Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

THÔNG BÁO

Được tin Ông Cụ thân sinh Lan Dương bệnh nặng, đang nằm tại phòng hồi sức khoa tim mạch Bệnh Viện 115 TP HCM; Ban liên lạc khu vực phía Nam đã tổ chức đến thăm sáng nay.
Chị Phương (Chị gái LD) nói Cụ đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên vẫn còn rất yếu.
Xin thông báo để các bạn KT-26 biết và thăm hỏi, động viên chia sẻ cùng Lan Dương.
Cầu mong Cụ mau khỏe.
Lan Dương hãy gắng lên nhé.
BLL phía Nam.

Đại diện KT-26 nói chuyện cùng Chị Phương


Giờ cao điểm ( T/g: Thùy Dương)




07h30 sáng, vội vàng quăng mình ra đường cho một ngày làm việc mới. Trời, mới bảnh mắt mà người đâu ra lắm vậy! Xe cộ ngược xuôi không có hàng lối thứ tự nào cả, mạnh ai người nấy đi. Kinh khiếp nhất là các ngã tư, mặc dù vẫn có đèn xanh đèn đỏ nhưng chiều này đi chưa hết, chiều kia chỉ chờ đèn xanh là nhao lên, ùn vào các khe hở, tiến tới trước bằng mọi giá. Vậy là dòng xe ô tô và xe máy vón cục ở giữa, đưa nhau vào thế đan cài như đan rổ. Mày không đi được hả? Mặc kệ mày! Trong khi phần còn lại của ngã tư lại trống vắng do xe không lách ra được. Cứ thế dòng xe này chưa qua dòng xe sau đã tới, làm cho cái ngã tư rộng thênh ngày thường trở nên vô cùng bát nháo. 

Kẹt xe - chuyện thường ngày
Thoát ra được ngã tư, ai nấy vội vàng phóng xe để mong bù lại thời gian kẹt. Chẳng thanh thản được bao lâu! Đến đoạn phố có trường đại học, đã thấy người và xe dồn đống. Lùi cũng không lùi được nữa rồi. Thôi đành buông mình theo tốc độ rùa bò của dòng người. Những con người đóng khung trong chiếc mũ bảo hiểm, vẻ mặt vô cảm và nhẫn nại, dấn từng bước chầm chậm. Sau vẻ dửng dưng, mỗi con người ấy đang nghĩ gì trong đầu cho một  buổi sáng như mọi buổi sáng vào giờ cao điểm?
Mùi xăng xe, mùi chì xộc vào mũi cùng với đám bụi nhờ nhờ bủa vây. Mặt trời đã chói chang chiếu xiên ngang vào mặt người. Tiếng còi xe inh ỏi, tiếng động cơ xe nổ ầm ầm, nhưng những âm thanh hỗn tạp đó không làm người đi đường bận tâm vì nó đã quá quen thuộc. Sao hôm nay lại tắc ghê thế nhỉ? Ngược chiều, một chiếc xe ô tô đi lừ đừ. Tay này làm sao thế? Mới học lái chắc! Đến gần té ra “nó” đang mải buôn điện thoại! Chúng mày vội, ông không vội! Ôi tổ cha nó, bao nhiêu người rì rì đi đằng sau mà nó vô cảm thế đấy.
Bỗng, một đôi chim bồ câu từ đâu bay tới, cùng đậu song song trên đám dây điện chăng ngang đường. Ô kìa, chúng đang bình thản rỉa lông và cọ mỏ cho nhau, mặc cho những âm thanh ồn ã và lũ người khốn khổ vật lộn bên dưới. Tự nhiên thoáng ước mình thành con chim cái kia! Và chợt thấy bầu trời xanh thật xanh trên đầu. Kìa mình đang bay…

Hà Nội một ngày cuối thu 2011

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Đi học (T/g: Xuân Phú)




8.30 tối, trời mưa rả rích , ngồi trên yên xe máy trong góc mái hiên kế siêu thị NT  lặng lẽ hút thuốc. Xung quanh lao xao tiếng người trú mưa , tiếng xe chạy ào ào tạo nên không khí vừa quen vừa lạ. Còn 15' nũa mới tới giờ rước con tự nhiên nghĩ vẩn vơ về chuyện đi học.

Hình ảnh nêu trên tuy không đại biểu cho hầu hết các quý vị phụ huynh của KT26 nhưng tương đối phổ biến với các ông bố bà mẹ nào tại sài gòn hay Hà nội. Hỡi ôi , con cái chúng ta phải đi học thêm đấy và cha mẹ chúng nó cũng phải cuốn theo vòng quay liên tu bất tận của học chính khóa, học phụ đạo, học anh văn, nhạc họa, cờ quạt linh tinh và còn không biết có bao nhiêu thứ quái quỷ gì nữa.

Các bạn thử hình dung xem sáng sớm 6.30 đã phải ra khỏi nhà , chở theo một vài đứa nhỏ tay xách , nách mang  lao như bay trên đường phố. Tối mịt trừ hôm nào phải đi nhậu tiếp khách đều phải nhanh chóng căn giờ rước tụi nhỏ. Công việc tuần tự năm này qua tháng khác đếm vội cũng phải mất 15 năm cuộc đời. Cũng may không phải một mình ta trần ai như vậy, cả xã hội đều thế !!!.

Bài viết này thực ra không phải "than khóc " cho cá nhân hay có ý chê trách gì nền giáo dục VN mà chúng ta vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm theo cả hai nghĩa đen và bóng . Số là tôi bị chỉ định làm HT hội phụ huynh lớp 9, nhiều chuyện ái ố hỷ nộ mà phải vào thực tế mới biết . Chi tiết xin nhường cho quý bà KT26 "tám" thêm ở chuyên mục khác . 

Thủa Chúng ta Đi học , sao mọi sự đơn giản đến kỳ lạ. Sách giáo khoa chuyền tay, lọ mực đổ đầy ra tay và quần áo nhòe nhọẹt,  đến trường mục đính chính là học nhưng chủ yếu là chơi bi, đánh đáo... với chúng bạn . Một trận đòn nào đó sẵn sàng chờ ta ở nhà nếu có thông tin " tuyệt diệu " từ trường học .  Làm gì có quạt, máy lạnh càng không có chuyện xe hơi đưa rước hàng ngày. Một cái kẹo lạc hồi đó còn ngon gấp vạn lần socola xịn bây giờ..Rồi chúng ta cũng lớn lên, vượt qua khó khăn, tụ tập chém gió ,sẻ chia vui buồn nhớ về thời niên thiếu vui vẻ biết bao.

Như các bạn đã biết thời phong kiến việc học hành của Ông Cha chúng ta khó khăn và phức tạp biết nhường nào. Hơn ngàn năm bắc thuộc, văn hóa Hán triều ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế , xã hội và đạc biệt là giáo dục. Cùng với bộ máy cai trị , chữ Hán xâm nhập vào VN qua các thời kỳ khác nhau . Thái thú Sỹ Nhiếp mở trường công, phổ biến văn tự ( còn được phong là Nam giao học tổ thế mới ghê ! ). Học sinh tuyển chọn vào trường rất hạn chế , người có chữ thời đó tiến có thể làm quan, lui làm thầy " thầy đồ, thầy cúng, thầy bói, thầy lang" ???- Tiến vi quan thoái vi sư. 

Khi Vn thóat khỏi Bắc thuộc thời Tiền Lê, Lý ,Trần Phật giáo quá mạnh . Hầu hết các cao nhân uyên bác nhất thời kỳ này thường là tăng sỹ hay có liên quan. Khuông Việt Đại sư, Ngô Chân Lưu, Tuệ trung Thượng Sỹ , Huyền Quang, Pháp Loa, Trần Nhân tông là tiêu biểu. Trường lớp mở ra chủ yếu cho con em quý tộc .

Các khoa thi chọn nhân tài không cố định, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện Kinh tế , Chính trị.Việc học còn không chính thống, bài bản.kỳ nhân dị sỹ, bàng môn tả đạo, tam giáo cửu lưu mặc sức tung hòanh. Tính ước chế đỡ khắt khe hơn so với sau này thời Lê Nguyễn.

Câu văn nổi tiếng khắc trên bia đá  tại VM QTG Hiền tài là Nguyên Khí Quốc Gia của Tiến sỹ Thân Nhân Trung là một bằng chứng cho trí tuệ và tầm nhìn của Lãnh đạo VN thế kỷ 15 đối với sự nghiệp giáo dục Nhưng không may , Giáo trình cho việc học này lại chủ yếu là Tống Nho, Chi hồ giả Dã, Thi văn bát cổ  phần lớn là nhai lại và giáo điều.

Trong bài viết trước tôi có nói về học trò dài lưng tốn vải..HeHe .. Thực tế do quan niệm xã hội trong tứ dân Sỹ nông Công Thương thì Sỹ đứng đầu. Mọi tâm lực , tài lực ,trí lực, nhân lực đều tập trung cho việc học này. Quá trình học từ khi bắt đầu đến khi có thể vác lều chõng đi thi ngắn nhất là 10 năm ( thập niên đăng hỏa ). Theo thống kê sách vở liên qua độ hơn hai chục cuốn. Đầu tiên tìm học thầy đồ làng. Phụ huynh phải mang gà , Gạo, tiền đến nhà thầy nhập môn. Học trò khi được nhận vào học chữ thánh hiền phải trần thân ra làm ÔSin cho nhà thầy. Thôi thì thượng vàng, hạ cám làm tất . Trò giỏi học thày khỏang ba năm là hết chữ , phải đi tìm thày khác, môi trường khác . Vì vậy mới có câu thày nào tớ nấy . Thày ngòai dạy chữ còn dạy nhiều thứ bao gồm cả tư tưởng bất đăc chí coi trời bằng vung...

Tác phẩm Lều Chõng của nhà Văn Ngô Tất Tố phản ánh rất chân thực thời kỳ này. Học trò đi thi lên HN trước cả tháng, Niềm hi vọng của gia đình và dòng họ này thả sức ăn chơi hút xách , cô đầu bằng tiền chắt chiu của cả họ. Mà có mấy người kim bảng quải danh thì , nhiều chuyện hài hước cười ra nước mắt  trong liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh về chuyện học hành thi cử này phản ánh  nỗi đắng cay, hư ảo  của nhân sinh   .

