Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA


Dương Trung Quốc
Lao động cuối tuần
 


 Hình ảnh đất nước Nhật Bản bị tàn phá bởi động đất và sóng thần cũng như người dân Nhật Bản phải chịu đựng những chết chóc, khó khăn ai cũng thấy đau lòng.
Nhưng những gì mà chúng ta được chứng kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng khiến chúng ta phải khâm phục sức chịu đựng và bản lĩnh của dân tộc Nhật Bản được thể hiện qua cách ứng xử từ những người dân bình thường đến các công chức, quan chức của họ trước thảm hoạ đến một cách bất ngờ và vô cùng dữ dội.
Đây không phải là lần đầu Nhật Bản hứng thể hiện được bản lĩnh và tính cách dân tộc của mình trong lịch sử. Từ cuộc Minh Trị Duy Tân vươn mình từ một nước nghèo trở thành một cường quốc đến sự gượng dậy từ đổ nát của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai với hậu qua trực tiếp của hai quả bom nguyên tử giáng xuống Hirosima và Nagazaki... để rồi chỉ vài thập kỷ sau Nhật Bản đã đứng vào hàng ngũ những nước phát triển và có công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới...
Nhân dân ta chia sẻ nỗi đau xen lẫn lòng khâm phục đối với bạn, nhưng cũng không thể không liên tưởng đến cái câu thành ngữ “trông người lại ngẫm đến ta”, tự phán để đặt ra câu hỏi: “Nếu một tai hoạ tương tự xảy ra ở nước mình thì cơ sự sẽ ra sao?”.
Đừng cho thế là... nghĩ gở vì ở thời đại này mọi thứ đều có thể đến với bất cứ nơi nào trên hành tinh ngày càng mỏng manh mà chúng ta đang sống.
Giờ đây, biến đổi khí hậu đã trở thành hiện thực đầy rủi ro và ai cũng biết rằng theo những dự báo khoa học thì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu thiên tai nặng nề nhất và trực tiếp hơn hết là một không gian rộng lớn của những vùng đất trù phú và đông đúc nhất sẽ bị ngập chìm vào biển cả, cướp đi một không gian màu mỡ đã hàng ngàn năm nuôi sống dân ta.
Và những cơn bão lụt trái mùa với cường độ ngay càng cao đã liên tục đánh thức chúng ta phải khẩn trương và chủ động không chỉ đón đợi mà còn phải nghĩ ra cách ứng xử tối ưu trước những thử thách không còn là giả thiết nữa.
“Cơ sự sẽ ra sao nếu...” thì câu trả lời vẫn là một ẩn số đáng e ngại nếu ta quan sát những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội hôm nay. Người ta sẵn sàng đâm chém nhau chỉ vì những tranh chấp, xích mích nhỏ mọn; nguời ta lo sợ cho tài sản của mình xểnh ra có thể là mất, con cháu mình chỉ rời mắt chốc lát có thể bị lừa đem đi bán và sẽ không bao giờ gặp lại...
Ngày nhỏ đi học, nhà xa trường đôi khi phải “nhảy” tàu điện, còn thì đi bộ chẳng ai phải đưa đón, nếu có về muộn thì gia đình cũng chỉ nghĩ đến việc mải chơi ra ngoài bãi sông đá bóng, về muộn cũng chỉ nhắc việc tránh xa sông nước... Bây giờ thì cứ sảy nhà thì muôn vàn lý do để lo sợ, những là xe cộ phóng nhanh vượt ẩu, trấn lột hay bị bỏ bùa, rủ rê... Ngày xưa nghe đến “ông ba bị” hay “con mẹ mìn” chỉ thấy sờ sợ tựa như sợ ma, còn bây giờ thì hoạ đến từ người thật sống lẫn quanh mình... Vì thế mà đường phố thêm chật chội tắc nghẽn mỗi lúc tan trường...
Nói đến người Nhật, tôi mãi ấn tượng được chứng kiến qua màn ảnh nhỏ phát trực tiếp cảnh đội tuyển Nhật Bản bị thua trận trong kỳ World Cup diễn ra ở Pháp. Mặt buồn rượi, các cổ động viên của đội Nhật Bản lặng lẽ đứng dậy ra về nhưng vẫn không quên vỗ tay hoan hộ đội thắng trận, rồi thu xếp những lá quốc kỳ và nhặt nhạnh sạch sẽ những giấy má vung vãi quanh nơi mình ngồi. Xem thế, tin chắc rằng trong đầu của họ đang nung nấu niềm tin đến một ngày họ sẽ là người thắng trận.
Còn ở mình, nhiều người khi thắng thì vui sướng đến điên cuồng, khi thua thì ủ rũ để rồi phá phách, những lá cờ tổ quốc được chuẩn bị để phất cao chiến thắng thì nay bị vứt bỏ, vương vãi khăp nơi. Thắng cũng phóng xe, nhậu nhẹt ăn mừng, thua cũng phóng xe, nhậu nhẹt giải xui... Nghĩ mà lo...
Nhưng thế hệ tuổi tác như mình cứ thử lục lại trí nhớ mà xem. Cái hồi chiến tranh phá hoại, bom đạn cũng ghê gớm, thiếu thốn nay khó tưởng tượng được, vậy mà trong ký ức rõ ràng chúng ta thấy phẩm chất của dân ta có đâu kém cỏi. Cảnh sơ tán, mỗi gia đình đúng là “tan đàn sẻ nghé”, bố đi ra mặt trận hay theo cơ quan đi sơ tán một đằng; mẹ theo một nẻo, ông già bà cả thì hoặc về quê hoặc cũng như trẻ nhỏ theo bên này hay bên kia.
