ngồi ngáp ruồi giữa một sân chơi quê nhà thiếu tính chuyên nghiệp
và tự trọng. Cũng là một kiếp bóng tròn, hôm qua nghe một bác nông dân nói :
“Mình ở đây chiêm ngưỡng Chiếc Xe Tăng băng băng về đích mà thấy còn hồi hộp,
còn sung sướng hơn cả con Trâu Vàng nhà mình trong cuộc chiến trọi Trâu Đồ Sơn
năm rồi”. Tủi!
Sân là đời, đời từ sân, nghe các cụ bô
lão trong làng nói chẳng sai. Mấy anh chàng tập tọe làm người nổi tiếng, những
kẻ ăn non mạnh mồm tuyên mình là người chuyên nghiệp ở sân chơi này đang làm đường
đi của trái bóng tròn tôi đây vạ lây và lệch lạc. Tôi sinh ra để người ta say
sưa với chiến thuật 4-3-3 mê hồn của gió bão, hay chí ít cũng là 4-5-1 tiêu cực
trong phòng thủ phản công. Tôi sinh ra dành cho những đôi chân sạch sẽ để tung ,
để hứng, để chứng kiến niềm vui tột độ của người chiến thắng, để nghẹn ngào
chia sẻ những nỗi buồn gặm nhấm góc lưới của kẻ không may. Một cuộc chơi, làm
hài lòng cà người thua kẻ thắng. Ấy vậy mà mới đây, đã bao lần trái banh tròn
tôi chứng kiến cảnh lệch đường. Tôi sinh ra cho quĩ đạo cảm xúc trái banh tròn,
ấy vậy mà tôi lại được chuyền qua chuyền lại bởi những con rối gỗ không có trái
tim. Nhìn rọt nước mắt rơi cùng là cờ Tổ quốc, nhìn những Chiến Binh vì dân tộc
ở đâu kia, lại phẫn uất cho kẻ dùng tôi nhuộm bẩn màu cờ. Nhục!
Tôi sinh ra, với kiếp quần đùi áo số
tung tăng trên thảm cỏ, để bay trong không gian đầy đam mê và cảm xúc. Thế mà nới
đây, họ khoác lên tôi bộ veston sành điệu, đặt tôi ngồi phỗng trên bàn tiệc đàm
phán với bao tính toán thiệt hơn. Tôi sinh ra với thân hình tròn trĩnh để cảm
nhận những cảm xúc sáng trong từ các phương, khắp hướng. Thế mà đời tôi đã bao
lần phải nghe những âm thanh một chiều từ những con người mà mọi lúc mọi nơi đều
có thể ra rả tình yêu với trái bóng tròn chúng tôi. Tôi ước ao họ làm như phần
mười họ nói. Láo!
Đời là sân, sân là đời, đúng , các cụ
dạy thế. Tốt xấu gì cứ mang các cụ ra mà gào. Các cụ dạy chưa đến đầu đến đũa,
hay hậu sinh khả ố thời nay biết cách đưa các cụ vào tròng!? Cũng chẳng biết được,
chỉ thấy hậu sinh nơi đây sử dụng trái banh tròn chúng tôi ở tất cả các loại
sân chơi. Chúng tôi, trái banh tròn luôn được phân nhiệm ở các loại sân khác
nhau, sân 11, sân 7 hay sân năm người, sân trong nhà Fusan hay sân đá ngoài trời. Ấy vậy, họ tự nặn
ra một trái banh chung để mà truyền mà đẩy. Họ đẩy từ ban nọ đến bệ kia, đẩy từ
trên xuống dưới, đẩy sang trái không được thì họ đẩy sang bên phải cánh gà. Họ
đẩy tử người nọ sang kẻ kia…. Họ đẩy như chưa từng đẩy, đẩy cho hết trách nhiệm,
đẩy cho tiêu tan sự ngóng đợi của mọi người! Giỏi!
