(Qùa muộn 8/3 tặng những Bà Mẹ của chúng ta)
Đang lim dim trong giấc ngủ ngắn chập chờn, bỗng nghe tiếng chửi thề của thằng lái Taxi – “ Đ. Mẹ nó, quên mẹ hôm này là Chủ Nhật…”
“ Sao vậy chú mày” – Mình tỉnh giấc và hỏi với lên đằng trước.
“ Hôm nay Chủ Nhật, chợ Hàng họp buổi sáng, đi vào đường này thì kẹt mẹ nó rồi…” Thắng lái xe cục cằn vừa trả lời vừa bấm còi oang oang, len lỏi lách từng người, từng đoạn đường thoát ra khòi cái chợ họp phiên còn tồn tại ở giữa trung tâm thành phố Hải Phòng.
Thú vị thật, lời giải thích cục cằn của thằng lái xe “đất cảng” đã kéo mình ra khỏi giấc ngủ chập chờn để quay lại ký ức ấu thơ trên đôi vai gầy của mẹ…
Thời bao cấp ai cũng vậy, chung cả xã hội mà. Đói ! Nhà đông con như nhà mình, càng đói tợn. Sống bằng tiêu chuẩn khiêm tốn của cán bộ công nhân viên trong trường Đại Học Đường Thủy như nhà mình lại càng đói hơn. 13 ký gạo mậu dịch, không thu nhập thêm. À có chăng là mấy mẩu phấn viết dở và mấy tấm rẻ lau bảng mục nát. Xôm hơn một chút là ít giấy tài liệu gom góp bán ve chai… Mẹ xuất thân từ gia đình dòng giõi địa chủ. Ngày còn nhỏ cũng không phải làm việc quá cực nhọc. Nhưng sau này, đi theo “ông già kháng chiến”, bản lĩnh nông nghiệp của mẹ vẫn được phát huy. Mẹ khai hoang ngay trong ngôi trường đại học ấy, sau các giờ làm việc. Dưới đôi tay của mẹ, các “thửa ruộng” nho nhỏ được hình thành dọc theo các đường cống, đường rãnh thoát nước, hay từ những miếng đất đầu hồi dãy nhà tập thể. Những thửa ruộng “thời vụ” mượn tạm từ đất của nông dân xã Đông Khê, Phương Lưu thời kỳ giáp vụ, được canh tác vội vàng đưới đôi bàn tay sạn sần của Mẹ... Và những bữa cơm đậm sắc xanh của nhà tôi được vui thêm từ những “thửa ruộng” phát hoang ấy.
Chăn nuôi, mẹ làm cũng rất cừ. Heo nhà tôi nuôi thuộc diện tăng trưởng bậc nhất trong khu tập thể trường lúc đó. Cứ chịu khó thôi. Thời đó người còn đói, lấy đâu ra lương thực mà nuôi heo !? Nước gạo được gom khắp trường, rau le, rau tầm tàng bất cứ đâu cũng gom cũng hái, cũng lặn cũng ngụp. Anh em tôi có thêm tiền học, Tết đến, có thêm bộ quần áo mới cũng từ nhửng chú heo kham khổ của Mẹ thời bấy giờ.