Cựu sự như Yên , ngày nay chúng ta đối mặt với khó khăn khác , toan tính học thêm, chuẩn bị tương lai cho con cái sao mà ngao ngán. Quá nhiều quân sư quạt mo về giáo dục mà sao cảm giác như lạc vào mê hồn trận. Chạnh lòng nhớ về thời xưa cũ sao mà êm đềm thế.

Văn bất tận ngôn, dừng tại đây thôi . Không biết các bạn KT26 có cùng c=E

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT LÊ VĂN ĐẠI 29/9

Đại thân mến!
Tập thể KT-26 chúc Đại luôn mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc!


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

CON MA XÓ (T/g: Chuti)


Lời đầu: Bài viết tặng và cầu chúc cho những ai có bệnh thì chóng lành. Hãy yêu đời và niềm vui cùng sức khỏe sẽ quay lại. Bên cạnh mỗi người luôn là gia đình và bạn bè cùng sẻ chia.
=========================================================

Nghe tiếng ho khẹc khẹc và bước chân lòng khòng của người đàn ông lớn tuổi nhất gia đình. Nó bị kích thích, hiện cạnh bên. Từng cử chỉ khác thường của người đàn ông cứ ám ảnh nó…
Người đàn ông vuốt vuốt cái mặt sẫm nước. Lắc cái bát trên tay, nước bắn cả vào mặt con ma xó làm nó giật thót mình. Ông gõ đôi đũa vào miệng cái bắt sắt để phát ra một âm thanh tành tạch ướt ẩm. Nó thích thú hơn khi người đàn ông xỏ đôi đũa vào vòng sắt nhỏ móc dưới chân cái bát rồi kiễng chân gài cả cái “bộ gõ” ấy lên trần nhà. Cái bát đung đưa phát ra những âm thanh rung rinh nho nhỏ làm nó phấn chấn….
Nó đã theo dõi hành động của người đàn ông và gia đình từ khi họ chuyển về cái gian nhà cấp bốn thấp lè tè ở cái khu tập thể này.  Nó thấy tò mò. Mà tò mò và thọc mạch là tính truyền đời của họ ma xó nhà nó… Phốc vào thân hình ốm yếu của người đàn ông. Sức mạnh ma quái của nó làm ông rùng mình, lắc lắc cái đầu. Người đàn ông bị nó miễn cưỡng dò dẫm…
Nó thất thểu bước ra từ cái thân hình khắc khổ cao lêu khêu của người đàn ông. Khác với sự hảo hứng tìm tòi lúc đầu, lúc này nó ể oải và lắng đọng hơn… Ừ, lúc đầu chỉ là một thói quen sống tập thể gọn gàng và độc lập. Chiếc bát sắt, một đôi đũa luôn đi cùng cuộc sống độc thân Cách mạng. Để rồi như một định mệnh, nó lại đeo đẳng ông suốt…
… Cuộc sống trôi trôi, con cái một đàn. Những đêm ngày trưởng ga, trưởng tàu đường sắt dọc phía Bắc. Cuộc sống lam lũ bụi than cộng với tai nạn khi bị rơi từ cột điện trên cao xuống gãy cánh xương đòn.  Căn bệnh lao phổi và cái xã hội xung quanh hiềm khích bấy giờ đã dập vùi cơ thể, cuộc sống của ông và gia đình…Nhìn ông với một cái bát sắt và đôi đũa riêng, con ma xó cảm nhận được những ánh mắt buồn, thu mình của các thành viên trong gian nhà cấp bốn lè tè ấy.
“Thôi ông ạ, tôi biết ông nghiện chè, nhưng vì con, ông hãy cố gắng giữ gìn. Tết đến, bạn bè các con, hàng xóm đến chơi nhiều, họ chưa hiểu nên ngại ngùng, tội cho chúng nó” – Người đàn bà nhẹ nhàng cảnh báo với chồng.
Con Ma xó thấy người đàn ông lặng thinh, tay hua hua cạnh cái bếp đun bánh trưng ngày Tết. Người ông run run. Mắt nhìn sâu hút hết nồi bánh trưng đang nghi ngút khói…
“À, kia rồi!” - Con Ma xó vui mừng thốt lên. Chỉ có nó, thằng nhóc lầm lỳ nhất cái gia đình này. Ngày giáp Tết sao nó vẫn cứ cái quần cộc và cái áo cũ mỏng manh vậy! Nó ngồi thu lu lấp ló sau cách cửa bếp. Chẳng biết thằng nhóc đợi chiếc bánh trưng nhỏ gói vội nhét cùng nồi luộc hay giống nó, tò mò và nghe lỏm?
Thằng nhóc cứ trân trân như vậy, không nhúc nhích mặc dù Con ma xó cảm nhận cơ thể nó lạnh run… “Ba mẹ đừng ngại. Bọn con không sao đâu. Ba mẹ cứ an tâm, nếu người ngoài, có ai đó làm tổn thương gia đình mình, thì anh em con mà trước hết con sẽ là người đầu tiên đấm vỡ mồm chúng nó!”- Thằng nhóc lắc lắc cái đầu như thoát được sự ám ảnh.
Con Ma xó vui vui khi làm được việc gì đó trong  tiếng nấc nhẹ nghen ngào của người đàn bà đang dõi theo bước chạy chốn của thằng nhóc. Còn người đàn ông vẫn lặng im, người run hơn, hua hua tay sưởi ấm…

Tết đến. Con ma xó thấy thằng nhóc luôn ở nhà. Nó nhận nhiệm vụ tiếp khách. Ừ hay thật, con người là vậy, khác với giống ma xó nhà nó luôn quanh quẩn xó nhà. Tết đến, họ đến thăm nhau, chúc chúc, mừng mừng. Những câu chúc giống nhau lặp đi lặp lại làm nó thấy chán chán. Nhìn thằng nhóc cứ luôn tay lãng phí nước sôi tráng ly chén suốt khi mời khách càng làm con ma xó thiu thiu…
…Nó chợt bừng tỉnh khi nghe tiếng ỉ eo bóng gió :” Các anh chị cứ uống nước đi, em tráng lại nước xôi lần nữa rồi, không có trứng ruồi đâu…”
Con ma xó thấy thằng nhóc bất động... Mắt nó lạnh tanh nhìn trân trân vào cái miệng đang ỉ eo những lời buốt óc giữa tiết đông ngày Tết ấy.“ Tưởng đâu giống ma xó chúng ta vốn dĩ thọc mạch xấu xa. Ai ngờ con người cũng thiếu chia sẻ đến vậy!” – Nó tức giận và như cắt lao thằng vào thằng nhóc…
“Ngày Tết các cô chú đến với gia đình, cháu cám ơn. Tuy nhiên, xin lỗi,  cháu không cần những người khách có những thái độ coi thường gia đình cháu như vậy..” – Lần này thằng nhóc không lắc lắc cái đầu khi con ma xó thoát xác nữa. Nó quay mặt bước vào bên trong để lại những khuôn mặt người lớn bẽ bàng với theo…
 
“Hồi trước ba con mình khổ quá con nhỉ!”
Người con tuổi trung niên không đáp lời mà giơ lon bia mời ông cụ…
Con ma xó chợt thổn thức, đã lâu lắm rồi nó theo dõi và gắn bó với gia đình này mà quên cả thời gian. Hơn 30 năm, đủ để biến thằng nhóc lầm lì ngày nào giờ đã trở thành một gã trung niên cởi mở và người đàn ông lớn tuổi nhất gia đình nay đã là ông cụ hơn 80 dễ xúc động… Ừ, đúng thôi, họ ma xó nhà nó đâu có già! Nó an tâm quay lại cùng hai cha con gật gù sâu lắng trong bữa cơm trưa gọn nhẹ.
“Thôi con đi làm đi, ba uống chút bia vào là thấy buồn ngủ rồi đấy!”
Người con vẫn không nói gì. Con ma xó thì cười tinh nghịch khi thấy ông cụ lắc lắc cái đầu sau khi nói với con. Nó gật gù gióng theo tiếng ho nhẹ và dáng đi lom khom chậm dãi của cụ, mắt nó lim rim…

HCMC 23/9/2011 - CHUTI

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Nghề vuốt đuôi (Châu sưu tầm từ Blog Quê Choa)