Ít có nhà được đoàn tụ. Người ta có thể phó thác người thân cho những người không thật thân. Về quê chẳng ai quen biết ai cũng sẵn lòng nhường gian nhà, cái giường tốt nhất cho khách. Câu cửa miệng của họ nói chữ nhưng rất thật thà, hoặc là “ơn Đảng, ơn Chính phủ (hay Cụ Hồ) chúng em mới được gặp các bác trên Trung ương (hay ở Hà Nội) về” hoặc “tại thằng Mỹ nên các bác mới về với chúng em”.
Hẳn mỗi người, mỗi hoàn cảnh đều có những trải nghiệm khác nhau nhưng đều có chung cảm nhận là khi đó cái “nghĩa đồng bào” nó vượt lên trên mọi toan tính và những nhà lãnh đạo cũng chia sẻ như dân cái hoàn cảnh chung, cao cấp lắm thì có con em gửi sang bên kia biên giới học hành để rồi đến tuổi cũng ra chiến trường như những con dân khác.
Cái hình ảnh đã từng được nghệ thuật khai thác là những câu nhắn gửi viết trên cửa hay tường các ngôi nhà đã vắng chủ để những thành viên có dịp ghé về nhà biết được thông tin của người thân. Khoá cửa có thể gửi ông dân phòng hay bà hàng xóm có nhiệm vụ ở lại những vùng phải sơ tán. Thuở đó ít ai phải bận tâm đề phòng sự lừa lọc hay trộm cắp.
Đọc lại sử sách thấy Hà Nội đầu năm 1972, khi máy bay Mỹ quay lại đánh phá Thủ đô sau một thời gian tạm dừng ném bom là cả một cuộc sơ tán vĩ đại. Hàng chục vạn người được tổ chức nhanh chóng rời khỏi thành phố bằng tất cả những phuơng tiện có thể. Đương nhiên có sự lo toan của nhà nước, nhưng mỗi cơ quan, mỗi tập thể và mỗi người đều chung một ý thức là “sơ tán để chiến thắng”, là một cách đóng góp vào cuộc chiến đấu chung. Những tổng kết chiến thắng trong sự nghiệp chống chiến tranh phá hoại đều nhất trí rằng không chỉ có lực lượng vũ trang mà ngay cả những người dân thường an toàn vượt qua cuộc chiến tranh cũng là một phần không thiếu được trong chiến thắng chung...
Ta hãy đọc lại những trang báo mới cách đây trên dưới bốn mươi năm, hay đọc lại những bút ký của những cây viết đương thời người nước ngoài từng được chứng kiến như Blaga Đimitơrôva (Bungari), W. Bớcset (Úc)... hay như bút ký của cụ Nguyễn Tuân lấy một cái đề tựa rất hay “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” thì mới thấy cái giỏi giang của người Việt Nam ta, người Hà Nội ta đã thể hiện như thế nào trước những thử thách khắc nghiệt tưởng chừng không thể vượt qua nổi trong lịch sử dân tộc mình.
Với những người cao tuổi hơn thế hệ chúng tôi, họ cũng kể rằng thời mới giành được độc lập hay thời kháng chiến 9 năm, dân mình cũng trải qua những thử thách to lớn và cũng vượt qua bằng cái nghĩa đồng bào ấy. Cho dù thực tế cuộc sống cũng không ít những tai ương của sự phân liệt bởi những lú lẫn chính trị từ đâu mang đến, nhưng cái nghĩa đồng bào sẽ là cái hạt nhân cố kết cuối cùng mà chúng ta phải nâng niu gìn giữ.
Tôi đã có lần được tiếp chuyện một ông tướng Hoa Kỳ phụ trách một trung tâm cứu nạn đến nước ta trao đổi kinh nghiệm và tổ chức việc cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp vì thiên tai. Chính ông nhờ tôi cảnh báo rằng (hồi ấy) hình như Việt Nam chưa nhận thức được biến đổi khí hậu là một nguy cơ có thực nên có vẻ “bình chân như vại”. Tôi đã nói điều này ở Quốc hội.
Nhưng cũng chính ông lại rất khen ngợi năng lực điều hành mỗi khi có thiên tai xảy ra mà năm ấy ở miền Trung liên tục phải ứng phó với lũ lụt, bão tố. Nước Mỹ giàu có và hiện đã từng tỏ rõ sự kiên cường và bản lĩnh đối phó trong vụ không tặc của bọn khủng bố, nhưng lại rất lúng túng và nhiều sai sót khi cơn bão Katrina đổ bộ vào một vùng lãnh thổ của mình, vì thế ông tỏ ra rất muốn tìm hiểu cách ứng phó ở một quốc gia còn nghèo lại thuộc vùng hiểm nghèo của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Lúc đó, tôi không được chuẩn bị, vả lại cũng chưa nghiên cứu được gì nên cũng trả lời đại là Việt Nam chúng tôi có truyền thống và nhắc lại câu thành ngữ “lá lành đùm lá rách” khiến anh bạn phiên dịch phải giải thích lòng vòng. Nhưng thấy ông tướng cũng gật gù, còn mình nghĩ rằng ai đó có trách nhiệm cũng nên nghiên cứu để dự phòng trả lời cái câu hỏi “Cơ sự sẽ ra sao nếu...”.

