Chẳng hiểu sao nó lại có cái nick name là “hợi”. Chắc tại Nó mập? Không đúng lắm, thời đó khó khăn, hầu kết mọi người đều bị “suy dinh dưỡng”. Hay tại Nó tham ăn, ăn nhiều? Cũng chẳng phải, thời đó đói kém, sinh viên tuổi ăn tuổi lớn thằng nào mà chả vậy. Có lẽ là cái tính đủng đà đủng đỉnh của Nó? Cái này có vẻ hợp lý đó !
Nó đủng đỉnh lắm. Đi đứng cứ thủng thà thủng thẳng. Học hành thi cử cũng vậy. Có ai đời sau thời gian ôn mấy ngày theo qui định. Từ Hà nội, nó xuống thi… trễ. Đã đi muộn, Nó còn nhầm môn thi này sang môn thi khác nữa chứ. Nghiễm nhiên, Nó chả học, chả ôn gì cái môn thi hôm đó. Thế mà vẫn qua. Ừ, vào phòng thi, chép mỗi thằng một chút. Lên bàn thi, mặt mũi giả vờ ngoan hiền chút, giả vờ nghèo khó chút… Nó lại qua được môn đó. Tài thật, đúng là “cái khó ló cái thi”!
Thật vậy, những năm đầu nghe nói nhà Nó cũng khó khăn . Tuần tuần, tháng tháng về nhà nhận tiếp tế, toàn muối tiêu là muối tiêu. Thi thoảng nghe nói có được lọ muối vừng mà mẹ Nó dành dụm, gói ghém cho con trai mang xuống trường. Ấy thế mà bỗng dưng Nó trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người về mức độ khấm khá của gia đình . Cũng chẳng biết nguyên do từ đâu. Nghe nói bố mẹ Nó đi dạy chuyên gia ở vùng Châu Phi gì đó. Lạ thật, ở cái vùng đen đen theo suy nghĩ của tôi lúc đó lấy đâu ra mà giàu với có. Tôi chả tin. Nhưng, có vẻ “xôm” hơn thật trong cách sinh hoạt phóng đãng của Nó. Đến tôi mà còn nhận ra sự thay đổi ấy. Tất nhiên, không thể thoát khỏi cặp mắt dò xét tinh tường của một ông thầy mà chúng tôi hay gọi là “giáo sư RTC”. Thế là Nó “toi”. Giai đoạn “cái tiền làm khổ cái thi” của Nó bắt đầu. Nó bị “mất tư cách” cái môn của “giáo sư RTC”. Cũng may, bố mẹ Nó đi xa, chứ không nghe thấy thằng con trai cưng của mình “mất tư cách” thì ông bà sẽ đau lòng lắm. Sao mà không đau lòng cho được khi công sức bố mẹ nuôi dưỡng. Nghĩ lại những buổi ngồi giã muối tiêu, lo từng lọ vừng cho Nó. Ấy thế mà Nó mang về một cái chứng chỉ “mất tư cách”. Nghĩ cứ ớn thay cho Nó…Về phần Nó, vẫn cứ đủng đỉnh như thường. Mất thì đi tìm lại. Cái chất oai hùng ẩn nấp trong dáng vẻ “hợi” của Nó càng được thể hiện những lúc như thế.
Nó bắt đầu con đường “tìm lại tư cách” từ đúng cái chỗ người ta cho Nó “mất tư cách” ấy. Một gói thuốc 555 và một túi quà nhỏ cho mỗi lần đi tầm sư học đạo ở nhà “giáo sư RTC”. Mỗi lần như thế, Nó tạt qua nhà tôi trước. Thằng này khá thật. Mà Nó còn phóng túng, oai hung nữa chứ. “Cứ hút đi”- Nó bóc ngay gói thuốc và bảo tôi hút – “Không sao, như thế là quá tốt với “giáo sư “ rồi- Mỗi lần một biếu một nhận mà...” Ngon thật, đúng là những điếu thuốc “cắn” trước “giáo sư” có khác. Hút vào, nhả khói từ từ và tận hường cái sự sung sướng khi nghĩ đến khuôn mặt “giáo sư” trong lúc nhận một bao thuốc “không đầy”…Nó đã tìm lại “tư cách bị mất” của Nó như thế đấy. Cũng không lâu, khoảng gần một tháng gì đó. Đúng là cái thằng, nói là làm. Đáng phục, đáng phục ! Tuy nhiên theo cách gọi của chúng tôi thời đó là “hơi hao” một chút.
