Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT DÒNG HỌ

       Ngày tôi đi học, đi thi, mỗi khi đọc đến tên tôi, người ta thường đọc đi đọc lại xem có ... nhầm không!
Rồi người ta hỏi: họ Khoa à?!!
Vâng, họ Khoa. Tôi trả lời.
Tôi vào Sài Gòn. Người Sài Gòn hay nhầm tên tôi là Phan Đăng Lưu. Tôi cứ phải đính chính...
Nhưng thật bất ngờ, sau này tôi biết rằng tôi và Cụ Phan có họ hàng với nhau.
Câu chuyện sau đây sẽ cho các bạn rõ thêm:

 --------

Việc cải đổi danh tính họ Mạc

(DVT.vn) - Sự hưng vong của một dòng họ, một gia tộc có liên quan tới lịch sử thăng trầm của một đất nước.
 
Ở đây tôi không đi sâu vào thời gian vàng son của họ Mạc, mà muốn đề cập tới họ Mạc vào giai đoạn suy vong, phải di cư nhiều nơi, phải đổi họ tên để tồn tại và phát triển.

Sau cái mốc thời gian năm 1592, Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long thì một chiến dịch truy sát họ Mạc đã diễn ra. Trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn ghi: “Bình An vương (Trịnh Tùng) giết hết bọn ngụy đảng, đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai, hủy bia ở mộ, chặt hết cây trồng trong lăng. Đó là tỏ sự truy phạt vậy”. Họ Trịnh đã hành hình Mạc Hồng Ninh rất tàn nhẫn, đưa ra phía nam cửa doanh xử lăng trì (dùng voi xé xác), đóng đinh vào mắt, chặt và bêu đầu, rồi đem thủ cấp hiến hoàng đế ở hành tại Vạn Lại xứ Thanh Hóa.

Để xóa bỏ đối thủ của mình, uy hiếp con cháu họ Mạc để làm tiêu tan ý chí phục thù rửa hận và tránh được hậu họa về sau, chúa Trịnh đã giết một lúc hơn 60 người họ Mạc, thây chết đầy bờ cát, tạo ra bầu không khí nặng nề ghê sợ. Điều này khiến cho có những thân vương nhà Mạc tin rằng, đại cục không cứu vãn được sự tự sát cũng như sự trấn áp uy bức của họ Trịnh, dẫn tới chỗ này xưng vương, chỗ khác khởi loạn (Mạc Kính Chỉ ở Đông Triều, Mạc Kính Cung ở Văn Chẩn, Mạc Kính Chương ở An Quảng, Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng…).
Một góc thành nhà Mạc ở Tuyên Quang.
Con cháu họ hàng nhà Mạc phải li tán, mai danh ẩn tích, ở nhiều vùng, nhiều miền đất lạ, đổi thành nhiều họ, hoặc theo họ mẹ, hoặc theo họ của bố nuôi, hoặc theo họ của địa phương cư trú, hoặc theo điều kiện sinh hoạt… nhưng đều giữ một quy ước chung để sau này tìm nhau. Quy ước đó có nơi ghi rõ trong giai phả, có nơi chỉ truyền miệng. Đó là “khử túc bất khử thủ” (bỏ chân không bỏ đầu). Ví như chữ Mạc bỏ nét ngang ở chữ Đại dưới chân, đưa lên thành chữ Hoàng, tức là bộ thảo đầu vẫn giữ. Đó là dùng chữ Đăng làm tên đệm, ví như: Hoàng Đăng…, Thạch Đăng… Quy ước thứ hai này về sau cũng không bắt buộc giữ vì lẽ đó.