2 nhận xét:

  1. Tiến trình phát triển của một đất nước xét cho cùng theo lăng kính một ống kính thu nhỏ thì như một đời người. Có lúc vinh lúc nhục, có lúc mạnh lúc suy...có điểm mạnh đểm yếu... Nhìn người mà ngẫm đến ta, âu rất cần. Tuy nhiên hãy đừng nhìn người mà bới móc mình. Dân tộc nào cũng có cái tự trọng riêng của mình, không nên đổ đồng đồ đống.
    Đúng, nói ra, nhận xét cũng là rất tốt cho sự phát triển và đó cũng là cái mạnh của mấy ông ĐỜ BỜ CU HỜ cả. Nhưng với vị trí, trình đỗ của mấy ổng, thay vì nói hay, móc hay thì các ông hãy thử làm một cái gì hay để mọi người củng học tập . Ví như hành động tương tự của cậu bé Nhật 9 tuổi kia. Trước đây chuti2002 tôi dị ứng với các "sao" đi làm tự thiện. Nhưng đến giờ tôi thấy họ làm được nhiều hơn nhiều những ông chỉ biết nói hay, biết kể tội đồng bào mình hay....

    Trả lờiXóa
  2. Ngạn ngữ Anh có câu:"Actions speak louder than words".
    Và "Action" thì khó hơn "words". Ông chuti2002 này có lòng tự hào dân tộc đấy, tốt.

    Trả lờiXóa