“Đi một ngày đàng, học một sang khôn”,
tôi khoe với thằng bạn hàng xóm về ông anh họ Tango nhà tôi được đi trình diễn ỡ
Euro2012 với hàng vạn người thưởng thức. Nó mê tít thò lò, há mồm như đớp từng
chữ. Nghe xong nó nói: “Sướng thật, thế mới đã cái kiếp banh tròn, còn ở đây, ước
gì sinh ra làm trái banh vuông thì hơn”. Đúng là một ý tưởng kỳ lạ, chắc nó học
được chiêu công phu tột đỉnh của con người nơi đây…!? Nhưng nghe vậy, cũng thấy
ngứa ngứa cái lỗ nhĩ thật. Trái banh vuông sẽ khó đưa, khó đẩy , những kẻ tự
cho mình giỏi giang sẽ dễ bị bắt bài. Nhưng cũng không được, trái banh vuông
làm sao tạo nên được những quĩ đạo nhiều phương đa hướng cảm xúc chứ. Trông người
lại ngẫm đến ta, đành tặc lưỡi động viên thằng hàng xóm, dẫu rằng khó được bằng
Tango, nhưng có lẽ cũng tạo được cảm xúc cho số đông con người mà khi sinh ra
trái banh tròn chúng ta luôn thân thiện và song hành. Hy vọng!
Hehe.
Trả lờiXóaVui ra phết!
Tks Chuti.
Tôi và thằng cu lớn thích xem Euro nhưng được mỗi một trận liền bị cấm vì làm Mẹ cháu mất ngủ.
Trái bóng tròn luôn là cảm hứng cho cả người trong lẫn ngoài sân.
Comment của Thùy Dương:
Trả lờiXóaHe he, thanks Chuti, bài này hay lắm. Đọc rất sướng, như thể mình đang được xem 1 trận cầu hấp dẫn. Vì sao nhỉ? Chắc vì tác giả viết văn như một tiền vệ đang tả xung hữu đột khắp sân, thi thoảng lại sút vào khung thành "độc giả" những cú sút tỉnh người. Hay! Mình ngờ rằng khi viết, Chuti cảm xúc ào ạt như lên đồng và viết cắm cổ một mạch cả 90'? Cuối hiệp KQ là 5-0? Hi hi... Không biết là lấy cảm hứng từ trận nào của mùa Ơ dồ năm nay vậy?
Nhưng đúng là Đức năm nay khác lắm rồi, chơi vừa nghệ sĩ vừa thực tế! Ứng cử viên vô địch số 1.
Trận Anh-Ý mình cũng đã nghĩ chắc Anh thua. Tiếc quá không cá độ (^-0). Để đá penalty thì Anh hỏng thật rồi. Nên thấy Chuti viết về Anh rất thú: Tango bảo, người của công chúng mà, cũng chỉ có cái danh thôi, vẽ!...
Cứ vậy nhé! Phát huy sở trường hiểu biết & đam mê với trái bóng tròn!
Hehehe...
Trả lờiXóaTôi và thằng đầu là Fan cuồng tín của ĐT Đức và câu lạc bộ Beyern Munich. Và "bác nông dân xem Cỗ xe Tăng hồi hộp, đam mê hơ n Trâu vàng ở chọi trâu Đồ Sơn", thực ra đó là cảm xúc và trao đổi của 2 cha con khi xem các trận đấu của ĐT Đức, nhất là trận tứ kết hôm rồi.
Cảm hứng bài viết này lấy nhiều từ những trận đấu của Tuyển Đức và các trận từ kết. Tuy nhiên đó cũng là một phần, phần còn lại lấy từ cảm giác trông người lại nghĩ đến ta, lấy từ những ồn ào ở LĐBĐ VN, ở cái công ty của một số đại gia "yêu bóng đá" VN, một cty làm tối liên tưởng "vừa đá bóng" vừa thổi còi"
Mọi người cứ động viên, chuti tôi sẽ có những bài về Euro lần này, nhất là lúc đội Đức của tôi đăng quang. 16 năm rồi, đội bóng tôi yêu chưa đăng quang vô địch mặc dù 2, 3... vẫn như cơm bữa nhưng chưa đủ sự kỳ vọng của tôi. Tôi bắt đầu xem ké TV và theo dõi ĐT Đức từ năm 1986, thù thật tôi vẫn nhờ như in những lần đăng quang và diễn biến những trận đấu tuyệt với ấy!