Nó vẫn cứ thế, có vẻ hơi đủng đỉnh, lười nhác gì đó, chút chút..Nhưng chính sự đủng đỉnh ấy của Nó đã có lần giúp tôi. Tôi nể cái tính oai hùng và bản lĩnh trong cái dáng vẻ đủng đỉnh ấy của Nó…
Cái thời mà chế độ bán quân sự ở trường đã làm cho những thằng sinh viên tuổi ăn , tuổi ngủ bọn tôi phải khốn đốn về cái gọi là trực chiến. Đêm ngày, phân công nhau ra thức, trực ca, bảo vệ.. Quả là một cực hình với những thằng tay trắng học trò mà phải sống và làm việc như anh bộ đội của chúng tôi. Lúc ấy là năm thứ tư, tôi nhớ thế. Cũng do cái tính hay đùa của tôi. Chút xíu đã làm hại tôi… Tôi phân công trực cho lớp. Nói thế nào mà sau đó cả ca trực, chúng nó tưởng tôi nói đùa…!? Chả thằng nào đi trực cả, thế mới chết tôi chứ. Tội bỏ trực lúc đó là ngon ăn cái “trung bình” đánh vào hạnh kiểm. “Đồng chí Hạnh” , quản sinh khoa Kinh tế, gửi cho tôi một cái giấy triệu tập về việc bỏ trực của lớp KT1-26. Chết tôi rồi, làm sao đây? Tôi và Thành cơm hội ý và tìm hiểu được nguyên nhân. Sau khi kiểm tra với Nó… Đã nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm! Thật ra, trước 5 phút của ca trực, “đồng chí Hạnh” đã xuống phòng ở ký túc xá yêu cầu mọi người điểm danh trực rồi… Và Nó đủng đỉnh trả lời là không đi trực được vì “đang mải đánh bài” và không ai phân công. Nó khẳng định 100% với tôi là không có biên bản bỏ trực… Tuyệt! thế là tôi sống rồi cùng với sự hỗ trợ của Nó. Không thể nhờ nhiều người được. Rất dễ bị lộ nếu bị tra hỏi chéo nhau. Hơn nữa, mất công đạo diễn cho nhiều “diễn viên” một lúc. Thế là một mình Nó làm diễn viên chính, độc nhất “tham gia trực cả đêm, cả ngày”. Có đời nhà ai, chỉ có một người mà trực cả đêm, cả ngày, không ăn, không ngủ như Nó …để người khác ôn thi? Anh hùng quá ! Còn Nó thì không phải ôn thi sao? Một cái lý do rất ngớ ngẩn, theo quan điểm của mấy “đồng chí” quản sinh. Nhưng không sao miễn là hiệu quả. Thế là với sự cương quyết ”bảo vệ cái sai” của Nó mà chúng tôi đã “lên lưng cọp”. Nó cứ thủng thẳng trả lời , xác nhận với các “đồng chí quản sinh” khi được hỏi.Và tôi đã thoát cái án kỷ luật ngày ấy. Thực tình còn rất nhiều những tranh cãi với “đồng chí Hạnh” quản sinh khoa. Sau đó tiếp tục được đưa lên quản sinh trường. Trải qua những lúc đập bàn đập ghế. Trải qua những cuộc đầu khẩu, đấu trí giữa một bên sai là mình “chống” lại một bên đúng có quyền, có uy của mấy “đồng chí” quản sinh…
Sau cái vụ “cãi cùn” mà phần thắng thuộc về chúng tôi ấy. Cả ban quản sinh bị mất mặt. Họ thù tôi lắm. Đành vậy, phải cẩn thận trong tất cả các qui định khác thôi! Nhất là cái khoản đánh giá, nhận xét của ban quản sinh chuyển lên khoa trước khi tốt nghiệp. Cũng hơi gay đó... Tuy nhiên, với một trò láu cá của học sinh lúc đó, trong buổi tổ chức liên hoan buổi học cuối khóa. Một phần thưởng là bộ ấm tích Trung quốc đã khéo léo, ý nhị rơi vào tay “Đồng chí Hạnh” quản sinh thông qua trò chơi bốc thăm trúng thưởng của Hồng. Hú vía, thế là đầu xuôi, đuôi lọt…Một phần có công đóng góp lớn từ cách trả lời dủng đỉnh bất cần ấy của Nó, thật đấy!
Ừ, hôm rồi Nó lại đủng đỉnh mang cái dáng vẻ “hợi” bất cần của nó đến với 20 năm KT-26. Nó giới thiệu, Nó đi làm giàu ở cái nơi đen đen gì đó mà nghe nói bố mẹ Nó đi làm chuyên gia. Hình như ít nói tiếng Việt, nên cái chất chậm rãi trong khi nói của Nó càng phát huy tợn. Nó bảo không quen nói trước đám đông. Nhưng có một giọng nữ vang lên bảo Nó nói hay lắm. Tôi cũng nghĩ vậy. Không hay sao được khi mà Nó bảo sang “bển” tính làm khoảng chục năm là có thể nghỉ hưu được. Trời ! Ai đời làm có hơn chục năm mà đã đòi nghỉ hưu như Nó ? Đúng là “hợi”, chẳng oan chút nào!
(Phút lẩn thẩn viết chơi-Ủng hộ phong trào mỗi tuần một nhân vật KT-26)
(Đón đọc số sau – NHỮNG CUỘC CHINH PHỤC CÁC HOA KHÔI KT-ĐHHH…)