Dương Bá Cung viết Lều thị thế phả năm Tự Đức thứ 6 (1853) có ghi: “…Tổ tiên họ Mạc, đến đầu thời Lê Trung Hưng đổi thành họ Lều, giữ lại bộ thảo đầu sợ lẫn với họ khác…”. Cũng phả đó cho biết còn họ Khương, họ Hoàng, họ Vũ, họ Phạm lưu lạc chuyển đổi không xét được. Tại nhà thờ họ Lều ở Nhị Khê, Thượng Phúc, Thường Tín (nay thuộc Hà Tây), ngoài phả trên còn có từ đường cất giữ nhiều hoành phi, câu đối. Một trong số câu đối đó có một câu mà dòng họ này cho là tiên tri:

Tứ bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu dị nhi đồng


Dịch là:

Bốn trăm năm trước, cuối cùng trở lại như ban đầu
Mười ba đời sau, khác biệt mà vẫn cùng chung.


Các họ mà phả này nhắc đến, chúng tôi cũng đã tìm ra, đối chiếu đều ăn khớp. Xin đơn cử như họ Phạm ở Thanh Đặng, Văn Giang (nay thuộc Minh Hải, Mỹ Văn, Hải Hưng) có nói đến một chút ở xã An Lưu, huyện Giáp Sơn đổi thành họ Nguyễn. Còn lại ở Thanh Đặng thì: “Lúc này, họ Trịnh chuyên quyền nên đổi ra họ Phạm để làm mờ dấu tích, giống như họ Thúc, họ Châu thời Xuân Thu, sau là họ Chu vì giữ lại nét chữ bên cạnh. Nhà ta lấy họ Phạm cũng suy ra từ ấy mà giữ nét chữ ở bộ thảo”.

1. Họ Phạm ở 3 tỉnh: Hải Hưng, Bắc Giang (Xuân Đán, Thanh Chương, huyện Yên Dũng) và Nam Hà (Kiên Lao, Ngọc Tĩnh, Hoàng Tứ thuộc huyện Xuân Thủy).

Tộc phả của họ Phạm ở Nam Hà cho biết, từ Dương Kinh (tức Cổ Trai) ra đi năm 1652 di cư đến Cồn Lau, Cồn Kiên thuộc phủ Thiên Trường. Người ra đi là Mạc Đăng Thận (cháu bốn đời của Mạc Thái Tổ), đi bằng thuyền giả lái buôn thăm dò thấy yên ổn mới định cư tại đó. Khi đi mang theo kỷ vật là Thanh long đao của Mạc Thái Tổ. Thanh long đao này nặng 25,6 kg, dài 2,55 m (phần cán là 1,6 m, phần lưỡi 0,9 m), cán rỗng, có chốt ở đốc đao… hiện còn lại để tại nhà thờ họ.

Mạc Đăng Thận đổi thành Phạm Đình Trú. Sau có 3 chi. Con cháu họ này vẫn phát huy được truyền thống võ; nhiều vị được phong tước hầu, tước bá (Vạn Sơn hầu, Quảng Đình hầu, Dật Sử hầu, Viên Hùng bá…); nhiều vị được phong là Phúc thần thờ ở các xã; có vị đã khai khẩn được 700 mẫu ruộng cung cấp cho dân vùng đó.
Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc (thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng - quê hương của Mạc Đăng Dung), khánh thành ngày 25/12/2010.

2. Họ Lều ở Nhị Khê, Thượng Phúc (nay là Thường Tín, Hà Tây) còn từ đường, phả chép trên lụa, ghi được 13 đời. Vị trở về đây là Mạc Phúc Trì. Con cháu dòng họ này có người được phong Hồng lô và Quang lộc đại phu. Trước khi thành lập Đảng cộng sản Đông Dương, có Lều Thọ Nam từ 1926 đã tham gia chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đầu tiên ở Hà Nội, và đầu 1928 đã đi “vô sản hóa” ở xí nghiệp sửa chữa ô tô Trường Xuân, rồi đi dự hội nghị thành lập Đảng cộng sản Đông Dương tại Hà Nội. Lều Thọ Nam là thành ủy viên phụ trách học sinh. Năm 1930 bị địch bắt cùng với Đinh Xuân Nhạ, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Ngọc Vũ…

3. Họ Bùi ở Quất Động, Thượng Phúc (nay là Thường Tín, Hà Tây). Người di tản về đây là Mạc Phúc Đăng (con cháu Mạc Phúc Hải) đổi ra họ Bùi là họ mẹ (Bùi Thị Ban). Nơi đây có mộ của Mạc Phúc Hải, còn từ đường, con cháu vẫn giữ được truyền thống cách mạng. Họ này có Bùi Quốc Khái đi sứ có công được phong tặng rất hậu: Công bộ Thượng thư, được mang quốc tính, tức (Lê Công Thanh) ông tổ của nghề thêu. Hiện nay có Bùi Trần Chuyên, thành ủy viên Hà Nội đã nghỉ hưu.