Chết, những cái lam lũ của Mẹ, kể không có điểm dừng ấy, có lẽ đã đưa ký ức của tôi xa mất cái chợ của Mẹ rồi ! Cũng chẳng phải vậy. Cái chợ của Mẹ cũng xuất phát từ cái lam, cái lũ, tứ cái hay lam hay làm của mẹ. Tôi vừa kể về những con heo của Mẹ đã chắp cách ước mơ học hành của anh em tôi. Thế mà suýt quên đi đàn gà cũng không kém phần lam lũ của Mẹ. Từ một con gà mang từ nhà Bà ngoại tận Thanh hóa. Ấy thế mà dưới bàn tay của Mẹ, đàn gà được hình thành có trống có mái, có mẹ có con…Và con gà mẹ ban đầu ấy cứ ngày qua ngày, năm qua năm được làm lể mừng tho và lên tới chức cố tổ gì đó. Mỗi năm lại thấy nó già nua đi, nhất là qua các đợt cúm mùa đông miền Bắc… Lông nó tả tơi, đi đứng mệt mỏi siêu vẹo… Sức nó ngày càng yếu, hay bệnh hay cúm liên miên. Nhưng mẹ tôi cưng nó lắm, thuốc thang, chăm ẵm, cứu chữa…Mẹ không nỡ làm thịt nó. Ừ, cũng phải thôi, nó đã cùng Mẹ gây dựng cả một đàn gà lớn như vậy. Và bửa cơm gia đình thi thoảng có thêm món trứng hay miếng thịt gà mỗi khi có khách cũng từ đàn gà lam lũ ấy. Thú thật hồi đó nhìn đàn gà mà thấy thèm, nhưng nếu không có khách, chúng tôi chỉ được ăn trứng hay thịt gà cúm thôi, còn gà khỏe để gây giống sinh sản tiếp- mẹ tôi nói thế… Con gà mẹ tổ sư ấy, dường như gắn bó và hiểu được lòng Me, mà mặc dù sức yếu, bệnh tật nhưng tháng tháng, năm năm nó vẫn sản sinh ra những công dân gà khỏe mạnh, tăng cường cho đàn gà của Mẹ.
Mẹ tôi và con gà mẹ cứ tiếp tục đồng hành trong cuộc sống gia đình tôi như thế đấy. Cho đến một sáng sớm Chủ Nhật ngày đó, như thường lệ, Mẹ dậy sớm để mở cửa chuồng cho đàn gà ăn. Mặt mẹ biết sắc, như con gà mẹ lúc bệnh đau, mẹ loạng choạng gần như ngất xỉu… Chúng tôi thấy mẹ ngồi gần như bất tỉnh trước một chuồng gà lớn không còn một con gà nào cả, cả con gà mẹ yêu quí của Me nữa… Trộm tối hôm đó, không rõ bằng cách nào mà vào bắt cả đàn gà của Mẹ , không một tiếng động ? Những thằng trộm khốn kiếp đã lấy cắp công lao gây dựng của mẹ. Chúng đã lấy mất niềm vui, niềm an ủi cuộc sống khó khăn của mẹ… Anh em tôi rơi nước mắt. Tiếc đàn gà một phần, nhưng thương mẹ nhiều hơn.. Cả nhà im phăng phắc …
“Chiếp, chiếp, chiếp..”, bỗng có mấy con gà con sợ hãi chạy ra. Tội nghiệp chúng nó, vừa mất mẹ… Chắc chúng nó sợ lắm ! Thấy có người quen, chúng nó chạy ùa về phía Mẹ tôi, người mà hàng ngày vẫn chăm nom chúng nó. Để đến khi mất mẹ, chúng nó chạy tới mong được tre chở…
… Mẹ tôi như bừng tỉnh. Mẹ lấy chiếc xe đạp duy nhất của gia đình. Mẹ lên xe và nhanh chóng mất hút trong tầm mắt của anh em chúng tôi. Lo cho Mẹ, sợ bà túng quẫn… Nhưng không làm sao được, nhà chỉ có một cái xe đạp, Mẹ phóng như tên lửa đi mất rồi ! Mấy anh em đành ngồi nhà đợi tin Mẹ…
Khoảng 2 tiếng sau, Mẹ hớt hải chạy về, vội vàng bảo anh em tôi bắt hết đàn gà con vào lồng cho mẹ mang đi…
Mẹ thật tuyệt…! Theo sự phán đoán của mẹ, những đứa ăn cắp này , nếu có thể , sẽ bán gà ở chợ Hàng đúng phiên sáng ngày Chủ Nhật. Và Mẹ phóng lên chợ hàng bằng chiếc xe đạp lọc cọc từ khu phương Lưu, xa lắm… Và đúng theo sự phán đoán của Mẹ. Đàn gà còn nguyên ở đó. Mẹ vui mừng chạy lại ôm chặt lấy cái lồng gà như sợ lại mất chúng một lần nữa. Mẹ vui mừng, Me khóc, Mẹ giải thích với mọi người đi chợ, Mẹ cần sự ủng hộ của họ để lấy lại đàn gà của Mẹ từ tay mấy đứa ăn cắp gớm giếc kia… Bọn người ăn cắp kia cũng đâu có vừa. Chúng dọa nạt, chúng xô đẩy Mẹ, nói Mẹ là điên điên, khùng khùng. Mọi người đi chợ cảm thông cho Mẹ, một bà già yếu đuối. Họ xông vào bảo vệ Mẹ và yêu cần dẫn giải tới công an phường gần đó giải quyết… Mẹ thấy tự tin lên rất nhiều, đàn gà con, gà Mẹ yếu đuối lại sắp về với Mẹ.