Việt Thắng
Quê tôi ngày trước, ở các chợ Bộng, Vẹo, Dinh…có đám người làm một thứ nghề được gọi là nghề vuốt đuôi. Những người này không phải bỏ ra một xu vốn liếng nào cả, chỉ cần sáng sớm có mặt ở chợ, ai bán gì thì hỏi mua nấy, hỏi nhưng không mua bao giờ, không mua mà giống y như mua…Thế mà, chủ bán được hàng thể nào cũng phải trả tiền công cho họ, vì họ đã có công môi giới bán hàng, làm trò để bán được giá cao. Thường thì các mặt hàng gia súc là đông người vuốt đuôi hơn cả, nhất là lợn con. Có khi người bán là vợ, người mua (hờ) là chồng, hoặc anh em, chú bác…Có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt do những tay vuốt đuôi đưa lại. Ở chợ Vẹo ngày đó người ta bán nhiều lợn giống. Lợn tốt rất nhiều, nhưng lợn xấu, lợn bệnh cũng không ít. Có nhà lợn bị ốm liền đưa xuống chợ để bán. Vợ ôm lợn bán, chồng đóng người đi mua, khen nức nở con lợn bệnh, rồi ngã giá, chủ lợn vẫn khư khư không bán. Người khác thấy vậy trả giá cao hơn một ít, chủ lợn đồng ý bán liền. Của đáng tội, vừa về đến nhà, lợn lăn ra chết. Người mua tất tả chạy xuống chợ tìm con mẹ bán lợn, nhưng đã bóng chim tăm cá, đành méo mặt ra về. Hoặc giả có gặp thì lại nhận được câu vỗ mặt: “Mua lầm, bán không sai”. Vừa mất tiền, vừa ấm ức, có khi lại còn lây bệnh cho những con lợn khác. Nghề vuốt đuôi là vậy đấy, thực chất là nghề ăn chặn, thế mà có khối người phất lên vì nghề này.
            Gần 20 năm rồi tôi mới đi chợ quê. Vui hỏi mọi người về nghề vuốt đuôi, ai cũng lắc đầu, hết thời lâu rồi. Tôi nhớ lại ngày xưa mà chợt nhận ra, nó đã chuyển hóa rồi, hiện đại hơn, cao cấp hơn.
            Mới đây, báo chí đưa tin, khi cầu thủ bóng đá CV chuẩn bị hết hợp đồng với CLB T&T, bạn gái của V là TT “vô cớ” tuyên bố hai người chuẩn bị sống thử ở TP. Hồ Chí Minh, có nghĩa là CV phải rời Hà Nội. Ôi tin giật gân! Chuyện sống thử mà cũng công khai trên báo thì đúng là hết nói. Nhưng một lời công bố ấy là tiền cả đấy, hồng nhan thời nay toàn là…bạc tỷ, không còn bạc phận nữa đâu, tin này không bèo bọt như anh chồng vờ mua lợn bệnh của vợ đâu. Trước tin này, T&T không lo mới là lạ. Rồi mới đây, cầu thủ này về Nghệ An, gặp gỡ đồng đội cũ ở đội bóng SLNA, thế mà người ta lại hoang tin, CV đàm phán để trở về xứ Nghệ. Tiếp đó là bầu H gặp CV và cầu thủ này đồng ý ở lại T&T.
            Những người dàn dựng nên chuyện này cũng chẳng khác gì mấy tay vuốt đuôi lợn ở quê tôi ngày trước.
            Hôm 20.9, Bộ Tài chính và Bộ Công thương tổ chức hôi nghị bàn về điều hành giá xăng dầu. Theo dõi thì thấy hai bộ “to tiếng”, không bên nào chịu nhường bên nào. Bộ trưởng Tài chính VĐH thì khảng khái rằng, chúng tôi phải vì hơn 80 triệu dân chứ không vì 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Trái với ông H, Thứ trưởng Bộ Công thương NCT hết lời kêu ca rằng, doanh nghiệp lỗ quá nhiều. Cho đến khi ông VĐH yêu cầu báo lỗ từng mặt hàng cụ thể, thì không ai trả lời được. Có lẽ “vuốt” mãi mà không thể lung lay được vị bộ trưởng họ V nên Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước – Bộ Công thương NLA đã quay sang dọa: “Cứ đà này sẽ vỡ cả hệ thống phân phối”. Rồi trước tuyên bố đanh thép của Bộ trưởng họ V, ông A lại ra bài “hội chứng học sinh giỏi”: “Tôi không giỏi nhưng cũng đã đi thi toán quốc tế”. Ông H “nổ” ngay: “Dù học nhiều nhưng cũng phải có kiến thức thực tế”. Đang điều hành Hội thảo nhưng ông H liên tục bị cắt ngang, và có lẽ đỉnh cao là lời miệt thị của ông vụ phó NLA: “Tôi nghe tin cứ nghĩ Bộ Tài chính bị làm sao”. Vị bộ trưởng vẫn cương quyết, doanh nghiệp nào có ý định rút khỏi thị trường thì lên tiếng để BTC được biết. Qua đó, đã thấy rõ quan điểm của ông Bộ trưởng là vì hơn 80 triệu dân, không vì 11 doanh nghiệp. Đúng là doanh nghiệp nào thấy lỗ thì xin rút, doanh nghiệp nào kinh doanh có lãi, có lợi cho dân thì tiếp tục. Ông Huệ rất sòng phẳng. Không áp đảo được Bộ trưởng họ V, nên mới có cảnh “ồn ào những tiếng phát biểu chen ngang”. Hội nghị lúc này, theo mô tả của báo chí thì chẳng khác gì ngoài chợ.
            Tôi lại thấy hình bóng của đội quân vuốt đuôi, giống như ở chợ quê tôi vài chục năm trước.

TẤM LÒNG NGƯỜI MẸ NHẬT (Sưu tầm của Chuti's Son)



(Hôm qua chắc thằng lớn sưu tầm & copy ra word. Sáng nay nhìn thấy, không rõ cháu sưu tầm từ nguồn nào nhưng cứ post để chia sẻ với mọi người- CHUTI)
=========================================================



Một lần nữa phải ngã mũ trước tin thần của người Nhật...touching
Đây là một câu chuyện thật về Sự hi sinh của một người mẹ trong trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản. Sau khi trận động đất đã qua đi, khi các nhân viên cứu hộ đến tàn tích của 1 ngôi nhà của một người phụ nữ trẻ, họ nhìn thấy thân thể cô ấy qua các vết nứt. Nhưng cách tạo hình cơ thể của cô có gì đó rất lạ, tựa như  đang quỳ gối cầu nguyện, cơ thể nghiêng về phía trước, và có một vật gì đó được hai tay của cô đỡ lấy. Ngôi nhà bị sụp và đổ ập lên lưng và đầu cô.

Người đội trưởng đội cứu hộ đã rất khó khăn khi luồn tay mình qua khoảng cách hẹp trên tường để chạm tới cơ thể của người phụ nữ. Anh ấy đã hy vọng rằng người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Nhưng, cơ thể lạnh và cứng của cô nói với anh rằng, cô ấy chắc chắn đã qua đời.

Đội cứu hộ rời khỏi ngôi nhà và tìm kiếm tại những toà nhà sụp đổ khác. Nhưng không hiểu sao, người đội trưởng dường như bị một lực hút kéo trở lại căn nhà sụp đổ của người phụ nữ đã chết. Một lần nữa, ông quỳ xuống, và lần tìm qua những khe nứt hẹp một chút không gian dưới cơ thể đã chết. Rồi đột nhiên, ông hét lên đầy phấn chấn : "Một đứa bé!!!! Có một đứa bé!"

Cả đội cùng nhau cẩn thận bỏ từng cái cọc trong đống đổ nát xung quanh xác người phụ nữ. Có một bé trai 3 tháng tuổi được bọc trong một tấm chăn hoa ngay bên dưới xác người mẹ. Người phụ nữ rõ ràng đã có thực hiện sự hi sinh cuối cùng để cứu con trai mình. Khi ngôi nhà của cô rơi xuống, cô đã dùng cơ thể của mình để làm tấm chắn bảo vệ con trai mình. Cậu bé vẫn ngủ một cách yên bình khi đội trưởng đội cứu hộ nhấc bé lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khoẻ cậu bé. Sau khi ông mở tấm chăn, ông nhìn thấy một chiếc điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn văn bản trên màn hình, nói rằng, "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con" ...

Chiếc điện thoại này đã đi từ hết bàn tay này đến bàn tay khác qua từ một bàn tay khác. Tất cả những người đọc tin nhắn đã khóc. "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng... mẹ rất yêu con..."...


This is a true story of Mother’s Sacrifice during the Japan Earthquake.
After the Earthquake had subsided, when the rescuers reached the ruins of a young woman’s house, they saw her dead body through the cracks. But her pose was somehow strange that she knelt on her knees like a person was worshiping; her body was leaning forward, and her two hands were supporting by an object. The collapsed house had crashed her back and her head.

With so many difficulties, the leader of the rescuer team put his hand through a narrow gap on the wall to reach the woman’s body. He was hoping that this woman could be still alive. However, the cold and stiff body told him that she had passed away for sure.
He and the rest of the team left this house and were going to search the next collapsed building. For some reasons, the team leader was driven by a compelling force to go back to the ruin house of the dead woman. Again, he knelt down and used his had through the narrow cracks to search the little space under the dead body. Suddenly, he screamed with excitement,” A child! There is a child! “
The whole team worked together; carefully they removed the piles of ruined objects around the dead woman. There was a 3 months old little boy wrapped in a flowery blanket under his mother’s dead body. Obviously, the woman had made an ultimate sacrifice for saving her son. When her house was falling, she used her body to make a cover to protect her son. The little boy was still sleeping peacefully when the team leader picked him up.
The medical doctor came quickly to exam the little boy. After he opened the blanket, he saw a cell phone inside the blanket. There was a text message on the screen. It said,” If you can survive, you must remember that I love you.” This cell phone was passing around from one hand to another. Every body that read the message wept. ” If you can survive, you must remember that I love you.”

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

ĐẾN THĂM BỐ HẰNG


Nhận được tin bố Hằng ốm, các bạn KT26 Hải Phòng đã ngay lập tức tổ chức đến thăm hỏi động viên bác vào buổi chiều ngày thứ 7 vừa rồi. Tuy Bác đã ra viện nhưng người vẫn còn rất yếu, hơi thở nặng nhọc. Bác không nói được nhiều với chúng  tôi do ô xy trong máu  thiếu trầm trọng làm bác rất khó thở. Vì vậy chúng tôi chủ yếu hỏi thăm qua bác gái mẹ Hằng. Chúng tôi được biết bác trai đã chiến đấu với bệnh phổi được 6 năm nay rồi. Sáu năm vật lộn với căn bệnh này đã làm bác mất rất nhiều sức lực, của cải bác tích cóp được cũng hao mòn theo. Vì bác bị xơ cứng phổi nên bị thiếu ô xy, vì thế tim bác phải đập thêm nhiều hơn để có thể bù lại lượng oxy thiếu hụt. Hậu quả tim bác to gần gấp đôi bình thường do phải hoạt động thường xuyên quá tải. Huyết áp bác có lúc tăng cao thật nguy hiểm đến 235 mmHg (người bình thường như chúng ta là 120 mmHg và chỉ cần mạch tăng lên 180 là có thể vỡ mạch máu). Bảo hiểm y tế cũng giúp bác vơi bớt viện phí, nhưng tiền thuốc đặc trị mua ngoài bắt buộc phải có để duy trì sự sống luôn là vấn đề lớn với hai bác.
Mới năm ngoái thôi, mọi người trong gia đình tưởng bác không qua khỏi do trở bệnh quá nặng. Bác phải đi cấp cứu ngay trong đêm.
Lần này, bác được điều chuyển ngay lên bệnh viện Việt Tiệp cấp cứu do không thở được.Toàn thân & nhất là chân tay của bác do mạch máu thiếu ô xy nên bị tím đen & phồng to.
Nhưng đúng như anh con rể bác đã nói về bố vợ, bác rất can đảm, âm thầm chống chọi với bệnh tật mà không muốn kêu ca sợ vợ và các con lo lắng.
Bác gái mẹ Hằng đúng là một người phụ nữ xưa điển hình, nhẫn nại & ân cần bên cạnh, chăm sóc bác trai hàng ngày. Con cái không ở gần bên,  giờ bác trai chỉ trông cậy vào mình bác gái thôi. Bạn Hằng rất muốn đưa bố mẹ về nhà mình để tiện chăm sóc nhưng hai bác không chịu, chắc các bác ngại sinh hoạt gia đình con cái bị đảo lộn vì mình.
Hai bác đã hết sức cảm động khi nhận được sự thăm hỏi, động viên của bạn con gái mình. Chắc hai bác cũng thầm vui và thêm nghị lực sống vì những người bạn KT26 chúng ta.
Chúng ta hãy cùng cầu chúc cho bác trai vượt qua bệnh tật & sớm bình phục để tiếp tục vui sống với các con các cháu. 
Thùy Dương

