Thư gửi mẹ
Mẹ thân yêu của con !
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn
ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng
rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ
cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để
tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con
“Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi
lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại
có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ
đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con
đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm
bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy
thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ
không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng
bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ
vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì
đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh,
cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố
quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và
bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh
viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải
nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và
mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của
mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng
gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim.
Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì
thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm
ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc
non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước
mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận
lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế
nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc
nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ
ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài
nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý
với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi
lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ
bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi
mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe
ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết
định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi
không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi
chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến
cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng
từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe
ôm thì đâu đến nỗi !”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước,
khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc
giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch
Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi
người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ
chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng
hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai
rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con
căm nghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ
nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận
lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc
ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ
quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế.
Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống
lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình
không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất
trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con
đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa
đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”.
Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là
…
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ
tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về
quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng
nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự
hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu
hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của
ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình
thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những
đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như
quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang
cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ
tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại
quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn
những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ
đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền
giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa
giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe
của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm
khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao
động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên
con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực
“tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì
mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ
cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ,
con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để
tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng.
Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình.
Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn
thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm
đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân
so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những
người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền
không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ
Nguyễn Trung Hiếu
Theo Vnexpress
Theo Vnexpress
Tks Chuti
Trả lờiXóaThật cảm động. Rất nhiều điều phải suy nghĩ khi đọc bài này.
Hú hòa…. Mạng củ chuối!
Trả lờiXóaTôi thích bài văn này ở chỗ không phải cách hành văn mà đó chính là con người, cuộc sống và suy nghĩ của một học trò. Rất thẳng thắn, cởi mở và logic. Tôi rất thích cái kết của bài văn. Nó cũng rất phù hợp với chủ để giáo dục mà chúng ta đã từng tranh luận trên diễn đàn: Tại sao phải vào học ĐH ngay trong khi GĐ còn rất bần hàn, vvv…
Trường hợp này, đứa con hiếu thảo có mấy lựa chọn:
- Đi làm như các anh sinh viên => Không nghe lời mẹ.=> MẸ BUỒN & nguy cơ tăng bệnh
- Nhịn ăn sáng, ăn cơm muối vừng => có vẻ chỉ nghe ½ lời mẹ , giảm 8kg.
- 100% nghe lời và nhìn bố mẹ vát vả => CẬU TA BUỒN
Nhưng có lẽ đứa con qua bài viết, đã làm cho bà mẹ hiểu hơn: “Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.“
Hay, đó là SỰ THẤU HIỂU LẪN NHAU, một đáp án hay ! Một phương pháp tìm đến sự thấu hiểu nhau rất hiệu quả.
Đồng ý với Chuti.
Trả lờiXóaSự thấu hiểu lẫn nhau là rất quan trọng. Cậu Bé này muốn góp một phần mình để giúp gia đình mặc dù sức lực của cậu rất hạn chế. Để giúp gia đình cậu và những gia đình cùng cảnh ngộ cần những nỗ lực ở tầm vóc lớn hơn...
Những số phận đáng thương có thể gặp bất cứ đâu, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà có thể ở giữa Thủ đô.
Đúng đó KT, tầm vóc lớn hơn mới giúp triệt để GĐ cậu bé và GĐ cùng cảnh ngộ. Nhưng tr/h này cậu bé đã làm được một việc tưởng nhỏ nhưng cũng vượt tầm vóc của cậu bé rồi đó...
Trả lờiXóa... Nhịn ăn sáng, quả là bình thường khi con cái ta không ăn sáng. Nhưng nhịn ăn sáng tiết kiệm tiền đỡ mẹ bệnh thì tầm vóc thật. Đúng như KT, nhịn ăn tiết kiệm giữa thời dại này, giữa thũ đô....
1/4 thế kỷ trước, tôi cũng đói. GĐ tôi cũng vậy. Tôi cũng chẳng biết làm gì. Ngoài những buổi học, còn lại lang thang khắp cánh đồng mò cua bắt cá. Nhà tôi gần như đỡ thức ăn hàng ngày. Thừa ra thì bán lấy tiền mua gạo phụ thêm tiêu chuẩn... Nhưng ngày ấy xung quanh nhà tôi còn có ruộng, có đồng. Giữa Thủ đô, cháu Hiếu biết làm gì? Thế là cháu chọn một phương án vì mọi người và thiệt về mình: NHỊN ĂN & GIÃ VỪNG, GIÃ LẠC... Đẹp biết bao!