… “Bác bảo đây là đàn gà của bác, bác có chứng cứ gì …?” – Anh công an hỏi mẹ tôi sau khi nghe các bên trình bày…
Đàn gà con ở nhà, đang “chiếp, chiếp” kêu mẹ… Gà cũng như con người, ai chia rẻ được tình mẫu tử !? Có lẽ Mẹ gắn bó quá sâu sắc với đàn gà, với tình mấu tử nên sự cảm nhận của mẹ thật tuyệt vời. Mẹ mang đàn gà con lên. Con gà mẹ già nua yếu ớt ngày ấy gượng dậy kêu mấy tiếng “cục, cục. cục…” gọi con. Đàn gà con tíu tít chạy vào lòng mẹ. Mẹ gà xòe rộng đôi cánh yếu ớt ấp toàn bộ đàn gà con vào lòng nó, truền hơi ấm cho chúng sau mấy tiếng đồng hồ xa mẹ. Mẹ tôi đẫm nước mắt….Tất cả mọi người chứng kiến cảnh đàn gà ngày ấy cũng không cầm được nước mắt… Không hiểu họ khóc khi thấy đàn gà mẹ con tìm thấy nhau hay họ khóc khi thấy những giọt nước mặt của mẹ tôi khi tim thấy đàn gà của mình, tìm thấy con gà mẹ có tuổi cho đàn gà con kia ? Có lẽ là cả hai…
“Qua được rồi anh ạ, số bao nhiêu Nguyễn Văn Linh hả anh?” - Tiếng hỏi cục cằn của thằng tài xế đất cảng đã đưa tôi quay lại với thực tại. Xe đã lách qua khỏi cảnh chợ phiên. Hàng người còn chen chúc ra tận đường Nguyễn Văn Linh, nơi tôi sẽ xuống ,vào thăm thằng bạn học phổ thông nhân chuyến ra lại Hải Phòng. Quay đầu nhìn ngắm lại cảnh chợ phiên ngay giữa lòng thành phố. Ngổn ngang nhưng hàng hóa rất đa dạng và đặc thù ở các chơ phiên. Đâu đó ít hạt giống, ít cây cảnh khó kiếm. Có cả những đồ dụng đơn lẻ. Nhưng con cá cảnh độc nhất. Có những con chim cảnh đơn lẻ hót líu lo. Cả nhưng đàn gà đủ loại trống mái, mẹ con. Lướt một vòng, ánh mắt tôi dừng lại ở một con gà mái gi, lông mượt… Tôi chợt cười một mình…
Xe đỗ lại, tôi xuống xe, cố quay lại ngắm nhìn một lần nữa. Quang cảnh chợ Hàng, xa dần trong tầm mắt của tôi… Tôi gọi đó là “chợ của Mẹ”.
Một số hình ảnh về Chợ Hàng Hải Phòng.
Một số hình ảnh về Chợ Hàng Hải Phòng.
Chuyện vui mà cảm động.
Trả lờiXóaCho tác giả 10 điểm về tình cảm dành cho mẹ.