CHÚC MỪNG SINH NHẬT ANH TRẦN QUANG DŨNG 22/9

Anh Dũng thân mến!
Tập thể KT-26 chúc anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Anh Dũng tại văn phòng.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

My Childhood ( T/g: Thùy Dương)


Hưởng ứng bài viết của bạn Cahu (tức Cà Hu, tức Ca Hủ, tức Cà Hư and so on…)

Khi nó được tác thành âm dương từ hai đấng sinh thành, nhà nó bắt đầu có lộc. Bố nó kiếm tiền dễ dàng từ nghề y tá nên mẹ nó ăn uống thoải mái. Kết quả là mặc dù khi đó mẹ nó mang thai lần 5 và đã 43 tuổi, nhưng nó vẫn là baby nặng nhất trong các anh chị em nó. Mẹ nó suýt phải mổ đẻ vì thai to. Phải nói nó được thành người (theo nghĩa đen) cũng là nhờ sự cương quyết của bố nó. Khi ấy ở bệnh viện mẹ nó đã có phong trào sinh đẻ có kế hoạch. Nhà đã có 4 con đủ trai đủ gái, mẹ nó được đề nghị bỏ thai đi nếu không sẽ mất danh hiệu “chiến sỹ thi đua”. Về nói với bố nó, bố nó nói rất đanh thép: “Vứt mẹ cái chiến sỹ thi đua đi…” Thế là nó được thành người ngon lành mà không bị xuống cống. Cũng chính vì câu chuyện này mà trong suốt cuộc đời, nó luôn thấy mình lãi to …Vì nó đã “được sống”! Nghe có vẻ hơi AQ một tí nhưng đúng là như vậy.


Mẹ kể nó dễ nuôi lắm, háu ăn và lành. Mới hai tháng tuổi nó đã phải đi nhà trẻ của bệnh viện. Được năm tháng thì mẹ nó phải vắt sữa vào cái chai bia 0.5 lít, lắp núm vú vào để nó tu cho nhanh. Bởi vậy nó luôn là một đứa trẻ bụ bẫm và ít nói. Về sau này nó mới bị dòng đời xô đẩy & trở nên nói nhiều như ngày nay. Nó bụ nên bụng to vượt mặt, mọi người gọi nó là Thuỳ bụng. Lại có một dạo, như rất nhiều đứa trẻ thời ấy, nó hay bị mụn nhọt, chốc đầu. Một lần nó bị chốc nặng quá, bác sỹ phải cạo sạch tóc đi và bôi thuốc xanh metilen khắp đầu, trông như một dị nhân. Lập tức nó có thêm tên Thuỳ mụn.
Lớn lên một chút, nó thấy các anh chị đi học trông rất oách nên nài nỉ mẹ cho đi học sớm, vậy là 5 tuổi nó đã được đến lớp học vỡ lòng. Khác với đa số các bạn KT26 của nó, chưa bao giờ nó học lớp chuyên chọn. Duy nhất một lần, năm nó học lớp 5, cô giáo chủ nhiệm thấy nó học cũng được, bèn chuyển nó sang lớp chọn. Sang được hai tháng nó lại trở về nơi nó ra đi, do lười học quá không chịu làm bài. Việc học với nó luôn nhẹ hều, không phải cố gắng bao giờ. Các trò nghịch của nó chỉ loanh quanh đánh chuyền, chơi ô ăn quan, nhảy ngựa…nói chung nó là đứa trẻ ngoan. Có lẽ vì thế, ký ức rõ nhất về những nghịch ngợm tuổi thơ lại là hai vụ đánh nhau.
Thuở ấy, ngõ nhà nó có rất nhiều người Hoa sinh sống. Từ ngoài nhòm vào trong nhà họ chỉ thấy tối thui và lúc nhúc trẻ con, họ đẻ nhiều dễ sợ. Có một con bé người Hoa rất thích bắt nạt nó. Cùng tầm 8, 9 tuổi, nhưng trông nó đen nhẻm, bặm trợn. Mỗi lần nó đi trong ngõ mà gặp con này, nó phải lảng từ xa. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nhiều lần nó bị đuổi chạy bán sống bán chết. Trò đời nó càng sợ như vậy thì con bé đó càng thích. Vừa tức vừa sợ mà nó chưa biết đối phó làm sao. Rồi đến một lần, con bé đó lại đuổi đánh nó. Nhìn thấy những cái mụn bọc sưng tướng đang nổi trên mặt con ấy, nó nghĩ mình phải liều một phen. Nó quyết định đối mặt và nhè vào những cái mụn bọc mà đánh mà giã cật lực, bao nhiêu nỗi căm tức bấy lâu dồn cả vào nắm đấm. Thật là hả dạ, con bé khóc ầm lên ôm mặt chạy mất. Từ đó nó đã được con này để yên. Đến cuối năm 1978, do sắp có chiến tranh Việt-Trung, Hoa kiều bỏ về nước hết, cái ngõ nhà nó vắng đi đến già nửa và nó không bao giờ gặp lại con bé ấy nữa.
Đối diện nhà nó có một thằng con giai bằng tuổi nó. Hai đứa rất hay chơi với nhau. Mới hôm gần đây mẹ nó kể nó mới biết, khi đó nó chỉ khoảng 5 tuổi, bố mẹ thằng đó đã mục kích nó rửa đít cho con trai họ sau khi thằng này đi “ị”. Đầu tiên nó lấy chân rửa, sau đó lấy tay kỳ lại hẳn hoi. Bắc qua sông Lấp (nay là hồ Tam Bạc) có cái cầu treo hỏng. Các thanh gỗ bắc ngang bị gẫy hở hoác xuống lòng sông đầy rác & cạn nước. Cái cầu đu đưa, rung bần bật mỗi khi có gió. Nó và thằng bạn có trò đi qua cầu thử cảm giác mạnh. Hồi đó nó không thấy sợ, toàn cầm tay cậu bạn dắt qua cầu. Bố mẹ hai nhà lại còn gán ghép vì thấy chúng dính kè kè với nhau tối ngày. Chơi chán thì chả tránh được lúc đánh, chửi nhau. Một lần không nhớ vì lý do gì, hai đứa xông vào nhau túm tóc đấm đá túi bụi. Cuối cùng làm sao nó lại vật được thằng bạn nằm ngửa ra đất, ngồi ngay lên bụng và giã giò vào giữa mặt cho đến lúc người lớn chạy đến lôi ra. Tình bạn này chỉ kéo dài được đến lúc chúng nó đến tuổi dậy thì, biết xấu hổ là chấm dứt.
Sau này, khi hai đứa đã qua tuổi thơ và thằng bạn lớn vụt lên thành một nam nhi cao to, thì khi ấy nó quay sang trêu lại. Thằng đó nói: “Sao tao với mày không thành đôi nhỉ, tên ghép vào nghe hay phết!” Chả là nó tên là Cường mà.

Đó, tuổi thơ của nó cũng như các bạn cùng thời, rất sôi động và hoang dại. Mang tiếng ở thành phố nhưng không khác gì lũ trẻ quê… để bây giờ thi thoảng thích lên lại nói với con: ngày xưa mẹ ấy hả…

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

CHÙM TRUYỆN NGẮN TQ (S/t: Thùy Dương)



BÁNH  TRUNG THU BỊ CHUỘT ĂN
Tác giả: Chu Chí Quang

Trung thu năm ấy, nhà tôi gặp chuyện không may: mẹ bị ốm không thể đi làm, nhà máy của ba ngừng sản xuất, ba phải đi kiếm việc linh tinh. Một vị giám đốc công ty nhìn thấy ba trung thực thật thà, bèn cho ba 1 túi bánh Trung thu, bánh ấy vốn chỉ dành cho công nhân chính thức của công ty. Túi bánh có tất cả 5 cái. Nhìn qua túi nhựa, thấy đề là bánh Ngũ Nhân.
Buổi tối, cả nhà ngồi yên lặng vây quanh bánh Trung thu, bố chăm chú nhìn mẹ. Đứa em trai 7 tuổi dõng dạc hỏi: “Bánh Ngũ Nhân mùi vị như nào ấy nhỉ? Con chưa từng được ăn bao giờ !”
“Con cũng chưa bao giờ được ăn”. Đứa em gái 5 tuổi cũng yếu ớt phụ họa theo.
“Năm ngoái vừa mới ăn xong, làm sao đã quên rồi?” Tôi lúc đó 8 tuổi - lấy uy phong của thằng anh cả nạt nộ, miệng cũng nhỏ một vài nước dãi.
Mẹ ngược lại dường như không nghe, không nhìn thấy gì, đẩy bánh lại phía ba nói: “Cho cụ Năm ở bên cạnh bánh nhé. Hôm qua cụ ấy mang cho nho nhà cụ trồng được, chúng ta cũng chưa có gì tặng lại”
“Nho đó chua lắm!” Thằng em lăn ra.
“Chua sao anh còn tranh của em?”. Đứa em gái thẽ thọt nói.
Mẹ lại quả quyết đẩy bánh về gần ba chút nữa. Ba do dự đứng lên, cầm bánh Trung thu tỉ mỉ nhìn: “Chiếc bánh này hình như bị chuột cắn rồi.” Chúng tôi vây quanh, quả nhiên nhìn thấy bánh bị sứt một miếng, mà chỗ túi ni lông đựng bánh cũng bị rách một lỗ nhỏ.
Chiếc bánh mà bị chuột cắn như thế này đương nhiên không thể đem tặng được nữa rồi. Ba anh em chúng tôi vui mừng hớn hở chờ ba xử lý cái bánh: ba cẩn thận cắt sạch chỗ bị chuột cắn đi, sau đó cắt cho anh em chúng tôi mỗi người được khoảng phần ba cái bánh. Bố dành miếng còn lại cho mẹ, mẹ cũng không ăn, hai người cứ đùn đẩy nhau. Cuối cùng miếng bánh đó để đến ngày thứ hai, lại dành cho chúng tôi. Lúc đó, mẹ lấy chút vụn bánh đưa lên miệng, rồi chút còn lại đặt vào miệng ba, nói: “Chúng ta cũng được ăn bánh Trung thu rồi, cũng ăn Tết Trung thu rồi”
Nhiều năm qua đi, chúng tôi đều đã có gia đình riêng. Mỗi năm đến Rằm tháng 8 lại biếu ba mẹ bánh Trung thu. Lúc ăn bánh “đoàn viên”(1), chúng tôi đều nhắc đến câu chuyện vui năm xưa – Về chuyện con chuột gặm bánh, bọn trẻ vẫn vây quanh ba và hét to: “Ông chuột! Ông chuột!”
Lúc đó, mẹ lại cười nói: “Lúc đó anh đùa, ai mà không nhận ra. Làm gì có con chuột nào ăn bánh Trung thu cơ chứ!”