4. Họ Nguyễn ở 3 tỉnh: Hải Hưng (An Lưu, Phù Lưu huyện Giáp Sơn); ở Hà Tây (Phú Xuyên); ở Thái Bình (Nguyên Xá).

5. Họ Hà ở Thái Bình (Tiên Hùng) từ chi họ Nguyễn trên đổi họ.

6. Họ Vũ ở Thái Bình (Đông Hưng) từ chi họ Bùi đổi sang.

7. Họ Lê Đăng ở Hà Bắc (Phù Khê, Tiên Sơn, Phương La, Yên Phong).

8. Họ Thạch ở Hà Nội (Ninh Hiệp, Gia Lâm; Đình Xuyên, Gia Lâm).

9. Họ Hoa ở Hải Phòng (An Hải) sau đổi là họ Khoa vì kiêng húy.

10. Họ Hoàng ở 5 tỉnh: Hà Tây (Cần Xá, Quốc Oai); Nam Hà (Đô Hoàng, Ý Yên) chi họ Hoàng ở Nam Hà có Hoàng Minh Giám tức Chu Thiên (tác giả Bóng nước Hồ Gươm), có Nhượng Tống viết báo Nam Thành, Hồn Cách mạng, Thực nghiệp dân báo… trước cách mạng. Đời thứ 6 có người đổi ra họ Vũ.

Vào Thanh Hóa (Hoàng Giang, Nông Cống), Mạc Đăng Khuê đổi ra Hoàng Phúc Khê lập ra ấp Thổ Ngỏa, xây chùa, khai hoang. Con cháu sau này có Hoàng Thế Bảo, lão thành cách mạng đã đưa Tổng Bí thư Đảng Đông Dương Nguyễn Văn Cừ vào nam hoạt động. Ở Nghệ An, từ cụ Mạc Đăng Lượng đổi ra là Hoàng Đăng Quang và từ Mạc Huyền Trai đổi ra họ Phan, rồi đổi ra họ Hoàng, Quảng Bình (Quảng Ninh, Quảng Trạch) từ Nghệ An vào.

11. Họ Phan ở Nghệ An (Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu; Xuân Thành, Yên Thành;...) phái hệ của Mạc Mậu Giang đổi họ từ Huyền Nhai đến đời 15 có Phan Đăng Lưu, ủy viên BCH TƯ ĐCSVN.

12. Họ Thái ở Nghệ An (Diễn Hòa, Diễn Châu) phái hệ Mạc Đăng Bỉnh.

13. Họ Mạc ở hai tỉnh: Hải Hưng (Nam Tân, Nam Thanh); Hải Phòng (Hợp Thành, Thủy Nguyên; Tiên Cường, Tiên Lãng; Cổ Trai, Ngũ Đoan;…). Một dấu hỏi được đặt ra là: Tại sao ở đây vẫn giữ nguyên là họ Mạc? Là vì: Quận chúa Trịnh Thị Nhâm lấy Mạc Đạo Trai (con trai của Mạc Phúc Tư, cháu của Mạc Đăng Doanh) nên không thể “cạn tàu” với thông gia, đó là chưa nói họ Mạc còn có nhiều ưu ái với Trịnh Cối (anh ruột Trịnh Tùng) và phần nào là lòng dân đối với nhà Mạc.