Tôi quên, KT à, dễ lắm, tiêm cho vợ một phát thuốc, ... ngủ tới sáng, còn lại không gian là của bố con ta!
Trả lờiXóaHehe.
Trả lờiXóaTks Chuti.
Để tôi áp dụng xem sao.
Bóng đá kỳ lạ, gây cảm xúc vui sướng và thất vọng với cái đội ở đâu xa tít tắp bốn phương trời. Tôi co may mắn được chứng kiến các ĐT (Đức), câu lạc bộ (Bayern Munich, Chelsea)đăng quang. Còn thằng con đầu của tôi (cũng hâm mộ giống Ba) chưa có hạnh phúc ấy. Nó đã bao lần khóc khi ĐT Đức, CLB hâm mộ của nó "gục ngả ngay trước cửa thiên đường". Tôi có trải nghiệm, đỡ hơn. Còn cháu trẻ, tội nó. Duy nhất có trận CL mùa rồi cả hai đội vào CK, tuy nhiên ba con tôi vẫn hâm mộ Bayern Munich hơn Chelsea, thế là được một lần đội hâm mộ của nó thắng mà nó vẫn cứ rơi nước mắt cho CLB hâm mộ hơn. Hy vọng năm nay, nó sẽ được sống trong cảm xúc sung sướng nhất của bóng đa, khi Đức đã thể hiện được chân dung nhà vô địch... Còn cần chút may mắn nữa. Hy vọng!
Trả lờiXóaCũng chính vì đội Đức thua TBN trận CK Euro 2008, mà nó cũng mất cái nhệu khí đi đá bóng chuyên nghiệp. Ví tại thời điểm ấy, nó được các thầy "chài kéo" đi đá đội U13 TP, tập "cực hình cho thể lực" được vài buổi trước khi đi đá giải, đội Đức thua, nó buồn quá... không đi đá nữa. May!
THẤT VỌNG TRÀN HÔNG !
Trả lờiXóaCũng chỉ tội cho thằng đầu nhà tôi, thất vọng quá, dập TV không xem hết trận, lại phải chờ đợi !
Xin chia buồn cùng các fan của đội Đức!
Trả lờiXóaBuồn hôm nay để ngày mai vui hơn. Thất vọng hôm nay để hy vọng cho ngày hôm sau. Bởi vì ta đã chót yêu rồi!
Trả lờiXóaCác Fan của đội Đức, cũng đừng quá buồn, đừng qua thất vọng. Hãy kiên nhẫn thêm. Với tôi, đội Đức thua, nhưng tôi vẫn cảm ơn họ, họ cho tôi nhiều cảm xúc hơn tất thảy những đội bóng nào khác trên trái đất này!
Buồn cho Ý, buồn cho một trận CK Euro-2012 chất lượng và tinh thần quá thấp!
Trả lờiXóaNhưng vẫn phải chúc mừng TBN, họ đả thay đổi được lịch sử bằng sức mạnh thực sự của họ. Đó là đội thứ hai sau Đức vô địch 3 giải đấu lớn liền. Nhưng TBN là đội đầu tiên bảo vệ được chức vô địch Euro 2 lần liên tiếp. Và bây giờ Đức và TBN cùng nắm giữ kỷ lục 3 lần vô địch Euro . Đợi 2016 phân thắng bại lần nữa!
Tôi và thằng lớn thức xem trận chung kết hy vọng Italia làm nên một bất ngờ nhưng thất vọng.
Trả lờiXóaTBN hiện đang là đỉnh cao, họ chưa có đối thủ xứng tầm.
Ừ, tôi đã từng hy vọng trận CK Đức-TBN năm nay thì sẽ tuyệt. Nhưng Italy trong một hiệp "lên đồng" khó tin đã làm cho hy vọng của tôi tiêu tan.Hiện tại, không phải tôi yên ĐT Đức nhưng có lẽ chỉ có Đức mới là đối thủ xứng tầm của TBN....
Trả lờiXóa