                             


ĐIỆN THOẠI NỬA ĐÊM
Tác giả: Triệu Kiến Văn

Nửa đêm. Chuông điện thoại chợt reo. Ai mà lại gọi vào giữa đêm hôm khuya khoắt thế này?  Nó tức giận cầm ống nghe.
Đêm tĩnh mịch bỗng bị âm thanh ào ào trong điện thoại đánh vỡ tan, không rõ là âm thanh gì. Có một tiếng thoát ra từ ống nghe, là tiếng mẹ, hơi chút run run: “Các con ở đỏ bình yên chứ? Các cháu tan học có về nhà không? ”
“Chúng con bình thường, các cháu vẫn ngoan”. Nó hỏi lại “Có vấn đề gì vậy?”
Bố bình tĩnh nói: “Chỗ bố mẹ mưa bão - không có gì, bình yên là được rồi”
Nó cười sằng sặc: “Bố, mẹ, bố mẹ cũng thật là. Ở đây là đất Mỹ, cách hàng vạn dặm, khí hậu làm sao mà giống nhau?”
Bố gác ống nghe, nó lẩm nhẩm tính: Bây giờ đang là hơn 4 giờ chiều ở Trung Quốc, cũng là giờ trẻ con tan học. Thảo nào bố mẹ hỏi tới bọn trẻ con. Bố mẹ ở nông thôn không biết chênh lệch múi giờ, họ cứ nghĩ giống như ở quê vậy.
Nó lại chợp mắt một chút, sau đó bắt đầu một ngày mới bận rộn. Mới nhập cư tới đây, bao nhiêu việc phải lo, hai vợ chồng nó bận tới mức chả có thời gian mà thở nữa. Đến ngày thứ ba nó xem ti vi bỗng thấy một tin thời sự: Một vùng của Trung Quốc bị mưa bão lũ cuốn, có đến một nửa vùng bị chìm ngập. Nó nhảy dựng trên ghế sofa – đó chính là làng nó.
Nó gọi điện thoại về nhà. Gọi không được. Gọi cho họ hàng, vẫn không được....Gọi suốt 1 tiếng đồng hồ, gọi mãi cuối cùng mới liên lạc được với một người bạn trong thành phố. Người bạn nói: Tình hình rất nguy cấp, giao thông trì trệ, thông tin đứt đoạn, mất điện, mất nước....May mà mưa bão đến giữa ban ngày, mọi người kịp thời ẩn tránh, mới không xảy ra thương vong lớn về người. Hỏi kỹ ra thì lũ cuốn đến đúng 4 giờ chiều ba ngày hôm trước. Nó bần thần một lúc, chính lúc đó nhận được điện thoại của bố mẹ, nhưng họ một chữ cũng không nói.
Nó bỗng nhớ ra cái âm thanh ào ào trong điện thoại. Giờ mới hiểu đó là tiếng lũ cuốn!
Bố mẹ đang lúc hiểm nguy, nhớ đến sự bình yên của con cái. Chao ôi! Bố mẹ đang gặp bão táp ầm ầm, vậy mà nửa lời cũng không cho nó biết. 

                                                                      
NIỀM QUÊN QUEN THUỘC
 Tác giả: Triệu Kiến Văn

Tại một khách sạn sang trọng trong thành phố, anh cho bày một yến tiệc mời mẹ đến. Vì việc này mà vợ và anh đã không ít lần cãi nhau, vợ nói: nhà đã dư dả gì đâu, lại còn bày vẽ thêm chuyện?
Anh giải thích: mẹ vất vả nuôi anh khôn lớn. Kết hôn đã 8 năm, đây là lần đầu tiên mẹ từ quê ra chơi, anh muốn mẹ yên tâm, cuộc sống của anh không thiếu thốn chi cả.
Vợ không thay đổi được ý định của anh, đành ấm ức đi đến khách sạn. Trong bữa ăn, vợ không ngừng gắp thức ăn cho con trai. Tuy ở trong thành phố, nhưng đây là lần đầu tiên thằng bé mới được ăn những món ngon thế.
Mẹ ăn rất ít, ánh mắt hiền từ nhìn con cháu, mỉm cười hạnh phúc. Anh nói mẹ ăn nhiều một chút, mẹ cười nói: “Mẹ già rồi, ăn một chút vào là no”. Nhìn bàn ăn còn đầy, anh khó chịu bảo mẹ: “Mẹ. Ở khách sạn này có qui định, đồ ăn thừa sẽ bị phạt tiền, không được gói mang về.”
Vợ ngồi cạnh liếc anh một cái: bày trò gì đây? Đồ ăn ngon thế này, nếu gói về vẫn có thể cho con ăn thêm, nó đang tuổi ăn tuổi lớn.
Mẹ nghe vậy, bắt đầu mới động đũa. Trong mắt anh, đây là lần đầu tiên mẹ ăn được nhiều như thế.
Mẹ đi rồi, vợ lại muốn tranh luận với anh. Anh bỗng chảy nước mắt nói: “Từ nhỏ tới lớn, trong nhà có đồ gì ăn ngon, mẹ đều không dám ăn mà dành hết cả phần mình đến bữa sau cho mấy đứa con. Đã nhiều năm trôi qua, thói quen ấy của mẹ vẫn không thay đổi. Anh luôn có một ước muốn, muốn mẹ được ăn đồ ăn ngon, thay đổi khẩu vị, ăn nhiều một bữa, đâu ngờ chỉ có một lần. Nếu hôm nay anh không nói dối, mẹ nhất định sẽ không động đũa nữa.....”
Anh chưa kịp nói xong, vợ đã rơi lệ. Vợ nhớ đến mẹ mình, cũng chẳng như vậy sao? Ngày hôm nay, vợ cũng đã làm mẹ, mỗi ngày đều vô tư dành hết tình mẫu tử cho con, vậy mà tình mẫu tử mẹ dành cho vợ, vợ hình như đã quên mất.....

TUỔI THƠ KHÔNG TRỞ LẠI
 Tác giả: Hồ Anh Tú

Năm tôi 13 tuổi, em trai 10 tuổi, vào một ngày cuối tuần ba đưa anh em tôi đi xem xiếc. Nhưng đúng giờ ăn trưa, có một cuộc điện thoại kêu ba phải vào nội thành gấp giải quyết công việc. Tuy chúng tôi rất không vui nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần không được xem xiếc nữa.
Nhưng chúng tôi đã nghe thấy ba trả lời rất đơn giản: “Không! Không được! Tôi không thể đi được! Phải đợi thôi! Thứ hai tuần sau gọi lại nhé! ”
Ba trở lại bàn ăn, mẹ mỉm cười nói với ba: “Thật ra đoàn xiếc vẫn trở lại diễn mà anh.”
“Anh biết”. Ba trả lời, “nhưng tuổi thơ thì sẽ không bao giờ trở lại”
Đã nhiều năm trôi qua. Tôi vẫn nhớ như nguyên giây phút ấy. Chính những giây phút êm đềm đó đã cho tôi cảm nhận được vị ngọt ngào của tình thân. Đó là thứ tình cảm không bao giờ có thể phai mờ, lãng phí hay đánh mất được. Nó sẽ theo ta suốt cả cuộc đời này. 

XIN HÃY NHỚ SINH NHẬT MẸ TÔI
Tác giả: Đàm Hải Phong

Hắn nằm bất động trên giường, ánh mắt thống thiết nhìn lên bức tranh trước mặt. Toàn thân nhức nhối, hắn không còn chút sức lực nào cử động được nữa.
Năm 2008, hắn  bị chẩn đoán bị mắc bệnh ung thư cột sống.Năm 2009, bệnh đã biến hóa ác tính.
Một ngày tháng 6 năm 2010, đột nhiên hắn lăn ra ngất. Lần đó, bác sỹ khám lại và phát hiện bệnh đã chạy lên não, có muốn phẫu thuật cũng không được nữa rồi.
Để chữa bệnh cho hắn, cả nhà đã phải đổ biết bao tiền của, bán cả đồ đạc đi. Điều đó khiến hắn luôn cảm thấy như có hòn đá tảng đè nặng trong lòng. Khi biết được bệnh tình đã không còn cách gì chữa trị, hắn thoáng mỉm cười: đó cũng là một cách giải thoát! Ngày cuối cùng của cuộc đời, nên làm một chút gì cho thế giới này đây?
Đúng rồi! Mình sẽ hiến giác mạc! Với sự giúp đỡ của anh họ, hắn liên lạc được với ngân hàng mắt.
Phóng viên địa phương nghe tin đến ngay. “Đời tôi thế là hết, chỉ muốn dốc chút lực tàn cuối cùng. Cũng là để giúp đỡ người khác.” Hắn  yếu ớt trả lời câu hỏi của phóng viên. “Ngoài điều đó ra, anh còn muốn điều gì nữa không?”,“Có”. Hắn  khẳng định. “ Mẹ đã vất vả cả đời nuôi tôi, chạy ngược chạy xuôi chữa bệnh cho tôi, chịu biết bao cực khổ. Vậy mà tôi không có cơ hội báo đáp. Tôi chỉ có một nguyện vọng: hi vọng người nhận giác mạc có thể ghi nhớ ngày sinh nhật của mẹ, và vào ngày đó, nhớ chúc phúc cho mẹ…”
Đó là Trương Hải Thọ, 35 tuổi, thôn Diệp Thành, thành phố Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam. Nguyện vọng cuối cùng của đời hắn đã làm lay động cả thế giới.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

THÔNG BÁO


Được tin, Ông Cụ thân sinh Hằng cơm gần đây do căn bệnh hen, phổi, cùng với tuổi tác cao nên liên tiếp phải cấp cứu tại bệnh viện.