Bài văn này đang gây xôn xao trong giới học sinh Thủ đô. Con gái mình lại học cùng trường với anh Hiếu nên chúng truyền nhau đọc hết. Thực tế, tại AMs rất phân biệt đẳng cấp giàu nghèo, phân biệt học giỏi/ học dốt, phân biệt vào trường nhờ thực lực hay chạy vào...Bọn chúng có tính ganh đua & "cái tôi" lớn. Những đứa nghèo đương nhiên học rất giỏi (thì mới thi vào được), những đứa không nghèo cũng không giàu (trường hợp con mình (^-^) phải học rất ác để thi vào) và những đứa rất giàu (chạy trường). Tuy nhiên chắc con mình không thể hiểu được chạy thận là gì? Tại sao lại túng quẫn thế? Tại sao lại ghét tiền mà vẫn phải yêu tiền... Vì đơn giản chúng vẫn được bố mẹ bao bọc chưa bao giờ biết đến túng thiếu. Chúng phải nhìn tận nơi, gia cảnh của anh Hiếu, chắc khi đó may ra mới lờ mờ hiểu được phần nào.
Trả lờiXóaTks D
Trả lờiXóaĐây là một hiện tượng và nó được "soi" theo nhiều hướng:
- Tư cách: gia đình; cá nhân; nhà trường; xã hội...
- Ý nghĩa: về mặt tâm lý, giáo dục, truyền thông...
Đứng ở mỗi góc độ "soi" và ý nghĩa tác động, người đọc sẽ có những cảm xúc và kết luận khác nhau.
Sorry KT, tôi không thích dùng từ "soi" kể cả trong "nháy nháy". Ở tình huống này. Tôi thích bài này bởi vì nó như cảm xúc, cuộc sống của cậu bé. Tôi không thiên về việc cậu bé phân tích về sự hiện diện của đồng tiền. Nếu nói về góc độ đồng tiền hay gì gì đi nữa, cậu bé chưa thể viết và phân tích sâu được. kể cả ai trong chúng ta cũng vậy, không làm được. Nhưng cậu bé bằng chính con người mình, cảm xúc mình, cuộc sống mình đang làm lay động mỗi chúng ta. Đúng , đúng như KT nói, ở mổi góc độ "nhìn nhận" và ý nghĩa tác động, người đọc sẽ có những cảm xúc và kết luận khác nhau.
Trả lờiXóaVới tôi, đó là sự đồng cảm về nghèo đói. Nhưng tôi khâm phục cu cậu, trong thời đại này mà vừa nghe lời bố me (học thật giỏi để bố mẹ vui lòng), không đi làm kiếm tiền mà vẫn tiết kiệm được tiền ăn sáng cho mẹ chữa bệnh bặng việc nhịn ăn sáng. Có cái gì đó là sự chịu đựng và nung nấu trong con người cậu bé này... Mà thực ra, tôi thấy xung quanh ta, còn rất nhiều những con người với giá trị nhân văn ấy luôn hiển hiện cả những cháu nghèo, cả những đứa trẻ sống trong xung túc... Mỗi đứa một vẻ và cách thể hiện sự nhân văn khác nhau. Đó là lý do tôi tin tưởng, tôn trọng và khâm phục thế hệ đi sau, bởi chúng xứng đáng như vậy. Thời nào cũng vậy, tốt xấu có hết. Cái quan trọng ta có nhìn ra đúng như KT nói vậy: tùy thuộc góc độ "soi" ...
Ngày xưa , có nhiều gương thế này lắm nhưng không có internet.
Trả lờiXóaLòng người dần chai sạn theo vòng xoáy của cuộc đời.
May mắn và bất hạnh không chừa ai, Nhân sinh mà.
Hehe
Trả lờiXóaTks Chuti.
Tôi muốn "chơi chữ" một tí nhưng có vẻ không đúng sở trường.
Ở góc độ cá nhân tôi thấy câu chuyện này cảm động nhưng là câu chuyện đẹp. Cha mẹ cậu bé đáng thương nhưng cũng rất may mắn vì có một người con học giỏi và hiếu thảo. Cậu bé chắc chắn sẽ là người thành công khi trưởng thành. Có người nói cậu là Mục Kiền Liên của thời nay.
Tôi xin trích một nhận xét của một đồng nghiệp:
----------------
Tôi đã đọc bài văn này ba lần và xin chia sẻ với mọi người và cảm nghĩ như sau:
- Hiếu cùng độ tưổi với con của tôi , khoảng 16 tuổi ,về học hành chắc cũng không thua kém gì nhau vì nhóc nhà tôi từng học chuyên Anh tại Trần Đại Nghĩa và cũng từng được giải này nọ, nhưng về hoàn cảnh thật quá khác nhau ( tôi cũng không ngờ ngay giữa Hà Nội có những gia đình khó khăn như vậy! ) và sự khác biệt chính ở chỗ này : Tại sao Hiếu lại có thể vươn lên trong một hoàn cảnh như vậy? Tôi không dám trả lời cho câu hỏi này và tốt nhất là không trả lời . Việc đầu tiên tôi làm là gửi bài văn này cho con mình nó đọc , nhưng vẫn chưa thấy nó hồi âm .