14. Họ Bế ở Cao Bằng (Nà Lự)

15. Họ Ma ở Cao Bằng (Nà Lự)

16. Họ Đào chưa xác định rõ

17. Họ Tô chưa xác định rõ

18. Họ Khương chưa xác định rõ (cho đến tháng 12/1995, Ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội đã nhận được từ 22 tỉnh là 119 chi họ).

19. Họ Đoàn ở xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, Bắc Giang là hậu duệ của Mạc Kính Điểu, Mạc Kính Phu. Mạc Kính Phu tước Đoan Lương công, lấy tước này mà đổi thành Nguyễn Đoan khi về xã Nhân Thắng, huyện Gia Lương, Hà Bắc rồi khi về xã Nhân Hựu, huyện Gia Bình, Hà Bắc đổi thành Đoàn Quang, Đoàn Trác, Đoàn Huy… Gia phả chép năm Minh Mệnh 15 (1835).
Thanh long đao của hoàng đế Mạc Đăng Dung được bảo quản và lưu thờ nhiều thế kỷ tại từ đường họ Phạm gốc Mạc thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Nay, đã được dời về Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.

Qua khảo sát Gia phả, Tộc phả, chúng tôi khẳng định được 20 họ kể trên gốc từ họ Mạc. Chúng tôi đã đến hầu khắp các địa điểm có chi họ Mạc trên, điều xúc động đối với chúng tôi là gặp các cụ già trên 80 tuổi. Các cụ kể về việc tầm tông (tìm họ) của cụ những năm cải cách ruộng đất đã đi bộ hàng trăm cây số với cuốn tộc phả gói kỹ đeo bên người và bị bắt giữ. Đó là các cụ ở Yên Dũng, Hà Bắc và Ninh Hiệp (Gia lâm, Hà Nội). Đến Thủy Nguyên, Hải Phòng nhiều bà con mang họ khác nhưng khi quá cố, về cõi vĩnh hằng thì bia mộ lại ghi họ Mạc. Ở Nam Hà các cụ mong các nhà khoa học sớm minh chuyết cho Mạc Thái Tổ những vấn đề mà Trần Trọng Kim đã viết sai sự thực.

Nhân hội thảo này, tôi xin chuyển đạt điều mong muốn chính đáng của nhiều chi họ gốc Mạc đến quý vị. Con cháu của họ Mạc, dù ngày nay mang họ gì đi nữa, dù ở đâu cũng tiếp tục tìm nhau, xác định họ hàng tổ tông, như dòng sông, con suối đều có ngọn nguồn của nó. Xuân 1994, Giáo sư Viện trưởng Viện KH XH Thành phố Hồ Chí Minh Mạc Đường đã bay ra Hà Nội và tìm đến từ đường họ Thạch ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) là nơi các chi họ quy ước hàng năm họp mặt lễ tổ, để thắp một nén tâm hương trước bàn thờ tổ. Quá khứ là bài học, hiện tại là định hướng cho tương lai. Từ đó mà giáo dục con cháu phát huy truyền thống của dòng họ, ra sức xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh…

Kết luận:

Việc đổi họ thay tên trong lịch sử Việt Nam ta từ xưa tới nay là chuyện bình thường và có rất nhiều nguyên nhân khác nhau: hoặc vì bán khoán, vì ở rể, vì ngoại hôn, vì làm con nuôi, vì phạm húy, vì được ban họ vua chúa, vì ái mộ, vì mâu thuẫn, vì mục đích hoạt động cách mạng, hoạt động chính trị… Ở đây họ Mạc đổi ra nhiều họ, nguyên nhân chủ yếu là để tránh trả thù; cũng như họ Lý đổi ra họ Nguyễn, họ Trần đổi ra họ Đặng, họ Trịnh đổi ra họ Nguyễn… trong từng giai đoạn lịch sử vậy.