Cũng được thông báo, BLL HPG và các ACE cũng đã đến thăm hỏi , chia sẻ với Hằng và gia đình. Những tình cảm KT-26 những lúc khó găn như vậy thật đáng trân trọng.

Chúng tôi cũng vừa được biết thêm, ông cụ lại tiếp tục vào cấp cứu một lần nữa, mặc dù đã ra phòng hồi sức, tuy nhiên sức khỏe còn rất yếu. Vì vậy xin gửi thông báo này tới tất cả ACE KT-26 gần xa được biết và có lời động viên, chia sẻ thêm với Hằng cơm trong lúc khó khăn này.

Xin trân trọng thông báo.

BLL VN + Châu Phi & BBT BLOG KT-26

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

MÓN QUÀ SINH NHẬT VÔ GIÁ (Chuti)

(sưu tầm từ trang  http://baochi.edu.vn )

Gửi Kính mẹ & KT -26!

Trên diễn đàn của trường ĐH KHXH & NV, tôi thấy một gương mặt quen quen. Dụi mắt mấy cái và vui khôn xiết khi nhận ra người quen…
Thằng Kính Anh…
Đọc mà thấy thích… Tôi thích viết nhưng có lẽ mọi người tự ngẫm hay hơn.
Tôi chợt nghĩ, đây là món quà sinh nhật mà Kính anh tặng mẹ ý nghĩa nhất năm nay. Xin chúc mừng Kính mẹ một lần nữa!


HCM 14/9/2011 – CHUTI
-------------------------------------------------


Th Năm, 8/9/2011, 15:21 (GMT+7)
Phạm Bá Thắng: Mê ngôn ngữ nhưng sợ đọc sách!
Từ trước đến nay, thủ khoa, á khoa thường được vẽ lên như những con ong cần cù “dùi mài kinh sử” từ ngày này qua ngày khác. Nhưng khi tiếp xúc với Phạm Bá Thắng, chúng tôi nhận ra, không phải tân khoa nào cũng bước ra từ sách vở.
Vượt qua kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2011 với 25 điểm, bạn học sinh trường Phổ thông Năng khiếu trở thành 1 trong 5 gương mặt á khoa ĐH KHXH&NV TPHCM khối D1, thủ khoa ngành Ngữ văn Anh.
Tư duy tốt với những môn Toán, Lý, đam mê với Tiếng Anh và Ngữ Văn, thích guitar và sở hữu rất nhiều bài thơ, truyện ngắn tự sáng tác. 18 năm tuổi của Bá Thắng dường như đã không bỏ phí một phút giây nào để sống trọn từng ngày với cuộc đời này.






Thủ khoa ngành Ngữ văn Anh trong kì tuyển sinh năm 2011, bạn Phạm Bá Thắng - Ảnh: Tuyết Anh


Giống như bao đứa con trai khác …
4 năm là học sinh trường THCS Trần Đại Nghĩa TPHCM, Bá Thắng “chuyên tu” game online nhiều hơn là học. Trò chơi mà bạn chọn không đâu xa lạ mà chính là World of Warcraft. Đối với bạn, đó không chỉ là một trò chơi. Đó là cả một thế giới mà chỉ khi người chơi thực sự dốc sức tư duy và tâm huyết với nó thì mới có thể hiểu và vận hành nhân vật. Bá Thắng rất say mê với tựa game chiến thuật này và đặc biệt sành sõi DDay (một cách chơi trong World of Warcraft).
Ngoài game, bạn cũng có gu âm nhạc nổi bật: Pop, rock, rap, punk v.v… Và cũng giống như bao đứa con trai khác, tư duy của Bá Thắng nghiêng về các môn tự nhiên như Toán, Lý v.v… Có thể nói, dễ dàng khắc họa nên chân dung Bá Thắng cách đây hơn 3 năm bằng bất cứ hình ảnh của một thiếu niên nổi loạn nào, cho đến khi bạn gặp một đề văn “định mệnh”.
… đến đề văn thay đổi con người.
Từ năm 2008, bạn học ở lớp D trường Phổ thông Năng khiếu. Trong một buổi học Văn lớp 10, cô giáo ra đề bài thuyết minh về ca dao dân ca tình yêu. Đề bài này đã mở ra cho bạn cơ hội tiếp cận với thơ văn. Bạn đọc từ bài ca dao này đến câu dân ca khác và “Ồ, thì ra ca dao cũng có cái hay!”
Mình thiếp đi rồi trong tóc tiên
Môi cười xao xuyến ngủ hồn nhiên
Đôi mắt ban ngày anh hay đắm
Xin cứ bình yên bỏ những phiền

Sài Gòn thi thoảng cơn mưa
Tập tôi thi thoảng giọt thơ cuối mùa
Bâng khuâng hôm ấy bông đùa
Chợt mưa không nói, hỏi buồn… cứ mưa
Mưa thường mưa cứ mưa thưa
Để cho ai áo ướt vừa mưa đi
Bồi hồi nên buổi chia ly
Gặp nhau âu cũng đôi khi lạc mùa…
Bài thơ trên chỉ là một trong số rất nhiều tác phẩm mà Bá Thắng đã viết từ năm lớp 10 đến nay. Không cầu kỳ hình thức, bạn viết trong giấy, tập, sổ … vào bất cứ khi nào ý thơ bật ra trong đầu. Thơ bạn viết đa phần đều là thơ tình, phần vì bạn mê nhất là thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử, phần vì … bạn ngại nói ra nên bao nhiêu tình bao nhiêu ý đều trút cả vào thơ!
Cùng với thơ, guitar là người bạn thân thứ hai của bạn. Bạn tiếp xúc với guitar qua bạn bè, bén duyên và dần có niềm đam mê với nó. Khác với thời cấp 2 ưa nổi loạn với rock, punk và rap, bạn đến với guitar bằng trọn vẹn những cảm xúc về âm nhạc thuần túy. Hai năm tự học, không ngày nào bạn không ôm đàn guitar chơi những bản classic của Bach, Augustin Barrios Mangore hay Isaac Albéniz.
Vừa học giỏi vừa ham thích viết thơ và đàn, vậy bạn sắp xếp thời gian ra sao? Bạn để mọi việc đến rất tự nhiên, sáng và chiều đi học, tối về phụ giúp ba mẹ làm việc nhà, xong xuôi thì trở về học bài, ôm đàn và “viết được cái gì thì viết”.
Những ngày nghỉ, Bá Thắng thường đi đây đó với bạn bè bằng xe đạp, chủ yếu là để thăm thú các quán cơm tấm, cháo lòng hoặc … trứng vịt lộn ngon trong thành phố.
Bạn chia sẻ, đó là 3 món mà bạn có thể bất chấp tất cả để tìm ra được quán ăn ngon. Có lẽ bởi cách sống thoải mái, không đặt nặng thành tích đó đã khiến bạn nhẹ nhàng vượt qua các môn học và trở thành á khoa như hôm nay.
Yêu ngôn ngữ nhưng không thích đọc sách
Sự yêu thích ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã đưa bạn đến với khoa Ngữ văn Anh trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Bạn thích viết, thích chuyển tải thành lời những cảm nhận của bạn về mọi thứ, và bạn muốn chia sẻ những cảm nhận đó cho mọi người, nhưng bạn không thích đọc sách!
Chính xác hơn, bạn … sợ sách. Vì bạn sợ sẽ bị ảnh hưởng lớn về văn phong. Bạn muốn từng câu từng chữ bạn viết ra đều là của bạn. Nhưng, cho dù không có sách, máu thơ văn của Bá Thắng cũng đã rất dào dạt.
Khi được hỏi, bạn muốn làm nghề gì trong tương lai? Thắng suy nghĩ mãi mới gật gù bảo: “Có lẽ là dịch sách, báo!”
Câu trả lời này phù hợp với chữ “nghề” tôi đặt ra, nhưng không hoàn toàn khớp với “tương lai” của Bá Thắng. Điều mà bạn thực sự muốn, chính là có thể sống trọn từng ngày với những đam mê của mình: Tiếp tục viết thơ, tiếp tục sống trong âm nhạc, và ngày ngày cùng với chiếc xe đạp của mình đi vòng quanh thành phố. Bạn đùa: “Có khi mình về mở quán cơm không chừng!”
Dù trong tương lai, bạn sẽ trở thành dịch giả, ông chủ quán cơm hay nhà thơ, nghệ sĩ, thì cũng xin chúc Bá Thắng học tốt và luôn hạnh phúc với mỗi ngày của mình.
TUYẾT ANH

CHÚC MỪNG SINH NHẬT THANH HƯƠNG 17/9

Hương thân mến!
Tập thể KT-26 chúc Hương luôn tươi trẻ, năng động, hạnh phúc và thành đạt!


Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẠCH LINH (16/9)

Linh thân mến!
Tập thể KT-26 chúc Linh luôn tươi trẻ, hạnh phúc và thành đạt!

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

MỪNG SINH NHẬT BỐ PHÚC 14/9 - NHỮNG DÒNG TÂM SỰ CỦA CON GÁI HẰNG HẢI


 Anh Phúc thân mến !
Tập thể KT-26 chúc anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt !
Anh Phúc và các bạn KT-26 thân mến.
Nhân dịp này BBT xin chuyển tải những dòng tâm sự của Con Gái Anh Phúc nhân sinh nhật Bố.
------------------------------------
 
Mừng sinh nhật lần thứ 56. Bố của con.