- Đúng là không ai chọn cửa để sinh ra , mỗi người một hoàn cảnh khác nhau , nhưng cái hiếu của Hiếu ở đây thật tuyệt vời đặc biệt trong môi trường xã hội quá nhiều vấn đề hiện nay. Nhiều đứa sẵn sang quay lưng lại chính gia đình mình chỉ vì nghèo.
- Tôi nhớ ai đó đã nói , đại ý như sau: trời cho ta trí tuệ và sự may mắn , hãy chia sẻ với những người bất hạnh hơn mình …
-----------------
Chuti rất đồng cảm.
Trả lờiXóaDường như Ông thấy lại một chút hình ảnh của mình ngày xưa trong Cậu Bé này?!
Cám ơn KT, tôi là một con người đa cảm và yếu đuối. Thấy cảnh nghèo nhưng mạnh mẽ, tôi thấy lòng mình miên man. Đúng, tôi rất đồng cảm với cậu bé này. Ừ, chỉ một chút thôi, tôi thấy mình của những ngày xưa. Nhưng thú thật, cậu bé đã làm tốt hơn tôi rất nhiều. Nhất là cái cách cậu bé làm vui lòng bố mẹ. Một cách tưởng bình thường nhưng sao đẹp vậy. Tôi ngưỡng mộ cậu bé, cậu đã giành được sự thấu hiểu từ tất cả mọi người: Cha me, nhưng bậc phụ huyng như chúng ta, bè bạn , thầy cô (Thể hiện khi cô giáo đọc bài văn cả cô và trò lớp chuyên lý đều khóc), của toàn xả hội trong đó có các trẻ em cả giàu cả nghèo. Tôi tin thế , vì như tôi đã nói chúng nó thấu hiểu, có khi không sâu sắc nhưng cảm nhận được nên mời truyền nhau mà đọc, mỗi chúng nó có một cách biểu hiện khác nhau, có đứa khó, có đứa lặng im. Do vậy người bạn đồng nghiệp của ông cứ an tâm, đừng đợi cháu nó hồi âm sau khi đọc bài này, không cần vậy. Hãy để cháu cảm nhận theo tuổi tác, tình cảm và con người của cháu.
Trả lờiXóa... Cậu bé nghe lời và làm vui lòng bố me theo một cách chịu đựng, nung nấu và chứa đựng sự nung nấu trong mình như vậy. Còn tôi, như có lần đã chia sẻ trong NGÀY CỦA MẸ. Nhưng lúc này tôi như mọi lần, nghĩ lại ngày xưa... toàn cãi lại cha mẹ. Cậu bé làm tôi ngưỡng mộ và đồng cảm cũng vì lẽ đó... Đồng cảm không chắc mình nghĩ và làm như người ta, mà đôi khi đồng cảm vì những cái đối nghịch như vậy!
Trả lờiXóaChuti thật nhạy cảm, như thế dễ động lòng lắm!
Trả lờiXóaThú thật lúc đọc bài này tôi thấy nghẹn mãi nơi cổ họng mình, cố kìm để khỏi tuôn nước mắt. Thương quá cho hoán cảnh gia đình và bản thân cậu bé.
Nghĩ lại ngày xưa, chúng mình nhịn ăn sáng suốt, hay không ăn sáng là chuyện bình thường. Nhưng giữa thời nay ở giữa Thủ đô việc làm của cậu bé thật cảm động và làm mỗi độc giả phải quan tâm suy nghĩ. Ngoài đời còn nhiều cảnh đời khổ đau bất hạnh lắm.
Cũng may là nhờ bài văn này mà giờ cậu bé và gia đình đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, chia sẻ. Chúc gia đình Hiếu sẽ vượt qua khó khăn.
Thanks t.h.
Trả lờiXóaThời mình, khó khăn chung, nhìn chung là khó khăn, xã hội vậy, dễ hiểu và chia sẻ hơn. Còn thời nay, thời teen hip hop, giữa Thủ đô, thì cậu bé quả là điển hình...
Chưa biết sao, nhưng mình cảm nhận được nội lực trong con người cầu bé này, mình nghĩ cậu bé sau này sẽ thành công.