Ngày xưa, chúng tôi thỉnh thoảng cũng tạt qua nhà vị lãnh đạo lớp này chơi. Ấn tượng với tôi là cả nhà đều có dáng cao dong dỏng. Trong nhà là thứ ánh sáng tối tối, nhờ nhờ và giường là vật dụng chủ yếu (^_^). Tuy nhiên, điều tôi cảm nhận được là mọi người trong nhà sống tình cảm & chân thành. Đặc biệt người Mẹ có đôi mắt sáng & hiền. Chắc thời trẻ bà cũng là hoa khôi.
Trả lờiXóaNhư trong bài viết thì Bà Cụ còn là con nhà giàu (địa chủ)nhưng vì tình yêu với "Ông già kháng chiến" nên chấp nhận gian khổ."Ông già kháng chiến" chắc bản lĩnh và hấp dẫn lắm !!???
Trả lờiXóaLớp mình thấy có nhiều gương mặt đáng mặt "Nhà văn" đấy. Như Hà Q này, Lưu cao này, Dương này.... mình thấy các bạn viết truyện ngắn được đấy, cảm động và súc tích.Ví như truyện trên có thể lấy nhan đề là:"Chị gà mái của tôi" chẳng hạn, hehe.Nhưng theo mình, trong đó có thể lấy cốt truyện chính là câu chuyện tình cảm động của "Cô địa chủ" và "Chàng nông dân", xem ra ly kỳ và hấp dẫn đấy. Chỉ có điều "lũ gà con" ở đây không bị mất "cô địa chủ" vào tay tên kháng chiến nào cả- Tựa như truyện "Những dòng sông đều chảy về Đông" ấy.
Trả lờiXóaSáng tác đi các bạn ơi, hay phết|||
Biết đâu ai đó lại có một tác phẩm hay để lại cho con cháu được đấy. Hy vọng ko có gì là ko thể phải ko các bạn.
Blog KT26 được hình thành từ ý kiến của ACE sau 20 năm KT26 ở Đà Nẵng. Lúc đầu ý kiến làm một cuốn Kỷ yếu KT26. "để sau này về già có thể giới thiêu với con, cháu" đó là lời phát biểu của Hương kính tại 20 năm Kt26. Và sau này Blog ra đời phù hợp với thời đại thông tin và tính cập nhật thông tin. Và chúng ta đang thực hiện việc sẻ chia và lưu giữ kỷ niệm ấy đấy. Hay hoặc chưa hay không quan trọng và mỗi bài phụ thuộc quan điểm của từng người. Tuy nhiên hạy cứ "phọt tiếng lòng" như Ô. Lưu hay nói là tuyệt rồi. Tiếng lòng bao giờ cũng chân thực nhất. Và trân thực thì sẽ hay...!
Trả lờiXóaHãy cứ "phọt" đi các bạn. Hằng cũng vậy, nhất là nhà Hằng có cả đôi đều có thể "phọt" hay cả.
Blog của chúng ta đang đi đúng hướng. các bạn tham gia viết và nhận xét nhiều hơn. Hơn nữa lúc đầu các bài viết chỉ về người khác. Nhưng càng ngày có nhiều bài viết và cảm xúc về bản thân mình. Đ1o chính là ting thần của Blog. Sẻ chia mọi thứ, cảm xúc mọi lúc, mọi nơi...
Nói về câu chuyện và các nhận xét. Chuyện tình nào đều đẹp cả. Đẹp ngay cả khi nó dang dở, đẹp ngay cả những lúc khó khăn hay những khoảng lặng của nó. Chuyện tình của "ông già kháng chiến" và "cô gái tông địa chủ" chắc cũng đẹp như xuất thân của họ. Nhưng chắc rằng, mối tình sau kháng chiến ấy cũng phong ba. "ông già kháng chiến" chắc cũng "lên bờ xuống ruộng" khi nhảy vào "gia đình thành phần" trong cuộc cải cách ruộng đất khắc nghiện của VN ta... Tuy nhiên với thế hệ các cụ, chuyện khó nói ấy, chắc cũng không nên nói đâu nhỉ....
Nào hãy lên Taxi, tài xế sẽ đưa ACE về ký ức và cảm xúc của mình, biết đâu lại có nhiều cảm xúc trên Blog " Ghế đá của Em", "Công viên của anh".. hay gì đó nhỉ.