I/ Cảm xúc của con gái Bố:
    Bố! lúc này đây con gái cảm thấy quá lẻ loi, quá trống trãi…con muốn khóc thật to…khi mà bên con giờ đây  không còn ai có thể cho con bờ vai để con dựa vào.Mọi thứ làm con nghẹt thở, áp lực học tập ,những vấn đề của cuộc sống sinh viên mà con đang phải đối mặt….Con rối quá ! con không biết phải làm thế nào nữa Bố ạ!
    Con mệt mỏi, đôi chân tưởng chừng như không muốn tiếp tục, đôi tay như muốn buông xuống…con lặng đi…đôi mắt như mờ đi khi mà đống bài vở vẫn còn dở dang..Ngước nhìn tấm ảnh gia đình mình chụp nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày cưới của bố mẹ…con nhìn thấy ở đó nụ cười hạnh phúc của mẹ,ánh mắt đầy khích lệ của bố. Con đã khóc....nước mắt con không ngừng trào ra…lăn dài trên đôi gò má nhỏ bé.Mọi cảm giác như mất phương hướng….con khóc và khóc….con đã khóc như lâu lắm rồi con mới được khóc vậy! Tưởng chừng như tất cả tủi hờn, khó chịu mà con cố dồn nén bấy lâu vỡ òa thành những giọt nước mắt. à không! Phải là tâm hồn con vừa được tắm sạch bởi những giọt nước mắt…vừa cay, vừa mặn….đó có phải là gia vị của cuộc đời không hả bố???
    Lòng con giờ đây như được trải ra, con không cần phải cố giấu cảm xúc của mình,không phải giữ chặt những tủi hờn bấy lâu….Cảm giác lúc này thật nhiều suy nghĩ đan xen, con lẫn lộn, mệt nhoài giữa bổn bề cuộc sống.Bỗng con thấy mình thật nhỏ bé, nhỏ bé giữa thực tại với những mối quan hệ , những rắc rối, hỗn độn đang quay cuồng xung quanh con.

II/Những suy nghĩ ngốc nghếch thời thơ ấu của con gái bố:
   Bố của con! Bố có biết rằng: Ngày xưa….
      Con – với suy nghĩ của một đứa con gái 9 tuổi.Con đã nghĩ rằng CON GHÉT BỐ!
Con ghét bố vì bố hay nổi giận vô cớ với chị em con mà không biết bố đang chịu nhiều áp lực của cuộc sống.
Con ghét bố vì bố luôn bênh em mà không chịu nghe con giải thích….
Con ghét bố vì bố sẵn sàng đánh con mà không hỏi xem lý do con đánh em…
     Ngày ấy con đã không khóc mỗi khi bị bố đánh…Nhưng ngay sau đó con lại trốn vào một góc nhà và khóc nức nở….Lúc đó con nghĩ bố là một người đáng sợ. Thậm chí con đã nghĩ con không phải là con của bố.
     Năm con học lớp 7.Con giận bố,con đã không về nhà sau khi tan học…con đã đến nhà bạn chơi. Đến tối không thấy con về nhà, bố đã đi tìm con và rồi bố tìn thấy con.Lúc đó con chỉ nhìn thấy sự tức giận trong ánh mắt của bố và cũng chỉ biết rằng mình sắp bị ăn đòn mà con không biết rằng bố đang rất lo lắng cho con.
      Thời gian trôi đi, con đủ lớn để hiểu về bố của con….người mà lúc bé con luôn thấy sợ….mà không biết rằng con là đứa con gái bố yêu nhất…con thật ngốc!

 III/Con gái “BIA” của bố! và cái tên Hằng Hải:
Bố Phúc và "Con gái Bia"
    Là đứa con gái thứ 2 trong nhà nên con được chiều hơn chị.Đi đâu bố cũng chở con đi, bố uống bia con cũng đòi uống bằng được…lúc đó con chỉ mới 3 tuổi,khi lớn lên con nghe mẹ kể ngày xưa con cứ đòi uống bia như bố.Và không ít lần bố bị mẹ mắng là : sao anh lại cho con uống bia như thế??   Rồi con lớn lên…dần dần trở thành con gái “bia” của bố. Và giờ thì con là bạn bia của bố mỗi khi nhà mình có dịp đoàn tụ đầy đủ…
      19/11 Ngày con sinh ra , bố đã không thể ở bên chứng kiến con chào đời.Hôm đó con đã làm mẹ mệt biết bao…mẹ đã rất đau khi sinh ra con, thế mà đứa con gái khó bảo lại không chịu chui ra ngoài nhanh…mà phải một hồi lâu sau mới chịu chui ra…cất tiếng
khóc, đánh dấu sự có mặt của mình trên cõi đời này…Mọi chuyện đã không dừng ở đó…sinh con ra chưa được lâu sau thì mẹ phải bế con, vùng chạy trong đêm tối.Lúc đó có một kẻ điên đã vào trạm xá…nơi con sinh. Bắt mẹ đưa con cho hắn...lúc đó chỉ có bà nội và cô. Hắn đánh bà nội bị ngất, cô thì hoảng quá vội chạy đi tìm người tới giúp…
   Có lẽ con đã khó bảo và khó nuôi từ khi chào đời rồi ,bố nhỉ?
Bố! năm con sinh cũng là lúc bố vừa tốt nghiệp Đại học và bố đã lấy tên trường Đại học bố theo học để đặt tên con. Hằng Hải  . Một cái tên co ý nghĩa phải không bố?
   Mặc cho bạn bè bảo : “ Tên mày như con trai ý !“….rồi cả những lần dở khóc dở cười khi bị thầy cô giáo nhầm tưởng con là con trai.Nhưng chưa bao giờ con trách bố về cái tên Hằng Hải. Bởi con biết bố muốn đánh dấu việc con chào đời cũng là lúc bố tốt nghiệp ra trường. Bảy năm Đại học đầy gian khổ, vất vả. Con tự hào về bố, bố của con!

IV/ Tự hào về bố của con!
    Con đã được nghe những câu chuyện thời thơ ấu của bố từ ông bà nội mỗi khi có dịp về quê thăm ông bà. Ngày ấy vì nghèo, cuộc sống khó khăn rất nhiều. Đất nước có chiến tranh, tất cả cho tiền tuyến lớn. Năm 1974 Bố tốt nghiệp cấp 3,không đủ sức khỏe đi bộ đội, Bố đi công nhân Quốc phòng, bố đã học công nhân kỷ thuật đường sắt;  Chặng đường 7 năm làm công nhân, gặp không ít khó khăn, vất vả, cực khổ…thậm chí không có cái ăn. Bố thường kể cho các con  nghe thời đó ông bầ bắt ép bố lấy vợ, vì bố là côn trai đầu của bảy anh em mà. Bố có quyết tâm lớn: “chưa vào đại học bố chưa lấy vợ.”
    Bảy năm với sự kiên trì của ai đó thì chắc đã bỏ cuộc từ lâu…từ bỏ con đường được học lên cao…sau 7 năm vật lộn với cuộc sống làm thợ…bố đã quyết định đi theo con đường mình muốn…chia tay kiếp làm thợ , quyết tâm làm thầy.
   Không gì là không thể!!! Bố con là một người như thế! Bố đã làm được, đã chứng minh cho mọi người thấy bố có thể và không thua kém ai bằng chính năng lực, trình độ của mình.Và bố của con bắt đầu cuộc sống sinh viên ở cái tuổi 30, độ tuổi mà không ít người ngần ngại việc học hành…không sợ bị bạn bè chê cười, chập nhận khổ…áp lực từ gia đình, bạn bè…Bố vẫn không từ bỏ ,quyết tâm đi đến cùng…Bố!Con tự hào về bố.