Thông tin của chúng tôi vào thời điểm này, có thể chưa đầy đủ nhưng khá chính xác, đáng tin cậy; mong cung cấp cho các nhà nghiên cứu khoa học có thêm tư liệu tìm hiểu về nguồn gốc các họ từ đâu, đặc điểm, diễn biến theo quan điểm đồng đại lẫn lịch đại, chắc sẽ phần nào bổ ích cho những ai muốn đi sâu về dân tộc học, xã hội học, nhân danh học, gia phả học…
Hoàng Lê
--------


Bá tôi là thành viên hội đồng trưởng tộc họ Khoa (Hoa) ở Đằng Lâm, An Hải, Hải Phòng.  Ngày nhỏ có lần tôi thắc mắc tại sao họ nhà mình lạ thế, Ông chỉ nói: Mạc - Khoa cỗi - cành (Mạc là gốc, Khoa là cành). Hàng năm đến kỳ giỗ tổ họ Mạc ở Cổ Trai, Kiến Thụy Ông đều về làm lễ.
Bá tôi nay đã già, yếu, trách nhiệm về họ tộc bàn giao lại cho anh Chính ( Những ai từng học ở Trung tâm ngoại ngữ Hải Phòng trước đây đều biết anh Khoa Năng Chính tức Chính Lùn)
  

Ngôi từ đường họ Hoa (Khoa) gốc Mạc ở làng tôi.

Cuộc sống là một sự tiếp nối liên tục.
Tôi tin rằng mỗi gia đình, dòng họ đều có một câu chuyện, một niềm tự hào riêng đáng để chia sẻ.  
Hải Phòng Tháng Tư 2012 - KT

16 nhận xét:

  1. Thanks KT.
    Hôm rồi ông nói về nhà có việc. Hóa ra vậy, chúc mừng ông đã có một chuyến đi rất thú vị. Chúc mừng ông đã tìm hiểu được và hiểu thêm sâu sắc về đòng họ của mình.

    Cũng phải nói, đây là một đề tài rất hay đấy. Nhân đề tài này, hôm rước đọc một bài về các đòng họ lớn trên TG, có dòng họ Nguyễn của VN, tôi tìm rồi ông post nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Welcome Chuti.
    Rất sẵn sàng. Mỗi dòng họ đều mang trong mình những giá trị, thông tin lịch sử. Sự chia sẻ sẽ rất thú vị và làm chúng ta hiểu thêm rất nhiều.
    Họ Nguyễn là dòng họ lớn, Triều Nguyễn là triều đại có công lớn với sự mở mang và thống nhất giang sơn Việt nam. Chắc chắn câu chuyện về dòng họ này rất hoành tráng và thú vị.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi có một chút thông tin sưu tầm. Chắc tra cứu và viết về dòng họ Nguyễn phải nhờ đến hậu duệ gầm gì NGUYỄN XUÂN PHÚ.

    Trả lờiXóa
  4. Dear Kt, chuti,

    Bài viết công phu, tư liệu có vẻ ổn. Cũng đúng thôi vì liên quan đến dòng họ tổ tiên . Không được khinh suất.
    Nói theo ngôn ngữ gầm ghì ( Chu ti hay nói) Cần phải edit lại. Thế hệ sau nó cười mỉm đấy.

    Lăng trì là Tùng xẻo chứ không phải là voi giày. Một số từ cũ nên tra cứu cẩn thận.

    Khó chịu bỏ qua nhé !!!

    Trả lờiXóa
  5. Xin thêm một ý nữa, tại sao trách nhiệm về dòng tộc, họ mạc, ... Lại gần như giao cho trưởng bối, Đức cao vọng trọng.

    Một ý giải thích : đẩy hạ và nhận chốt hạ !,,

    Xin lỗi vì dùng ngôn ngữ Phỏm.

    Trả lờiXóa
  6. Thanksd khongthoike.
    bài này là phần tư liệu và viết là của Hoàng Lê. KT chỉ minh họa thêm về họ Hoa (Khoa) nhà mình chút thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Đúng vậy!
    Tks Chuti, Thoike.
    Tôi chỉ viết phần đầu và phần đuôi, phần chính là trích dẫn nguyên văn của nhà nghiên cứu Hoàng Lê.
    Bài viết của Hoàng lê nặng về tư liệu, tôi đồng ý với thoike là cũng nên biên tập lại một chút thì sẽ hay hơn.

    Trả lờiXóa
  8. Dear Kt,

    Viết về quá khứ, về dòng tộc phương đông không Khách quan như tây. Đó là hạn chế lớn. Hậu nhân muốn từ quá khứ tìm ra cái gì mới hơn cho tương lai sẽ gặp nhiễu.

    Trả lờiXóa
  9. Đúng vậy Thoike.
    Đây là đề tài khó chứ chẳng chơi. Nó vừa mang tính chất tâm linh, vừa khoa học lịch sử...
    Tôi thì chỉ muốn kể một câu chuyện nhỏ và nhân tiện giải thích để mọi người biết về cái "họ lạ" của tôi.

    Trả lờiXóa
  10. Hi hi, đọc thì thấy, sở dĩ tại sao họ Nguyễn đông vậy vì có lẫn các Nguyễn-Trần, Nguyễn-Mạc, Nguyễn-Hồ,... vào đúng không nhỉ? Nên Nguyễn xịn thì không biết ntn? Ngay cả Bác Hồ cũng được thiên hạ đồn là gốc họ Hồ? Như bạn khongthoike noi, thật khó khăn để truy tìm gốc tích của dòng họ đối với người phương Đông ta.
    ĐỌc lịch sử TQ cũng như VN, thấy những cuộc tàn sát đẫm máu, đập phá, triệt hạ các công trình xây dựng của các vương triều mà hiểu: tại sao nước mình lại được gọi là nước "khó phát triển" hik hik... Không mấy người nhìn quá được cái bụng hẹp hòi.

    Trả lờiXóa
  11. Hi TD
    Cái việc thay tên đổi họ này không biết là "đặc sản" của TQ và các nền văn minh lân cận hay có cả ở nơi khác?!! Đây cũng là một câu hỏi hay vì việc tranh đoạt quyền lực, tàn sát la764n nhau thì ở đâu cũng có!!
    Suy rộng ra thì nó cũng là một cách để bảo vệ sinh mạng, giống nòi. Một "cách thức riêng" nhưng nằm trong một qui luật tổng quát.

    Trả lờiXóa
  12. Ah thầy CHính lùn vô cùng quen thuộc với mình lại là họ Khoa (Hoa) nhà Lưu ah? Phong cách thầy dạy gần gũi dễ hiểu lắm. Học sinh đứa nào cũng quí. Thầy đã xoá mù tiếng Anh cho bao lớp học trò đấy.
    Đợt trước thi Idol có cô bé Lều Phương Anh mà thấy họ lạ quá, hoá ra cũng cùng gốc họ Mạc. Chứng tỏ họ Mạc rất lớn. Tìm hiểu LS ra nhiều cái thú vị thật

    Trả lờiXóa
  13. Nếu TD muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này thì tìm đọc bài: Những cuộc đổi họ lớn trong Lịch Sử Việt Nam (Hỏi Gu Văn Gồ). Thú vị lắm.

    Trả lờiXóa
  14. Tàn sát lẫn nhau thì ngày xưa là phổ biến để tránh hậu hoạ thì đúng rồi. Nhưng các công trình kiến trúc & văn hoá cũng bị huỷ diệt thì đúng là có vấn đề. Nhìn các nước tư bản phát triền, dù có là thời vua nào thì kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật, các thành quả KHKT vẫn được tiếp nối. Mình chẳng dám nhìn sang Mỹ (là 1 điển hình) mà nhìn sang Nhật cũng thấy sự: "cái nước mình nó thế" rồi. Và thấy cám cảnh lắm.

    Trả lờiXóa
  15. Đây cũng là câu hỏi lớn và rất hay. Nó là do khác biệt về văn hóa và tâm lý dân tộc.

    Trả lờiXóa
  16. Không riêng gì các công trình kiến trúc. Mình đọc thấy người ta viết rằng có rất nhiều phát minh khoa học được thực hiện ở Trung Quốc thời cổ nhưng vì người ta muốn làm của riêng nên thất truyền...

    Trả lờiXóa