V/ Bố! Con xin lỗi
    Bố! con là đứa con gái kém cõi lắm đúng không bố?
Từ bé con vẫn chưa thể làm điều gì khiến bố mẹ thật sự hãnh diện với mọi người. Con muốn lắm, muốn lắm chứ! Con muốn bố mẹ tự hào khi có ai đó hỏi về con.
    Nhưng những nổ lực, những cố gắng của con vẫn là chưa đủ đúng không bố?
   Con – 1 đứa con gái từ bé đã khó bảo, làm bố mẹ phiền lòng nhiều, Con xin lỗi
   Con – 1 đứa con gái từ bé đã yếu lại hay ốm, làm bố mẹ phải lo lắng nhiều, Con xin lỗi
   Con – 1 đứa con gái từ bé ít nói hay lầm lầm lì lì…làm bố mẹ không ít lần phải phát cáu, Con xin lỗi.
Và Con – 1 đứa con gái từ bé đã không có gì nổi trội, cũng không giỏi giang gì.Đây là điều con thấy có lỗi nhất, có lỗi thật nhiều với bố mẹ, Con xin lỗi!
Dù bây giờ con đang đi học xa nhà, xa bố mẹ 360km, đã là sinh viên năm 3 chuyên nghành Bảo hiểm của 1 trường Đại học ở Hà nội. Nơi mà con đã ước mơ từ rất bé là được học tập, được sống và được thỏa thích làm những điều mình muốn. Thế nhưng ước mơ đó đã không đến với con ở tuổi 18. Đó là thất bại đầu tiên, bước ngã đầu đời của con.
   Ngày ấy, con đã không tự tin vào năng lực của mình, không dũng cảm đăng ký Trường Đại học ở Hà nội,con đã lựa chọn Sài gòn.Bố đã luôn ủng hộ, tôn trọng quyết định của con.Và rồi bố đã cùng con lên chuyến xe đó vào Sài gòn…
   Bố biết không? Khi con nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông, dáng người thấp thấp. bước từng bước  nặng nề, mái tóc đã bạc đi nhiều, mồ hôi thấm đẫm , nét mặt tỏ vẻ mệt mỏi. Vậy mà trên vai còn phải vác 1 ba lô nặng kình, đựng đầy sách vở và quần áo…Những cảm xúc trong con như trào dâng lên, lòng con nghẹn lại…con thấy hơi cay cay ở mi mắt…và rồi chẳng thể kìm được…nước mắt con đã lăn dài trên má không hay. Con vội lấy tay gạt đi vì sợ bị nhìn thấy…Người đàn ông đó chính là bố…bố của con!
   Khoảng khắc ấy con thấy mình thật có lỗi với bố…có lỗi thật nhiều. Nếu con chăm chỉ học hành hơn  nữa, cố gắng hơn nữa và tự tin thêm chút nữa….Thì giờ đó bố đã không phải vất vả, lặn lội đưa con vào Sài gòn…Đó là 1 quãng đường dài và rất tốn kém…
     Thế nhưng cả hành trình dài 3 tuần , con không nghe thấy 1 câu trách móc, tức giận hay kêu mệt từ bố. Thay vào đó là những lời khích lệ, động viên con…
     Buổi thi đầu tiên kết thúc, như bao bạn khác khi bước ra khỏi địa điểm thi đều được sự quan tâm từ phía bố, mẹ hay người thân…Nhưng khác với những ông bố, bà mẹ kia…vừa thấy con mình đã lao tới… gặm hỏi: “làm được bài không?” “ thế nào! Bao nhiêu %?”….Bố của con tiến lại gần con…một tay bố luồn nhẹ qua người con…một tay cầm ô che cho nắng đỡ hắt vào người con. Bố im lặng suốt quãng đường đi bộ về ký túc xá,và dù bố không hỏi nhưng con biết bố đang chờ câu trả lời từ con.Con đã suýt khóc vì bài thi toán con đã không làm tốt như con mong muốn…Nhưng vì không muốn bố buồn nên con đã nói dối bố: “ con làm bình thường bố ạ!”
   Và sau đó con đã không thể đền đáp công sức và tình yêu thương, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con mà bố dành cho con…..     Con đã trượt Đại học…Con như rơi vào trạng thái mất cân bằng…chán nản,buồn bã, thất vọng với bản thân…và con thấy mình thật có lỗi với bố mẹ…với những gì mà bố mẹ kỳ vọng vào con.Vậy mà…….Con xin lỗi!
    Dù con đủ điểm để đi nguyện vọng các trường đại học khác,nhưng con đã quyết tâm xin bố cho  con thêm 1 cơ hội   : “ Bố !hãy cho con được ôn thi lại..”
    Ngày con ra TP.Vinh ôn thi…con đã nổ lực rất nhiều, cố gắng rất nhiều… bố vẫn thường xuyên gọi điện để động viên con, và dặn dò con chú ý sức khỏe.Vì thế kết quả mỗi lần thi thử của con ở trường chuyên Vinh đều rất khả quan.
    Nhưng rồi, thêm một lần nữa con lại phải nói lời xin lỗi bố! Thêm một lần nữa con lại không tự tin ,vì con sợ..sợ lắm cái cảm giác trượt đại học, con muốm 100% phải đỗ nên con đã không lựa chọn trường mà con thích mà là 1 trường khác ở Hà nội.
    Dù con đỗ Đại học khối A với số điểm tương đối (20điểm). Nhưng trường  Đại học mà con thi vào lại không mấy nổi tiếng….
    Con vui vì mình đỗ Đại học. Nhưng rồi con thấy mình thật xấu hổ khi ôn thi lại 1 năm mà không thi vào một trường nào đó nổi tiếng hơn…để bố mẹ thấy hãnh diện khi ai đó hỏi con đỗ trường gì?....con thật kém cỏi phải không bố?
   Thế nhưng bố vẫn không hề trách cứ con, không 1 lời tỏ ý thất vọng về con, bố luôn tôn trọng, ủng hộ và động viên con tiếp tục…Bố nói: “ Học trường đó cũng được, học Bảo hiểm sau này ra rất có tiềm năng. Chỉ cần con học tốt…”
    Giây phút đó con đã tự hứa với mình là sẽ học thật tốt, sẽ cho mọi người thấy con gái bố không kém cỏi..con không thể làm bố mẹ phải thất vọng về con thêm 1 lần nào nữa…và nhất định con sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình đến cùng. Bởi vì, bố biết không? Khi nhìn thấy bố cười, ánh mắt bố thật trìu mến, lúc đó con thấy rất hạnh phúc….Bố! con yêu bố.

VI/ Ngày ông Nội mất…
      Cái ngày con nhận được tin ông mất..con đã khóc..khóc thật nhiều…con không tin vào tai mình…không tin vào sự thật đáng sợ đó….cho đến bây giờ con cũng không kìm được nước mắt khi nghĩ về ông…1 tiếng thôi……..Ông!
      Con đã chờ đến sáng để lên chuyến xe đầu tiên về Hà tĩnh. Bố gọi điện cho con và bảo: “ Con cứ bình tĩnh, phải về nhà an toàn …”
      Về đến nhà ông, con đã không dám chạy vào nhìn mặt ông lần cuối như con vẫn nghĩ khi còn trên xe….
   Con sợ…con sợ phải thừa nhận sự thật rằng ông đã đi xa…
   Con sợ….sợ lắm…sợ nhìn thấy ông nằm đó, lạnh lẽo, bất động…Con cũng không chạy vào hỏi thăm bà…Mà lén ngồi úp mặt dưới bếp…khóc nức nở….Con như người mất phương hướng…không biết nói gì…không biết phải làm gì…..
    Và con chạy đi tìm bố….Con nhìn thấy bố đứng đó….gương mặt bố tối sầm, hốc hác đi nhiều…Bố không khóc!...từ khi ông mất cho đến khi đưa tang ông, con không thấy bố khóc…
      Bố không khóc hay bố không thể khóc vậy???   Và rồi con nhận ra rằng, không phải cứ khóc là mới đau khổ, mới thương ông…Có những nỗi đau không thể chỉ nhìn thấy từ bên ngoài. Nỗi đau mà buộc phải kìm nén, phải giữ chặt trong lòng…mà không thể tuôn ra qua những giọt nước mắt…Thì đó mới là nỗi đau lớn nhất của con người phải không bố?
      Con hiểu! hiểu rằng là con trai trưởng – là người cần có sự bình tĩnh, sáng suốt nhất – là người vững vàng nhất để người khác có thể dựa vào trong thời điểm như thế…và bố của con là một người như thế!!!

VII/ Lời hứa của con gái bố!
    Bố! 2 năm qua, con đã luôn cố gắng học tập thật tốt và kết quả giờ đây chưa thể nói lên được điều gì nhưng dù sao con đã thấy được niềm vui hiện lên trong mắt bố mẹ khi xem kết quả học tập của con.
   Hai năm qua, con đạt 3 kỳ học bổng và gần đây nhất là việc con được lọt vào danh sách 8/68 bạn cùng lớp đi thi cuộc thi sinh viên giỏi môn chuyên nghành và kết quả thật bất ngờ khi con biết tin con đã đạt giải nhất toàn khoa Bảo hiểm.
   Trong suốt chặng đường con xa nhà …ra Hà nội học, bố đã luôn theo sát con, động viên , khích lệ…vì thế mỗi khi con đạt điểm cao, đạt học bổng…người đầu tiên con muốn thông báo là bố…là bố của con! Con muốn bố vui,muốn nghe tiếng bố cười dù chỉ qua điện thoại…
    Nay gần đến ngày sinh nhật của Bố ngày 14 tháng 9. Người đã cùng con trên khắp hành trình 21 năm qua. Người đã dùng tình cảm để dạy con nên người….
    Bố! có lẽ sinh nhật năm nay bố sẽ vui hơn khi:
-    Chị Hà xuyên tốt nghiệp 2 bằng Đại học.- Ngành QTKD và TCNH.
-     Em Ngọc Cương đã  là  tân sinh viên Đại học Thủy lợi Hà nội.
-    Và con…sắp tới sẽ được nhận học bổng loại giỏi…

 Và con biết bố của con sẽ càng vui hơn vì năm nay, bố sẽ nhận được rất nhiều lời chúc mừng sinh nhật từ những người bạn cùng lớp Đại học năm nào…Những người bạn mà dù thời gian trôi đi..mái đầu ngả màu. Nhưng tình cảm bạn bè thì còn như mới nguyên…không phai nhạt đi cùng năm tháng.Vẫn rất trẻ trung,nhiệt huyết…
   Và liệu sau này , con và những người bạn của con bây giờ có giữ được thứ tình bạn đẹp và thiêng liêng đó không? Nhưng con sẽ cố gắng để làm được như các cô, các chú đã và đang làm…Những cựu sinh viên KT26 Đại học Hàng Hải
  Cuối cùng, Con – đứa con gái cá tính, khó bảo và là con gái “ bia” của bố…Kính chúc bố sinh nhật lần thứ 56 mạnh khỏe, công tác tốt và mãi là điểm tựa vững chắc cho mẹ và 3 chị em con.Và con gái xin hứa sẽ luôn cố gắng học tập thật tốt , hoàn thiện bản thân hơn nữa…để xứng đáng với cái tên bố đặt cho con: Hằng Hải.

VIII/Phần kết:
    Bố ! những dòng tâm sự trên đây là những suy nghĩ, tình cảm mà con gái luôn muốn nói nhưng chưa một lần dám nói…Chắc hẳn khi đọc những dòng này, bố sẽ rất ngạc nhiên vì một đứa con gái cá tính mà trong mắt bố vẫn còn bé lắm lại có nhiều suy nghĩ như thế!!!
     Bố! con gái bố đã lớn, đã trưởng thành hơn rất nhiều kể cả con người lẫn suy nghĩ…con đủ lớn để hiểu và nhận thức những gì xảy ra xung quanh con…và giờ đây khi mà những suy nghĩ con cất giấu trong lòng suốt 21 năm qua , chưa 1 lần con dám nói với bố, nay đã có dịp được nói lên…. Và Bố à! Con gái muốn nói : Bố! con yêu bố…

          Kính thưa các Cô các Chú cựu Sinh viên KT26 Đại học Hằng Hải, thưa các chú Ban biên tập KT26: Trên đây là những dòng tâm sự của cháu con Bố Phúc muốn gửi tới người Bố mà cháu hết mực kính trọng…cháu viết không được hay lắm, thế nhưng đó là tất cả những gì xuất phát từ đáy lòng cháu…được cháu viết bằng cả trái tim, tình yêu và cả sự kính trọng mà cháu luôn dành cho bố. Và cháu rất cảm ơn các cô, các chú đã cho cháu cơ hội để nói lên suy nghĩ ấp ủ trong cháu bấy lâu…Cháu hy vọng khi đọc những dòng tâm sự này, bố cháu sẽ vui và hiểu con gái bố hơn nữa…
   Cuối cùng cháu xin kính chúc các cô chú mạnh khỏe, thành công trong cuộc sống và chúc cho tình bạn của các cô chú mãi mãi bền chặt, thân thiết theo cùng năm tháng cuộc đời…..

                                                                        Con gái “bia” của bố:
                                                                           Hằng Hải